Từ điển bệnh lý
Viêm đường hô hấp trên : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là một trong những bệnh hô hấp phổ biến ở cả trẻ em và người lớn với các triệu chứng đặc trưng là ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau đầu…
Đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, thanh quản, khí quản, xoang… là các cơ quan thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài nên có nhiều nguy cơ bị viêm nhiễm, kích ứng, nhiễm trùng do sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ môi trường (vi khuẩn, virus, nấm mốc, bụi bẩn…)
Nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể xảy ra quanh năm, song thường tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất vào mùa thu và mùa đông. Con người có thể bị viêm đường hô hấp nhiều lần trong năm, đặc biệt với trẻ em.
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên khá phổ biến và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp, truyền nhiễm khác (cúm A, dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản…). Khi có triệu chứng bất thường, khó chịu tại các cơ quan đường hô hấp trên, cần đến cơ sở y tế kiểm tra và được hướng dẫn điều trị đúng phương pháp, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các triệu chứng thường gặp của viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân Viêm đường hô hấp trên
Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập trực tiếp vào niêm mạc và gây tổn thương cơ quan đường hô hấp trên. Tùy vào đặc điểm của tác nhân gây bệnh mà thời gian ủ bệnh, triệu chứng trên các cơ quan và thời gian bùng phát bệnh khác nhau. Một số nhóm tác nhân chính:
Vi khuẩn
Đường hô hấp trên là nơi trú ngụ của một số loại vi khuẩn có lợi hoặc có hại. Một số vi khuẩn có hại từ môi trường xâm nhập, phát triển tại các cơ quan gây nhiễm trùng, viêm nhiễm: Hemophilus influenzae (H.I), Streptococcus Pneumoniae (phế cầu), Staphylococcus Aureus…
Virus
Virus là tác nhân điển hình và phổ biến nhất gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mọi lứa tuổi, các loại virus thường gặp như: virus cúm, virus á cúm, virus cảm, RSV -virus hợp bào hô hấp, Adenovirus, Coronavirus và nhiều chủng loại khác.
Các tác nhân khác
Ngoài các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus thì yếu tố môi trường và lối sống cũng có khả năng tác động gây nên nhiễm trùng đường hô hấp trên, ví dụ như: uống nước đá lạnh làm bằng nguồn nước không đảm bảo, dị ứng (phấn hoa, hóa chất), tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, điều kiện sống ấm thấp, ô nhiễm…
Các tác nhân có hại sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ đáp ứng lại với tác nhân lạ để bảo vệ cơ thể, dẫn đến các triệu chứng tại các cơ quan.
Đường lây truyền
Viêm đường hô hấp trên là bệnh thuộc nhóm lây truyền qua đường hô hấp, các tác nhân gây bệnh thường được lây truyền từ người sang người qua:
- Giọt bắn trực tiếp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện trong khoảng cách gần.
- Tiếp xúc qua các vật dụng có chứa virus, vi khuẩn gây bệnh sau đó chạm vào miệng, mũi, mắt
Vi khuẩn, virus bám trên tay nắm cửa có thể xâm nhập vào cơ thể
Triệu chứng Viêm đường hô hấp trên
Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường bắt đầu xuất hiện ngay sau khi nhiễm trùng (từ 1-3 ngày) và kéo dài đến 7 ngày hoặc có thể hơn. Các triệu chứng thường gặp trong nhiễm trùng đường hô hấp trên như:
- Ho, đau họng;
- Hắt hơi, sổ mũi nước/ nghẹt mũi.
- Sau sổ mũi nước 3-5 ngày, dịch mũi đặc hơn, có màu vàng/xanh.
- Đau đầu;
- Sốt nhẹ;
- Mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ớn lạnh
Ngoài ra, có một số triệu chứng khác ít phổ biến hơn như:
- Khó thở
- Ngứa và chảy nước mắt (viêm kết mạc);
- Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy;
Ở trẻ em, các triệu chứng đa dạng hơn, ngoài các triệu chứng trên trẻ có thể chán ăn, bỏ bú, khó thở, khò khè, quấy khóc nhiều….
Phân loại theo thể bệnh
- Viêm mũi: chảy dịch mũi, tắc nghẽn ở mũi.
Viêm mũi dị ứng kéo dài ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến các triệu chứng nặng hơn như viêm xoang, viêm tai giữa.
- Viêm họng: sưng tấy, phù nề họng, nuốt gây đau, ho, ngứa rát họng.
- Viêm xoang: triệu chứng thường gặp là hắt hơi nhiều, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, dịch mũi nhầy đặc.
- Viêm thanh quản: qua nội soi tai mũi họng có thể thấy hình ảnh sưng và viêm thanh quản, gây ra tình trạng khàn giọng hoặc mất giọng cho người bệnh, có thể kèm theo sốt hoặc hạch ở cổ.
Theo thực tế tại chuyên khoa Tai Mũi Họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC, các thể bệnh viêm đường hô hấp sau khi được thăm khám và chẩn đoán, tỉ lệ cao nhất là viêm họng (80%), viêm mũi họng (60%), tiếp đến là viêm thanh quản (15%) và viêm xoang (10%).
Phân loại theo thời gian
Phần lớn triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp sẽ kéo dài khoảng 5-10 ngày hoặc dài hơn nếu bệnh nghiêm trọng hoặc kết hợp với nhiều bệnh khác. Theo thời gian tồn tại của các triệu chứng, bệnh có thể được phân thành:
- Viêm đường hô hấp trên cấp tính: thường diễn ra đột ngột, khi thời tiết chuyển lạnh
- Viêm đường hô hấp trên mạn tính: viêm đường hô hấp kéo dài hoặc tái phát liên tục trên 6 tuần.
Các triệu chứng nhẹ tại các cơ quan hô hấp trên có thể tự khỏi, song một số trường hợp triệu chứng nặng gây khó chịu cho người bệnh, diễn biến bệnh nhanh và nguy hiểm. Người bệnh cần theo dõi kỹ các triệu chứng và đến ngay cơ sở y tế khi:
- Triệu chứng kéo dài hơn một vài tuần không có dấu hiệu suy giảm.
- Người bệnh đã dùng thuốc nhưng triệu chứng không giảm, hoặc có dấu hiệu tăng nặng, nghiêm trọng hơn.
- Khó thở với tần suất và mức độ tăng dần.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên tái phát nhiều lần
- Trẻ em, người già sức khỏe yếu hoặc có các bệnh lý nền nguy hiểm.
- Trẻ em có kèm theo các triệu chứng quấy khóc nhiều, li bì, hôn mê
Các biến chứng Viêm đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên khi phát hiện kịp thời có thể điều trị khỏi, ít diễn biến nguy hiểm. Một số trường hợp bệnh phát hiện muộn, kết hợp với các bệnh lý nền khác sẽ gây các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong đối với trẻ em như:
- Viêm phế quản, viêm phổi;
- Viêm màng não;
- Viêm tim;
- Viêm cầu thận;
- Nhiễm trùng máu.
Các biến chứng làm tăng thêm gánh nặng cho việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp và cũng góp phần làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh lý hô hấp người bệnh đã mắc trước đó (hen, COPD - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Đối tượng nguy cơ Viêm đường hô hấp trên
Mọi đối tượng ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, nhưng có một số đối tượng cụ thể sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, cụ thể như:
- Trẻ em (dưới 5 tuổi), phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc thể trạng kém (trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng).
- Có bệnh lý nền, đặc biệt các bệnh về tim, phổi.
- Sinh sống trong khu vực môi trường ẩm thấp, ô nhiễm, vệ sinh kém hoặc có nhiều khói bụi, khói thuốc lá.
Phòng ngừa Viêm đường hô hấp trên
Tiêm vắc xin phòng ngừa
- Một số loại vắc xin có thể bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên: Vắc xin phòng bệnh cúm mùa (chủng cúm A, cúm B); vắc xin phòng phế cầu khuẩn; viêm phổi, viêm màng não, vắc xin phòng bạch hầu, ho gà…
- Tiêm vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo và tiêm đúng lịch nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu có mắc bệnh, diễn tiến bệnh dễ kiểm soát, nguy cơ xảy ra biến chứng thấp hơn.
Trung tâm tiêm chủng MEDLATEC (địa chỉ 97 Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội) có đủ vắc xin phòng bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ, người trưởng thành, phụ nữ mang thai, người già. Bác sĩ sẽ khám sàng lọc, tư vấn và hướng dẫn tiêm vắc xin phù hợp với từng đối tượng. Khu vực tiêm chủng, khu vui chơi trẻ em được bố trí tách biệt hoàn toàn khu vực khám bệnh và có đầy đủ tiện ích cho người dân đến tiêm chủng.
Tiêm vắc xin tại trung tâm tiêm chủng MEDLATEC
Vệ sinh cá nhân và môi trường
Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc và lây lan các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các biện pháp bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn, virus.
Khi có dịch bệnh, cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Khử khuẩn - Khoảng cách - Khẩu trang.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng.
- Vệ sinh môi trường sống, tránh ẩm thấp, nấm mốc.
- Tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước hàng ngày.
- Vận động thể dục, rèn luyện mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh.
Một số biện pháp phòng bệnh khi có dịch bệnh hô hấp
Viêm đường hô hấp trên thường biểu hiện nhẹ như cảm lạnh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, đặc biệt các đối tượng nguy cơ cao hoặc có các bệnh lý khác đi kèm.
Khi có các triệu chứng bất thường hoặc gây khó chịu tại các cơ quan hô hấp, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm đường hô hấp trên
Chẩn đoán viêm đường hô hấp trên thường dựa trên việc thăm khám lâm sàng kết hợp các phương tiện cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu và xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp.
- Nội soi tai mũi họng.
- Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang hoặc Cắt lớp vi tính hoặc Cộng hưởng từ.
Tại 42 cơ sở của hệ thống y tế MEDLATEC trên toàn quốc có chuyên gia, bác sĩ đầy đủ các chuyên khoa, kết hợp với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, quy trình khám chữa bệnh thuận tiện cho người bệnh kiểm tra sức khỏe.
Dịch vụ nội soi tai mũi họng ống mềm tại MEDLATEC
Các biện pháp điều trị Viêm đường hô hấp trên
Sau khi tìm được nguyên nhân gây bệnh và có chẩn đoán xác định về tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể kê đơn một trong các loại thuốc sau để hỗ trợ giảm triệu chứng, điều trị bệnh:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt.
- Thuốc trị ho, long đờm.
- Thuốc giảm viêm, phù nề, giảm tiết dịch mũi hay tắc nghẽn mũi.
- Thuốc kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
Bên cạnh việc uống thuốc theo đơn của bác sĩ, người bệnh/gia đình cần lưu ý khi theo dõi, điều trị tại nhà:
- Nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh, ngủ đủ giấc để cơ thể được có thời gian hồi phục.
- Uống nhiều nước: nước lọc, oresol, các loại nước ép hoa quả.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, ưu tiên thức ăn lỏng, chia nhỏ nhiều bữa.
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ em, có thể dùng máy hút có áp lực phù hợp và nằm đúng tư thế để hút sạch các dịch nhầy, đờm dãi của trẻ, giúp khai thông đường thở.
- Sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38.5 độ C. Áp dụng các biện pháp giúp giảm thân nhiệt (chườm ấm, mặc quần áo thoáng…).
- Theo dõi các triệu chứng bất thường, đặc biệt đối với trẻ em (sốt cao không đáp ứng thuốc, nôn nhiều, khóc nhiều, li bì…) để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo
- Nhiễm khuẩn hô hấp cấp: Căn nguyên và các yếu tố nguy cơ, Trung tâm Hô Hấp -Hội hô hấp Việt Nam.
- Quyết định 5643/QĐ-BYT 2015 Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh về tai mũi họng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
