Từ điển bệnh lý

U ác buồng trứng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-02-2025

Tổng quan U ác buồng trứng

Buồng trứng là gì?

Buồng trứng là một cấu trúc giải phẫu quan trọng trong hệ sinh sản nữ, nằm bên trong ổ bụng. Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng và được kết nối với tử cung qua hai ống dẫn trứng. 

Về cấu trúc, buồng trứng có hình bầu dục, kích thước khoảng 3-5 cm ở phụ nữ trưởng thành, cấu tạo chia thành hai phần gồm:

  • Vỏ buồng trứng: Lớp bên ngoài, chứa các nang trứng.
  • Tủy buồng trứng: Chứa mạch máu và mô liên kết giúp nuôi dưỡng buồng trứng.

Về chức năng: buồng trứng có hai chức năng chính gồm sinh sản và nội tiết.

  • Sản xuất trứng (noãn bào): Buồng trứng chứa hàng trăm nghìn nang trứng khi bé gái bước vào tuổi dậy thì, nhưng mỗi chu kì kinh nguyệt đa phần sẽ chỉ có một nang trứng phát triển đến trưởng thành và rụng trứng.
  • Tiết hormone sinh dục nữ: buồng trứng tiết estrogen giúp các cơ quan đích phát triển tạo nên các đặc điểm sinh dục nữ. Ngoài ra hormone từ buồng trứng còn là yếu tố điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giúp chuẩn bị nội mạc tử cung thích hợp cho quá trình mang thai nếu có.

Hình ảnh vị trí giải phẫu buồng trứng trong cơ thể người phụ nữ

Hình ảnh vị trí giải phẫu buồng trứng trong cơ thể người phụ nữ 

U buồng trứng là gì? 

U buồng trứng là sự xuất hiện của một hoặc nhiều khối bất thường trong buồng trứng, có thể lành tính hoặc ác tính. Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp, ảnh hưởng đến phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các khối u này có thể phát triển từ các tế bào bên trong buồng trứng hoặc do sự tích tụ dịch trong nang trứng, gây ra những thay đổi về cấu trúc, chức năng của buồng trứng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như nội tiết tố nữ.

Phân loại u buồng trứng

U buồng trứng có thể được phân loại dựa trên tính chất mô học và khả năng tiến triển của khối u, gồm hai nhóm chính:

  • U buồng trứng lành tính: U lành tính không có khả năng xâm lấn mô lân cận hoặc di căn sang các cơ quan khác, nhưng nếu phát triển lớn có thể gây biến chứng chèn ép các cơ quan lân cận và ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng.
  • U ác buồng trứng (ung thư buồng trứng): Đây là dạng nguy hiểm nhất của u buồng trứng, có khả năng xâm lấn các mô xung quanh và di căn đến các cơ quan khác qua đường bạch huyết và mạch máu. Các loại u ác buồng trứng thường gặp gồm:

Ung thư biểu mô buồng trứng:

  • Chiếm khoảng 90% các trường hợp ung thư buồng trứng, phát triển từ lớp tế bào biểu mô phủ bên ngoài buồng trứng.
  • Bao gồm các thể như ung thư thanh dịch, ung thư nhầy, ung thư tế bào sáng, ung thư nội mạc.

Ung thư tế bào mầm:

  • Xuất phát từ các tế bào tạo trứng, thường gặp ở phụ nữ trẻ.
  • Một số thể phổ biến gồm u quái ác tính, ung thư túi noãn hoàng, ung thư tế bào mầm hỗn hợp.

Ung thư mô đệm - dây sinh dục:

  • Xuất phát từ mô đệm của buồng trứng, nơi sản xuất hormone.

Tại Việt Nam, ung thư buồng trứng đứng thứ 9 trong các ung thư thường gặp và thứ 7 về các nguyên nhân tử vong do ung thư ở nữ giới.



Nguyên nhân U ác buồng trứng

- Tuổi tác : Phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn, với tỷ lệ gia tăng khoảng 11% so với người trẻ.

- Dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 52 tuổi) làm tăng thời gian tiếp xúc với hormone estrogen, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

- Phụ nữ chưa từng sinh con hoặc gặp vấn đề vô sinh có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.

- Lạc nội mạc tử cung: Tình trạng mô nội mạc tử cung phát triển ngoài tử cung có thể dẫn đến viêm nhiễm mãn tính và tăng nguy cơ ung thư.

- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Sự rối loạn nội tiết trong hội chứng này có thể làm thay đổi sự phát triển của buồng trứng, làm tăng nguy cơ ung thư.

- Liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh: Phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT) sau mãn kinh, đặc biệt là estrogen đơn thuần trong thời gian dài, có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với những người không sử dụng.

- Yếu tố di truyền và đột biến gen

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng làm tăng nguy cơ do yếu tố di truyền.
  • Đột biến gen BRCA1 và BRCA2:
    • Phụ nữ mang đột biến BRCA1 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng lên tới 35 - 70% trong suốt cuộc đời.
    • Đột biến BRCA2 cũng làm tăng nguy cơ nhưng với tỷ lệ thấp hơn (khoảng 10 - 30%).
  • Hội chứng Lynch: Một rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng và ung thư đại trực tràng.

- Thói quen sinh hoạt và môi trường

  • Hút thuốc lá: Các hóa chất trong thuốc lá có thể gây đột biến tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Phụ nữ làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất độc hại, như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, amiăng… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ăn nhiều chất béo động vật

Béo phì (BMI > 30 kg/m²) có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn, đặc biệt là các loại ung thư liên quan đến hormone.

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của u ác buồng trứng

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của u ác buồng trứng 



Các biện pháp chẩn đoán U ác buồng trứng

Việc chẩn đoán u ác buồng trứng đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp nhằm xác định tính chất ác tính của khối u. 

Ở giai đoạn sớm, bệnh có triệu chứng mơ hồ và không đặc hiệu như trì nặng bụng dưới, rối loạn tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt… Vào giai đoạn muộn hơn, triệu chứng thường gặp như cảm giác chướng bụng, đầy bụng, chán ăn hoặc ăn mau no, người bệnh có thể tự sờ thấy khối u trên bụng, đôi khi thấy khó thở do tình trạng tràn dịch màng phổi.

Bệnh nhân có thể phát hiện khối u ác buồng trứng trong các tình huống sau:

  • Bác sĩ sờ thấy khối u ở vùng chậu qua thăm khám phụ khoa.
  • Cảm giác chướng bụng, khó thở, thăm khám phát hiện tràn dịch màng bụng hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Phát hiện khối u buồng trứng một cách tình cờ qua siêu âm mà không có triệu chứng nào.

Cận lâm sàng

Siêu âm đầu dò và doppler mạch máu: Siêu âm ngã âm đạo có giá trị cao trong chẩn đoán khối u vùng chậu bao gồm u ác buồng trứng, độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

 Siêu âm đầu dò âm đạo là phương tiện đầu tay để khảo sát u buồng trứng

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương tiện đầu tay để khảo sát u buồng trứng

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) : CT thông thường có độ nhạy 63-79%, độ đặc hiệu 82%.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) : Độ nhạy 91%, độ đặc hiệu 88%, thường được dùng để đánh giá toàn diện hơn khối u ác buồng trứng sau siêu âm đầu dò hoặc ở phụ nữ chưa quan hệ tình dục.

Soi đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) được chỉ định khi khối u ác buồng trứng có nghi ngờ di căn từ đường tiêu hóa.

Chụp PET CT được làm khi có chỉ định lâm sàng nghi ngờ di căn xa.

Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (Tumor markers):

  • CA 125 (Carcinoma Antigen 125) : Độ nhạy và độ đặc hiệu <80%, có giá trị trong theo dõi để phát hiện các trường hợp tái phát hay di căn.
  • HE 4 (Human Epididymis Protein 4): HE4 một mình có độ nhạy 78%, độ đặc hiệu 95%, khi kết hợp với CA 125 để tính nguy cơ ác tính của buồng trứng theo chỉ số ROMA test có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất là 89% và 91%.
  • AFP (Alphafetoproteine): Có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi ung thư buồng trứng loại bướu tế bào mầm
  • ΒhCG (β Human Chorionic Gonadotropine): Có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi ung thư buồng trứng loại bướu tế bào mầm.
  • Có thể chỉ định thêm CEA, CA 19-9, CA 15-3… khi có nghi ngờ ung thư buồng trứng do di căn từ các cơ quan khác.

Sinh thiết (Biopsy) – Tiêu chuẩn vàng để chuẩn đoán u ác buồng trứng

  • Chọc hút dịch ổ bụng nếu có cổ trướng.
  • Sinh thiết mô bệnh học (thường thực hiện trong phẫu thuật) để xác định chính xác bản chất ác tính của khối u.

Chẩn đoán phân biệt với u ác buồng trứng

  • U nang buồng trứng lành tính.
  • U xơ tử cung.
  • Bệnh lý tiêu hóa gây chướng bụng kéo dài.



Các biện pháp điều trị U ác buồng trứng

Điều trị ung thư buồng trứng (u ác buồng trứng) phụ thuộc vào loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các phương pháp chính bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Phẫu thuật – Phương pháp điều trị chủ yếu

Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Mục tiêu là loại bỏ tối đa khối u để tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị bổ trợ.

Ở phụ nữ đã có đủ con hoặc không có nhu cầu sinh con sẽ thực hiện ở phẫu thuật triệt để.

Đối với phụ nữ trẻ, chưa có con, mong muốn có con có thể phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản, sau khi có con sẽ phẫu thuật triệt để.

Phẫu thuật là một phương pháp để điều trị u ác buồng trứng

Phẫu thuật là một phương pháp để điều trị u ác buồng trứng 

  • Hóa trị : Được áp dụng sau phẫu thuật hoặc ở giai đoạn muộn để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị bổ trợ : Dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật, giúp làm giảm nguy cơ tái phát.
  • Hóa trị tân bổ trợ : Dùng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp ca mổ dễ dàng hơn.
  • Xạ trị : Ít được sử dụng hơn do ung thư buồng trứng thường lan rộng trong ổ bụng. 
  • Điều trị hỗ trợ và chăm sóc giảm nhẹ
  • Kiểm soát triệu chứng: Giảm đau, kiểm soát dịch ổ bụng (cổ trướng), hỗ trợ dinh dưỡng.
  • Hỗ trợ tâm lý: Giúp bệnh nhân hiểu và thích nghi với các tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị.

Theo dõi và tiên lượng

  • Các yếu tố tiên lượng thuận lợi
  • Trẻ tuổi.
  • Tình trạng sức khỏe tốt.
  • Các loại ung thư tế bào khác ngoài tế bào tiết nhầy và tế bào sáng.
  • Khối u biệt hóa tốt.
  • Thể tích khối u nhỏ trước mổ.
  • Không có dịch báng.
  • Thể tích khối u còn lại nhỏ sau phẫu thuật giảm tổng khối u.

Lịch tái khám để theo dõi sau khi điều trị u ác buồng trứng:

  • 3 tháng đầu tái khám mỗi tháng 1 lần, sau đó tái khám mỗi 3 tháng cho đủ 2 năm.
  • 3 năm tiếp theo tái khám mỗi 6 tháng.
  • Tiếp tục khám mỗi năm đến suốt đời.

Nội dung khám:

  • Khám tổng quát toàn diện.
  • Khám phụ khoa.
  • Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh:
  • Siêu âm tổng quát mỗi lần khám
  • Chụp XQ phổi mỗi năm
  • MRI bụng chậu: khi có chỉ định lâm sàng.
  • CA125 mỗi lần tái khám đối với ung thư biểu mô buồng trứng.
  • βhCG, αFP mỗi lần tái khám đối với ung thư tế bào mầm.
  • Testosteron, Estrogen, Progesteron mỗi lần tái khám đối với ung thư mô đệm dây sinh dục.

Ung thư buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm, thường diễn tiến âm thầm và đa số được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị. Hiện nay với sự phát triển của y học, các phương pháp chẩn đoán sớm và điều trị ngày càng tiên tiến, giúp cải thiện tiên lượng và chất lượng sống cho bệnh nhân. Việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và theo dõi các dấu hiệu bất thường có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và phát hiện sớm ung thư buồng trứng. 



Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng - Phác đồ sản phụ khoa bệnh viện Hùng Vương 2024
  2. Ung thư buồng trứng - Phác đồ sản phụ khoa bệnh viện Từ Dũ 2022


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ