Từ điển bệnh lý

Tụt canxi máu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-03-2025

Tổng quan Tụt canxi máu

Tụt canxi là gì?

Tụt canxi hay được gọi hạ canxi máu - là lúc chỉ số nồng độ canxi trong máu tụt thấp so với chỉ số bình thường của cơ thể. Chỉ số bình thường để cơ thể hoạt động là: 8,8 - 10,4 mg/dL. Khi chỉ số dưới mức tham chiếu này, báo hiệu bạn đang gặp tình trạng tụt canxi.

Chỉ số canxi trong cơ thể người bình thường phụ thuộc và 3 yếu tố sau:

  • Đường vào: Lượng canxi mà bạn đưa vào dạ dày qua việc ăn uống thực phẩm hàng ngày.
  • Đường hấp thụ: Mức độ canxi mà ruột hấp thụ được.
  • Đường bài tiết: Lượng canxi mà thận bài tiết ra ngoài.

Theo khuyến cáo, 1000mg canxi mỗi ngày là mức độ mà người trưởng thành nên nạp vào cơ thể để duy trì chỉ số canxi ổn định. Trong đó, 200 - 400mg lượng canxi được ruột hấp thụ, khoảng 400mg bị bài tiết hệ bài tiết cơ thể, phần còn lại sẽ được thải ra ngoài cùng với phân.


Nguyên nhân Tụt canxi máu

Hạ calci máu có giảm PTH

Nhóm nguyên nhân này xuất phát từ sự suy giảm sản xuất hoặc chức năng của hormon tuyến cận giáp (PTH):

  • Suy tuyến cận giáp nguyên phát: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hạ calci máu. Các bệnh lý phổ biến bao gồm:
    • Vô sản hoặc thiểu sản tuyến cận giáp: Hay gặp ở bệnh nhân hội chứng DiGeorge, một rối loạn bẩm sinh gây bất thường trong phát triển tuyến cận giáp.
    • Phẫu thuật vùng cổ: Can thiệp phẫu thuật tuyến giáp hoặc cận giáp có thể gây tổn thương tuyến cận giáp, dẫn đến suy giảm PTH.
    • Tổn thương do xạ trị: Bệnh nhân xạ trị vùng cổ có nguy cơ cao bị tổn thương vĩnh viễn tuyến cận giáp.
    • Bệnh tự miễn: Rối loạn miễn dịch như hội chứng polyglandular autoimmune type 1 làm phá hủy mô tuyến cận giáp.
  • Suy tuyến cận giáp thứ phát: Một số tình trạng như tăng magie máu, giảm magie máu nặng hoặc nhiễm độc kim loại nặng (như nhôm) gây suy giảm chức năng tuyến cận giáp, mặc dù tuyến không bị tổn thương thực thể.

Hạ calci máu có tăng PTH

Trong nhóm này, cơ thể tăng tiết PTH để bù đắp hạ calci, nhưng đáp ứng không hiệu quả:

  • Thiếu hụt hoặc rối loạn hấp thu vitamin D: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu:
    • Thiếu vitamin D do chế độ ăn không đủ hoặc ít tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
    • Bệnh lý đường tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc sau cắt đoạn ruột non làm giảm hấp thu vitamin D.
    • Suy gan và suy thận mạn, do giảm tổng hợp các dạng hoạt động của vitamin D như 25(OH)D và 1,25(OH)2D.
    • Một số thuốc như phenytoin, rifampin có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D.
  • Kháng PTH: Tình trạng này còn gọi là giả suy tuyến cận giáp (pseudohypoparathyroidism), xảy ra do bất thường receptor PTH hoặc tín hiệu nội bào.
  • Lắng đọng canxi hoặc phosphate: Các bệnh lý như tiêu cơ vân cấp, viêm tụy cấp, hoặc suy thận mạn gây lắng đọng phosphate, làm giảm nồng độ canxi ion hóa.

Nhóm nguyên nhân khác

Nhóm này bao gồm các nguyên nhân không liên quan trực tiếp đến PTH:

  • Sử dụng thuốc: Một số thuốc như bisphosphonates, calcitonin hoặc cisplatin có thể gây hạ canxi máu thông qua ức chế hủy xương hoặc giảm hấp thu canxi.
  • Rối loạn kiềm toan: Kiềm hóa máu làm tăng tỷ lệ canxi gắn kết với albumin, dẫn đến giảm nồng độ canxi ion hóa mặc dù canxi toàn phần bình thường.
  • Bệnh lý toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, viêm nặng hoặc hạ albumin máu (do thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh gan) cũng có thể góp phần gây hạ canxi máu.

Suy tuyến cận giáp - một trong những nguyên nhân gây hạ canxi

Suy tuyến cận giáp - một trong những nguyên nhân gây hạ canxi



Triệu chứng Tụt canxi máu

Biểu hiện khi tụt canxi

Một số triệu chứng của hạ canxi máu thường giống như tụt huyết áp, tụt đường huyết hoặc mất điện giải. Tuy nhiên, để cấp cứu nhanh - đúng - hiệu quả và tránh biến chứng, chúng ta cần nắm kĩ biểu hiện đặc trưng khi tụt canxi máu như sau:

Hạ calci máu cấp tính, khi nồng độ canxi ion hóa giảm đột ngột, có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng và nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến kích thích quá mức của hệ thần kinh cơ và tim mạch.

  • Triệu chứng thần kinh cơ:
  • Co thắt cơ: Đây là dấu hiệu điển hình, bao gồm co thắt bàn tay (dấu hiệu bàn tay người thợ đúc) và co thắt cơ mặt (dấu hiệu Chvostek).
  • Cơn tetany: Tình trạng co thắt cơ lan tỏa, thường gây đau đớn, có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp, dẫn đến khó thở.
  • Chuột rút và dị cảm: Bệnh nhân có thể cảm thấy tê bì hoặc châm chích, đặc biệt ở quanh miệng, ngón tay và ngón chân.
  • Biểu hiện thần kinh trung ương:
  • Kích thích, lo âu hoặc thậm chí lú lẫn, co giật. Trong trường hợp nặng, hạ canxi máu có thể gây co giật toàn thể mà không có tổn thương thần kinh thực thể.
  • Biểu hiện tim mạch:
  • Kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ: Hạ canxi máu cấp có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim nguy hiểm như xoắn đỉnh.
  • Hạ huyết áp hoặc suy tim cấp tính trong trường hợp nghiêm trọng.
  • Biểu hiện lâm sàng của hạ canxi máu cấp đòi hỏi xử trí kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Đối tượng nguy cơ Tụt canxi máu

Tụt canxi máu là dễ xảy ra ở các nhóm tuổi và giới tính. Đặc biệt, những người hấp thụ canxi thấp hoặc ăn những mức độ hấp thụ ít, bài tiết cao khiến tỉ lệ gặp tình trạng hạ canxi máu cao.Các yếu tố nguy cơ gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: Những người có bệnh lý tiêu hóa hoặc viêm ruột là yếu tố lớn gặp khó khăn trong việc hấp thụ canxi từ thực phẩm.
  • Bệnh lý tụy: Viêm tụy có thể giải phóng các sản phẩm phân hủy mỡ, kết hợp với canxi và làm giảm nồng độ canxi trong máu.
  • Suy thận và suy gan: Cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bài tiết và chuyển hóa canxi, dẫn đến hạ canxi máu.

Quấy khóc - một trong những biểu hiện tụt canxi ở trẻ em

Quấy khóc - một trong những biểu hiện tụt canxi ở trẻ em 



Phòng ngừa Tụt canxi máu

Bổ sung canxi đúng liều lượng: Canxi trong thực phẩm hằng ngày là nguồn bổ sung giàu dưỡng chất nhất. Các loại thực phẩm như sữa, các chế phẩm từ sữa, đậu, hải sản, các loại rau xanh đậm (như cải xoăn, bông cải xanh). Nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ canxi khiến tình trạng tụt canxi xảy ra, hãy cân nhắc sử dụng thuốc bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các thực phẩm giàu Canxi

Các thực phẩm giàu Canxi

- Bổ sung vitamin D: Vitamin D là yếu tố vi lượng luôn được khuyên dùng đi kèm với Canxi. Hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời bằng cách phơi nắng trước 9 giờ sáng hoặc sau 15 giờ chiều. Các thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nấm, các chế phẩm từ sữa có chứa nhiều vitamin D tốt cho cơ thể.

- Tập luyện thể dục: Tập thể thao thường xuyên phù hợp với thể lực và độ tuổi. Đặc biệt là các môn thể thao tốt cho xương như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và bóng rổ, giúp tăng cường sức khỏe và khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.

- Hạn chế các yếu tố làm mất canxi: Tránh hút thuốc lá, giảm tiêu thụ caffeine và muối. Vì các yếu tố này tăng quá trình đào thải canxi qua nước tiểu.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con bú, người già và trẻ em, những đối tượng có nhu cầu canxi cao cần được theo dõi và kiểm tra mức độ canxi thường xuyên để có kế hoạch bổ sung kịp thời.


Các biện pháp điều trị Tụt canxi máu

Hạ calci máu cấp là một tình trạng y khoa khẩn cấp, đòi hỏi xử trí nhanh chóng và theo dõi sát để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến thần kinh cơ, tim mạch và hệ hô hấp. Dưới đây là các bước sơ cứu và điều trị:

  1. Đánh giá tình trạng ban đầu
  • Lâm sàng: Xác định các triệu chứng như co thắt cơ, dị cảm, cơn tetany, khó thở, hoặc dấu hiệu rối loạn nhịp tim.
  • Cận lâm sàng: Thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ canxi toàn phần, canxi ion hóa, magie, phosphate, albumin và PTH, xác định nguyên nhânn
  1. Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn
  • Theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, và nhiệt độ: Hạ calci máu nặng có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc co thắt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp.
  • Điện tâm đồ (ECG): Theo dõi liên tục để phát hiện kéo dài khoảng QT và các rối loạn nhịp nguy hiểm như xoắn đỉnh.
  1. Điều trị cấp cứu
  • Bổ sung canxi đường tĩnh mạch:
  • Sử dụng calcium gluconate 10%, liều 10–20 mL (90–180 mg canxi nguyên tố) pha loãng với 100 mL dung dịch NaCl 0,9% hoặc dextrose 5%, truyền tĩnh mạch trong 10–20 phút.
  • Theo dõi ECG trong suốt quá trình truyền để phát hiện các biến chứng tim mạch.
  • Truyền canxi duy trì: Sau liều bolus ban đầu, tiếp tục truyền canxi với tốc độ 0,5–2 mg/kg/giờ để duy trì nồng độ canxi trong ngưỡng an toàn.
  • Bổ sung magie nếu cần: Thiếu magie thường gặp đồng thời với hạ canxi máu và làm giảm hiệu quả điều trị. Dùng magnesium sulfate 1–2 g tiêm tĩnh mạch chậm nếu có hạ magie máu.
  1. Điều trị nguyên nhân và hỗ trợ lâu dài
  • Bổ sung vitamin D: Nếu hạ calci máu liên quan đến thiếu hụt vitamin D, cần bổ sung dạng hoạt hóa (calcitriol) để cải thiện hấp thu canxi từ ruột.
  • Kiểm soát tăng phosphate: Trong trường hợp tăng phosphate (như suy thận mạn), có thể sử dụng các thuốc gắn phosphate để giảm lắng đọng calci-phosphate.
  • Theo dõi lặp lại: Định kỳ kiểm tra nồng độ canxi, magie và phosphate để đánh giá hiệu quả điều trị
  1. Biện pháp hỗ trợ khác
  • Hỗ trợ hô hấp: Nếu bệnh nhân có co thắt cơ hô hấp hoặc cơn tetany nặng dẫn đến khó thở, cần cung cấp oxy hoặc đặt nội khí quản trong trường hợp cần thiết.
  • Điều trị triệu chứng: Dùng thuốc an thần hoặc chống co giật (như diazepam) để kiểm soát tạm thời các cơn co thắt cơ nặng.

 Sơ cấp cứu khi phát hiện tụt canxi

Sơ cấp cứu khi phát hiện tụt canxi


Tài liệu tham khảo:

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23143-hypocalcemia 
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430912/ 




Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ