Từ điển bệnh lý

Vẹo cột sống : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-01-2025

Tổng quan Vẹo cột sống

Thống kê số liệu khám chữa bệnh tại hệ thống Y tế MEDLATEC năm 2024, ghi nhận gần 190 ca bệnh được chẩn đoán là cong vẹo cột sống bởi các nguyên nhân khác nhau. Trong đó 76% là nữ giới; 41% người bệnh dưới 30 tuổi.

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, cong sang một bên của trục cơ thể và các thân đốt sống bị xoay vẹo, cong lệch bên, không nằm theo trục của mặt phẳng ngang. Các triệu chứng này có thể làm biến dạng xương sườn, khung xương chậu (gây gù ở vùng ngực hoặc ưỡn ở vùng thắt lưng) và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Vẹo cột sống làm thay đổi áp lực của cơ thể lên hệ cột sống và áp lực của khung xương sườn lên các cơ quan, đặc biệt là tim và phổi, làm cản trở quá trình tuần hoàn và hô hấp bình thường của cơ thể.

Cột sống bình thường có trục thẳng đứng nhìn từ phía sau lưng. Cong cột sống dang chữ C là cong về một phía ở vị trí cột sống ngực, cột sống lưng, thắt lưng. Cong hình chữ S là cong vẹo phối hợp ở nhiều vị trí, cong vẹo về hai phía khác nhau.

Phân loại vẹo cột sống

Phân loại vẹo cột sống

Cột sống cong vẹo là bệnh lí nguy hiểm, các dấu hiệu của cong vẹo cột sống có thể ít và dễ bị bỏ qua song bệnh lý này có thể được điều chỉnh khi phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, giảm nhẹ ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người mắc phải. Trong một số trường hợp, tình trạng cong vẹo nặng kèm theo các bệnh lý khác gây tổn thương cột sống, cần phải can thiệp phẫu thuật.



Nguyên nhân Vẹo cột sống

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống đa dạng, trong đó có khoảng 70-80% là các trường hợp cong vẹo không rõ nguyên nhân. Tùy thuộc vào độ tuổi, có thể có các nguyên nhân khác nhau, ví dụ ở trẻ em, vẹo cột sống có thể do bẩm sinh hoặc thói quen sinh hoạt sai tư thế; ở người già, nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa cột sống.

Một vài nguyên nhân thường gặp như:

  • Bẩm sinh: thưởng xảy ra ở trẻ em, sự phát triển bất thường của cột sống khi còn là bào thai. Vẹo cột sống bẩm sinh thường khó phát hiện triệu chứng khi trẻ còn nhỏ, bệnh thường được phát hiện khi đi kèm với sự bất thường của các cơ quan khác.
  • Vẹo cột sống do hệ thần kinh là tình trạng xảy ra những người bị bệnh thần kinh cơ như bại não, loạn dưỡng cơ, teo cơ... hoặc do dây thần kinh bị chèn ép sau chấn thương. Chức năng và sự phát triển của cơ, dây thần kinh bị ảnh hưởng từ các chứng bệnh trên có thể gây biến chứng cong vẹo cột sống.
  • Vẹo cột sống sau chấn thương là một dạng vẹo cột sống thứ phát, cột sống bị chấn thương dẫn đến cong, vẹo. Hoặc là biến chứng sau các cuộc phẫu thuật cột sống, tuy nhiên trường hợp này hiếm xảy ra.
  • Lao động nặng hoặc các hoạt động/thói quen sai tư thế, trong thời gian dài gây áp lực quá tải lên cột sống, dẫn đến thoái hóa, tổn thương.
  • Chiều dài chân không đều do dị tật bẩm sinh hoặc sau các tai nạn. Độ dài hai chân không bằng nhau dẫn đến đi tập tễnh “chân cao chân thấp”, áp lực lên cột sống không đều nhau trong thời gian dài.
  • Quá trình sinh lý: ở độ tuổi trung niên hoặc người già, cơ thể lão hóa khiến cột sống suy giảm chất lượng, biến dạng, thoái hóa dẫn đến vẹo cột sống
  • Bệnh lý: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp tuổi hoặc loãng xương là các bệnh lý có thể gián tiếp tác đong gây cong vẹo cột sống

YẾU TỐ TĂNG NGUY CƠ CONG VẸO CỘT SỐNG

  • Tuổi có ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp và cột sống. Ở người già, sự lão hóa của cơ thể kéo theo tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về cơ xương khớp, trong đó có cong vẹo cột sống. Ở người trong độ tuổi lao động, trẻ em tuổi học đường cũng dễ bị cong vẹo cột sống do môi trường, tính chất công việc và cơ địa.
  • Giới tính: Theo số liệu thống kê tại MEDLATEC, tỷ lệ nữ giới bị cong vẹo cột sống nhiều hơn nam giới. Một vài nghiên cứu cong vẹo cột sống trên đối tượng trẻ em cho thấy: tỉ lệ mắc bệnh và mức độ cột sống bị cong vẹo ở trẻ gái cao hơn trẻ trai.
  • Thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc tính chất đặc thù của công việc ở các đối tượng khác nhau sẽ gây tác động lực khác nhau lên hệ cột sống, ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng của cột sống.

Ở đối tượng học sinh thường dễ bị vẹo cột sống do tư thế ngồi không đúng, tư thế đeo ba lô nặng… Người lao động nặng, bốc vác nặng, áp lực quá tải lên cột sống trong thời gian dài, khiến cho cột sống bị thoái hóa, cong vẹo.



Triệu chứng Vẹo cột sống

Khi ở mức độ nhẹ, các dấu hiệu của cong vẹo cột sống có thể ít và bị bỏ qua. Người bệnh có thể xuất hiện một hoặc một vài triệu chứng bất thường do chính người bệnh hoặc gia đình phát hiện ra như:

  • Cơ thể bị nghiêng về một phía: đầu không ở vị trí thẳng đứng
  • Cơ thể mất đối xứng:

+ Cột sống cong vẹo sang phía bên hoặc gù lưng, ưỡn bụng so với trục bình thường của cột sống.

+ Hai vai, xương bả vai hai bên lệch, không bằng nhau, bên cao bên thấp;

+ Khung xương chậu thắt lưng, hông lệch bất thường, chân dài chân ngắn.



Phòng ngừa Vẹo cột sống

Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống để có cách phòng ngừa, dự phòng bệnh và các ảnh hưởng xấu do cong vẹo cột sống gây nên.

  • Vận động, tập thể dục thường xuyên để cơ thể, hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, vững chắc.
  • Rèn luyện các bài tập thể dục tại vùng lưng giúp giảm áp lực tác động lực lên cột sống hoặc điều chỉnh tư thế, thói quen hoạt động ảnh hưởng xấu đến cột sống lưng.
  • Đối với lứa tuổi học đường, cần lưu ý tư thế ngồi học, mang vác ba lô, kích thước bàn ghế. Gia đình, nhà trường cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường của cột sống.

 Dự phòng cong vẹo cột sống ở học sinh

 Dự phòng cong vẹo cột sống ở học sinh

Vẹo cột sống gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất và cũng dẫn đến những hệ quả về lâu dài. Đối với người trẻ tuổi, cong vẹo cột sống từ giai đoạn sớm với các triệu chứng mất đối xứng hai bên cơ thể, dẫn đến lo lắng, mất tự tin về ngoại hình.

Bệnh cong vẹo cột sống có thể được điều chỉnh khi phát hiện sớm, điều trị đúng nơi, đúng phương pháp, giúp giảm nhẹ ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người mắc phải.

Hệ thống Y tế MEDLATEC có đầy đủ đội ngũ chuyên gia chuyên khoa cơ xương khớp, thần kinh, trang thiết bị tại tất cả các cơ sở giúp người bệnh điều trị, theo dõi đúng cách đối với bệnh cong vẹo cột sống.
Liên hệ tổng đài 1900.565656 hoặc truy cập medlatec.vn để đặt lịch.



Các biện pháp chẩn đoán Vẹo cột sống

Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa sẽ quan sát toàn thân và hình dáng cột sống, các bộ phận cơ thể từ các góc nhìn khác nhau. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các hoạt động đi, đứng, ngồi để quan sát sự chuyển động của cột sống và các bộ phận khác, kết hợp với các triệu chứng bất thường theo thông tin người bệnh cung cấp để làm căn cứ cho chẩn đoán ban đầu. Các triệu chứng được cân nhắc hướng đến chẩn đoán cong vẹo cột sống:

  • Dáng đi gù lưng, ưỡn bụng hoặc bị nghiêng về một phía
  • Cơ thể mất đối xứng hai bên: Hai vai lệch, không bằng nhau, bên cao bên thấp; thắt lưng, hông lệch bất thường, chân dài chân ngắn.
  • Cột sống cong rõ ràng, có ụ gồ hoặc vùng lõm trên cột sống.
  • Vai hoặc hông nhô ra ngoài một phần hoặc hoàn toàn
  • Ở tư thế đứng, buông thõng hai tay: quan sát thấy khoảng cách giữa thân và tay khác nhau ở hai bên.
  • Đau vùng lưng, đau cột sống thắt lưng mạn tính.

Cận lâm sàng được chỉ định như:

  • Chụp X-quang cột sống ở tư thế thẳng và nghiêng: phát hiện dị tật cột sộng hoặc độ cong bất thường của cột sống. Đây là phương pháp dễ thực hiện, ít thời gian, chi phí thấp và là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định cong vẹo cột sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)cột sống: thường được chỉ định khi bệnh nhân có ít triệu chứng. MRI giúp kiểm tra các tổn thương do chèn ép thần kinh, tổn thương hoặc dị tật tủy sống.

Bên cạnh đó, bác sĩ lâm sàng cũng sẽ đo độ cong của cột sống bằng các nghiệm pháp, thước đo chuyên dụng.

Một số hình ảnh chụp X-quang cột sống tại MEDLATEC

Một số hình ảnh chụp X-quang cột sống tại MEDLATEC



Các biện pháp điều trị Vẹo cột sống

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng cong vẹo, các bệnh lý đi kèm và thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể cải thiện được bằng phương pháp điều trị bảo tồn. Trong một số trường hợp, tình trạng cong vẹo nặng kèm theo các bệnh lý khác gây tổn thương cột sống, cần phải can thiệp phẫu thuật.

  • Điều chỉnh tư thế, quan sát và theo dõi định kỳ: Áp dụng với các trường hợp nhẹ, góc vẹo dưới 25 độ thì chưa cần can thiệp nhiều. Người bệnh cần:
  • Điều chỉnh tư thế đi, đứng, ngồi đúng.
  • Tái khám định kỳ, kiểm tra bằng phim chụp X-quang định kỳ 3 tháng/lần.
  • Đối với người có tật ở chân, chiều dài hai chân không đều, cần sử dụng giày điều chỉnh phù hợp để dáng đi cân đối, giảm áp lực xấu lên cột sống.
  • Đối với người già, cong vẹo cột sống gây triệu chứng đau lưng, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau và thực hiện bài tập vật lí trị liệu giúp giảm đau. Người bệnh cần thăm khám định kỳ để kiểm tra kết quả điều trị, diễn biến bệnh, phát hiến sớm biến chứng nếu có.
    • Sử dụng nẹp cố định, áo chỉnh hình cột sống: để ngăn chặn tiến triển của sự cong vẹo đối với các trường hợp góc vẹo khoảng 25-40 độ và bệnh nhân còn trong giai đoạn phát triển.
  • Tùy phân loại và tình trạng vẹo, bác sĩ sẽ tư vấn các loại nẹp và thời gian nẹp phù hợp.
  • Có nhiều loại nẹp cố định thân khác nhau, một số loại cần được đeo gần như 24 giờ mỗi ngày, trừ khi tắm. Hiệu quả của nẹp thân phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sự tuân thủ theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Đeo nẹp cố định thường áp dụng với trẻ em, thực hiện đồng thời cùng với điều chỉnh tư thế đúng, tái khám định kỳ 3 tháng và theo dõi đến khi hết tuổi trưởng thành.

Nẹp cố định cột sống

Nẹp cố định cột sống

  • Điều trị phục hồi chức năng

Đối với trẻ em, cần can thiệp điều trị càng sớm ngay khi phát hiện bệnh, điều trị phục hồi chức năng nhằm:

  • Sửa các biến dạng ở vùng cột sống, khung chậu, lồng ngực.
  • Duy trì và tăng cường tầm vận động và khả năng vận động của cột sống.
  • Phòng ngừa tiến triển xấu của sự biến dạng và các bệnh thứ phát của hệ vận động, hệ hô hấp, hệ tim mạch.

Các phương pháp và kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên trị liệu tại các cơ sở điều trị. Người bệnh có thể phải điều trị ở cơ sở y tế và thực hiện các bài tập ở nhà để đạt hiệu quả cao nhất.

  • Phẫu thuật nắn chỉnh cột sống: áp dụng đối với cong vẹo cột sống do bệnh lý hoặc tình trạng cong vẹo nặng ở người sau độ tuổi phát triển, góc vẹo trên 40 độ.
  • Phương pháp: phẫu thuật chỉnh hình cột sống, phẫu thuật ghép xương,...
  • Thời gian phục hồi sau phẫu thuật trung bình 1-3 tháng tùy thuộc nhiều yếu tố.



Tài liệu tham khảo:

Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ