Từ điển bệnh lý
U màng não lành tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan U màng não lành tính
U màng não còn được biết đến với tên tiếng anh là Meningiomas, khối u hình thành và phát triển từ màng não (lớp màng bảo vệ hệ thần kinh trung ương). Thường các khối u xuất hiện ở màng não đều lành tính (chiếm hơn 90%) và không có dấu hiệu di căn, phát triển chậm và hầu như không gây ảnh hưởng nhiều tới tình trạng sức khỏe người bệnh.
Các khối u màng não lành tính thường xuất hiện ở vùng vòm não, dọc liềm não hoặc cánh bé xương bướm, trong một vài trường hợp có thể gặp tình trạng u màng não lạc chỗ mọc ở dưới da đầu hoặc trong xương sọ. Hầu hết u màng não đều phát triển chậm nhưng cũng có một vài trường hợp phát triển rất nhanh và gây ra nhiều triệu chứng bất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Các khối u màng não lành tính thường xuất hiện ở vùng vòm não
Mặc dù u màng não lành tính ít ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe người bệnh, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp khối u phát triển lớn chèn ép lên các nhóm dây thần kinh trung ương. Nếu khối u không được xử lý kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, có khả năng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân U màng não lành tính
Nguyên nhân khiến các khối u màng não phát triển chủ yếu là do sự phát triển mất kiểm soát của các tế bào bao phủ màng não, rễ thần kinh tủy sống hay tủy sống. Ngoài ra, các yếu tố bẩm sinh, bệnh lý hoặc tác nhân ngoại cảnh cũng tác động làm tăng nguy cơ hình thành các khối u.
- Bệnh nhân bị u màng não thường là những người có độ tuổi từ 30 đến 70 tuổi, hầu như trẻ em hiếm khi gặp phải tình trạng này. Tỷ lệ nữ giới có khối u màng não lành tính cao gấp đôi so với nam giới, tuy nhiên trường hợp nam giới bị u màng não ác tính chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ giới.
- Những người từng tiếp xúc với các chất phóng xạ ion hóa có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so với những người không có tiếp xúc.
- Bệnh di truyền Neurofibromatosis type 2 (đa sợi thần kinh loại 2) khiến nguy cơ xuất hiện u màng não cao hơn.
- Bệnh ung thư vú cũng có mối liên quan đặc biệt với tình trạng hình thành u màng não lành tính.
Bệnh ung thư vú cũng có mối liên quan đặc biệt với tình trạng hình thành u màng não lành tính.
- Nghiên cứu các bệnh nhân u màng não cho thấy rằng, một số trường hợp phát hiện lượng hormone progesterone, estrogen và androgen có dấu hiệu tăng trong khối u màng não.
- Tỷ lệ người da đen có nguy cơ có khối u màng não cao hơn ở người da trắng.
Triệu chứng U màng não lành tính
U màng não lành tính thường phát triển chậm và không gây ra nhiều triệu chứng bất thường, vì vậy hầu như bệnh nhân u màng não được chẩn đoán xác định khi khối u đã phát triển trong một khoảng thời gian dài, kích thước đã lớn hơn rất nhiều. Tùy thuộc vào từng vị trí có khối u và kích thước to hay nhỏ mà các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện nhiều hay ít.
Một số triệu chứng u màng não lành tính thường gặp:
- Đau đầu: Cảm giác đau đầu sẽ bắt nguồn từ vùng có khối u, sau đó sẽ lan rộng ra toàn bộ đầu nếu như không được xử lý triệt để khối u. Hầu hết các loại thuốc giảm đau không có tác dụng đối với trường hợp này.
Cảm giác đau đầu sẽ bắt nguồn từ vùng có khối u
- Động kinh: Tay hoặc chân đột nhiên bị co giật có thể là dấu hiệu của khối u màng não, trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn sẽ khiến toàn bộ cơ thể bị co giật (thời gian người bệnh rơi vào trạng thái động kinh có thể lên tới 30 phút).
- Rối loạn ý thức: Một số tật về ý thức có thể xuất hiện như đột nhiên thay đổi tính cách, thay đổi hành vi, ngủ gà, lú lẫn,...
- Thường xuyên bị buồn nôn không rõ nguyên nhân, các cơn đau đầu kết hợp với triệu chứng nôn mửa khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng mệt mỏi, không còn sức lực.
- Một số triệu chứng bệnh khác như rối loạn thị giác, yếu chi, ù tai, không nghe được,...
Khối u màng não nằm ở các vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện triệu chứng khác nhau như:
- U tại liềm não: khó ghi nhớ, giảm khả năng lập luận, yếu chi dưới, co giật hoặc dị cảm tê bì.
- U bán cầu: đau đầu, co giật, yếu chi
- U tại xương bướm: thị lực rối loạn, mất cảm giác trên khuôn mặt
- U tại hố yên yên: thị giác bị ảnh hưởng
- U rãnh khứu: Mất khả năng ngửi mùi, thị lực kém
- U tại hố sau: đi đứng loạng choạng, giảm khả năng vận động
- U trong não thất: đau đầu, buồn nôn, thị giác kém, rối loạn chức năng tâm thần kinh
- U trong ổ mắt: tăng áp lực ổ mắt, nguy cơ mất thị giác, lồi mắt
- U tại cột sống: đau lưng và các chi
Các biến chứng U màng não lành tính
Khối u màng não lành tính không thể xâm lấn hay làm thương tổn đến các tổ chức xung quanh, tuy nhiên các khối u sẽ lớn dần và chèn ép lên các nhóm dây thần kinh trung ương. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: Rối loạn thị giác, đau nhức không thuyên giảm, mất khả năng ngửi mùi, mất cảm giác trên khuôn mặt hay các chi, co giật, rối loạn hành vi,...
U màng não lành tính có thể gây chèn ép lên các nhóm dây thần kinh nếu chúng lớn dần
U màng não lành tính nếu mới phát triển sẽ có kích thước nhỏ, không gây áp lực hay chèn ép lên bất kỳ tổ chức nào thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, khối u sẽ phát triển lớn dần và có dấu hiệu chèn ép lên các nhóm dây thần kinh trung ương, gián tiếp gây ảnh hưởng đến rất nhiều nhóm cơ quan khác nhau trên cơ thể. Trong một vài trường hợp, khối u màng não phát triển quá lớn đồng thời nằm tại vị trí đặc biệt thì sẽ gây ra tình trạng một số hệ cơ quan mất đi chức năng hoạt động, nguy hiểm đến tính mạng.
Khối u màng não lành tính thường có dấu hiệu phát triển chậm đồng thời không có khả năng di chuyển. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định khối u sẽ phát triển cực lớn và có khả năng chèn vào nhu mô não gây rối loạn thị giác, rối loạn tri giác hoặc thậm chí liệt nửa người,...
Các biện pháp chẩn đoán U màng não lành tính
U màng não có thể xuất hiện rất nhiều triệu chứng bệnh khác nhau, chính vì vậy các bác sĩ sẽ khám lâm sàng nhằm kiểm tra các triệu chứng thực tế của bệnh để dự đoán vị trí khối u, từ đó sẽ có định hướng thực hiện chẩn đoán bằng các xét nghiệm chuyên sâu.
- Chụp x-quang sọ não: Hình ảnh chụp x -quang sọ não sẽ cho thấy 3 đặc điểm chính của khối u màng não, bao gồm dấu giãn rộng các nhóm dây mạch máu màng não, dày xương hoặc hủy xương và các nốt vôi hóa của khối u. Tỷ lệ hủy xương hoặc tăng sinh xương rơi vào khoảng 50% và 18% vôi hóa.
Chụp x-quang sọ não
- Siêu âm não: Phương pháp siêu âm xuyên sọ có thể được sử dụng khi bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu ảnh hưởng vùng não thất và đường giữa.
- Xạ hình (Scintigraphie): Mục đích thực hiện phương pháp này là xác định vị trí chính xác của khối u màng não đồng thời kiểm tra được kích thước của nó.
- Chụp cắt lớp PET/CT (Positron Emission Tomography/CT scanner) và Ghi hình não với 18FDG (Fluorine-18-DeoxyGlucose) - PET: Phát hiện vị trí khối u, mức độ lan rộng và độ ác tính của khối u (nếu có), định hướng phương pháp điều trị phù hợp.
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não: Kiểm tra mức độ phù não có thể xảy ra (ví dụ như u màng não trong não thất), có thể phù não chỉ xuất hiện quanh khối u hoặc lan rộng tới chất trắng cả bán cầu. Trong một số trường hợp, u màng não có thể bị nhầm lẫn với bệnh ung thư tiền liệt tuyến di căn não bởi các triệu chứng cũng tương tự vì vậy chụp cắt lớp vi tính có thể xác định phân biệt được.
- Chụp mạch não (hoặc CT scan): Nguồn cấp máu nuôi u thường bắt nguồn từ nhóm động mạch cảnh ngoài và một số trường hợp được cấp máu từ động mạch cảnh trong. Phương pháp chẩn đoán này sẽ xác định được vị trí cụ thể của khối u màng não và dự tính phương án điều trị thông qua hình ảnh mạch não. Ngoài ra, biện pháp này còn cho biết các thông tin về tắc xoang tĩnh mạch màng cứng nếu khối u nằm tại các vị trí như liềm não hoặc nằm cạnh xoang tĩnh mạch dọc trên.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương đồng như:
- Phân biệt u lớn tuyến yên và u màng não vùng trên hố yên.
- Phân biệt u bao dây thần kinh với u màng não vị trí góc cầu tiểu não.
- Phân biệt u xơ thần kinh với u màng não vị trí ngoại biên.
- Phân biệt với các khối u trong cùng trục (astrocytoma, glioma, u di căn não…).
Các biện pháp điều trị U màng não lành tính
Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần phải dựa vào các yếu tố như: vị trí khối u hình thành, kích thước khối u, các triệu chứng thần kinh, tuổi tác bệnh nhân và tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh. Vì là khối u màng não lành tính cho nên lựa chọn phù hợp nhất thường được sử dụng là phẫu thuật loại bỏ khối u. Tuy nhiên, một số trường hợp khối u nằm tại vị trí đặc biệt như gần thân não, nền sọ và các vùng chức năng thì phương pháp phẫu thuật sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn được khối u. Các bác sĩ có thể lựa chọn kết hợp với những phương pháp khác như xạ trị, xạ phẫu để loại bỏ hoàn toàn khối u màng não.
Phẫu thuật điều trị u màng não lành tính
- Loại bỏ khối u đồng thời hạn chế tối đa các tổn thương tới các tổ chức lân cận, đặc biệt là những vị trí đặc biệt có thể gây biến chứng đe dọa tính mạng nếu thực hiện không đúng cách.
Phẫu thuật điều trị u màng não lành tính
- Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ có thể gây tắc mạch chọn lọc nhằm hạn chế nguy cơ chảy máu trong quá trình điều trị.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u màng não đòi hỏi phải mở hộp sọ và thực hiện thông qua kính vi phẫu.
- U màng não lành tính có thể được điều trị triệt để sau phẫu thuật, còn trường hợp u màng não ác tính thì cần phải bổ sung các biện pháp khác như xạ trị, hóa trị để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót sau phẫu thuật.
Kết hợp xử lý khối u màng não lành tính, bác sĩ còn tiến hành các biện pháp điều trị triệu chứng bệnh như: Sử dụng thuốc Corticoid nhằm giảm triệu chứng phù nề, đau đầu, buồn nôn; Thuốc chống động kinh khi người bệnh xuất hiện triệu chứng; Dẫn lưu não thất ổ bụng nếu có xảy ra tăng áp suất nội sọ,...
Lưu ý sau điều trị
Bệnh nhân sau điều trị cần phải thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, xác định các biến chứng có thể xuất hiện hậu phẫu thuật và phát hiện tái phát bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt cần được điều chỉnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị nhằm mau chóng cải thiện sức khỏe và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trường hợp hình thành các khối u màng não có thể xuất hiện 1 hoặc tái phát nhiều lần, có thể lành tính hoặc ác tính, chính vì vậy mỗi bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý trước. Tái khám định kỳ chính là biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa u tái phát.
Ngoài ra, việc phòng ngừa nguy cơ bị u màng não có thể thực hiện bằng cách:
- Khám chuyên khoa thần kinh định kỳ nếu như bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ u màng não cần phải mau chóng đến bệnh viện để thăm khám.
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe,...
Tài liệu tham khảo:
U màng não | Health VietNam - Lá chắn an toàn cho sức khỏe người Việt
U màng não có nguy hiểm không? | Hệ thống Vinmec
U màng não | Ello Doctor
U màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Hệ thống Vinmec
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!