Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
Ung thư tim là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các mô mềm (sarcoma) của cơ thể. Các tế bào ở tim phát triển bất thường và không tuân theo quy luật tự nhiên dẫn đến việc hình thành khối u ác tính tại cơ quan này. Số trường hợp bị u ác tính xuất phát ở tim không nhiều, một nghiên cứu khám nghiệm được tiến hành trên 12.000 tử thi đã phát hiện trong số này chỉ có khoảng 7 người phát hiện ung thư tim.
Ung thư tim là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các mô mềm (sarcoma) của cơ thể
Có 2 loại ung thư tim chủ yếu bao gồm:
- Ung thư tim nguyên phát: Xảy ra khi nơi khối u ác tính khởi phát ban đầu là ở tim và đây là hiện tượng khá hiếm gặp. 0,25% là tỷ lệ phát triển khối u ở tim và trong số đó phần lớn là các khối u lành tính (chiếm đến 90%). Nguyên nhân là do chính các tế bào cơ tim đã được biệt hoá hoàn toàn, do đó chúng hầu như không phân chia trong suốt chặng đường tồn tại cũng như phát triển của tim. Một khi khả năng phân chia đã rất thấp thì tỷ lệ để hình thành khối u tự phát ở đây cũng không cao;
- Ung thư tim thứ phát: Xảy ra khi các tế bào ung thư di căn từ những bộ phận khác trong cơ thể tìm đến tim và gây bệnh ở đây. Phần lớn các ca ung thư tim là ung thư thứ phát. Các khối u thường bắt đầu di chuyển ở những khu vực gần tim, những tế bào này phá huỷ các mô ở cơ quan ban đầu của nó, sau đó xâm lấn tới các mô bao quanh tim và cả cấu trúc tim. Các bệnh ung thư được ghi nhận là có nguy cơ cao ảnh hưởng tới tim gồm có ung thư vú, ung thư phổi, ung thư hạch, ung thư thực quản, bệnh bạch cầu và ung thư thận,...
So với ung thư tim thứ phát, ung thư tim thể nguyên phát tuy tỷ lệ mắc rất ít nhưng một khi đã bị thì tiên lượng sống của bệnh nhân rất xấu. Giải thích cho điều này có thể là do các nguyên nhân như:
- Những người mắc ung thư tim nguyên phát thường dễ lẫn lộn triệu chứng với các bệnh lý thường gặp về tim mạch, do đó đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị;
- Cũng vì các tế bào ở tim hoàn toàn đã được biệt hoá nên những tế bào này nếu gặp tổn thương thì rất khó để thay thế và hồi phục. Những thương tổn này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng và có khả năng gây di chứng vĩnh viễn cho tim.
Còn những trường hợp mắc ung thư tim thứ phát thì khi phát hiện cũng đã ở giai đoạn muộn của bệnh ung thư ở cơ quan khác. Do vậy tiên lượng của thể bệnh này cũng không khả quan hơn so với ung thư tim nguyên phát.
Nguyên nhân thực sự khiến cho các tế bào tim tăng sinh mất kiểm soát vẫn chưa được tìm ra, tuy vậy các tác nhân sau đây cũng phần nào dẫn tới khả năng ung thư tim hình thành:
- Do yếu tố di truyền: phần lớn xảy ra ở các bệnh nhi bị xơ cứng ống tim do mắc khối u ở tim. Hội chứng này do đột biến trong DNA gây nên;
- Tổn thương hệ miễn dịch: Không có nhiều bắng chứng về mối liên quan giữa việc suy giảm miễn dịch tới ung thư tim, tuy nhiên trên lâm sàng thường thấy những người có sức đề kháng yếu thường có nguy cơ bị ung thư tim cao hơn so với người khoẻ mạnh bình thường;
- Bệnh nhân có lối sống thiếu lành mạnh: nói chung các bệnh lý về ung thư đều ít nhiều bị gây nên bởi chủ thể có lối sống không khoa học như thức khuya, dậy muộn, ưa thích đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc những thức ăn được chế biến với nhiệt độ cao như thịt nướng, thịt xông khói, và ăn loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Kết hợp với chế độ ăn này là thói quen lười vận động, ít tập thể dục thể thao. Đặc biệt, nghiện thuốc lá là tác nhân gây ung thư của rất nhiều cơ quan, trong đó có ung thư tim.
Bệnh nhân có lối sống thiếu lành mạnh ăn nhiều đồ ăn nhanh, béo phì là nguyên nhân gây ung thư tim
Hầu hết các ca ung thư tim thường rất khó để phát hiện sớm ở giai đoạn đầu mới khởi phát. Đến khi các biểu hiện đã rõ ràng hơn thì thường gây nhầm lẫn với những dạng bệnh lý về tim mạch khác. Dưới đây là các triệu chứng bất thường mọi người cần lưu ý vì rất có thể đó chính là lời cảnh báo của bệnh ung thư tim:
- Ho, có khi ho ra đờm kèm bọt và màu hồng;
- Ngực đau tức, hồi hộp đánh trống ngực;
Đau tức ngực có thể là triệu chứng bệnh ung thư tim
- Rối loạn nhịp tim;
- Sốt không rõ nguyên nhân;
- Cơ thể mệt mỏi;
- Tăng hoặc sụt cân;
- Các dấu hiệu của phù trong suy tim như: Đầu ngón tay dày và sưng lên như dùi trống; Bị sưng mắt cá chân và cả bàn chân;
- Bệnh nhân khó thở, triệu chứng này tăng nặng đặc biệt khi nằm;
- Phản xạ và ý thức thay đổi (không điều khiển được bản thân, ngất lịm);
- Chóng mặt, đau đầu, ảo giác, thậm chí là mê sảng;
- Móng tay hoặc đầu ngón tay thay đổi màu sắc thành màu xanh tím;
- Liệt một bộ phận của cơ thể hoặc liệt toàn thân;
- Một số trường hợp bị u tim nguyên phát có thể gặp các triệu chứng như: Sốt kèm ớn lạnh, vã mồ hôi về ban đêm, kiệt sức, đau khớp, ngực đau tức dữ dội nhất là khi hít thở, sút cân nhanh,...
Các triệu chứng của ung thư tim không đặc hiệu và thường sẽ có biểu hiện của các biến chứng của nó như suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,… Vì vậy bệnh rất dễ được chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót.
Ung thư tim gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Do vậy nếu phát hiện bản thân hoặc người nhà gặp phải những dấu hiệu kể trên, hãy ngay lập tức tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa ở cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Dựa vào mức độ phát triển về kích thước của khối u trong tim và khả năng lây lan của các tế bào ung thư mà ung thư tim được chia thành 4 giai đoạn tiến triển chính bao gồm:
- Giai đoạn 1: khối u ở giai đoạn này kích thước còn khá nhỏ và đang phát triển tại chỗ, chưa lan rộng sang khu vực khác. Khối u bám rễ tại tim gây ảnh hưởng tới sự tuần hoàn của các mạch máu ở đây dẫn đến những biểu hiện như nhức đầu, ho, sốt, thở khò khè, tim bị viêm nhẹ. Rất khó để xác định tình trạng ung thư ở giai đoạn 1;
- Giai đoạn 2: sang tới giai đoạn 2 khối u đã bắt đầu manh nha xâm lấn tới các mô xung quanh tim, bao gồm các hạch bạch huyết, lớp trong mạch máu, tổ chức trong tim, phế quản chính. Kích thước khối u có dấu hiệu gia tăng lên khoảng 2cm;
- Giai đoạn 3: ở giai đoạn 3 hoạt động và chức năng tim đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự phát triển của khối u. Nó cũng gây tổn thương sâu rộng hơn tới các hạch bạch huyết và những cơ quan khác trong cơ thể;
- Giai đoạn 4: ung thư tim đã thâm nhập vào nhiều bộ phận khác. Khối u tan fphas nghiêm trọng chức năng tim khiến cho máu ở các buồng tim bị trộn lẫn vào nhau. Do thiếu máu nuôi hệ thần kinh và các tổ chức khác nên cơ hội sống sót của bệnh nhân là vô cùng thấp.
Bên cạnh các thăm khám lâm sàng, hỏi về triệu chứng thường gặp và tình hình bệnh sử của bệnh nhân thì các phương pháp sau sẽ được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán ung thư tim:
- Xét nghiệm máu: Không có xét nghiệm máu đặ chiệu để có thể chẩn đoán xác định ung thư tim. Tuy nhiên, việc kiểm tra các xét nghiệm máu cơ bản như: Tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan - thận, men tim (như Troponin T-hs, CK total, CK-MB), điện giải đồ, Lactat,… và một số xét nghiệm khác tùy tình trạng của bệnh nhân sau khi được thăm khám cũng giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan về sức khỏe cơ thể người bệnh. Từ đó có những điều chỉnh và chỉ định phù hợp.
- Siêu âm tim, điện tim: Hai phương pháp này sẽ giúp đánh giá được hình thái, chức năng và sự hoạt động nhịp học của tim.
- Chụp CT và MRI để thăm dò, kiểm tra giai đoạn tiến triển của bệnh: Hình ảnh cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện về quả tim và các tổn thương có thể có.
Chụp MRI để thăm dò, kiểm tra giai đoạn tiến triển của bệnh
- Đặt ống thông mạch vành hoặc ống thông tim để xác định xem đâu là mạch máu nuôi dưỡng khối u, từ đó cung cấp thêm thông tin phục vụ cho việc điều trị phẫu thuật;
- Sinh thiết: tùy trường hợp cụ thể, cấp thiết mới dùng tới do kỹ thuật này có thể gây tắc mạch máu tim dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Cần xem xét loại ung thư tim mà bệnh nhân mắc phải là u lành tính hay ác tính, thứ phát hay nguyên phát và giai đoạn tiến triển để quyết định phương thức điều trị sao cho phù hợp. Hầu hết các ca ung thư tim đều cần phải thực hiện phẫu thuật.
- Đối với khối u lành tính: nếu cắt bỏ được hoàn khối u thì bệnh nhân có cơ hội hồi phục. Trong trường hợp kích thước của khối u quá lớn hoặc số lượng khối u nhiều, nên thực hiện loại bỏ một phần các tế bào tăng sinh ở tim vì như vậy sẽ giúp cải thiện hoặc điều trị khỏi hẳn các triệu chứng. Cũng có trường hợp theo dõi định kỳ tim hàng năm cho bệnh nhân thay vì thực hiện phẫu thuật;
- Đối với khối u ác tính: loại u này thì khó điều trị hơn so với u lành vì tính chất tăng sinh với tốc độ nhanh chóng cũng như khả năng xâm lấn sang các tổ chức khác của khối u ác tính. Hai phương pháp thường được áp dụng đối với các ca bị u tim ác tính là xạ trị hoá trị, có tác dụng cản trở và hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư cũng như làm giảm các biểu hiện của bệnh, cải thiện chức năng và chất lượng sống cho bệnh nhân.
- Phẫu thuật ghép tim hoặc thay tim: tùy tình hình bệnh cảnh bác sĩ sẽ có chỉ định riêng;
Phẫu thuật ghép tim hoặc thay tim để điều trị cho bệnh nhân ung thư tim
- Giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng bằng cách kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ sinh hoạt và luyện tập điều độ;
- Phối hợp với các liệu pháp điều trị thay thế khác như đông y, yoga, châm cứu, các bài thuốc dân gian giúp bồi bổ sức khỏe cho người bệnh,...
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!