Bác sĩ: ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: Hơn 15 năm
Bàn chân là một cấu trúc khá phức tạp trong cơ thể, gồm 28 xương và 33 khớp. Các khớp được liên kết với nhau bởi cơ và dây chằng. Trong sinh hoạt hàng ngày, bàn chân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bàn chân giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể, đồng thời giúp thực hiện nhiều hoạt động như đứng, đi lại, chạy nhảy…Tổn thương ở các vị trí khác nhau của bàn chân đều ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của mỗi cá thể.
Khớp bàn ngón chân là một khớp hai trục, được cấu tạo bởi xương đốt bàn và đốt gần của ngón chân, cho phép gập duỗi, dạng và khép ngón chân. Khớp bàn ngón chân là vị trí cần vận động nhiều, do đó, đây là vị trí thường xảy ra tổn thương nhất ở bàn chân.
Viêm khớp bàn ngón chân là tình trạng viêm xảy ra ở các bộ phận tạo nên khớp bàn ngón. Bệnh lý này có xu hướng tăng dần theo tuổi. Tình trạng này gặp ở khoảng 7.8% dân số ở độ tuổi trên 50. Trong đó viêm khớp bàn ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất, chiếm ¾ số trường hợp viêm khớp bàn ngón.
Viêm khớp bàn ngón chân thường là một trong những triệu chứng của bệnh lý khớp cụ thể như viêm khớp dạng thấp, gout hay thoái hóa khớp. Việc điều trị sẽ khác nhau tùy theo từng bệnh cảnh gây nên viêm khớp.
Cấu trúc bàn chân và khớp bàn ngón chân
Viêm khớp sau chấn thương: đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây viêm khớp bàn ngón chân. Những chấn thương tại xương, bao hoạt dịch, đầu sụn khớp như vấp ngã, bị vật nặng rơi vào, chấn thương do sai tư thế…nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến biến chứng viêm khớp.
Viêm khớp dạng thấp: đây là bệnh lý gây viêm khớp khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Bệnh lý sẽ gây nên tình trạng viêm các khớp nhỏ như bàn ngón tay, bàn ngón chân, ngón tay, ngón chân…các khớp viêm thường đối xứng hai bên. Bệnh lý gây tổn thương nghiêm trọng ở bao hoạt dịch, sụn khớp cũng như các đầu xương, gây triệu chứng đau, hạn chế vận động, cứng khớp, đặc biệt có thể gây dính khớp, biến dạng khớp nếu không được điều trị đúng cách.
Gout: là tình trạng lắng đọng tinh thể monosodium urate ở bao hoạt dịch, mô mềm các khớp dẫn đến tình trạng viêm. Vị trí thường gặp nhất của Gout chính là khớp đốt bàn ngón cái. Gout gây nên những cơn cấp với triệu chứng sưng nóng đỏ nhiều. Khi tiến triển mạn tính, người bệnh thường có các hạt Tophi- bản chất là tập hợp các tinh thể urat. Các hạt Tophi thường gây biến dạng khớp, mất thẩm mỹ cũng như hạn chế vận động khớp. Khi các hạt Tophi vỡ ra có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng.
Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là một bệnh lý diễn biến lâu dài, là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh lý thường gây tổn thương nhiều khớp, trong đó có khớp bàn ngón chân.
Viêm khớp trong một số bệnh toàn thân: trong một số bệnh lý toàn thân như vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống cũng có triệu chứng viêm tại các khớp, đặc biệt các khớp nhỏ như bàn ngón tay bàn ngón chân.
Những ai dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp bàn ngón chân
Bệnh lý viêm khớp bàn ngón chân có thể gặp ở tất cả các đối tượng, tuy nhiên những người có các yếu tố dưới đây sẽ dễ mắc bệnh hơn những người khác:
Thừa cân và béo phì: những đối tượng này có cân nặng nhiều, do đó áp lực lên các khớp, đặc biệt các khớp chịu lực như khớp gối, bàn ngón chân cái sẽ tăng cao, cơ chế tác động gần giống như chấn thương mạn tính, làm thúc đẩy quá trình viêm và thoái hóa.
Lười vận động: tình trạng lười vận động sẽ dẫn đến những rối loạn ở sụn khớp, giảm tiết dịch khớp làm gia tăng nguy cơ viêm khớp
Những người có rối loạn chuyển hóa: những đối tượng có bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng acid uric máu sẽ có nguy cơ viêm khớp cao hơn những đối tượng khác, đặc biệt là viêm khớp do Gout.
Vận động viên hoặc những người có công việc cần hoạt động chân nhiều - những người có tiền sử chấn thương khớp bàn ngón chân.
Đau khớp: đây là triệu chứng điển hình, thường gặp và cũng là một trong những triệu chứng đầu tiên của viêm khớp. Người bệnh thường đau khớp kiểu viêm, tức là đau cả khi nghỉ ngơi và thường đau tăng lên khi về đêm (do các yếu tố viêm có xu hướng tiết ra nhiều hơn). Biểu hiện này khác với đau khớp do chấn thương hay do thoái hóa. Trong trường hợp đó người bệnh thường đau kiểu cơ học, đau tăng khi vận động và triệu chứng đau sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có thể đau ở một khớp bàn ngón hoặc đau cùng lúc ở nhiều khớp bàn ngón gần nhau.
Phù nề vị trí quanh khớp: triệu chứng này có thể quan sát bằng mắt thường. Phần mềm phía trên và xung quanh khớp phù nề. Mức độ phù nề phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm khớp cũng như mức độ viêm khớp bàn ngón chân.
Cứng khớp: cứng khớp vốn là một triệu chứng sinh lý của cơ thể, thường xảy ra vào buổi sáng, kéo dài một vài phút. Sau khi vận động và đi lại, triệu chứng cứng khớp sẽ tự hết. Tuy nhiên, ở những người bệnh có viêm khớp, triệu chứng cứng khớp sẽ kéo dài. Cơ chế gây nên triệu chứng này là do tổn thương bào mòn ở sụn khớp cùng như cơ thể không sản xuất ra đủ dịch khớp để bôi trơn.
Nóng đỏ ở vị trí khớp viêm: khi có viêm khớp bàn ngón, các yếu tố viêm như interleukin sẽ được sản xuất ra nhiều hơn. Các yếu tố viêm sẽ làm tăng tập kết bạch cầu, tăng tưới máu mô cũng như giãn mạch. Hậu quả là làm cho phần mềm phía trên khớp viêm sưng, đỏ và sờ có cảm giác nóng. Khi ấn vào vị trí phần mềm bên trên khớp viêm sẽ thấy mật độ mềm và người bệnh đau tăng lên.
Biến dạng ngón chân: có thể do tình trạng sưng nề khi viêm cấp hoặc viêm mạn tính gây xơ hóa, các khớp ngón chân bị biến dạng, trục của ngón chân sẽ lệch khỏi trục bình thường, các ngón chân có thể vẹo vào trong hoặc ra ngoài, gây ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng như thẩm mỹ.
Biến dạng ngón cái (vẹo vào trong) do hạt Tophi ở người bệnh, viêm khớp bàn ngón do Gout
Hạn chế vận động khớp: ở những người bệnh viêm khớp cấp tính, tình trạng hạn chế vận động khớp chủ yếu do sưng nề và đau. Ở những người bệnh viêm khớp mạn tính, cơ chế gây ra hạn chế cử động chủ yếu do xơ hóa, biến dạng khớp.
Phát ra tiếng khi vận động khớp: đối với các khớp bị viêm, khi vận động khớp chủ động hoặc thụ động, có thể nghe thấy tiếng kêu lục cục.
Ngoài các triệu chứng trên, tùy theo bệnh cảnh gây viêm khớp bàn ngón chân sẽ có những triệu chứng kèm theo khác nhau.
Khớp bàn ngón chân, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, có thể gây nên một số biến chứng như
Biến dạng khớp: tình trạng viêm dẫn đến xơ hóa, co kéo gân và dây chằng, hậu quả là làm cho khớp biến dạng, các ngón chân lệch trục. Tình trạng biến dạng khớp có thể gây gia tăng tình trạng tỳ đè lên một số vị trí gây nên hiện tượng loét bàn ngón chân.
Teo cơ: ở những bệnh nhân viêm khớp bàn ngón mạn tính, các cơ gấp duỗi ngón chân, cơ gian cốt mu chân bị teo dần.
Hạn chế tầm vận động: tình trạng biến dạng khớp, teo cơ, đau khớp làm cho tầm vận động khớp giảm. Điều này được nhận thấy rõ rệt hơn ở những đối tượng cần hoạt động bàn chân nhiều như vận động viên.
Khi có các triệu chứng như sưng đau khớp, hạn chế vận động…người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện một số cận lâm sàng để chẩn đoán và điều trị bệnh
Xét nghiệm về bilant viêm: những đối tượng có viêm khớp bàn ngón chân thường có bilant viêm tăng như tốc độ máu lắng, CRP tăng, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu có thể thấy bạch cầu tăng.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân: acid uric máu thường tăng cao trong những trường hợp viêm khớp bàn ngón chân do Gout, yếu tố dạng thấp Gamma latex (RF), anti-CCP thường dương tính trong viêm khớp dạng thấp…
X- quang thường quy: đánh giá tổn thương xương như khuyết xương, hẹp khe khớp, chấn thương gãy xương, biến dạng khớp…
Hình ảnh hẹp khe khớp, khuyết xương và phù nề phần mềm trên phim xquang bàn chân
Siêu âm khớp: có thể thấy tình trạng bao hoạt dịch dày, có dịch trong ổ khớp…Trong trường hợp viêm khớp do Gout, có thể bắt gặp hình ảnh “đường đôi”.
Chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính khớp: thường ít sử dụng trong viêm khớp bàn ngón chân.
Chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng: có thể sử dụng để đánh giá tình trạng lắng đọng của tinh thể monosodium urate nếu nghi ngờ viêm khớp bàn ngón chân do Gout.
Khớp bàn ngón chân đóng một vai trò khá quan trọng trong các hoạt động thường ngày. Do đó, khi người bệnh bị viêm khớp bàn ngón chân, cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Nghỉ ngơi: khi có biểu hiện viêm khớp bàn ngón chân, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động để khớp có thời gian hồi phục.
Chườm mát tại vị trí khớp viêm sẽ giúp người bệnh giảm sưng và giảm cảm giác đau tại chỗ
Điều trị nội khoa: tùy theo triệu chứng và mức độ viêm cũng như nguyên nhân gây ra viêm khớp, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các thuốc giảm đau chống viêm để điều trị.
Điều trị phẫu thuật: thường được đặt ra khi người bệnh viêm khớp mạn tính gây ra biến chứng tại chỗ như biến dạng khớp nhiều, hoặc ở những người bệnh viêm khớp do chấn thương, có tổn thương xương cần phẫu thuật.
Hạn chế các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp: kiểm soát tốt cân nặng, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể thao thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!