Từ điển bệnh lý

Viêm bao hoạt dịch khớp gối : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 02-04-2025

Tổng quan Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng viêm xảy ra ở các túi hoạt dịch xung quanh khớp gối, gây ra sưng đau, hạn chế cử động và khó chịu khi đi lại. Túi hoạt dịch (bursae) là những khoang chứa chất lỏng có vai trò giảm ma sát giữa các cấu trúc trong khớp như gân, cơ và xương. Khi bị viêm, dịch trong túi có thể tích tụ quá mức, gây sưng, đau và ảnh hưởng đến hoạt động của khớp.

Bệnh thường gặp ở những người bị chấn thương lặp đi lặp lại ở gối, hoặc có bệnh lý nền như viêm khớp dạng thấp hay Gout. Nếu bệnh không được kiểm soát tốt có thể gây đau tăng dần, làm giảm chất lượng cuộc sống và hạn chế nhiều hoạt động hàng ngày. 

Người bệnh thường bị đau và sưng ở gối, khiến việc đi lại hay co duỗi chân gặp nhiều khó khăn.Người bệnh thường bị đau và sưng ở gối, khiến việc đi lại hay co duỗi chân gặp nhiều khó khăn.


Nguyên nhân Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là một tình trạng phổ biến, xảy ra khi bao hoạt dịch – lớp màng mỏng chứa dịch khớp giúp bôi trơn và giảm ma sát bị viêm. Khi bị viêm, bao hoạt dịch sẽ sưng to, làm tăng áp lực trong khớp, gây đau, hạn chế vận động và có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài nếu không được điều trị đúng cách. Tình trạng này không chỉ do một nguyên nhân đơn lẻ mà có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, được chia làm các nhóm cụ thể như sau:

Chấn thương cơ học

Khi đầu gối bị chấn thương lặp lại nhiều lần, lớp bao hoạt dịch quanh khớp dễ bị kích ứng, gây viêm và sưng đau. Dưới đây là những trường hợp điển hình:

  • Té ngã, va chạm mạnh trong sinh hoạt hay chơi thể thao là những nguyên nhân dễ khiến bao hoạt dịch bị tổn thương và viêm.
  • Cử động lặp đi lặp lại: Những người thường xuyên thực hiện các động tác gập duỗi gối liên tục (như vận động viên, người lao động nặng) có nguy cơ cao bị viêm do bao hoạt dịch bị kích thích liên tục.
  • Tỳ đè kéo dài: Ngồi quỳ lâu, chống đầu gối xuống sàn trong thời gian dài (như thợ lát sàn, người làm vườn) có thể tạo áp lực lớn lên bao hoạt dịch, khiến nó bị kích ứng và viêm.

Người lao động thường xuyên phải quỳ hoặc tỳ đè vùng gối xuống nền cứng rất dễ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối.Người lao động thường xuyên phải quỳ hoặc tỳ đè vùng gối xuống nền cứng rất dễ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối.

Nhiễm trùng

Trường hợp viêm do nhiễm khuẩn không thường gặp, nhưng nếu xảy ra thì có thể tiến triển nhanh và gây biến chứng nặng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào bao hoạt dịch, chúng có thể gây viêm và làm tổn thương khớp nếu không được kiểm soát kịp thời.

  • Vi khuẩn từ tổn thương tại chỗ: Một vết trầy xước hoặc vết thương hở ở vùng quanh đầu gối có thể trở thành đường vào của vi khuẩn, gây viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng.
  • Vi khuẩn lây lan từ ổ nhiễm trùng khác: Nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm trùng từ một bộ phận khác của cơ thể (như nhiễm trùng da, viêm mô tế bào) cũng có thể lan đến khớp gối, gây viêm bao hoạt dịch.

Bệnh lý viêm khớp mạn tính

Những người mắc bệnh viêm khớp mạn tính thường có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối cao hơn người bình thường. Các bệnh này thường kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường, làm bao hoạt dịch bị tổn thương kéo dài.

  • Trong viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch bị rối loạn và hoạt động quá mức, tự tấn công vào khớp và bao hoạt dịch. Tình trạng này có thể gây viêm mạn tính, làm tổn thương khớp gối theo thời gian.
  • Gút: Bệnh gút xảy ra khi tinh thể axit uric tích tụ trong khớp, gây viêm dữ dội và có thể ảnh hưởng đến bao hoạt dịch.
  • Thoái hóa khớp: Khi sụn khớp bị mài mòn theo thời gian, các mảnh vụn sụn có thể kích thích bao hoạt dịch - gây viêm và sưng khớp gối.


Triệu chứng Viêm bao hoạt dịch khớp gối

  • Khi bị viêm bao hoạt dịch, khớp gối thường đau nhức. Đau có thể kéo dài âm ỉ, biểu hiện rõ rệt hơn khi đi lại, leo cầu thang hoặc đứng lâu, và sẽ giảm bớt khi nghỉ ngơi. Đôi khi, đau có thể lan xuống bắp chân hoặc đùi.
  • Sưng to quanh khớp gối: Viêm bao hoạt dịch làm tăng lượng dịch khớp, khiến đầu gối trông to hơn bình thường. Khi bị viêm, khu vực da quanh khớp gối có thể sưng nề, căng bóng và nóng ấm hơn so với vùng da khác.
  • Giảm khả năng vận động: Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi duỗi hoặc gập gối, nhất là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
  • Đỏ, nóng vùng da quanh khớp: Đây là dấu hiệu của viêm cấp tính, thường gặp trong trường hợp nhiễm trùng hoặc bệnh gút.
  • Tiếng kêu lục cục khi cử động: Nếu viêm bao hoạt dịch kéo dài, dịch khớp có thể thay đổi cấu trúc, gây ra tiếng kêu khi di chuyển.

Các biến chứng Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Khả năng hồi phục

Phần lớn các trường hợp viêm bao hoạt dịch khớp gối có tiên lượng tốt, đặc biệt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng tùy vào mức độ viêm và phương pháp điều trị.

  • Viêm bao hoạt dịch nhẹ: Nếu chỉ bị viêm do chấn thương nhẹ hoặc do hoạt động quá mức, bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-4 tuần với các biện pháp chăm sóc và nghỉ ngơi.
  • Viêm bao hoạt dịch mạn tính: Nếu bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, việc điều trị có thể mất nhiều thời gian hơn và cần đến các phương pháp chuyên sâu như tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.

Nguy cơ biến chứng

Mặc dù tiên lượng thường tốt, viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể dẫn đến một số biến chứng nếu không được điều trị kịp thời:

  • Hạn chế vận động: Nếu tình trạng viêm kéo dài, bao hoạt dịch có thể trở nên dày và xơ hóa, gây khó khăn trong cử động khớp gối.
  • Nhiễm trùng: Trong trường hợp viêm bao hoạt dịch nhiễm khuẩn, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến viêm khớp nhiễm trùng hoặc áp xe.
  • Viêm mạn tính: Viêm bao hoạt dịch kéo dài có thể làm tổn thương sụn khớp, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Đối tượng nguy cơ Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Tỷ lệ mắc viêm bao hoạt dịch khớp gối có sự khác biệt tùy theo nhóm đối tượng và nguyên nhân gây bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy:

  • Viêm bao hoạt dịch khớp gối do chấn thương nghề nghiệp thường gặp ở những người làm việc cần quỳ gối nhiều như thợ lát sàn, thợ mỏ hoặc thợ mộc.
  • Người bị viêm xương khớp có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ béo phì. Một nghiên cứu quan sát cho thấy khoảng 83% số bệnh nhân viêm khớp gối có kèm theo viêm bao hoạt dịch.
  • Viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường xảy ra nhiều hơn ở nam giới trung niên, trong độ tuổi 40-60.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối được phân loại dựa trên vị trí bị ảnh hưởng và nguyên nhân gây bệnh:

  • Loại trước xương bánh chè:
    • Người làm các công việc như lát gạch, làm vườn, lau dọn… hay phải quỳ nhiều có nguy cơ cao bị viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè.
    • Triệu chứng: Sưng, đau ngay phía trước xương bánh chè, có thể đỏ da và nóng vùng khớp.
    • Chấn thương gối nhiều lần hoặc tình trạng nhiễm trùng là yếu tố chính khiến bao hoạt dịch bị viêm.
  • Loại dưới xương bánh chè:
    • Có hai dạng: viêm bao hoạt dịch nông và sâu.
    • Nguyên nhân có thể do căng thẳng lặp lại lên gân bánh chè, thường gặp ở vận động viên chạy bộ hoặc người lao động nặng.
  • Hội chứng đau Pes Anserinus (Pes Anserinus Pain Syndrome - PAPS):
    • Trước đây được gọi là viêm bao hoạt dịch chân ngỗng, nhưng hiện nay được xem là một hội chứng đau hơn là viêm thực sự.
    • Đặc trưng bởi đau ở vùng mặt trong của đầu gối, ngay dưới khớp gối.
    • Có liên quan mật thiết đến viêm xương khớp và thường gặp ở phụ nữ béo phì.
  • Loại nhiễm khuẩn:
    • Là dạng viêm nghiêm trọng do vi khuẩn tấn công vào bao hoạt dịch, thường xảy ra khi có vết thương hở hoặc nhiễm khuẩn lan rộng.
    • Biểu hiện gồm sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội kèm theo sốt.
    • Bệnh có thể tiến triển nhanh nếu không xử lý đúng cách, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng toàn thân và phá huỷ khớp gối.

Phòng ngừa Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Để phòng tránh bệnh tái phát, người bệnh nên chú ý một số điều trong sinh hoạt và vận động hàng ngày:

  • Hạn chế quỳ gối lâu, sử dụng tấm lót đầu gối nếu cần thiết.
  • Giảm cân ở người thừa cân, béo phì là một cách quan trọng để bảo vệ khớp và phòng ngừa bệnh quay trở lại.
  • Duy trì vận động hợp lý giúp khớp linh hoạt và cơ vùng gối khỏe mạnh, góp phần giảm tải cho khớp trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Các hoạt động làm tăng áp lực lên đầu gối như ngồi xổm, leo dốc hoặc chạy xuống dốc nên được hạn chế để tránh tái phát.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Việc chẩn đoán dựa vào một số dấu hiệu sau:

  • Đau và sưng kéo dài quanh khớp gối.
  • Hạn chế vận động nhưng không có tổn thương xương trên X-quang.
  • Tiền sử chấn thương, viêm khớp hoặc bệnh lý đi kèm.

Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm

  • Siêu âm khớp gối: Giúp phát hiện tình trạng tràn dịch khớp, độ dày của bao hoạt dịch và các dấu hiệu viêm.
  • Chụp X-quang là bước cần thiết để đảm bảo không có vấn đề khác như gãy xương hoặc thoái hoá khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu cần đánh giá chi tiết hơn về tổn thương bao hoạt dịch và cấu trúc khớp.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Trong trường hợp nghi ngờ viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng hoặc bệnh gút, bác sĩ có thể chọc hút dịch khớp để kiểm tra.
  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện để tìm dấu hiệu nhiễm trùng, viêm hoặc bệnh lý liên quan như viêm khớp dạng thấp.

Việc chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối không chỉ dựa vào triệu chứng mà còn cần đến các xét nghiệm để phân biệt với các bệnh lý khác. Đừng bỏ qua những dấu hiệu ban đầu, vì việc điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao và ít rủi ro biến chứng!

Siêu âm khớp gối với ưu điểm không xâm lấn và tiện lợi, vì vậy đây là lựa chọn phổ biến trong chẩn đoán ban đầu.Siêu âm khớp gối với ưu điểm không xâm lấn và tiện lợi, vì vậy đây là lựa chọn phổ biến trong chẩn đoán ban đầu.


Các biện pháp điều trị Viêm bao hoạt dịch khớp gối

Tình trạng này gây đau âm ỉ hoặc dữ dội, làm hạn chế cử động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm vì viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể kiểm soát tốt bằng phác đồ nếu điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị hiệu quả chúng ta có thể tham khảo:

Chăm sóc và điều chỉnh lối sống

Việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm bao hoạt dịch tái phát:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Khi xuất hiện các triệu chứng đau, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh các hoạt động làm tăng áp lực lên đầu gối như quỳ gối hoặc đứng lâu.
  • Chườm đá là biện pháp đơn giản tại nhà có thể giúp giảm sưng và đau khớp gối hiệu quả nếu thực hiện đều đặn 3-4 lần/ngày.
  • Kê cao chân bằng gối trong lúc nằm hay ngồi sẽ giúp làm giảm tình trạng sưng tấy và hỗ trợ quá trình phục hồi của khớp gối.
  • Đeo băng hỗ trợ đầu gối: Một số loại băng đầu gối mềm có thể giúp cố định khớp, giảm bớt sự khó chịu khi di chuyển.
  • Cân nặng quá mức khiến khớp gối chịu thêm áp lực, làm cho tình trạng viêm bao hoạt dịch dễ kéo dài và nặng hơn. Duy trì cân nặng hợp lý là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để bảo vệ khớp gối không bị quá tải.

Một số loại băng mềm giúp cố định đầu gối để cố định khớp, giảm đau khớp.

Các bài tập tăng cường cơ bắp

Việc tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn giúp khớp gối linh hoạt hơn, giảm cảm giác đau và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp. Bạn có thể áp dụng các bài tập sau:

  • Bài tập căng cơ tứ đầu: Nằm ngửa, duỗi thẳng chân và cố gắng siết chặt cơ đùi trong 6 giây rồi thả lỏng. Lặp lại 10 lần mỗi bên chân.
  • Bài tập nâng chân thẳng: Nằm ngửa, nâng một chân lên khoảng 30 độ so với mặt sàn, giữ vài giây rồi hạ xuống. Lặp lại 10-15 lần.
  • Bài tập ngồi nâng chân: Ngồi trên ghế, duỗi thẳng chân ra trước rồi từ từ co gối lại. Thực hiện mỗi chân 10-15 lần.

Nếu tập luyện trong vòng một tháng mà không có dấu hiệu cải thiện, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị.

Biện pháp dùng thuốc

Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp kiểm soát triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối.

  • Thuốc giảm đau thông dụng như paracetamol có thể hỗ trợ giảm đau tạm thời khi triệu chứng chưa quá nặng.
  • Nhóm thuốc NSAID gồm những loại phổ biến như ibuprofen, naproxen và diclofenac, giúp giảm nhanh tình trạng viêm và đau nhức. Dù hiệu quả, nhưng việc lạm dụng thuốc có thể gây hại cho dạ dày, gan và thận, vì vậy người bệnh cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Nếu tình trạng viêm nặng, bác sĩ có thể tiêm thuốc corticoid trực tiếp vào vùng bao hoạt dịch để giảm sưng nhanh chóng. Phương pháp này không phải lựa chọn đầu tiên, mà chỉ sử dụng khi những cách điều trị trước đó không hiệu quả.
  • Trường hợp viêm bao hoạt dịch có nhiễm trùng, kháng sinh là lựa chọn điều trị bắt buộc để tránh biến chứng nặng, có thể dùng bằng đường uống hoặc tiêm.

Các phương pháp điều trị khác

  • Vật lý trị liệu: Sử dụng sóng siêu âm, chườm nóng, điện trị liệu hoặc các bài tập chuyên sâu giúp giảm đau và phục hồi vận động.
  • Chọc hút dịch khớp: Khi khớp gối bị tràn dịch quá nhiều, bác sĩ có thể sử dụng kim tiêm để hút dịch, giúp giảm sưng và đau.
  • Phẫu thuật: Trong các trường hợp nặng, viêm bao hoạt dịch kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, phẫu thuật loại bỏ bao hoạt dịch bị viêm có thể được cân nhắc.

Chọc hút dịch khớp là phương pháp thường được áp dụng khi đầu gối sưng nề nhiều do tụ dịch quá mức.Chọc hút dịch khớp là phương pháp thường được áp dụng khi đầu gối sưng nề nhiều do tụ dịch quá mức.

Nhìn chung, nếu được phát hiện và điều trị sớm, viêm bao hoạt dịch khớp gối không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe khớp gối lâu dài, người bệnh nên duy trì thói quen vận động hợp lý và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp.


Tài liệu tham khảo:

  1. Kedlaya, D. (2023, January 9). Prepatellar bursitis. Medscape. https://emedicine.medscape.com/article/309014-overview
  2. Katz, J. N. (2024, December 2). Knee bursitis. In UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on March 21, 2025.)
  3. Rishor-Olney, C. R., Taqi, M., & Pozun, A. (2024, January 4). Prepatellar bursitis. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557508/
  4. Tee-Melegrito, R. A. (2023, August 24). Bursa in the knee: Types and conditions. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/bursa-in-the-knee



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ