Từ điển bệnh lý

U buồng trứng lành tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan U buồng trứng lành tính

Khối u hình thành ở buồng trứng hầu như là u nang lành tính. Ngày nay, tỷ lệ các chị em phụ nữ có khối u nang buồng trứng đang có xu hướng tăng dần không rõ nguyên nhân. Mặc dù là khối u lành tính nhưng các triệu chứng bệnh vẫn có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe người bệnh.

Khối u nang buồng trứng có bản chất là một túi chứa bên trong toàn bộ là chất lỏng nằm trên buồng trứng hoặc bên trong buồng trứng. Đây là căn bệnh cực kỳ phổ biến và có thể xuất hiện ngay từ khi các bé gái chưa dậy thì tùy nhiên mỗi người bệnh lại có khối u khác nhau và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Có thể bệnh được phát hiện và chẩn đoán sớm do xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường, nhưng cũng có nhiều trường hợp người bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Khối u hình thành ở buồng trứng hầu như là u nang lành tính

Khối u hình thành ở buồng trứng hầu như là u nang lành tính

U buồng trứng lành tính có thể tự tiêu biến sau một vài lần rụng trứng có kéo theo khối u. Tuy nhiên, cũng có nhiều khối u đặc biệt bị vỡ ra và gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì vậy, dù biết các khối u buồng trứng là lành tính không đe dọa tính mạng con người nhưng cũng cần được chẩn đoán sớm và lựa chọn phương hướng điều trị phù hợp.


Nguyên nhân U buồng trứng lành tính

Buồng trứng là cơ quan sinh dục quan trọng trong vấn đề sinh sản của nữ giới. Vai trò chính của buồng trứng là sản sinh và nuôi dưỡng trứng, phóng thích trứng hàng tháng nhằm tạo liên kết với tinh trùng để phát triển thành phôi thai em bé. Các nang trứng có nhiệm vụ sản sinh ra hormone progesterone và estrogen nhằm giúp trứng rụng đúng thời điểm, hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Những người mắc bệnh béo phì cũng có nguy cơ bị u buồng trứng cao hơn bình thường.

Những người mắc bệnh béo phì cũng có nguy cơ bị u buồng trứng cao hơn bình thường.

Hầu hết các khối u nang buồng trứng đều bắt nguồn từ các nang trứng không thoái hóa (không rụng trong chu kỳ) mà hình thành lên các khối u. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do các vấn đề rối loạn nội tiết tố hoặc các bệnh lý có ảnh hưởng như bệnh lạc nội mạc tử cung hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Ngoài ra còn có các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ hình thành khối u buồng trứng lành tính như:

  • Bệnh nhân sử dụng quá nhiều liều thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp.
  • Chế độ cung cấp dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn nhiều các loại thực phẩm chứa hormone (các loại thịt, trứng, sữa,...), ăn ít các loại thực phẩm tự nhiên (rau củ quả tươi).
  • Thường xuyên bị áp lực công việc, căng thẳng đầu óc, stress,... ảnh hưởng làm thay đổi nội tiết tố.
  • Những người mắc bệnh béo phì cũng có nguy cơ bị u buồng trứng cao hơn bình thường.
  • Gan bị tổn thương cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u buồng trứng.

Triệu chứng U buồng trứng lành tính

Các khối u nang phát hiện ở buồng trứng có thể hình thành theo nhiều loại khác nhau nhưng hầu hết chúng đều là các khối u lành tính (chiếm hơn 90%). Chỉ một số nhỏ trường hợp phụ nữ tiền mãn kinh có khối u nang buồng trứng chuyển biến thành ung thư. Đa số bệnh nhân bị u nang buồng trứng lành tính đều không biểu hiện triệu chứng bệnh bất thường bởi các khối u phát triển âm thầm và có thể tự biến mất. Dưới đây là một số triệu chứng của u buồng trứng thường gặp nhất:

  • Đau vùng chậu, đùi, thắt lưng: Các cơn đau có thể xuất hiện ở vùng chậu hoặc dọc thắt lưng hoặc đôi khi xảy ra ở 2 bên đùi. Khối u phát triển lớn hơn và chèn ép lên các dây thần kinh sau xương chậu gây đau nhức, tuy nhiên các cơn đau có thể không xuất hiện thường xuyên mà chỉ thoáng qua khiến người bệnh không chú ý tìm hiểu nguyên nhân.

Đau vùng chậu, đùi, thắt lưng

Đau vùng chậu, đùi, thắt lưng

 

  • Đau tức vùng bụng (có thể kèm theo triệu chứng đầy hơi, buồn nôn và nôn): Trường hợp khối u buồng trứng phát triển với kích thước lớn sẽ gây khó chịu tức thời cho bệnh nhân, cảm giác chướng bụng, phình bụng hoặc thậm chí sờ thấy có khối u ở bụng. Hiện tượng đầy hơi, buồn nôn và nôn có thể xuất hiện ở bệnh nhân u nang buồng trứng lành tính nhưng cũng có thể là dấu hiệu nhận biết có khối u ác tính gây thương tổn đến các cơ quan lân cận. Ngoài ra, triệu chứng buồn nôn và nôn cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa.
  • Bị đau khi quan hệ tình dục: Nếu người bệnh gặp phải tình trạng bị đau một bên thì có thể là do ảnh hưởng của khối u nang buồng trứng. Khối u phát triển với kích thước lớn sẽ gây chèn ép lên mọi tổ chức xung quanh, quá trình quan hệ tình dục lại gây thêm áp lực sẽ kết hợp khiến chị em phụ nữ bị đau. Bên cạnh đó, khối u phát triển lớn có thể nằm ngay gần cổ tử cung gây cản trở hoạt động của tử cung.
  • Rối loạn tiểu tiện: Người bệnh u nang buồng trứng có thể xuất hiện triệu chứng tiểu nhiều hoặc tiểu rắt và luôn có cảm giác bị đau buốt khi tiểu tiện. Nguyên nhân chính là do khối u buồng trứng phát triển lớn và chèn ép lên bàng quang.

Đau bụng, rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về buồng trứng 

  • Rối loạn kinh nguyệt: Buồng trứng có nhiệm vụ hỗ trợ sản sinh nội tiết tố, chính vì vậy nếu buồng trứng gặp sự cố thì cơ thể bệnh nhân sẽ mất cân bằng nội tiết tố, khả năng cao sẽ gây ra rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tăng cân: Hầu hết các bệnh lý có ảnh hưởng đến sức khỏe đều gây ra tình trạng sụt cân. Tuy nhiên ở bệnh nhân u nang buồng trứng lành tính thì khả năng cao lại có dấu hiệu tăng cân nhanh không rõ nguyên nhân.

Các biến chứng U buồng trứng lành tính

Khối u buồng trứng lành tính thường xuất hiện ở dạng u nang cơ năng có thể phát triển và tự tiêu biến sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp phải những trường hợp xuất hiện các loại u nang buồng trứng thực thể có nguy cơ phát triển với kích thước lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

U buồng trứng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm 

U buồng trứng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm 

Dưới đây là một số biến chứng mà bệnh nhân u buồng trứng có thể gặp phải:

  • Xoắn u nang: Các khối u buồng trứng có kích thước nhỏ, cuống dài và không bị dính là những đối tượng dễ bị xoắn nhất. Hiện tượng xoắn u nang có thể gây đau bụng dữ dội cho người bệnh, cơn đau kéo dài liên tục và có thể đi kèm với triệu chứng nôn mửa, chóng mặt. Khối u phát triển lớn hơn sẽ kéo theo triệu chứng đau vùng hạ vị và hai hố chậu, bụng chướng và có phản ứng thành bụng.
  • Vỡ nang: Khi lượng dịch trong các u nang sản sinh quá nhiều có thể gây áp lực lớn khiến túi nang không thể chịu được và vỡ ra, các cơ đau sẽ kéo tới đột ngột khiến bệnh nhân bị choáng váng. Cơn đau kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, trong một số trường hợp người bệnh còn bị chảy máu trong khi vỡ nang. Sau khi vỡ nang, nguy cơ nhiễm trùng diện rộng lây lan tới các cơ quan xung quanh, tính mạng có thể bị đe dọa nếu không kịp thời xử lý.
  • Các tạng xung quanh bị chèn ép: Biến chứng này thường xuất hiện muộn khi khối u phát triển lớn tới mức chèn ép lên các cơ quan xung quanh làm hạn chế hoạt động. U nang chèn ép bàng quang gây rối loạn tiểu tiện, chèn niệu quản gây ứ nước bể thận, chèn ép trực tràng gây táo bón, chèn ép các nhóm tĩnh mạch chủ phía dưới gây phù chi dưới, tuần hoàn bàng hệ, cổ trướng,...
  • Một vài trường hợp hiếm khối u nang buồng trứng lành tính chuyển biến thành ung thư.

Các biện pháp chẩn đoán U buồng trứng lành tính

Thông thường, khối u buồng trứng có thể được phát hiện thông qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng và siêu âm vùng chậu. Ngoài ra, tùy thuộc vào kích thước và tính chất của khối u mà các xét nghiệm chẩn đoán khác có thể được chỉ định nhằm cung cấp thêm thông tin cần thiết. Bác sĩ sẽ lựa thông qua kết quả các xét nghiệm để tư vấn người bệnh có cần phải điều trị bệnh hay không.

Một số phương pháp có thể được chỉ định thực hiện như sau:

  • Thử thai: Kết quả thử thai có thể cho thấy sự xuất hiện của khối u hoàng thể.
  • Siêu âm vùng chậu: Siêu âm đầu dò âm đạo là biện pháp mang tới độ chính xác cao, vị trí, kích thước và tính chất của khối u đều có thể nhận biết được.

Siêu âm đầu dò âm đạo là biện pháp mang tới độ chính xác cao

  • Nội soi ổ bụng: Phương pháp này cho thấy hình ảnh rõ nét hơn về buồng trứng và phát hiện khối u dễ dàng. Nội soi ổ bụng thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật nội soi nhằm loại bỏ khối u.
  • Xét nghiệm máu CA 125: Kiểm tra nồng độ kháng nguyên ung thư 125 (CA 125) nhắm xác định nguy cơ xuất hiện khối u ác tính trong buồng trứng. Nếu khối u được chẩn đoán có thể đặc, rắn thì sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm này vì nguy cơ ung thư cao. Tuy nhiên, kết quả cho thấy nồng độ CA 125 cao cũng chưa thể khẳng định có ung thư vì một số căn bệnh khác cũng có thể làm tăng nồng độ CA 125 (như bệnh u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay các bệnh viêm nhiễm vùng chậu).

Các biện pháp điều trị U buồng trứng lành tính

Tùy thuộc vào loại khối u nang buồng trứng phát triển như thế nào mà việc lựa chọn điều trị bệnh sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Trường hợp khối u buồng trứng là loại u nang cơ năng, không có triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân và có kích thước nhỏ thì khả năng cao bác sĩ sẽ tư vấn không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi tại nhà.

Đối với trường hợp người bệnh vẫn không an tâm thì có thể sử dụng thêm các loại thuốc nội tiết tố do bác sĩ kê đơn nhằm hạn chế phát triển của khối u và cân bằng nội tiết tố giảm thiểu triệu chứng.

Những trường hợp hợp bệnh nhân có khối u phát triển quá lớn hoặc là loại u nang buồng trứng thực thể thì cần được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u nhằm hạn chế biến chứng và ngăn ngừa nguy cơ chuyển biến ung thư.

  • Nếu khối u là u nang nước hoặc u nang nhầy: Chỉ định cắt bỏ cả 2 buồng trứng ngăn chặn nguy cơ tái phát.
  • U nang bì: Cắt bỏ khối u, cố gắng giữ lại các nhu mô lành.

Cắt bỏ khối u, cố gắng giữ lại các nhu mô lành.

  • U nang ở bệnh nhân đang có thai: Chỉ định phẫu thuật cắt u vào tháng thứ 4 để giữ an toàn cho thai nhi. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu xuất hiện biến chứng nguy hiểm thì cần phải thực hiện sớm nhất có thể, bất kỳ tháng thai kỳ nào.

Trường hợp bệnh nhân tuổi còn trẻ được chẩn đoán có u buồng trứng ở 2 cả bên thì cần phải xem xét kỹ càng trước lựa chọn điều trị cắt bỏ khối u hay không. Nếu khối u gây biến chứng nghiêm trọng thì sẽ được thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u và cố gắng bảo tồn tối đa các nhóm nhu mô lành lặn và vòi trứng, mục đích giữ lại khả năng sinh sản cho người bệnh.

Nếu khối u phát triển xâm lấn các nhóm dây chằng rộng phải tiến hành bóc tách khối u hoàn toàn, giảm tổn thương tối đa tới vùng niệu quản, bàng quang và hệ động mạch chậu.


Tài liệu tham khảo:

  • U nang buồng trứng có nguy hiểm không? | Hệ thống Vinmec
  • Bệnh u nang buồng trứng lành tính | Vương Bảo Phụ - giảm u xơ tử cung, u nang buồng trứng
  • Tìm hiểu về u nang buồng trứng lành tính | Hệ thống Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.