Từ điển bệnh lý

Ung thư amidan : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ung thư amidan

Amidan nằm ở vị trí phía sau miệng, có hình bầu dục và là một bộ phận quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Bệnh ung thư amidan xuất hiện phổ biến nhất là ở amidan khẩu cái - phần nằm ở hai bên cổ họng, hoặc bệnh cũng có thể xảy ra ở amidan lưỡi nằm phía sau lưỡi, hoặc amidan họng nằm tại phía sau của khoang mũi. 

Phần lớn các trường hợp bệnh nhân bị ung thư amidan là ung thư biểu mô tế bào gai, bắt nguồn từ những mô ở niêm mạc miệng. Ngoài ra cũng có thể có sự hiện diện của u lympho amidan hay còn được biết đến là một loại ung thư hệ thống miễn dịch.

Bệnh ung thư amidan xuất hiện phổ biến nhất là ở amidan khẩu cái - phần nằm ở hai bên cổ họng, hoặc bệnh cũng có thể xảy ra ở amidan lưỡi nằm phía sau lưỡi, hoặc amidan họng nằm tại phía sau của khoang mũi

Loại ung thư amidan khẩu cái nằm trong danh sách những bệnh ung thư thuộc vùng Tai - Mũi - Họng phổ biến tại Việt Nam. Nam giới trong độ tuổi từ 40 - 60 là đối tượng hay bị mắc bệnh này. 

Khi nhắc tới bệnh ung thư, chắc hẳn ai trong số chúng ta đều cảm thấy lo sợ vì các bệnh ung thư đều rất nguy hiểm, xếp hàng đầu về tỷ lệ tử vong cao trong số những loại bệnh. Do đó, nếu một người mắc phải bệnh ung thư thì mọi người sẽ phỏng đoán rằng người đó sẽ không còn cơ hội sống được bao lâu nữa. Điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với những bệnh nhân mắc ung thư amidan. May mắn thay, đây là căn bệnh không có tính truyền nhiễm từ người sang người và nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm, cũng như kiểm soát được các triệu chứng kịp thời thì khả năng chữa khỏi ung thư amidan là rất cao.


Nguyên nhân Ung thư amidan

Các nguyên nhân gây nên bệnh ung thư amidan bao gồm: 

  • Người bệnh nhiễm phải virus HPV loại 16 và loại 18;

Người bệnh nhiễm phải virus HPV loại 16 và loại 18 có thể gây nên bệnh ung thư amidan

Người bệnh nhiễm phải virus HPV loại 16 và loại 18 có thể gây nên bệnh ung thư amidan

  • Bệnh nhân nghiện rượu. Thói quen xấu này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư amidan;
  • Hút thuốc lá: thuốc lá không chỉ chiếm 90% nguyên nhân gây nên các bệnh nghiêm trọng về phổi, tim mạch mà còn gây ra các loại ung thư vùng cổ và miệng, trong đó có amidan;
  • Tiếp xúc lâu ngày với các tia bức xạ và hoá chất  độc hại trong môi trường sống và nơi làm việc;
  • Không vệ sinh sạch sẽ vùng miệng: tạo điều kiện cho sự xâm nhập và sinh sôi của vi khuẩn, virus gây bệnh, gây nên những vấn đề về răng miệng và vùng họng.

Triệu chứng Ung thư amidan

Một số các biểu hiện ban đầu của ung thư amidan rất giống với những dấu hiệu của bệnh viêm họng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là viêm họng thường xảy ra với những người từ 5 -15 tuổi, còn ung thư amidan thì thường xuất hiện ở những bệnh nhân trên tuổi 40. Các biểu hiện điển hình khi bị ung thư amidan đó là:

  • Đau họng, đau miệng mãi không khỏi;
  • Loét miệng không lành;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Đau tai;
  • Amidan sưng to và kích thước 2 bên không bằng nhau;
  • Xuất hiện bướu ở cổ, đau cổ;
  • Nhai khó, nuốt khó hoặc khi nuốt thấy đau. Cảm giác có gì vướng trong họng (khi kích thước bướu vẫn còn nhỏ), khi bướu đã to hơn sẽ có cảm giác nuốt đau buốt như bị hóc xương cá;
  • Đau khi ăn các loại trái cây có vị chua;
  • Bị chảy máu, khi ho hoặc khạc thấy nước bọt có máu;
  • Nói khó;

Khó nuốt là một trong những biểu hiện cảnh báo mắc ung thư anmidan

  • Khó thở do bị khối u lớn chèn bít đường thở;
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ: khối  hạch này có thể di chuyển qua lại hai  bên cổ, kích thước to bằng ngón tay cái và đây là triệu chứng thường gặp, chiếm đến 78%;
  • Vào giai đoạn muộn, người bệnh sẽ có biểu hiện cứng đơ hàm, há miệng hạn chế hoặc không há được miệng;
  • Trường hợp khối u ác amidan đã di căn sang các khu vực khác, bệnh nhân sẽ bị đau lưng, ho kéo dài, đau xương, thậm chí thấy đau nhức toàn thân, ...

Ta cũng có thể bắt gặp một số biểu hiện trên ở những bệnh lành tính khác của hệ thống Tai - Mũi - Họng như viêm amidan. Vì thế không phải 100% có những triệu chứng này thì đã chắc chắn bị mắc ung thư amidan. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan mà phải đi thăm khám, điều trị để bệnh không tiến triển sang giai đoạn nặng.


Các biến chứng Ung thư amidan

Trung bình, bệnh nhân mắc ung thư amidan và ung thư vùng họng có tỷ lệ sống sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh là 66%. Càng phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tức là khi tế bào ung thư đã lây từ amidan lan sang các hạch bạch huyết lân cận thì tỷ lệ này càng nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về bệnh ung thư amidan đã chỉ ra rằng phần trăm cơ hội sống sót của người mắc ung thư amidan còn phụ thuộc vào việc người đó có bị nhiễm virus HPV hay không. Đố với trường hợp ung thư biểu mô amidan ở những giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 3 năm có sự khác biệt: Nếu test HPV dương tính thì là 82%, ngược lại nếu âm tính là 57%. 

Sau khi điều trị ung thư amidan dương tính HPV thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những ca âm tính với HPV. Lý giải cho điều này là do khối u dương tính HPV thì thường được tìm thấy ở những người trẻ tuổi, bao gồm ở cả 2 giới và không hút thuốc lá. Còn khối u HPV âm tính lại xuất hiện ở những bệnh nhân là nam giới lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và hay hút thuốc lá. Vì thế tiên lượng bệnh sẽ xấu hơn.


Phòng ngừa Ung thư amidan

Dưới đây là danh sách những biện pháp cần làm để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư amidan:

  • Từ bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc từ người khác;
  • Cai rượu bia hoặc hạn chế tối đa rượu bia cũng như những thức uống, các chất kích thích;
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ, đúng cách;
  • Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao một cách điều độ;
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: bổ sung các chất dinh dưỡng, chất xơ và vitamin có lợi cho cơ thể. Không nên ăn quá nhiều đồ chiên xào, nướng, giảm hàm lượng muối trong mỗi bữa ăn;
  • Có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư và những bệnh lý khác.

Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ, đúng cách là biện pháp ngăn ngừa bệnh hữu hiệu

Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ, đúng cách là biện pháp ngăn ngừa bệnh hữu hiệu


Các biện pháp chẩn đoán Ung thư amidan

Chẩn đoán xác định bệnh

Phần lớn sẽ dựa vào kết quả vi thể. Nếu gặp khó khó khăn khi sinh thiết do tổ chức amidan bị loét hoại tử và chảy máu, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên kết quả sinh thiết hạch. Bên cạnh thăm khám trực tiếp, cần sờ vào amidan cùng các vùng lân cận để đánh giá mức độ lây lan rộng của khối u và các hạch đã bị di căn. 

Để phục vụ cho việc xét nghiệm, kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi, nhân viên y tế sẽ sử dụng kim nhỏ để chọc hút một lượng nhỏ mô khỏi tổ chức amidan của bệnh nhân. Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Chụp X-quang;
  • Chụp cộng hưởng từ;
  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron.

Nhằm kiểm tra xem ung thư amidan đã tiến triển tới mức độ nào, có 4 giai đoạn bệnh chúng ta cần lưu ý:

  • Giai đoạn 1: xuất hiện khối u kích thước nhỏ (dưới 2cm), mới chỉ khu trú ở khu  vực amidan, chưa di căn tới các hạch bạch huyết  lân cận;
  • Giai đoạn 2:  khối u đã gia tăng kích thước lên từ 2 - 4cm, nhưng chưa di căn;
  • Giai đoạn 3: khối u đã lớn hơn ( > 4cm), tế bào ung thư đã di căn sang một hạch cổ cùng bên với khối u. Các hạch bạch huyết có kích thước 3cm, hoặc là nhỏ hơn; 
  • Giai đoạn 4: giai đoạn phức tạp và nghiêm trọng nhất, ung thư đã di căn sang các bộ phận khác ngoài phạm vi vùng họng. Do đó việc tiên lượng và chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.

Xét nghiệm để sớm phát hiện bất thường và là căn cứ hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh

Chẩn đoán phân biệt

Ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu của ung thư đã rõ ràng hơn nên không gặp trở ngại trong việc chẩn đoán. Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh nhân thăm khám khi bệnh ở giai đoạn sớm thường có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những thể thâm nhiễm thì cần phải phân biệt với những bệnh lý dưới đây:

Thương tổn gây loét ở amidan:

Phổ biến nhất là thể viêm họng Vincent. Nhưng bệnh này thường tiến triển cấp tính, đồng thời đặc điểm loét cũng khác biệt: loét không đều, có lớp giả mạc bao phủ ở đáy loét hoặc đáy loét bẩn nhiễm mủ máu, bờ loét mềm kèm theo hạch viêm ở cổ.

Một khối u loét thâm nhiễm:

Trường hợp này khá hiếm gặp nhưng cũng cần lưu ý để tránh nhầm sang một thể lao loét sùi. Tuy nhiên thương tổn lao thì thường ít khu trú tại tổ chức amidan, ít gây thâm nhiễm xuống phía sâu và xuất hiện phổ biến ở người bệnh bị lao đang tiến triển. Bên cạnh dựa trên kết quả vi thể, cần đánh giá các xét nghiệm về lao và quan sát phản ứng huyết thanh khi chẩn đoán phân biệt.

Trường hợp 1 amidan thể thâm nhiễm làm tăng kích thước amidan:

Cần chú ý phân biệt giữa việc bản thân amidan to ra và amidan bị các khối u xung quanh đẩy lồi ra giống như khối u tuyến mang tai, u bên họng, hạch cổ to,... hoặc các u mặt sau màn hầu, u vùng vòm, ngã ba họng thanh quản,...

Loét u hỗn hợp hoặc u trụ vùng màn hầu giai đoạn cuối:

Những u này có thể bị loét rồi lan sang amidan, nhưng chúng thường phát triển khá chậm trong thời gian dài, tái lặp nhiều lần nên cũng dễ chẩn đoán. Thực tế điều quan trọng nhất đối với chẩn đoán phân biệt là việc đánh giá chính xác về cấu tạo của các thương tổn. Rất khó để đánh giá vị trí ban đầu của u xuất  phát  từ amidan hay là ở màn hầu, đồng thời nó cũng không có ý nghĩa lớn trong công tác điều trị. Riêng đối với những trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bắt đầu bằng nổi hạch cổ thì cần phân biệt với chứng viêm hạch cổ mạn tính do ung thư máu hoặc lao.


Các biện pháp điều trị Ung thư amidan

Vì ung thư amidan nhạy cảm với tia xạ, nên gần đây biện pháp chiếu tia xạ thường được sử dụng trong việc điều trị ung thư amidan. Phẫu thuật thường chỉ áp dụng khi những ca đã tia xạ rồi nhưng vẫn còn sót lại các hạch hoặc u amidan. 

Ngoài ra, có những bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư amidan nhưng kết quả sinh thiết nhiều lần lại cho ra âm tính thì có thể dừng phẫu thuật, mục đích là: cắt rộng tổ chức amidan, gửi bệnh phẩm đi sinh thiết để tìm tế bào ung thư.

Phẫu thuật hỗ trợ tiêu diệt tận gốc u ác tính

Phẫu thuật hỗ trợ tiêu diệt tận gốc u ác tính

Cũng giống như những bệnh ung thư khác, có 3 phương pháp để điều trị ung thư amidan: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị. Ở giai đoạn đầu thường áp dụng phẫu thuật và xạ trị, còn hoá trị thì dùng vào giai đoạn cuối của bệnh. Cụ thể:

  • Phẫu thuật: hỗ trợ tiêu diệt tận gốc u ác tính. Sẽ có những phương pháp phẫu thuật khác nhau phù hợp với từng loại kích thước và mức độ ảnh hưởng của khối u. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân hay bị ảnh hưởng chức năng phát âm và thay đổi giọng nói;
  • Xạ trị: có thể được áp dụng riêng biệt hoặc kết hợp với phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn các khối u, làm tăng hiệu quả điều trị;
  • Hoá trị: các thuốc chống ung thư sẽ nằm trong danh sách hoá trị và thường được dùng khi bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối.

Tài liệu tham khảo:

  • Ung thư amidan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Vinmec
  • Ung thư amidan | Kienthucungthu

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.