Từ điển bệnh lý

Viêm gai khớp gối : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 24-04-2025

Tổng quan Viêm gai khớp gối

Viêm gai khớp gối (gai xương khớp gối) là sự hình thành của những "gai" xương nhỏ tại các điểm tiếp xúc giữa các xương trong khớp gối. Những gai này xuất hiện khi lớp sụn trong khớp gối bị mài mòn theo thời gian, thường do sự lão hóa hoặc chấn thương. Cơ thể phản ứng với sự tổn thương này bằng cách sản sinh các mảng xương mới, dẫn đến hình thành các gai xương.

Mặc dù ban đầu những gai xương này có thể không gây đau đớn, nhưng khi chúng tiếp xúc với các mô mềm hoặc gây viêm, chúng sẽ gây ra những cơn đau dữ dội, hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Viêm gai khớp gối khiến người bệnh khó chịu ngoài ra còn làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động thường ngày.

Viêm xương khớp gây ra tình trạng gai khớp gối

Viêm xương khớp gây ra tình trạng gai khớp gối



Nguyên nhân Viêm gai khớp gối

Viêm gai khớp gối là kết quả của một quá trình lão hóa tự nhiên hoặc do các tác động bên ngoài. Những nguyên nhân sau có thể dẫn đến sự hình thành gai khớp gối:

Tình trạng lão hóa

Với tuổi tác, các khớp gối của chúng ta sẽ bị mài mòn dần. Lớp sụn, vốn giúp giảm ma sát và bảo vệ các xương, sẽ bị hao mòn, mất dần độ đàn hồi và khả năng chịu lực theo thời gian. Dịch khớp đóng vai trò bôi trơn và giảm ma sát giữa các khớp. Ở người cao tuổi, lượng dịch này giảm sút, khiến khớp dễ bị thoái hóa hơn. Khi sụn bị tổn thương, xương dưới sụn sẽ tiếp xúc trực tiếp và hình thành các gai xương để phản ứng với áp lực bất thường. Khi lớp sụn này không còn đủ dày và khỏe mạnh để bảo vệ các đầu xương, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa bằng cách hình thành các gai xương tại những điểm tiếp xúc này.

Do chấn thương cũ

Những người đã từng gặp phải chấn thương khớp gối, như gãy xương, bong gân, hoặc rách dây chằng, sẽ có nguy cơ cao mắc phải viêm gai khớp gối. Những tổn thương này có thể làm hư hại sụn khớp và tạo điều kiện cho sự hình thành của các gai xương.

Tổn thương do hoạt động sai tư thế:

Thường gặp ở những người có thói quen vận động sai cách, chơi thể thao không đúng kỹ thuật hoặc lao động nặng nhọc. Những áp lực lặp đi lặp lại lên khớp gối sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa.

Thừa cân, béo phì

Khi bạn có trọng lượng cơ thể vượt quá mức cho phép, khớp gối phải chịu một lực tác động lớn hơn khi vận động. Điều này có thể gây áp lực lên sụn khớp gối, dẫn đến sự mài mòn và kích thích hình thành các gai xương.

Yếu tố di truyền

Nếu trong gia đình bạn có người bị viêm gai khớp gối, khả năng mắc phải bệnh này cũng sẽ cao hơn. 

Vận động cường độ cao và sai tư thế

Thường gặp ở những người có thói quen vận động sai cách, lao động nặng nhọc làm gia tăng nguy cơ viêm gai khớp. Ngoài ra, việc tập luyện không đúng cách hoặc không có kỹ thuật bảo vệ khớp gối cũng là nguyên nhân khiến sụn khớp dễ bị hư tổn.


Triệu chứng Viêm gai khớp gối

Đau khớp gối 

Cơn đau thường xuất hiện khi đi đứng nhiều. Đặc biệt là khi leo cầu thang, ngồi xổm, hoặc thậm chí khi đứng dậy từ ghế, bạn có thể cảm thấy một cơn đau nhói hoặc ê ẩm ở khớp gối.

Cứng khớp

Khi bị viêm gai khớp gối, bạn có thể cảm thấy khớp gối trở nên cứng và khó vận động gây khó khăn khi di chuyển.

Xuất hiện tiếng động lạ khi di chuyển

Nhiều người bị viêm gai khớp gối báo cáo nghe thấy tiếng “lục cục” hoặc “răng rắc” khi di chuyển, do các gai xương cọ vào các mô mềm hoặc các bộ phận khác của khớp gối.

Tình trạng sưng và viêm

Khi có sự kích thích hoặc tổn thương mô mềm xung quanh khớp, có thể dẫn đến tình trạng sưng và viêm gây đau tại khớp gối.



Các biến chứng Viêm gai khớp gối

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Biến dạng khớp: Hình dáng khớp thay đổi, gây đau đớn và mất thẩm mỹ.
  • Giảm khả năng vận động: Người bệnh có thể mất khả năng đi lại bình thường.
  • Thoái hóa khớp nặng hơn: Dẫn đến các bệnh lý khớp khác như viêm đa khớp.

Đối tượng nguy cơ Viêm gai khớp gối

  • Người trên 50 tuổi, đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Vận động viên hoặc người thường xuyên phải thực hiện các hoạt động gây áp lực lên khớp gối.
  • Người có tiền sử chấn thương khớp hoặc mắc các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp.



Phòng ngừa Viêm gai khớp gối

Chế độ dinh dưỡng 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp giảm tình trạng viêm và cải thiện chức năng khớp gối:

  • Omega-3: Có trong cá biển và các loại hạt giúp giảm tình trạng viêm khớp.
  • Glucosamine: giúp tái tạo sụn, có trong hải sản và viên uống bổ sung.
  • Vitamin D: Giúp hấp thụ canxi, có trong cá hồi, trứng, và sữa.
  • Canxi: Tăng cường sức khỏe xương, có trong sữa, cải bó xôi, và các loại hạt.
  • Vitamin C: có trong các loại quả như cam, quýt giúp cơ thể tổng hợp collagen.
  • Ngoài ra, để hạn chế tình trạng viêm nên tránh sử dụng thực phẩm chứa đường, carbohydrate và chất béo bão hòa.

Lối sống

  • Tập thể dục thường xuyên: Đi bộ và các bài tập kéo dãn giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối.
  • Giảm cân: Giảm trọng lượng cơ thể giúp giảm gánh nặng lên khớp.
  • Tránh căng thẳng khớp: Hạn chế các hoạt động mạnh như nhảy hoặc chạy trên bề mặt cứng.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Giúp giảm viêm và hỗ trợ phục hồi sức khoẻ.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp hỗ trợ giảm viêm xương khớp

Chế độ dinh dưỡng phù hợp hỗ trợ giảm viêm xương khớp



Các biện pháp chẩn đoán Viêm gai khớp gối

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp bằng cách sờ nắn để kiểm tra tình trạng đau sưng và yếu cơ. Bên cạnh đó bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện vài động tác để kiểm tra cử động của khớp gối, hỏi về dấu hiệu bệnh để loại trừ các yếu tố khác. 
  • Chụp X - quang: Hỗ trợ bác sĩ nắm bắt được tình trạng gai xương, giúp xác định kích cỡ và tổng số gai xương. 
  • Chụp MRI: Giúp bác sĩ có khả năng nhận diện mọi tổn thương ở các mô quanh khớp.
  • Đo lường dẫn truyền thần kinh: đánh giá sự ảnh hưởng của gai xương đến thần kinh khớp gối.

Các biện pháp điều trị Viêm gai khớp gối

Viêm gai khớp gối tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, có rất nhiều phương pháp giúp giảm đau, cải thiện chức năng và ngăn ngừa tình trạng bệnh tiến triển xấu.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa thường là phương pháp đầu tiên được áp dụng, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: giúp giảm đau và cải thiện tình trạng viêm. Tuy nhiên, chỉ mang tính chất tạm thời và không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: như naproxen giúp giảm tình trạng viêm và đau do viêm gai khớp gối.
  • Tiêm Corticosteroid: giúp giảm viêm và đau tạm thời.
  • Vật lý trị liệu 

Bạn sẽ được các chuyên gia hướng dẫn các bài tập nhằm tăng cường cơ bắp quanh khớp và giúp khớp cử động trơn tru hơn.

Vật lý trị liệu bao gồm các bước sau:

  • Sử dụng sóng siêu âm: giúp cải thiện tuần hoàn máu, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục. Đồng thời, phương pháp này còn giúp kháng viêm, giảm tần số và mức độ đau ở khớp gối.
  • Điện xung khớp gối: giúp giãn cơ, giảm đau và cải thiện tuần hoàn máu nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình phục hồi.
  • Máy gập duỗi: hỗ trợ vận động khớp gối liên tục, góp phần cải thiện khả năng vận động của khớp gối.
  • Tập các bài tập vật lý trị liệu cùng chuyên viên hướng dẫn: Đây là bước không thể thiếu trong điều trị tổn thương khớp gối.

Vật lý trị liệu giúp cải thiện các tổn thương ở đầu gối

Vật lý trị liệu giúp cải thiện các tổn thương ở đầu gối 

Phẫu thuật 

Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong trường hợp các phương pháp khác không có tác dụng. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi khớp: Thực hiện qua các vết rạch nhỏ, bác sĩ sẽ loại bỏ những gai xương và mô viêm.
  • Phẫu thuật thay khớp gối: Là phương pháp điều trị cuối cùng khi bệnh tiến triển nặng.

Các câu hỏi thường gặp về viêm gai khớp gối

  1. Bệnh viêm gai khớp gối có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Hiện tại, chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị kịp thời giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả.

  1. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật khớp gối là bao lâu?

Trung bình từ 6 tháng đến 1 năm, tùy vào tình trạng bệnh nhân.

  1. Làm sao để giảm đau tại nhà?

Có thể dùng túi chườm nóng/lạnh, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Với các phương pháp điều trị hiện đại và sự hỗ trợ từ các chuyên gia, viêm gai khớp gối hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Tại MEDLATEC chúng tôi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến giúp điều trị viêm gai khớp gối. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm và các phương pháp điều trị hiện đại, MEDLATEC giúp bạn giảm đau, phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 56 56 56 nếu có nhu cầu thăm khám các bệnh lý về xương khớp để đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.



Tài liệu tham khảo:

  1. Roland, J. (2017, April 26). Bone Spurs: What you should know about osteophytosis. Healthline. https://www.healthline.com/health/bone-spurs-osteophytosis
  2. Naud, M. (2023, January 5). Bone Spurs in the knee explained. Spring Loaded Technology. https://www.springloaded.com/knee-pain-search/understanding-bone-spurs-knee/
  3. Dpt, K. G. P. (2023, December 13). What is a bone spur in the knee? Verywell Health. https://www.verywellhealth.com/bone-spur-in-knee-5097282
  4. Bone Spurs. (2022, September 20). WebMD. https://www.webmd.com/pain-management/what-are-bone-spurs


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ