Từ điển bệnh lý

U vú lành tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan U vú lành tính

Khối u hình thành ở vú là kết quả của quá trình tăng sinh các tế bào tuyến vú lành tính và tích tụ lại tạo nên các khối u không có chức năng gì nhưng cũng không xâm lấn xung quanh và di căn đến các cơ quan khác. Khối u vú thường lành tính và không gây ra bất kỳ biểu hiện bất thường gì ảnh hưởng đến sức khỏe và không đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên đôi khi các khối u cũng mang tới những phiền toái cho người bệnh (ví dụ như vấn đề thẩm mỹ).

U trong vú được xem là tình trạng khá phổ biến, 50% phụ nữ có khả năng sẽ bị u vú nhưng hầu hết đều xuất hiện ở dạng lành tính không nguy hiểm và có thể dễ dàng xử lý. Trong một số trường hợp khối u vú lành tính có thể chuyển biến sang ung thư và đe dọa đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên khả năng xảy ra chỉ chiếm khoảng 0.08%.

Mặc dù u vú lành tính không gây thương tổn tới sức khỏe người bệnh, việc chẩn đoán bệnh cần được thực hiện sớm nhằm xác định khối u vú là lành tính hay ác tính. Nếu u vú lành tính nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh thì có thể được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u.

U vú lành tính

Phân loại u vú lành tính

Khối u vú lành tính có thể được chia thành 3 loại như sau:

  • Khối u vú loại không sinh sản: Những khối u được hình thành từ các tế bào vú bình thường sẽ thuộc nhóm u vú không sinh sản. Các khối u vú thường gặp là u sợi tuyến và u nang, cả hai trường hợp này đều phát triển không quá lớn và có thể tự tiêu biến dần mà không cần can thiệp y tế. Trong trường hợp chúng không biến mất mà còn phát triển lớn hơn thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • U vú tăng sản điển hình: Các tế bào vú có dấu hiệu tăng số lượng nhiều hơn bình thường nhưng không xuất hiện các tế bào bất thường. Trên thực tế, một số trường hợp bệnh nhân có khối u vú tăng sản điển hình có nguy cơ chuyển biến sang ung thư. Chính vì vậy, các bác sĩ có thể sẽ tư vấn lựa chọn theo dõi tình trạng bệnh hoặc thực hiện cắt bỏ khối u từ sớm.
  • U vú tăng sản không điển hình: Các tế bào vú có dấu hiệu tăng sinh đồng thời xuất hiện kèm theo các tế bào bất thường có nhân dị dạng. Đây là loại u vú có nguy cơ cao phát triển ung thư vú trong tương lai vì vậy, việc xử lý khối u từ sớm là lựa chọn hàng đầu nhằm loại bỏ mầm mống gây ung thư. Ngoài ra, bác sĩ cũng chỉ định bệnh nhân cần thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị khi xuất hiện ung thư.

Nguyên nhân U vú lành tính

Sự hình thành các khối u vú lành tính có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể đến từ yếu tố bệnh lý, gen di truyền hoặc các tác động ngoại cảnh,...

Một số nguyên nhân chính gây u vú lành tính:

  • Rối loạn nội tiết tố nữ: Nội tiết tố kích thích vú phát triển (Prolactin), nội tiết tuyến giáp,... nếu bị mất cân bằng sẽ gây tăng sinh quá mức các tế bào vú từ đó hình thành các khối u nang, u xơ, xơ nang tuyến vú.
  • Các bệnh lý về vú: Những thương tổn tại bầu vú, bất thường núm vú, nhiễm trùng,... tất cả đều làm tăng nguy cơ hình thành khối u vú.
  • Yếu tố di truyền: Nếu thành viên trong gia đình (mẹ hoặc chị em gái) có tiền sử bị u vú thì khả năng bạn có nguy cơ u vú rất cao.
  • Do thức khuya, Stress: Người bệnh có thói quen thức khuya thường xuyên và hay bị stress sẽ làm thay đổi hệ trục nội tiết, các tế bào vú có nguy cơ tăng sinh, khối u vú hình thành.

Thức khuya, Stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến hình hành u vú

Bên cạnh đó, cũng sẽ có các yếu tố ảnh hưởng khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh u vú như:

  • Vấn đề tuổi tác: Hầu hết phụ nữ dưới 20 tuổi hiếm khi được chẩn đoán có khối u vú, độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là từ 20 cho đến 45 tuổi.
  • Lạm dụng thuốc: Phụ nữ có thói quen sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên (đặc biệt là các loại thuốc tránh thai khẩn cấp) và các loại thuốc chứa thành phần Estrogen có nguy cơ bị u vú cao hơn bình thường.
  • Chế độ ăn uống: Các loại đồ uống chứa hàm lượng lớn cafein, socola hoặc các loại thức ăn chế giàu chất béo có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ hình thành u vú.

Triệu chứng U vú lành tính

U vú lành tính có thể biểu hiện ở nhiều loại khác nhau nhưng hầu hết chúng đều làm thay đổi bất thường chức năng hoạt động của các nhóm mô vú. Có trường hợp khối u ảnh hưởng đến mô tuyến (bao gồm các ống dẫn sản xuất sữa và các tiểu thùy) hoặc tác động đến nhóm mô nâng đỡ vú (mô đệm). Chính vì vậy, đa số các trường hợp u vú lành tính đều gây ra các triệu chứng bệnh sau đây:

  • Đau, sưng ở vú (hoặc tăng độ nhạy cảm): Bình thường có thể người bệnh không có cảm giác đau nhức hay sưng tấy ở vú, tuy nhiên đến những ngày gần hành kinh hoặc trong giai đoạn hành kinh sẽ có dấu hiệu đau nhức, sưng tấy và nổi rõ các cục u ở vú. Độ nhạy cảm của vú cũng tăng lên gây khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
  • Cục u nổi qua da có thể nhìn thấy và sờ nắn được, có thể hình thành tạ núm vú.
  • Da ở bầu vú hoặc đầu núm vú bị tấy đỏ (hoặc đóng vảy).
  • Núm vú có dấu hiệu bị đau nhức khó chịu hoặc có cảm giác núm vú bị co rút.
  • Tiết dịch từ vú: Dịch tiết ra từ vú có thể là trong suốt hoặc có màu vàng, xanh lá cây, máu đỏ, nâu sẫm hay thậm chí là màu đen. Dịch tiết ra không rõ nguyên nhân và chắc chắn không phải là sữa.

Đau, sưng ở vú

Triệu chứng dịch tiết ra từ vú mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu nhận biết của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là dịch màu trong suốt hoặc màu nâu sẫm. Nếu dịch tiết ra là màu vàng hoặc xanh lục thì khả năng cao là u lành tính. Tuy nhiên, dịch tiết ra có màu nào thì cũng cần phải kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.


Các biến chứng U vú lành tính

Mặc dù u vú lành tính không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh và có thể được bác sĩ tư vấn không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp u vú lành tính nhưng có nguy cơ chuyển biến thành ung thư vì vậy việc đầu tiên khi phát hiện có khối u ở vú thì phải tới bệnh viện để chẩn đoán nguy cơ ung thư. Tùy thuộc vào loại u vú mà khả năng chuyển biến thành ung thư là cao hay thấp, vì vậy các bác sĩ sẽ tư vấn tiếp tục theo dõi tình hình và khám định kỳ nhằm kịp thời phát hiện rủi ro hoặc chỉ định phẫu thuật loại bỏ u vú luôn để giảm thiểu nguy cơ ung thư.

Cần phải theo dõi khám định kì để tránh ung thư tiến triển 

Cần phải theo dõi khám định kì để tránh ung thư tiến triển 

Bên cạnh đó, phụ nữ có khối u vú lành tính vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc gây ra một số biến chứng.

  • Triệu chứng đau rát ở bầu vú xuất hiện liên tục, đặc biệt tăng dần khi sắp đến ngày hành kinh hoặc trong giai đoạn hành kinh.
  • Mẹ đang cho con bú bị u vú có thể ảnh hưởng đến quá trình chăm con, sữa có thể bị ảnh hưởng làm kém chất lượng, dịch có thể tiết ra từ vú và em bé có thể bú phải (dịch có màu không phải sữa), núm vú bị tấy đỏ không thể cho con bú,...
  • Khối u phát triển lớn và trồi lên bề mặt bầu vú, hoặc có thể xuất hiện nhiều hơn 1 khối u gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng,...

Phòng ngừa U vú lành tính

Bởi vì khối u vú hình thành có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân cấu thành, không ai có thể ngăn chặn triệt để được tình trạng này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ khối u phát triển lớn gây biến chứng cho cơ thể bằng cách tự khám cho bản thân.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các chị em phụ nữ nên học cách kiểm tra vú của mình mỗi tháng 1 lần nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường. Kiểm tra kích thước, làn da trên bầu vú, hình thể của vú,... xem có biến đổi bất thường hay không. Dùng các ngón tay ấn nhẹ vào bầu vú và bắt đầu di chuyển tìm kiếm khối u trong bầu vú (nếu có). Hãy tìm đến sự trợ giúp từ các y bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn thực hiện tự khám vú tại nhà.

Cách kiểm tra vú của mình mỗi tháng 1 lần nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường


Các biện pháp chẩn đoán U vú lành tính

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng trước để kiểm tra khả năng có khối u hay vấn đề khác về vú. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách xoa nắn cả hai bầu vú để tìm kiếm dấu hiệu khối u, đồng thời tìm hiểu các triệu chứng bệnh xuất hiện thông qua thăm hỏi bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ khối u vú thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng nhằm xác định có khối u và tìm hiểu tính chất khối u:

  • Siêu âm vú: Phương pháp này được thực hiện nhằm xác định vị trí có khối u, tính chất khối u là thể rắn hay lỏng (u xơ hay u nang). Nếu phát hiện có chứa dịch bên trong khối u thì sẽ là u nang tuyến vú, còn nếu khối u rắn chắc thì sẽ là u xơ tuyến vú. Tuy nhiên, siêu âm không thể xác định được khối u lành tính hay ác tính.

Siêu âm vú

 

  • Sinh thiết: Dựa vào phương pháp siêu âm bác sĩ sẽ xác định được vị trí chính xác của khối u và lấy mẫu tế bào để xét nghiệm tìm tế bào ác tính. Phương pháp sinh thiết là lựa chọn tốt nhất trong việc chẩn đoán có tế bào ung thư hay không. Sinh thiết tế bào còn giúp cho bác sĩ tìm hiểu được khối u lành tính thuộc loại có nguy cơ chuyển biến sang ung thư cao hay thấp để định hướng điều trị.
  • Chụp nhũ ảnh (chụp x-quang tuyến vú hay Mamo tuyến vú): Phương pháp này thường được thực hiện nhằm kiểm tra u xơ tuyến vú, hình ảnh hiển thị sẽ cho thấy một khối có cạnh tròn khác biệt hoàn toàn với các mô vú xung quanh. Chụp nhũ ảnh thường được chỉ định thực hiện cho bệnh nhân nữ trên 30 tuổi.

Các biện pháp điều trị U vú lành tính

Bệnh nhân có khối u vú lành tính thường không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi sức khỏe và khám bệnh định kỳ. Tuy nhiên, nếu khối u gây ra các triệu chứng bệnh khó chịu thì sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị nội khoa bằng thuốc uống.

Hiện nay chưa có thuốc làm tiêu u vú mà chỉ có thể sử dụng các loại thuốc điều chỉnh nội tiết tố nhằm cải thiện các triệu chứng bệnh có liên quan (ví dụ như điều chỉnh rối loạn kinh nguyệt). Thuốc nội tiết tố có thể giúp khối u không phát triển lớn hơn nhưng không thể làm giảm kích thước khối u và một số tác dụng phụ trong quá trình uống thuốc có thể xảy ra. Chính vì vậy, trường hợp bệnh nhân có khối u vú với kích thước lớn và có biểu hiện các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng thì có thể được chỉ định thực hiện các biện pháp loại bỏ khối u.

  • Chọc hút dịch: Trường hợp khối u thể nang có chứa dịch bên trong có thể thực hiện phương pháp chọc kim trực tiếp vào khối u để dẫn lưu toàn bộ dịch ra khỏi cơ thể.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Trường hợp các khối u vú ở thể rắn (u xơ tuyến vú) thì phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối u ra khỏi cơ thể và hạn chế tối đa tổn thương tới các nhóm mô xung quanh.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u

  • Một số loại thuốc kháng sinh có thể được chỉ định khi bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng bầu vú.

Điều trị u vú có vai trò loại bỏ các triệu chứng bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh, giảm thiểu nguy cơ u chuyển biến thành ung thư và cải thiện tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi điều trị xử lý khối u bệnh nhân vẫn phải khám bệnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe sau điều trị và phát hiện kịp thời nguy cơ tái phát bệnh.


Tài liệu tham khảo:

  • U vú lành tính có nguy hiểm? | Hệ thống Vinmec
  • Bệnh u tuyến vú - đẩy lùi u nhờ tiền chất Pregnenolone | Sức khỏe 247
  • Những điều cần biết về u vú lành tính | Hệ thống Vinmec
  • Bệnh u vú lành tính là gì? | Trang thông tin u xơ - u nang tuyến vú

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.