Từ điển bệnh lý

Tức ngực : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Tức ngực

Tức ngực là một triệu chứng phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những nguyên nhân lành tính đến những nguyên nhân nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Tức ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, bệnh van tim, bệnh phổi hoặc bệnh lý khác liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp.

Tức ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý tim mạch nguy hiểm

Tức ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý tim mạch nguy hiểm

Theo thống kê, có hơn 17,9 triệu người tử vong mỗi năm do bệnh tim mạch, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, bệnh tim mạch cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, và tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Viện Tim mạch Quốc gia, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở Việt Nam là 10,8%, trong đó xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính. Do đó, hiểu biết về tức ngực, cách phân biệt các nguyên nhân và cách xử trí kịp thời là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.



Nguyên nhân Tức ngực

Tức ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường được chia thành hai nhóm chính:

Tức ngực do bệnh lý tim mạch:

- Bệnh động mạch vành: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tức ngực, do sự hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành cung cấp máu cho tim. [4] Theo nghiên cứu của The Lancet, bệnh động mạch vành là nguyên nhân chính gây tử vong do bệnh tim mạch ở người lớn.

- Nhồi máu cơ tim: Là biến chứng nguy hiểm của bệnh động mạch vành, xảy ra khi động mạch vành - động mạch cấp máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm tổn thương cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng. Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu y tế tối khẩn cấp đòi hỏi xử lý kịp thời.

- Bệnh van tim: Bệnh lý van tim như hở hoặc hẹp van hai lá hoặc ba lá, hở hoặc hẹp mạch chủ, van động mạch phổi có thể gây tức ngực do tim phải làm việc quá sức. Bệnh van tim ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, dẫn đến các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi và đau ngực.

- Bệnh cơ tim: Bệnh lý về cơ tim như viêm cơ tim, suy tim, tăng sinh cơ tim gây ra tức ngực do tim không bơm máu hiệu quả. Bệnh cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm tình trạng nhiễm trùng, bệnh tự miễn và di truyền.

- Bệnh mạch máu ngoại biên: Hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch ở chi dưới làm giảm lưu lượng máu đến chân, có thể gây đau chân khi đi bộ và đau ngực do tim phải làm việc quá sức. [8] Bệnh mạch máu ngoại biên thường gặp ở người lớn tuổi, người hút thuốc lá và những người có bệnh lý mãn tính như đái tháo đường.

- Phình bóc tách động mạch chủ: Tình trạng phình bóc tách động mạch chủ gây tổn thương nghiêm trọng lòng động mạch chủ, gây áp lực lên các cơ quan lân cận, Đau tức ngực là triệu chứng phổ biến của tình trạng này. Phình động mạch chủ có thể vỡ động mạch dẫn đến suy tuần hoàn, nguy hiểm đến tính mạng.

- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường như nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, rung nhĩ hoặc rung thất có thể gây tức ngực. Rối loạn nhịp tim có thể làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và đau ngực.

Đau tức ngực là triệu chứng phổ biến của bệnh mạch vành

Đau tức ngực là triệu chứng phổ biến của bệnh mạch vành

Tức ngực do bệnh lý khác:

  • Bệnh lý phổi: Viêm phổi viêm màng phổi, tràn khí tràn dịch màng phổi, thuyên tắc phổi có thể gây tức ngực do ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp. Các bệnh lý phổi thường kèm theo các triệu chứng như khó thở, ho, sốt và đau tức ở ngực.
  • Bệnh lý tiêu hóa: Viêm dạ dày, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm tụy cấp có thể gây đau ngực do kích thích thần kinh phế vị. Đau ngực do bệnh lý tiêu hóa thường có liên quan đến bữa ăn hoặc thay đổi tư thế.
  • Bệnh lý cơ xương khớp: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sốt ngực, tổn thương xương ức, sườn có thể gây đau ngực lan tỏa. Đau ngực do bệnh lý cơ xương khớp thường tăng lên khi vận động hoặc thay đổi tư thế.
  • Bệnh lý thần kinh: Rối loạn thần kinh như đau dây thần kinh liên sườn có thể gây tức ngực. Đau ngực do bệnh lý thần kinh thường cảm giác như châm chích, nhói hoặc tê bì.
  • Bệnh lý tâm lý: Lo lắng, stress, hoảng loạn cũng có thể gây ra cảm giác tức ngực. Tức ngực do tâm lý thường xảy ra đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng và thường kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, khó thở, và cảm giác sợ hãi.

Triệu chứng Tức ngực

Tức ngực là triệu chứng khá đa dạng và có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Tùy vào nguyên nhân hoặc bệnh lý sẽ có đặc điểm tức ngực khác nhau, thông thường tức ngực có thể có các đặc điểm sau đổi với nguyên nhân do bệnh lý tim mạch:

  • Cảm giác: Tức ngực là cảm giác đau, chèn ép, nặng, căng tức hoặc như bị siết chặt ở ngực.
  • Vị trí: Tức ngực thường xảy ra ở ngực trái, nhưng có thể lan tỏa sang ngực phải, lưng hoặc hàm.
  • Cường độ: Tức ngực có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng.
  • Thời gian: Tức ngực có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, kéo dài vài phút hoặc vài giờ.
  • Yếu tố khởi phát: Tức ngực có thể xảy ra khi gắng sức, nghỉ ngơi, ăn uống, thay đổi thời tiết hoặc thậm chí khi ho, hắt hơi.

Ngoài ra, tức ngực có thể đi kèm với các triệu chứng khác như:

  • Khó thở: Có thể là dấu hiệu của bệnh phổi hoặc tim mạch.
  • Toát mồ hôi: Thường xảy ra khi tức ngực do nhồi máu cơ tim.
  • Buồn nôn: Có thể do đau ngực gây kích thích dạ dày.
  • Chóng mặt: Có thể do thiếu máu lên não.
  • Choáng: Là dấu hiệu nghiêm trọng.

Tức ngực là cảm giác đau, chèn ép, nặng, căng tức hoặc như bị siết chặt ở ngực.

Tức ngực là cảm giác đau, chèn ép, nặng, căng tức hoặc như bị siết chặt ở ngực.



Các biện pháp chẩn đoán Tức ngực

Chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực đòi hỏi sự kết hợp giữa đánh giá lâm sàng, tiền sử bệnh, khám thực thể và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Đánh giá lâm sàng:

Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, thói quen hút thuốc, chế độ ăn uống, mức độ hoạt động thể lực, và các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Khám thực thể: Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, huyết áp, nghe tim phổi, và kiểm tra các dấu hiệu bất thường khác như phù chân, mất mạch.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Điện tâm đồ (ECG): đánh giá chức năng hoạt động điện của tim, có thể phát hiện các bất thường như nhịp tim bất thường, thiếu máu cơ tim.
  • Siêu âm tim: Kiểm tra chức năng và cấu trúc tim.
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chỉ số máu, chức năng thận, đường huyết, cholesterol, men tim.
  • Chụp động mạch vành (coronary angiography): Phương pháp xâm lấn, cho phép quan sát trực tiếp động mạch vành, giúp phát hiện các mảng xơ vữa hoặc tắc nghẽn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho phép quan sát hình ảnh của tim và các mạch máu.
  • Thử nghiệm gắng sức: Kiểm tra chức năng tim khi gắng sức, giúp xác định khả năng hoạt động của tim và phát hiện bệnh động mạch vành.

Phân loại thể bệnh

Tức ngực có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh:

  • Tức ngực do bệnh lý tim mạch: Bao gồm tức ngực do bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch máu ngoại biên, phình bóc tách động mạch chủ, rối loạn nhịp tim.
  • Tức ngực do bệnh lý khác: Bao gồm tức ngực do bệnh lý phổi, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh, tâm lý.

Các biện pháp điều trị Tức ngực

Điều trị tức ngực phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị tức ngực do bệnh lý tim mạch:

  • Điều trị nội khoa: Bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ cholesterol, thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị bệnh van tim hoặc bệnh cơ tim.
  • Điều trị can thiệp: Bao gồm nong động mạch vành, đặt stent lòng mạch, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, phẫu thuật thay van tim.
  • Thay đổi lối sống: Bao gồm bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát stress.
  • Điều trị tức ngực do bệnh lý khác:
  • Điều trị nội khoa: Thuốc điều trị theo nguyên nhân
  • Điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc chống lo âu.

Biến chứng, phát hiện và xử trí biến chứng

Tức ngực có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là với bệnh lý tim mạch:

  • Nhồi máu cơ tim (Myocardial Infarction): Là biến chứng nguy hiểm nhất, xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn, gây tổn thương cơ tim.
  • Đột quỵ (Stroke): Xảy ra khi động mạch não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn cung cấp máu cho não.
  • Suy tim: Tim không bơm máu hiệu quả do tổn thương cơ tim hoặc bệnh lý van tim.
  • Phình bóc tách động mạch chủ: Phình động mạch chủ có thể vỡ gây chảy máu trong.

Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo:

  • Đau ngực: Cảm giác đau, tức, nặng, hoặc như bị thắt chặt ở ngực.
  • Khó thở: Cảm giác khó thở, thở gấp, hoặc thở khò khè.
  • Toát mồ hôi: Toát mồ hôi lạnh, đặc biệt là kèm theo đau ngực.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Có thể do kích thích dạ dày.
  • Chóng mặt: Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Choáng: Là dấu hiệu nguy hiểm, cho thấy tim không bơm máu hiệu quả.

Xử trí biến chứng:

  • Các tình trạng cấp cứu như nhồi máu cơ tim, Đột quỵ, Suy tim, Phình bóc tách động mạch chủ: đều cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh

  1. Tức ngực có nguy hiểm không?
  • Tức ngực có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân gây tức ngực lành tính. Do đó, nếu bạn có triệu chứng tức ngực, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
  1. Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Tức ngực kéo dài hơn 5 phút.
  • Tức ngực xuất hiện đột ngột, dữ dội, hoặc kèm theo các triệu chứng như khó thở, toát mồ hôi, choáng, buồn nôn.
  • Tức ngực xảy ra lần đầu tiên.
  • Tức ngực không cải thiện sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau thông thường.
  1. Làm sao để phòng ngừa tức ngực?

Để phòng ngừa tức ngực, hãy tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây các bệnh lý tim mạch , bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Kiểm soát huyết áp cao.
  • Kiểm soát mỡ máu cao.
  • Kiểm soát đái tháo đường.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Giảm stress.
  1. Làm gì khi bị đau tức ngực?
  • Nghỉ ngơi ngay:
  • Ngồi hoặc nằm xuống ở tư thế thoải mái, cố gắng thư giãn cơ thể.
  • Tránh hoạt động gắng sức hoặc vận động mạnh.
  • Hạn chế nói chuyện nhiều, tránh tăng nhịp thở.
  • Sử dụng thuốc (nếu có):
  • Nếu bạn được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau ngực, như nitroglycerin (dưới dạng viên ngậm hoặc xịt), hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp hoặc các bệnh mãn tính khác, hãy tiếp tục uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức:
  • Nếu cơn đau ngực kéo dài trên 5 phút hoặc không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc.
  • Nếu đau ngực dữ dội, lan tỏa, kèm theo khó thở, toát mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc choáng.
  • Nếu bạn có tiền sử bệnh tim mạch hoặc nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim.
  • Lưu ý:
  • Không tự ý dùng thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định.
  • Không lái xe hoặc tự di chuyển khi bị đau tức ngực, nên gọi xe cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa đến bệnh viện.
  • Hãy mô tả rõ ràng các triệu chứng, thời gian xuất hiện, cường độ và các yếu tố khởi phát cơn đau cho nhân viên y tế để họ có thể chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Tóm lại, tức ngực là một triệu chứng có thể báo hiệu cho một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tức ngực nào, để được khám và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe bản thân.

TTND.TTƯT.PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi khám Tim mạch tại MEDLATEC

TTND.TTƯT.PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi khám Tim mạch tại MEDLATEC

MEDLATEC là đơn vị có chuyên khoa Tim mạch chất lượng cao với sự tham gia khám chữa bệnh của TTND.TTƯT.PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Nếu có vấn đề về đau tức ngực hoặc các bệnh lý tim mạch khác, Quý khách có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua số đường dây nóng 1900 56 56 56 để được đặt lịch khám chữa bệnh.



Tài liệu tham khảo:

[1] Libby P, Ridker PM, Hansson GK. Inflammation in atherosclerosis: From pathophysiology to practice. J Am Coll Cardiol. 2009;54(23):2129-38.

[2] AHA Scientific Statement From the American Heart Association. Prevention of coronary heart disease: A statement for healthcare professionals from the American Heart Association. Circulation. 1993;88(5 Pt 1):1508-27.

 [3] World Health Organization. The top 10 causes of death. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/the-top-10-causes-of-death

[4] World Health Organization (WHO). Cardiovascular diseases (CVDs).. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cardiovascular-diseases-(cvd)

[5] The Lancet. Global, regional, and national burden of cardiovascular diseases for 1990 and 2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. Lancet. 2018;391(10125):1225-32.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ