Từ điển bệnh lý

Ung thư dạ dày di căn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ung thư dạ dày di căn

Ung thư dạ dày xuất phát từ nguyên nhân phát triển của các tế bào bất thường ở dạ dày. Chúng không ngừng sinh sôi và dần tạo nên những khối u ác tính.

Khối u không những gây bệnh tại chỗ mà còn có khả năng lây lan sang những khu vực khác như các mô, hạch bạch huyết và các cơ quan xung quanh hoặc thậm chí ở xa dạ dày. Đây là giai đoạn cuối của bệnh, hay còn gọi là ung thư dạ dày di căn

Ung thư dạ dày


Nguyên nhân Ung thư dạ dày di căn

Vi khuẩn HP: vi khuẩn này có khả năng phá huỷ niêm mạc dạ dày, tạo ra các ổ viêm loét dẫn tới những thương tổn tiền ung thư;

Các tổn thương tiền ung thư: xảy ra khi:

  • Tế bào niêm mạc dạ dày có sự biến đổi về mặt cấu trúc và cơ thể đánh mất quyền kiểm soát những tế bào này (loạn sản);
  • Teo niêm mạc dạ dày;
  • Biến đổi hình thái tế bào niêm mạc dạ dày giống như các tế bào ở đại tràng và ruột (chuyển sản ruột);
  • Di truyền: gia đình có người từng mắc ung thư dạ dày thì xác suất thế hệ sau cũng có nguy cơ bị ung thư dạ dày sẽ cao hơn;
  • Béo phì: cân nặng cũng là một yếu tố khiến một người thừa cân dễ bị ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư phần tâm vị;
  • Phẫu thuật dạ dày: những người từng trải qua phẫu thuật về dạ dày cũng dễ gặp tổn thương dẫn tới ung thư dạ dày, cần phải lưu ý trong khoảng thời gian từ 15 -  20 năm sau phẫu thuật;
  • Nhóm máu: so với các nhóm máu O, B, AB thì người nhóm máu A chiếm tỷ lệ bị ung thư dạ dày cao hơn;
  • Độ tuổi: người trên 50 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tấn công bởi ung thư dạ dày;
  • Giới tính: tỷ lệ nam giới bị ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với nữ giới

Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh


Các biến chứng Ung thư dạ dày di căn

Đối với các trường hợp bị ung thư dạ dày di căn thì tiên lượng thời gian có thể sống sót còn lại phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tế bào ung thư cũng như vị trí của khối u. 

  • Nếu khối u mới di căn tới hạch bạch huyết thì người bệnh vẫn có cơ hội được chữa khỏi;
  • Nếu ung thư dạ dày di căn tới các bộ phận khác như não, phổi, gan, xương,... thì tỷ lệ sống của bệnh nhân rất thấp (chỉ khoảng dưới 5%) và các biện pháp điều trị chỉ có ý nghĩa hạn chế sự lây lan rộng hơn của khối u và giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng.

Cũng có những ca bị ung thư dạ dày di căn nhưng vẫn có thể sống được thêm 5 năm  nhờ tích cực điều trị và có thái độ sống lạc quan, vui vẻ, kết hợp hiệu quả các liệu pháp hỗ trợ điều trị. Thống kê cho thấy tỷ lệ sống trung bình trong khoảng 5 năm của bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày di căn là 5 - 10%.


Phòng ngừa Ung thư dạ dày di căn

Để giảm thiểu tỷ lệ di căn của bệnh ung thư dạ dày, người bệnh nên:

  • Thường xuyên theo dõi tình trạng của dạ dày. Nếu gặp các dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay;
  • Chế độ ăn lành mạnh: hạn chế ăn những thực phẩm có hại đối với dạ dày như đồ nướng, đồ hun khói, chiên rán, đồ ăn mặn;
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và chất kích thích;
  • Tập thể dục, thể thao điều độ;
  • Tuyệt đối tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị ung thư dạ dày, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để  phát hiện sớm các chuyển biến xấu;
  • Không nên buông xuôi, từ bỏ khi phát hiện bị ung thư, thay vào đó nên giữ tinh thần lạc quan và tích cực điều trị bệnh.

Danh sách các triệu chứng:

Biểu hiện của ung thư dạ dày di căn phụ thuộc vào vị trí khối u xâm lấn.

Đi khám khi thấy có dấu hiệu bất thường


Các biện pháp chẩn đoán Ung thư dạ dày di căn

  • Trên lâm sàng, bệnh nhân có thể gặp các dấu hiệu bất thường như sau: 
  • Đau bụng;
  • Hay bị ợ nóng;
  • Bụng to trướng;
  • Cơ thể uể oải, mệt mỏi, chán ăn;
  • Sút cân;
  • Nôn ra máu;
  • Đi ngoài phân đen hoặc có thể thấy trong phân lẫn máu.

Đau bụng dữ dội

Nếu nhận thấy những triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi thăm khám ngay lập tức. Bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định xem bệnh nhân có khả năng mắc ung thư dạ dày hay không nhờ dựa trên các biểu hiện này kết hợp với những xét nghiệm dưới đây:

  • Siêu âm ổ bụng;
  • Nội soi dạ dày;
  • Chụp CT;
  • Sinh thiết tế bào để tìm dấu hiệu ung thư;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm phân.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện bấtt thường


Các biện pháp điều trị Ung thư dạ dày di căn

Các cơ quan mà tế bào ung thư dạ dày có thể di căn tới:

Hạch bạch huyết: 

Đây thường là điểm đến đầu tiên khi ung thư dạ dày bước vào giai đoạn di căn. Tuỳ vào giai đoạn tiến triển sẽ ảnh hưởng tới số lượng của các hạch bạch huyết bị xâm lấn bởi ung thư (ít thì tầm 1 - 2 hạch, nhiều là từ 7 - 15 hạch).

4 nhóm hạch chính hội tụ ở thân tạng và ống ngực thường bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư dạ dày bao gồm:

  • Hạch cạnh tâm vị;
  • Hạch tuỵ, lách;
  • Hạch vị trái;
  • Hạch ở trên và dưới môn vị.

Khi ung thư dạ dày lan tới các hạch này, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt cao > 39 độ C, mất nước;
  • Ngứa họng, ho dai dẳng đặc biệt vào buổi đêm, nuốt đau;
  • Buồn nôn khi ăn, chán ăn;
  • Xuất hiện các nốt hạch lớn ở cổ họng, dưới xương hàm hoặc mang tai. Hạch cứng, di động, không cảm giác đau khi ấn vào nhưng có thể bị vỡ loét.

Phương pháp để điều trị ung thư dạ dày di căn hạch còn hạn chế do tính phức tạp của các khối u này. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp như: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị giúp giảm đau và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Mặc dù các biến chứng do ung thư dạ dày di căn tới các hạch bạch huyết gây nên không quá nghiêm trọng nhưng cần lưu ý một điều đó là hệ thống hạch bạch huyết chính là cầu nối giúp các tế bào ung thư di chuyển tới những khu vực khác trong cơ thể.

Phổi:

Ung thư dạ dày có thể bắt đầu di căn sang phổi từ giai đoạn 3. Phổi tuy là cơ quan nằm xa dạ dày nhưng lá phổi trái lại ở dần dạ dày hơn. Có khoảng 15% trường hợp khi ung thư dạ dày di căn sẽ tìm tới phổi và một điều khá nguy hiểm đó là ung thư dạ dày di căn phổi thường song song với di căn gan.

Gan:

Có thể nói gan là cơ quan dễ bị tế bào ung thư ở dạ dày “truy lùng” nhất. Nguyên nhân có lẽ là do đây là bộ phận gần với dạ dày, khi khối u gây tổn thương thành dạ dày  sẽ lan sang gan và hoành hành tại đây. Trường hợp thứ 2 là do tế bào ung thư men theo hệ thống bạch huyết để đi từ dạ dày tới gan.

Theo báo cáo, có đến 48% tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn tới gan  trên tổng số các ca ung thư dạ dày di căn. Phần lớn khối u ác tính xuất phát từ dạ dày được tìm thấy cả ở gan khi người bệnh đã bước sang giai đoạn cuối. 

Các biểu hiện của người bị ung thư dạ dày di căn gan bao gồm:

  • Buồn nôn, nhai nuốt kém, ăn không ngon;
  • Đại tiện ra phân đen;
  • Vàng mắt, vàng da;
  • Nôn ra máu;
  • Chướng bụng;
  • Nước tiểu có màu lạ;
  • Đổ mồ hôi, sốt cao;
  • Sụt cân bất thường;
  • Đau ở vai bên phải và vùng bụng phải trên rốn;
  • Bề mặt gan cứng, lổn nhổn.

Đối với những trường hợp ung thư dạ dày di căn gan thì cần điều trị bằng những biện pháp sau:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u: mục tiêu là nhằm cắt bỏ nhưng thương tổn ở dạ dày và gan nơi khối u di căn tới;
  • Xạ trị: dùng năng lượng tia X để tiêu diệt khối u;
  • Hoá trị: cho bệnh nhân uống hoặc tiêm thuốc để thủ nhỏ kích thước khối u. Thường những bệnh nhân thể trạng yếu hoặc đang ở giai đoạn nặng sẽ áp dụng phương pháp này;
  • Thuyên tắc mạch gan: giúp ngăn chặn sự nuôi dưỡng tế bào ung thư của các mạch máu, kết hợp với hoá chất và xạ trị để loại bỏ khối u.

dùng năng lượng tia X để tiêu diệt khối u

 

Hệ xương:

Tỷ lệ số ca bệnh ung thư dạ dày bị di căn sang xương chiếm 12% và thường xảy ra vào giai đoạn cuối. Thông qua hệ bạch huyết, những tế bào ung thư lan tràn mạnh mẽ tới các mô xương, gây ra rất nhiều cơn đau đớn cho người bệnh.

Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng ở bệnh nhân ung thư dạ dày di căn xương:

  • Đau xương nghiêm trọng, có khả năng thấy được cả hạch ngoại vi;
  • Xương yếu và dễ gãy;
  • Khối u sinh trưởng và lan rộng gây chèn ép tuỷ sống, rễ thần kinh cột sống;
  • Canxi phân giải vào máu khiến cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, bệnh nhân chán ăn và dễ bị táo bón;
  • Sút cân, suy nhược cơ thể;
  • Tuỷ xương bị tổn thương khiến người bệnh bị thiếu máu;
  • Tiểu cầu suy giảm dẫn tới xuất huyết;
  • Sức đề kháng yếu dần gia tăng  nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội;
  • Quan sát hình ảnh chụp X-quang phát hiện ổ tiêu xương.

Khi đã xác định bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn xương, bác sĩ có thể sẽ chỉ định những liệu pháp điều trị như sau:

Điều trị thiếu máu: tiêm erythropoietin, truyền khối hồng cầu để tăng lượng máu trong cơ thể bệnh nhân;

·Điều trị tăng canxi máu: giảm lượng canxi có trong máu bằng cách truyền NaCl 0,9%, corticoid, calcitonin hoặc các thuốc bisphosphonat qua đường tĩnh mạch trung tâm;

Ngăn chặn và làm chậm quá trình tiêu xương: sử dụng thuốc, xạ trị, chất  phóng xạ hoặc các thuốc kháng cathepsin K (chống hủy xương), các phương pháp quang động học;

Giảm đau: giúp bệnh nhân bớt đau đớn bằng các loại thuốc giảm đau như morphin, codein, hoặc thuốc chống viêm (tuyệt đối không được có steroid).

Phúc mạc:

Là màng thanh mạc lớn nhất trong cơ thể, phúc mạc có chức năng bao bọc xung quanh các cơ quan ở đáy chậu và ổ bụng. Tuy vậy phúc mạc có cấu trúc khá mỏng manh và rất dễ gặp tổn thương, đặc biệt là khi xảy ra va chạm mạnh. Cũng vì vị trí ngay kế dạ dày nên các tế bào ung thư có thể di căn từ dạ dày qua phúc mạc là điều không thể tránh khỏi, tỷ lệ này là khoảng 32% trong số các ca ung thư dạ dày di căn.

Ngoài ra, ung thư thư dạ dày di căn sang phúc mạc chủ yếu là do phẫu thuật gặp tai biến. Chính vì thế nhiều trường hợp sau khi được cho là đã phẫu thuật thành công nhưng sau một thời gian bệnh lại tái phát.

Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán ung thư dạ dày di căn sang phúc mạc đó là:

  • Chụp CT: giúp kiểm tra và đánh giá tình trạng cổ trướng, ung thư thâm nhập phúc mạc,...;
  • Xét nghiệm dịch ổ bụng: bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn sang phúc mạc nếu phúc mạc tiết ra dịch có dính máu hoặc màu vàng, hoặc dịch ổ bụng có chỉ số LDH cao, hoặc phát hiện có tới 25% tế bào ung thư dạ dày hiện diện trong dịch ổ bụng.
  • Soi ổ bụng: giúp xác định vị trí tổn thương của phúc mạc, đánh giá mức độ xâm lấn của khối u tại đây. Soi ổ bụng có thể cho ra hình ảnh phúc mạc bị xuất huyết, sần sùi, dày cứng, có nhiều hạt màu trắng đục; 
  • Sinh hoá máu: có thể thấy nồng độ LDH và Canxi trong máu tăng cao.

Khi ung thư dạ dày di căn phúc mạc ở giai đoạn cuối thì các biện pháp điều trị đa phần là giúp làm giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Những phương pháp truyền thống được dùng bao gồm: xạ trị, hoá trị, sử dụng thuốc hỗ trợ giảm đau,...

Tụy:

Tỷ lệ ung thư dạ dày di căn sang tuỵ là rất lớn do đây cũng là một cơ quan ở vị trí gần với dạ dày. Nguyên nhân dẫn tới việc các tế bào ung thư có thể dễ dàng xâm lấn qua tuỵ có thể là do trong tế bào ung thư rơi vào phúc mạc quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc tế bào ung thư tự tìm tới tuỵ. Từ tuỵ, khối u có thể xâm lấn sang phúc mạc bụng.

Khu vực khác:

Bên cạnh những cơ quan kể trên, ung thư dạ dày còn có khả năng di căn tới những vị trí khác như não, túi mật, ở nữ giới thì là buồng trứng, ở nam là tuyến tiền liệt,...


Tài liệu tham khảo:

1. Ung thư dạ dày di căn có chữa được không? | Dược phẩm Phú Đô

2. Sự nguy hiểm của Ung thư dạ dày di căn | Dr.NguyenAnhTuan

3. Tìm hiểu về tiến trình Ung thư dạ dày di căn | Kiến thức Ung Thư

4. Ung thư dạ dày và những điều bạn cần biết để phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm | Bệnh viện K

5. Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày | Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.