Từ điển bệnh lý

U lành tính ở phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan U lành tính ở phổi

Khi tế bào ở một khu vực trong cơ thể bắt đầu có hiện tượng phân chia bất thường và phát triển trái quy luật sẽ tích tụ thành những khối u. Chúng có thể xuất hiện ở đường hô hấp dẫn tới phổi hoặc trong mô phổi. Các khối u này có khả năng là ác tính (bệnh ung thư) hoặc là lành tính (không phải ung thư).

U lành tính ở phổi thường là những khối u phát triển chậm, không có dấu hiệu xâm lấn sang những tổ chức khác và không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ngoài ra loại u này cũng có thể bắt nguồn từ việc biến đổi cấu trúc của phổi nhưng cũng không gây nguy hiểm.

U lành tính ở phổi thường là những khối u phát triển chậm, không có dấu hiệu xâm lấn sang những tổ chức khác

U lành tính ở phổi thường là những khối u phát triển chậm, không có dấu hiệu xâm lấn sang những tổ chức khác

Một thuật ngữ khác cần được chú ý đến là nốt phổi. Hiện tượng này dễ dàng được quan sát trên các phim chụp X-quang hoặc CT, chúng thường đứng đơn lẻ một mình và cũng có khi hội tụ thành những đám san sát nhau. Những nốt phổi này được coi là lành tính khi:

- Bệnh nhân đang ở độ tuổi dưới 40;

- Trong nốt phổi là tổ chức vôi hóa;

- Kích thước của nốt phổi nhỏ, xếp loại Lung Rads 1-2

Phân biệt với nốt phổi, khối u phổi thường lớn hơn với đường kính từ 3cm trở lên. Nếu sinh thiết khối này làm giải phẫu bệnh thấy thành phần tạo nên khối u là các tế bào bình thường, không di căn thì đây là khối u lành tính.

 


Nguyên nhân U lành tính ở phổi

Hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu ra nguyên nhân thực sự dẫn tới sự tăng sinh của các tế bào hình thành nên các khối u phổi lành tính. Có thể chúng chính là kết quả của những tình trạng sau:

- Do người bệnh thường xuyên hút thuốc lá;

Người bệnh thường xuyên hút thuốc lá có thể gây u phổi

Người bệnh thường xuyên hút thuốc lá có thể gây u phổi

- Bệnh nhân nhiễm virus gây u nhú;

- Áp xe phổi: thường là do vi khuẩn khiến phổi có những vết nhiễm trùng bên trong chứa đầy mủ; Khi khối áp xe được giải phóng và hồi phục có thể tạo thành sẹo phổi.

- U hạt: do nhiễm nấm (ví dụ như bệnh cầu trùng hoặc bệnh nấm histoplasmosis), nhiễm vi khuẩn (vi khuẩn lao) tạo ra các chùm nhỏ tế bào bị viêm ở phổi;

- Các dị tật bẩm sinh như sẹo phổi, u nang phổi hoặc dị dạng về phổi khác;

- Mắc các bệnh lý gây viêm như u hạt Wegener, sarcoidosis hoặc viêm khớp dạng thấp.


Triệu chứng U lành tính ở phổi

Khi mới hình thành, bệnh nhân thường sẽ hiếm khi cảm nhận được rõ rệt các cơn đau hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào do các khối u lành tính gây nên. Có một số ít các trường hợp khối u to dần và chèn ép các cấu trúc xung quanh, khi đó bệnh nhân dễ bị đau vùng ngực một cách dữ dội, thậm chí ảnh hưởng cả sang bả vai lẫn vùng sau lưng. Đặc biệt khi người bệnh vận động mạnh hoặc ho thì cơn đau càng trở nên dữ dội hơn.

Các dấu hiệu nghi ngờ trong phổi bệnh nhân có u lành tính bao gồm:

- Ho kéo dài, có khi bị ho ra máu;

Triệu chứng bệnh nhân bị u phổi là sốt, ho kéo dài

Triệu chứng bệnh nhân bị u phổi là sốt, ho kéo dài

- Thở khò khè, khó thở;

- Sụt cân, mệt mỏi;

- Sốt, kèm theo cả viêm phổi;

- Khàn tiếng.

Sự khác biệt giữa khối u ác tính và khối u lành tính ở phổi

Dựa vào những đặc điểm dưới đây sẽ giúp phân biệt được đâu là ung thư và đâu chỉ là khối u lành tính:

Tuổi khởi phát: thường thì đối tượng người cao tuổi sẽ dễ bị ung thư hơn. Nhưng u lành tính lại có khả năng xuất hiện ở mọi lứa tuổi;

Tốc độ phát triển: Khối u lành tính thường phát triển với tốc độ khá chậm, có nhiều trường hợp còn thu nhỏ kích thước theo thời gian. Trái lại, những khối u ác tính lại có xu hướng tăng trưởng rất nhanh, trung bình một khối u ác tính sẽ chỉ mất khoảng 4 tháng để nhân đôi;

- Sự xâm lấn: không giống như ung thư, khối u lành tính không xâm lấn và gây bệnh lan sang những mô lân cận;

Nguy cơ tái phát: sau khi được cắt  bỏ cả 2 loại u này đều có nguy cơ tái phát nhưng u ác tính thì có thể tái phát ở nhiều vị trí khác so với ban đầu, còn u lành thì chỉ mọc lại ở chỗ cũ;

Rủi ro đối với sức khỏe: khi nhắc tới ung thư phổi thì hầu hết chúng ta đều biết rằng tỷ lệ sống sót của người bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với mắc u lành tính, đồng thời hiệu quả điều trị cũng còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện ung thư sớm hay muộn. Đối với những khối u lành tính, khả năng kiểm soát và loại bỏ triệt để cao hơn, chúng thỉ thực sự nguy hiểm nếu xuất hiện ở các mạch máu lớn vùng ngực (ví dụ như động mạch chủ).

Có những loại u lành tính ở phổi nào?

Danh sách các tên gọi khối u phổi lành tính thường gặp:

Hamartomas:

- Đây là một loại nốt phổi lành tính dễ gặp nhất. Trên tổng số các loại u phổi lành tính, chúng chiếm khoảng 55% và 8% trong số các loại u phổi. Tỷ lệ tìm thấy Hamartomas ở phần ngoài mô liên kết của phổi là 80%, phần còn lại nằm trong các ống phế quản (hay còn được gọi là các đường dẫn khí tới phổi);

- Nam giới trong độ tuổi từ 50 - 70 là đối tượng dễ bị Hamartomas;

Hamartomas là một loại nốt phổi lành tính dễ gặp nhất

Hamartomas là một loại nốt phổi lành tính dễ gặp nhất

- Nguồn gốc của Hamartomas: chúng được hình thành từ chất béo, mô liên kết, mô sụn và cơ với số lượng bất thường. Có thể quan sát hình ảnh của chúng trên phim chụp X-quang sẽ thấy chúng có kích thước đường kính vào khoảng dưới 4cm, hình thù là một nốt tròn giống đồng xu hoặc bỏng ngô hay dạng lông cừu. Điều đáng mừng là Hamartomas chỉ khu trú trong một phạm vi có giới hạn chứ không phát triển lan rộng sang các mô xung quanh nó;

Papillomas (u nhú):

- Papillomas là một loại u lành tính ít phổ biến và thường xuất hiện trong các ống phế quản và nhô ra khỏi niêm mạc nơi chúng neo đậu. Có 3 loại Papillomas đó là:

+/ U nhú tuyến: thường xảy ra ở người trưởng thành, dạng nốt và “đóng đô" ở trung tâm của phổi. Hiện vẫn chưa chứng minh được nguyên nhân dẫn tới u nhú dạng tuyến;

+/ U nhú dạng vảy: phổ biến hơn u nhú tuyến và cả trẻ em lẫn người lớn đều có khả năng bị dạng u này. Nguyên nhân là do nhiễm phải virus u nhú phát triển ở người. Đáng chú ý là có một số trường hợp u nhú dạng vảy có thể phát triển thành u ác tính;

+/  U nhú hỗn hợp: là những u chứa cả mô u nhú dạng tuyến và dạng vảy.

U tuyến phế quản: đây là u lành tính phổ biến và thường xuất hiện trong ống phế quản hoặc trong tuyến nhầy của phổi;

Các khối u lành tính khác ở phổi: một số loại u lành tính hiếm gặp khác đó là lipomas, chondromas, neurofibromas và fibromas. Nguồn gốc của các u này bắt nguồn từ mô mỡ hoặc mô liên kết.


Phòng ngừa U lành tính ở phổi

Bất kể là u lành tính hay ác tính, không có khối u nào vẫn là tốt nhất. Để hạn chế nguy cơ tạo cơ hội cho các khối u phát triển trong phổi, mỗi người nên:

- Không hút thuốc lá và không tiếp xúc gần với khói thuốc: đây là tác nhân dẫn tới 90% các bệnh lý về phổi, kể cả u lành tính. Do đó cần loại bỏ sản phẩm này ra khỏi cuộc sống hàng ngày ngay lập tức;

Không hút thuốc lá và không tiếp xúc gần với khói thuốc

Không hút thuốc lá và không tiếp xúc gần với khói thuốc

- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài hoặc ở trong môi trường ô nhiễm, có nhiều bụi bẩn và hóa chất độc hại để giữ cho lá phổi luôn luôn được sạch sẽ;

- Thường xuyên tập thể dục đều đặn: nên dành ít nhất tầm 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần để vận động cơ thể, giúp ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh về phổi, ung thư, tiểu đường tim mạch,...;

- Chế độ ăn uống hợp lý: hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ, chất béo có hại, không nên tiêu thụ thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời nên ăn nhạt (dưới 5g muối/ngày). Cần bổ sung các chất xơ và vitamin cho cơ thể;

- Trang bị đồ bảo hộ đầy đủ nếu tiếp xúc với hóa chất: nhằm tránh trường hợp hít phải nhiều khói độc cần phải mặc đồ bảo hộ khi ở trong môi trường chứa đầy các chất độc hại. Những hoá chất  có liên quan tới bệnh u phổi bao gồm crom, niken, silic, thạch tín,...


Các biện pháp chẩn đoán U lành tính ở phổi

Bên cạnh việc khai thác các thông tin về bệnh sử và thăm khám sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, chụp X-quang sẽ là biện pháp được bác sĩ chỉ định nhiều lần. Nếu trong vòng ít nhất 2 năm mà nốt phổi giữ nguyên kích thước thì được coi là lành tính. Tuy nhiên theo định kỳ hàng năm bệnh nhân cần phải theo dõi và kiểm tra lại để đảm bảo rằng trong vòng 5 năm nó vẫn là u lành.

Còn nếu nốt phổi hoặc khối u phổi có sự biến đổi về hình dáng hoặc kích thước, các xét nghiệm khác sẽ được áp dụng để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này đồng thời loại trừ khả năng ung thư phổi. Cụ thể là:

- Quan sát đường thở bệnh nhân thông qua nội soi phế quản;

- Xét nghiệm lao trên da để xác định bệnh lao;

- CT phát xạ ảnh đơn - SPECT;

- Chụp PET;

- Chụp MRI (tùy trường hợp bệnh cảnh);

Chụp MRI để chẩn đoán u lành ở phổi

Chụp MRI để chẩn đoán u lành ở phổi

- Sinh thiết tế bào. Mẫu bệnh sẽ được quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm để kiểm tra xem đó là khối u ác tính hay lành tính.


Các biện pháp điều trị U lành tính ở phổi

Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc u lành tính, người bệnh sẽ được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ bằng cách sử dụng thuốc để kìm hãm sự tiến triển của khối u và thu nhỏ kích thước của nó. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) để theo dõi và thăm dò những thay đổi bất thường của khối u.

Trong trường hợp bệnh nhân thuộc các đối tượng sau, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u:

- Người nghiện thuốc lá và khối u có nguy cơ cao sẽ tiến triển thành ung thư;

- Kết quả xét nghiệm báo hiệu khối u có khả năng trở thành u ác tính;

- Bệnh nhân hay bị khó thở hoặc gặp các dấu hiệu khó chịu khác về đường hô hấp;

- Các nốt phổi hoặc khối u ở phổi phát triển liên tục không ngừng.

Phụ thuộc vào phân loại và vị trí của khối u sẽ quyết định phương thức phẫu thuật phù hợp. Khối u có thể được bác sĩ loại bỏ một phần nhỏ, một hoặc đa phần của một thuỳ, một hoặc nhiều thuỳ của phổi hoặc thậm chí là toàn bộ lá phổi. Tất nhiên bác sĩ sẽ ưu tiên giữ lại càng nhiều cấu trúc phổi càng tốt để giảm thiểu sự loại bỏ các mô phổi.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.