Từ điển bệnh lý

Viêm bao quy đầu (Balanitis) : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-04-2025

Tổng quan Viêm bao quy đầu (Balanitis)

Viêm bao quy đầu (Balanitis) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại phần đầu dương vật và bao quy đầu, thường do nhiễm trùng, kích ứng hóa chất, vệ sinh kém hoặc các bệnh lý nền gây ra. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến ở nam giới chưa cắt bao quy đầu.

Theo một số nghiên cứu, viêm bao quy đầu ảnh hưởng đến khoảng 12% nam giới trên toàn cầu. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau rát, ngứa, sưng tấy, tiết dịch có mùi hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm ngược dòng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Do đó, việc nhận diện sớm và dự phòng viêm bao quy đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như nguy cơ biến chứng.

 Viêm bao quy đầu là bệnh lý thường gặp ở nam giới

 Viêm bao quy đầu là bệnh lý thường gặp ở nam giới



Nguyên nhân Viêm bao quy đầu (Balanitis)

Viêm bao quy đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau có thể riêng rẽ và phối hợp. Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ bị bệnh.

Nhiễm trùng: Vi khuẩn, nấm, virus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm bao quy đầu, cụ thể:

+ Nấm Candida: chiếm khoảng 35-40% các trường hợp. Với các bệnh nhân đái tháo đường do đường niệu cao tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Người có hệ miễn dịch suy giảm như mắc HIV, điều trị corticosteroid, kháng sinh kéo dài cũng tăng khả năng nhiễm nấm.

+ Vi khuẩn: Staphylococcus aureus là nguyên nhân chính gây viêm mủ ở bao quy đầu. Streptococcus nhóm B và D có thể gây viêm da và nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra, một số vi khuẩn lây qua đường tình dục như Gardnerella vaginalis, xoắn khuẩn giang ma, lậu cầu cũng là yếu tố gây viêm bao quy đầu.

+ Virus: Herpes simplex virus (HSV) gây viêm bao quy đầu dạng loét, kèm theo đau rát và mụn nước. Human papillomavirus (HPV) có thể gây sùi mào gà ở bao quy đầu, đôi khi làm viêm mạn tính.

Kích ứng và phản ứng dị ứng: Các chất hóa học và yếu tố môi trường có thể gây kích ứng da bao quy đầu, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm hoặc tiền sử viêm da cơ địa. Một số loại xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh bộ phận sinh dục có chất tẩy mạnh, pH không phù hợp khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, các loại nước hoa, chất tạo mùi giấy vệ sinh, latex trong bao cao su, gel bôi trơn chứa glycerin, thậm chí một số loại thuốc bôi ngoài da có chứa kháng sinh có thể gây phản ứng dị ứng.

Vệ sinh cá nhân kém: Ở nam giới đặc biệt người hẹp bao quy đầu không điều trị, việc không vệ sinh đúng cách dẫn đến tích tụ bựa sinh dục, tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Vi khuẩn Mycobacterium smegmatis có thể phát triển trong môi trường bựa sinh dục dư thừa, làm tăng nguy cơ viêm mạn tính. Mặt khác, vệ sinh quá mức như sử dụng các dung dịch sát khuẩn mạnh thường xuyên có thể làm mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên của da, dẫn đến khô da và viêm.

Bệnh lý nền: Một số bệnh lý và yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc viêm bao quy đầu, cụ thể:

Đái tháo đường: Ở nam giới đái tháo đường, tỷ lệ mắc viêm bao quy đầu do Candida cao hơn 2-3 lần so với người không mắc bệnh. Đường huyết cao làm tăng khả năng phát triển của vi khuẩn và nấm trong vùng bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu: Hẹp bao quy đầu khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn, làm tăng nguy cơ viêm bao quy đầu lên 4-5 lần so với người bình thường.

Viêm da mạn tính: Bệnh có thể gây viêm bao quy đầu tái đi tái lại nhiều lần và có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu thứ phát, trở thành một vòng bệnh lý luẩn quẩn khó điều trị dứt điểm ở bao quy đầu.

Tổn thương cơ học: Các yếu tố gây tổn thương trực tiếp lên bao quy đầu có thể làm tăng nguy cơ viêm. Quan hệ tình dục mạnh bạo hoặc thủ dâm quá mức gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Ngoài ra, mặc quần lót quá chật hoặc làm từ chất liệu không thấm hút mồ hôi có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Hẹp bao quy đầu là yếu tố nguy cơ chính gây viêm bao quy đầu



Phòng ngừa Viêm bao quy đầu (Balanitis)

Dự phòng viêm bao quy đầu rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như hẹp bao quy đầu, đái tháo đường, hoặc suy giảm miễn dịch. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

Vệ sinh cá nhân đúng cách: rửa vùng bao quy đầu hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không chứa chất tẩy mạnh. Nếu chưa cắt bao quy đầu chú ý kéo nhẹ bao quy đầu để làm sạch phần bên trong, loại bỏ bựa sinh dục. Tránh chà xát mạnh hoặc rửa quá nhiều lần, vì có thể gây kích ứng da. Lau khô hoàn toàn sau khi tắm bằng khăn sạch để tránh môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.

Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng bao cao su để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục - tác nhân gây viêm bao quy đầu. Tránh quan hệ tình dục mạnh bạo gây tổn thương vùng da bộ phận sinh dục. Vệ sinh dương vật sau quan hệ, đặc biệt khi dùng gel bôi trơn hoặc tiếp xúc với dịch âm đạo, hậu môn. Nếu bạn tình có nhiễm trùng cần điều trị song song để tránh tái nhiễm.

Kiểm soát bệnh nền: Kiểm soát đường huyết tốt nếu có đái tháo đường, bệnh da liễu mạn tính (vảy nến, lichen sclerosus) để giảm nguy cơ viêm tái phát. Nếu có hẹp bao quy đầu cần cân nhắc cắt bao quy đầu để giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số trường hợp dùng thuốc kéo dài, đặc biệt trên nền bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, cần dự phòng viêm do nấm.

Tránh các yếu tố kích thích: không dùng xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh có chất tẩy mạnh, độ pH không phù hợp. Hạn chế sử dụng gel bôi trơn chứa glycerin hoặc chất bảo quản dễ gây kích ứng, đọc kĩ thành phần trước khi sử dụng để loaị trừ các sản phẩm có khả năng dị ứng cho từng cá nhân. Không mặc quần lót quá chật, ẩm ướt nên mặc đồ cotton thoáng khí. Tránh lạm dụng kháng sinh, corticosteroid, vì có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên.

Theo dõi và tái khám định kỳ: Nếu có triệu chứng ngứa, đỏ, rát, tiết dịch bất thường, cần đi khám sớm, đặc biệt khi nghi ngờ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cần xét nghiệm và điều trị kịp thời để tránh biến chứng sau này.

Vệ sinh cá nhân đúng cách giúp phòng ngừa bệnh viêm bao quy đầu

Vệ sinh cá nhân đúng cách giúp phòng ngừa bệnh viêm bao quy đầu 



Các biện pháp chẩn đoán Viêm bao quy đầu (Balanitis)

Chẩn đoán viêm bao quy đầu bao gồm chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây bệnh nhằm đưa ra hướng điều trị phù hợp, đặc biệt vì viêm bao quy đầu có thể liên quan đến bệnh lý toàn thân hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Triệu chứng lâm sàng: Bác sĩ cần thu thập các thông tin về dấu hiệu thường gặp, bao gồm:

+ Đỏ, phù nề, xuất hiện vết loét hoặc mảng trắng.

+ Tiết dịch bất thường như dịch trong hoặc trắng đục, có mủ, hoặc có mùi hôi.

+ Ngứa, nóng rát, đau nhức ở bao quy đầu.

+ Tiểu buốt, tiểu khó hoặc đau khi quan hệ tình dục.

Khai thác các yếu tố nguy cơ:

+ Vệ sinh cá nhân kém: không vệ sinh đúng cách hoặc vệ sinh quá mức gây kích ứng.

+ Tiền sử mắc bệnh lý liên quan như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý da liễu.

+ Sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày, corticosteroid (tại chỗ hoặc toàn thân).

+ Hoạt động tình dục không an toàn, không đúng các, bạn tình mắc bệnh lý lây qua đường tình dục.

+ Sử dụng sản phẩm dễ gây kích ứng như xà phòng, sữa tắm, bao cao su, gel bôi trơn,...

Khám lâm sàng

Quan sát tổn thương:

+ Ban đỏ lan tỏa: Gặp trong viêm do Candida albicans, dị ứng hoặc viêm do kích ứng.

+ Mụn nước nhỏ, vỡ ra tạo vết loét nông đau có thể gợi ý nhiễm Herpes simplex virus (HSV).

+ Mảng trắng dày, xơ hóa: Lichen sclerosus, có thể gây hẹp bao quy đầu.

+ Loét không đau, bờ cứng cần loại trừ giang mai hoặc ung thư dương vật.

+ Nốt sùi định hướng nguyên nhân do HPV.

Thăm khám bao quy đầu: kiểm tra xem bao quy đầu có thể kéo xuống dễ dàng hay bị hẹp bao quy đầu. Nếu viêm tái phát nhiều lần và có hẹp bao quy đầu cần cân nhắc cắt bao quy đầu.

Kiểm tra hạch bẹn: Hạch viêm, đau thường gặp trong viêm bao quy đầu do nhiễm khuẩn. Hạch to, không đau có thể liên quan đến giang mai giai đoạn 2 hoặc ung thư.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm vi sinh: nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh như soi tươi nấm Candida albicans (sợi nấm giả, bào tử nấm), nuôi cấy tìm vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus, Neisseria gonorrhoeae và làm kháng sinh đồ, PCR hoặc cấy trên môi trường đặc hiệu chẩn đoán các tác nhân lây qua đường tình dục,..

Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra chỉ số đường huyết, HbA1c để tầm soát đái tháo đường, CRP, công thức bạch cầu để kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý lây truyền như HIV, giang mai.

Sinh thiết da (nếu cần thiết): Khi nghi ngờ bệnh lý da mạn tính (lichen sclerosus, vảy nến) hoặc ung thư dương vật, chỉ định sinh thiết ra được đặt ra để chẩn đoán khẳng định.

Siêu âm tinh hoàn và hạch bẹn: Siêu âm là chẩn đoán hình ảnh nhằm đánh giá hình thái và cấu trúc của bộ phận sinh dục, phát hiện các biến chứng do viêm bao quy đầu gây ra, đồng thời đánh giá hạch vùng liên quan.



Các biện pháp điều trị Viêm bao quy đầu (Balanitis)

Điều trị viêm bao quy đầu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mục đích điều trị là loại bỏ nguyên nhân, giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Phác đồ điều trị khác nhau tuỳ thuộc vào yếu tố gây bệnh.

Điều trị nội khoa:

+ Viêm bao quy đầu do nấm: dùng thuốc bôi và thuốc uống kháng nấm.

Clotrimazole 1% bôi 2 lần/ngày trong 7–14 ngày.

Miconazole 2% hoặc Ketoconazole bôi tại chỗ.

Thuốc uống được chỉ định khi nếu viêm lan rộng, tái phát nhiều lần. Nếu có bạn tình nhiễm nấm Candida âm đạo, cần điều trị đồng thời để tránh tái nhiễm.

Viêm bao quy đầu do vi khuẩn: tuỳ thuộc vào từng loại vi khuẩn để lựa chọn kháng sinh phù hợp. 

+Vi khuẩn hiếu khí: sử dụng thuốc bôi kháng sinh tại chỗ thường dùng như Fusidic acid 2%, Mupirocin 2%, bôi 2–3 lần/ngày. 

Kháng sinh đường uống (nếu nhiễm khuẩn lan rộng): nhóm beta lactam và Cephalosporin thường được chỉ định. 

+ Vi khuẩn kỵ khí: Metronidazole 500 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày (đường uống hoặc gel bôi).

Nếu có dịch mủ hoặc loét nghi ngờ nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs), cần xét nghiệm lậu, chlamydia, giang mai để điều trị phù hợp.

Viêm bao quy đầu do virus:

 + Herpes simplex virus (HSV): Acyclovir 400 mg x 3 lần/ngày x 7–10 ngày (hoặc Valacyclovir 500 mg x 2 lần/ngày). Một số trường hợp có thể cân nhắc đường bôi.

+ Virus HPV (Sùi mào gà): Imiquimod 5% hoặc Podophyllotoxin 0.5%, bôi 3 lần/tuần hoặc phẫu thuật đốt điện, laser CO2 hoặc áp lạnh nếu tổn thương lớn.

Viêm bao quy đầu do kích ứng/dị ứng: 

+ Ngừng tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng (xà phòng, gel bôi trơn, bao cao su latex).

+ Nếu có viêm, ngứa, sưng đỏ nhiều, có thể dùng Thuốc kháng Histamin hoặc kết hợp Corticosteroid tại chỗ.

+ Điều trị bội nhiễm kết hợp nếu có.

Viêm bao quy đầu liên quan đến bệnh lý nền:

Hẹp bao quy đầu: nếu viêm tái phát nhiều lần cần cân nhắc cắt bao quy đầu. Nếu chưa thể phẫu thuật có thể chỉ định bôi Betamethasone 0.05% 2 lần/ngày x 4–6 tuần để giảm xơ hóa.

Bệnh da liễu mạn tính: điều trị và theo dõi định kỳ theo chuyên khoa.

Bệnh đái tháo đường: kiểm soát đường huyết tốt để giảm nguy cơ nhiễm Candida albicans.

Điều trị ngoại khoa:

Cắt bao quy đầu được chỉ định trong các trường hợp:

+ Viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần (≥3 lần/năm).

+ Hẹp bao quy đầu gây khó vệ sinh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

+ Lichen sclerosus nghiêm trọng, có nguy cơ xơ hóa và ung thư dương vật.

Dẫn lưu mủ: nếu viêm nhiễm tiến triển thành áp-xe dương vật, cần dẫn lưu kết hợp kháng sinh toàn thân.

Thuốc bôi tại chỗ thường được chỉ định trong điều trị viêm bao quy đầu

Thuốc bôi tại chỗ thường được chỉ định trong điều trị viêm bao quy đầu

Trên đây là các thông tin cần thiết về viêm bao quy đầu. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Brook, I. (2008). The role of anaerobic bacteria in balanoposthitis. Clinical Infectious Diseases, 26(4), 938-940.

Chaim, W., Ben-Ami, M., & Livshits, A. (2003). Candida balanitis in diabetic patients: A clinical and mycological study. Mycoses, 46(5-6), 191-195. 

Edwards, S. (2016). Balanitis. Primary Care, 23(4), 743-756. 

International Society for Sexual Medicine. (2023). What is phimosis? Retrieved February 24, 2025.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ