Từ điển bệnh lý

Viêm khớp mạn tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-05-2025

Tổng quan Viêm khớp mạn tính

Viêm khớp mạn tính là tình trạng viêm kéo dài trên ba tháng trong các khớp, gây ra sự đau đớn, cứng khớp và giảm khả năng vận động. 

Viêm khớp mạn tính được coi là một căn bệnh do mất cân bằng giữa các cytokine tiền viêm và cytokine kháng viêm trong cơ thể. Các cytokine là những phân tử tín hiệu quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp điều phối các phản ứng viêm và miễn dịch của cơ thể. Khi có sự mất cân bằng giữa các cytokine này, tình trạng viêm sẽ không được kiểm soát, dẫn đến viêm mạn tính và tổn thương các khớp. Các cytokine tiền viêm như TNF-α (Yếu tố hoại tử khối u alpha), IL-1, IL-6 đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và duy trì quá trình viêm, trong khi các cytokine kháng viêm như IL-10 và TGF-β giúp điều hòa và ngừng viêm.

Viêm khớp mạn tính có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây hư hỏng lâu dài đối với các khớp. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin để nâng cao hiểu biết về căn bệnh viêm khớp mạn tính từ đó có thể dự phòng bệnh hiệu quả cũng như khám bệnh kịp thời khi có các triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu. 


Nguyên nhân Viêm khớp mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tổn thương khớp mạn tính, sau đây là một số nguyên nhân đáng chú ý thường gặp trên lâm sàng:

  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu cho thấy rằng yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển một số dạng viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và viêm khớp vảy nến. 
  • Bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis): Đây là một bệnh tự miễn, thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ đối xứng ở ngón tay, cổ tay và chân, và có thể dẫn đến viêm khớp mạn tính, có thể gây hủy hoại khớp nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
  • Viêm khớp vảy nến: Đây là một bệnh lý tự miễn mà hệ miễn dịch tấn công các khớp và da, gây viêm khớp mạn tính ở một số bệnh nhân mắc vảy nến.
  • Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus-SLE): Đây là một bệnh tự miễn mà hệ miễn dịch tấn công các mô và cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả các khớp, gây viêm khớp mạn tính.
  • Thoái hóa khớp (Osteoarthritis): Quá trình mài mòn của sụn khớp theo thời gian, thoái hóa khớp là một nguyên nhân rất phổ biến của viêm khớp mạn tính, đặc biệt ở người lớn tuổi. Khi sụn bảo vệ khớp bị mài mòn do tuổi tác, tổn thương này sẽ gây ra viêm và đau đớn trong khớp, đặc biệt là ở các khớp gối, hông và cột sống.
  • Chấn thương khớp: Các chấn thương khớp, như gãy xương, trật khớp hoặc tổn thương dây chằng, có thể làm tổn thương cấu trúc khớp và dẫn đến viêm khớp mạn tính sau một thời gian. Các tổn thương này có thể khiến các khớp dễ bị thoái hóa hoặc viêm sớm. 

Lối sống và yếu tố môi trường ảnh hưởng đến khớp bao gồm các yếu tố sau:

  • Thừa cân và béo phì: Thừa cân là một yếu tố nguy cơ lớn đối với viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp gối. Việc thừa cân tạo áp lực lên các khớp, gây thoái hóa sụn và dẫn đến viêm khớp.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng (vitamin D, canxi, omega-3) có thể làm suy yếu các khớp và làm tăng nguy cơ viêm khớp. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều chất béo và bột đường có thể kích thích quá trình viêm.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động có thể làm giảm sự linh hoạt của các khớp và tăng nguy cơ viêm khớp mạn tính. 
  • Nhiễm trùng: Mặc dù không phải là nguyên nhân chủ yếu, nhưng các nhiễm trùng khớp do vi khuẩn hoặc virus cũng có thể dẫn đến viêm khớp mạn tính. Trong đó có thể kể đến như nhiễm trùng do vi khuẩn Lyme, liên cầu, lậu.

Các bệnh lý khác có thể gây ra tổn thương mạn tính ở khớp bao gồm:

  • Gout: Gout là một bệnh lý gây ra viêm khớp mạn tính, đặc biệt là khớp ngón chân cái, bị sưng đỏ và đau đớn, và có thể trở thành gout mạn tính nếu không được điều trị.
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao phát triển viêm khớp mạn tính. Các yếu tố như tăng đường huyết kéo dài có thể gây viêm và làm tổn thương khớp.
  • Bệnh tim mạch: Các vấn đề về tim mạch có thể liên quan đến sự gia tăng nguy cơ viêm khớp mạn tính, do tình trạng viêm tổng thể trong cơ thể.
    Tác động của hormone
  • Tiền mãn kinh, mãn kinh: Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị viêm khớp mạn tính cao hơn do sự thay đổi mức độ hormone estrogen, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các khớp.
  • Estrogen và viêm khớp dạng thấp: Hormone estrogen cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ trước và sau mãn kinh.

 Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp mạn tính có thể gây biến dạng khớp nặng nềViêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp mạn tính có thể gây biến dạng khớp nặng nề


Triệu chứng Viêm khớp mạn tính

Một số triệu chứng phổ biến của viêm khớp mạn tính:

  • Đau khớp: Đau khớp là triệu chứng thường gặp. Đau khớp thường xảy ra vào buổi sáng hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi, cảm giác đau có thể tăng lên khi di chuyển hoặc chịu áp lực và có thể giảm dần trong ngày khi vận động. Sưng và viêm khớp: Các khớp có thể sưng, nóng và đỏ. Sự viêm này xảy ra do tình trạng viêm trong các mô bao quanh khớp. Các khớp có thể trở nên cứng và ít linh hoạt hơn, đặc biệt là khi không vận động trong một thời gian dài. 
  • Cứng khớp: Cứng khớp vào buổi sáng thường xuất hiện ở bệnh nhân viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Cảm giác cứng này thường kéo dài trong vòng 30 phút đến vài giờ sau khi thức dậy, thời gian cứng khớp càng kéo dài sẽ càng ảnh hưởng đến vận động các khớp của người bệnh trong công việc cũng như các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Biến dạng khớp: Các khớp có thể bị biến dạng do sự phá hủy của sụn và xương. Điều này có thể dẫn đến các khớp bị lệch, gây mất thẩm mỹ và giảm chức năng vận động.

Bệnh nhân viêm khớp mạn tính thường đến viện vì đau khớpBệnh nhân viêm khớp mạn tính thường đến viện vì đau khớp


Các biến chứng Viêm khớp mạn tính

+ Biến dạng khớp làm hạn chế khả năng vận động: Viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, có thể gây hư hại sụn và xương trong khớp. Khi các khớp bị tổn thương lâu dài, chúng có thể bị biến dạng, làm cho các khớp bị lệch, kém di động và mất chức năng. Những biến dạng này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, chẳng hạn như đi lại, cầm nắm đồ vật hoặc thực hiện các công việc thông thường.

Viêm khớp mạn tính không được điều trị kịp thời có thể dẫn tổn thương các cơ quan khác ngoài khớp, bao gồm:

  • Tim mạch: Viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, như viêm màng ngoài tim (pericarditis) hoặc viêm cơ tim (myocarditis), viêm nội tâm mạc.
  • Viêm phổi: Viêm khớp mạn tính có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi, đặc biệt là khi bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (như methotrexate hoặc thuốc sinh học) để điều trị làm giảm sức đề kháng của người bệnh, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Mắt: Viêm khớp mạn tính cũng có thể gây viêm kết mạc, viêm mống mắt, hoặc viêm màng bồ đào, làm ảnh hưởng đến thị lực.
  • Thận: Các bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, có nguy cơ mắc các vấn đề về thận, bao gồm viêm cầu thận hoặc suy thận.

+ Mệt mỏi kéo dài: Việc sống với cơn đau và viêm mạn tính có thể làm tăng mức độ mệt mỏi, giảm sức đề kháng của cơ thể và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

+ Loãng xương: Viêm khớp mạn tính và các thuốc điều trị viêm khớp (như corticosteroids) có thể làm tăng nguy cơ loãng xương từ đó xương trở nên yếu và dễ gãy.
+ Nhiễm trùng cơ hội: Các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị viêm khớp mạn tính có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Ví dụ dùng kéo dài corticoid nguy cơ bội nhiễm lao, nấm. 


Các biện pháp chẩn đoán Viêm khớp mạn tính

Để chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp mạn tính, bác sĩ cần khai thác thông tin về tiền sử, triệu chứng tại khớp cũng như toàn thân của người bệnh, kết hợp với sự hỗ trợ của một số xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:

+ Xét nghiệm máu: Các chỉ số thường sử dụng để đánh giá tình trạng viêm khớp như công thức máu, CRP, tốc độ máu lắng, một số xét nghiệm đặc hiệu khác như RF và anti CCP trong bệnh viêm khớp dạng thấp, HLA-B27 trong bệnh viêm cột sống dính khớp, kháng thể kháng nhân ANA trong chẩn đoán viêm khớp liên quan đến bệnh lupus ban đỏ, acid uric trong bệnh gout,...Tùy vào từng chẩn đoán bệnh cụ thể mà bác sĩ hướng đến, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm khác nhau.

+ Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương như mất sụn, gai xương trong thoái hóa hoặc các tổn thương xương khác. Chụp X-quang thường sẽ không phát hiện ra tổn thương viêm khớp sớm nhưng có ý nghĩa trong quá trình theo dõi điều trị.
  • Siêu âm: Đánh giá tổn thương các mô mềm, sụn, khớp và túi hoạt dịch. Siêu âm cũng được sử dụng để hướng dẫn vị trí chọc kim để loại bỏ dịch khớp hoặc tiêm thuốc vào khớp trong điều trị.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT có thể quan sát các tổn thương của xương, khớp và các mô mềm xung quanh, đặc biệt CT có thể giúp xác định các tổn thương trong các khớp nhỏ mà X-quang không thể nhìn thấy rõ. 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng từ trong quá trình chụp, có thể tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết hơn về các mô mềm như sụn, gân và dây chằng.

Các biện pháp điều trị Viêm khớp mạn tính

+ Thuốc là một phần quan trọng trong điều trị viêm khớp mạn tính, giúp giảm viêm, giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Các thuốc thường sử dụng trong điều trị viêm khớp mạn tính, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid (NSAIDs): Các thuốc như ibuprofen, naproxen giúp giảm đau và giảm viêm khớp, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân. NSAID cũng có dạng kem hoặc gel, có thể thoa lên khớp như Voltaren (Diclofenac), Nurofen gel (Ibuprofen), Fastum gel (Ketoprofen). Dùng kéo dài các thuốc này cần chú ý đến các tác dụng phụ lên dạ dày hoặc thận.
  • DMARDs: Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh và giúp ngăn ngừa tổn thương khớp lâu dài. Ví dụ: Methotrexate, Sulfasalazine, Hydroxychloroquine, Azathioprine,...
  • Thuốc sinh học: Là các thuốc mới, nhắm vào các yếu tố gây viêm trong cơ thể như TNF-alpha. Thuốc sinh học như adalimumab hoặc etanercept có thể giúp giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp.
  • Steroid: Cơ chế của thuốc trong điều trị là giúp giảm viêm, giảm đau, làm chậm lại quá trình tổn thương khớp. Tác dụng phụ có thể bao gồm tăng cân, tăng đường huyết, tăng huyết áp, loét dạ dày, loãng xương, dễ bội nhiễm lao và nấm.
  • Colchicin điều trị giảm đau cấp trong bệnh gout, có thể kết hợp thuốc hạ acid uric máu như Allopurinol, Febuxostat , Probenecid, Lesinurad.

NSAIDs là thuốc phổ biến trong điều trị viêm khớp mạn tínhNSAIDs là thuốc phổ biến trong điều trị viêm khớp mạn tính

+ Liệu pháp: Các bài tập vật lý trị liệu có thể cải thiện tầm vận động khớp và tăng sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp. 

+ Phẫu thuật: Nếu các biện pháp bảo tồn không có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Sửa chữa khớp: Trong một số trường hợp, bề mặt khớp có thể được làm nhẵn hoặc căn chỉnh lại để giảm đau và cải thiện chức năng. Thông thường bác sĩ có thể sửa chữa khớp qua nội soi.
  • Thay khớp: Bác sĩ sẽ loại bỏ khớp bị hỏng và thay thế bằng khớp nhân tạo. Các khớp thường được thay thế nhất là hông và đầu gối.
  • Hợp nhất khớp: Áp dụng đối với các khớp nhỏ hơn như khớp ở cổ tay, mắt cá chân và ngón tay. Thủ thuật này loại bỏ các đầu của hai xương trong khớp và sau đó khóa các đầu đó lại với nhau cho đến khi chúng lành lại thành một khối cứng

Kết luận

Viêm khớp mạn tính có thể phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm di truyền, bệnh lý tự miễn, thoái hóa khớp, chấn thương, và lối sống không lành mạnh. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ có thể giúp người bệnh phòng ngừa hoặc kiểm soát tình trạng này hiệu quả hơn. Điều quan trọng là duy trì một lối sống lành mạnh, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục đều đặn và theo dõi sức khỏe định kỳ để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mạn tính.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ