Từ điển bệnh lý

Viêm khớp ngón chân cái : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-05-2025

Tổng quan Viêm khớp ngón chân cái

Viêm khớp ngón chân cái là gì?

Viêm khớp ngón chân cái (Hallux Rigidus - HR) là một dạng thoái hóa khớp đặc hiệu, xảy ra tại khớp bàn ngón cái (khớp bàn ngón I). Tình trạng này gây ra cứng khớp, đau âm ỉ hoặc đau tăng khi vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi bộ, leo cầu thang hoặc đứng lâu.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường chỉ cảm thấy đau khi duỗi ngón cái hoặc đi giày chật. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, khả năng gập duỗi sẽ giảm dần, xuất hiện gai xương (osteophyte) trên mu chân, và cuối cùng có thể dẫn đến dính khớp - không thể cử động được ngón chân.

HR là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây thoái hóa khớp ở ngón chân cái, chỉ đứng sau tình trạng biến dạng khớp ngón chân cái (bunion hay hallux valgus - HV). Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau bàn chân ở người trưởng thành.

Viêm khớp ngón chân cái là nguyên nhân thường gặp gây đau bàn chân ở người trưởng thành.

Viêm khớp ngón chân cái là nguyên nhân thường gặp gây đau bàn chân ở người trưởng thành.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp ngón chân cái

Theo các nghiên cứu dịch tễ, HR là tình trạng khá phổ biến ở người lớn tuổi:

  • Theo ước tính, cứ 40 người trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh, trong đó nữ giới có nguy cơ cao hơn so với nam giới.
  • Đáng chú ý, ở những bệnh nhân bị viêm khớp cổ chân giai đoạn nặng, tỷ lệ đi kèm HR rất cao - lên đến 73%.
  • Một khảo sát cộng đồng tại Anh ghi nhận 7,8% người trên 50 tuổi có hình ảnh thoái hóa khớp ngón cái trên X-quang, và 75% người tham gia cho biết cơn đau ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

Các dạng của viêm khớp ngón chân cái

HR thường được phân loại theo mức độ hạn chế vận động khớp và tổn thương trên hình ảnh học. Phân độ phổ biến nhất là thang điểm của Coughlin & Shurnas, gồm 5 mức:

  • Độ 0: Không đau, giảm nhẹ biên độ vận động khớp.
  • Độ 1: Đau nhẹ khi gập duỗi tối đa, có gai xương nhỏ.
  • Độ 2: Đau rõ hơn, có tổn thương xương dưới sụn và hẹp khe khớp ít.
  • Độ 3: Giới hạn vận động rõ, đau nhiều, hẹp khe khớp và xơ cứng xương.
  • Độ 4: Đau ngay cả khi nghỉ, mất gần như hoàn toàn khả năng vận động khớp.

Tùy theo giai đoạn, hướng điều trị sẽ thay đổi từ bảo tồn sang can thiệp phẫu thuật.



Nguyên nhân Viêm khớp ngón chân cái

HR là kết quả của tình trạng thoái hóa khớp tại vị trí bàn – ngón chân cái (khớp bàn ngón I) dẫn đến đau, cứng và hạn chế vận động. Mặc dù nguyên nhân chính xác không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng các chuyên gia thống nhất rằng bệnh có tính chất đa yếu tố, liên quan đến cả yếu tố cơ học, di truyền, chấn thương và bệnh lý toàn thân.

Cơ chế sinh bệnh: khớp bàn ngón I chịu lực quá mức

Khớp bàn - ngón cái là điểm tiếp xúc giữa xương bàn chân thứ nhất và xương đốt gần ngón cái. Trong quá trình đi bộ, khớp này chịu lực gấp 1,2 lần trọng lượng cơ thể, đặc biệt là khi đẩy chân ra sau. Nếu cấu trúc khớp không ổn định hoặc bị tổn thương, lớp sụn sẽ dần bị bào mòn, xương dưới sụn cọ sát vào nhau, hình thành gai xương và giảm khả năng vận động khớp - đó chính là bản chất của viêm khớp ngón chân cái.

Chấn thương hoặc vi chấn thương tái diễn

Nhiều trường hợp HR khởi phát sau chấn thương vùng ngón cái, như vấp ngón, đá mạnh vào vật cứng, hay tổn thương do chơi thể thao. Đặc biệt là chấn thương dạng “bàn chân thảm cỏ” (turf toe) - một dạng tổn thương dây chằng vùng mặt lưng khớp ngón chân cái. Khi tổn thương không hồi phục hoàn toàn, viêm và thoái hóa có thể xuất hiện sớm hơn bình thường.

Ngoài ra, vi chấn thương tái diễn cũng là một yếu tố thúc đẩy. Những người phải đi lại nhiều, đứng lâu, chạy nhảy liên tục như vận động viên, giáo viên, đầu bếp… có nguy cơ cao hơn do khớp ngón cái liên tục phải chịu các áp lực cơ học.


Chấn thương dạng “bàn chân thảm cỏ” là nguyên nhân thường gặp của viêm khớp ngón chân cái.

Yếu tố hình thái học và bất thường giải phẫu

Một số dị dạng hoặc cấu trúc bất thường ở bàn chân có thể làm thay đổi cơ chế truyền lực, từ đó dẫn đến thoái hóa khớp ngón cái sớm hơn:

  • Xương đốt bàn chân khép (metatarsus adductus) gây phân bố lực không đều.
  • Chiều dài xương bàn ngón I hoặc xương đốt gần dài bất thường, làm tăng mô-men xoắn lên khớp.
  • Khớp ngón cái có hình dạng dẹt hoặc hình chữ V (chevron-shaped), làm giảm khả năng cử động trơn tru của mặt khớp.
  • Hội chứng người dẻo: Tăng biên độ vận động của trục xương bàn ngón I (first ray hypermobility) – tức xương bàn ngón I dễ bị trượt lên xuống - khiến khớp ngón cái chịu lực tác động bất thường.

Di truyền và tiền sử gia đình

Nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng những người có người thân bị HR hoặc HV có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt trong các trường hợp viêm khớp ngón chân cái xuất hiện ở cả hai bên.

Một khảo sát cho thấy 2/3 bệnh nhân HV có tiền sử gia đình liên quan. Điều này gợi ý vai trò di truyền trong cấu trúc khớp và khả năng tái tạo sụn khớp.

Giới tính và yếu tố nội tiết

Bệnh gặp phổ biến hơn ở nữ giới, nhất là phụ nữ sau tuổi 50. Nguyên nhân một phần liên quan đến thay đổi nội tiết sau mãn kinh ảnh hưởng đến chuyển hóa xương khớp, phần còn lại do thói quen sinh hoạt. Phụ nữ thường sử dụng giày cao gót và giày mũi nhọn có thể làm tăng áp lực lên mặt lưng của khớp bàn ngón I, góp phần thúc đẩy tổn thương.

Bệnh lý viêm khớp toàn thân

Một số bệnh lý hệ thống cũng có thể gây viêm và phá hủy khớp ngón cái, trong đó phổ biến nhất là:

  • Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis): Phá hủy khớp đối xứng, thường ở bàn tay và bàn chân.
  • Gút: Lắng đọng tinh thể urat ở khớp bàn ngón I gây sưng, nóng, đau dữ dội – nếu tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến thoái hóa khớp.
  • Bệnh thấp khớp huyết thanh âm tính (seronegative arthropathies): Ví dụ như viêm khớp vẩy nến hoặc viêm cột sống dính khớp, có thể ảnh hưởng đến bàn chân.

Tuổi tác và quá trình thoái hóa tự nhiên

Tương tự các dạng thoái hóa khớp khác, tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Từ 30 tuổi trở đi, đặc biệt sau tuổi 50, quá trình mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy mô sụn bắt đầu chiếm ưu thế. Khớp bàn ngón I, với đặc tính chịu lực lớn và vận động liên tục, rất dễ bị tổn thương trong quá trình này.

Yếu tố nghề nghiệp và lối sống

Các nghề nghiệp phải đứng lâu, di chuyển liên tục hoặc mang vác nặng như: bán hàng, công nhân, giáo viên, y tá… làm tăng nguy cơ tổn thương khớp bàn ngón I. Ngoài ra:

  • Béo phì: làm tăng tải trọng lên khớp.
  • Giày dép không phù hợp: giày quá chật, giày kiểu mũi nhọn, giày cao gót… góp phần làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
  • Thói quen lười vận động khớp ngón cái, hoặc ngược lại - sử dụng ngón cái quá mức - đều có thể khiến sụn khớp bị tổn thương.



Triệu chứng Viêm khớp ngón chân cái

Triệu chứng của viêm khớp ngón chân cái thường xuất hiện âm thầm rồi tiến triển dần theo thời gian. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau âm ỉ vùng mu bàn chân khi đi lại nhiều, đặc biệt khi gập ngón chân cái lên trên. Một số dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Đau tại khớp ngón chân cái, nhất là khi đi lại, leo cầu thang, chạy bộ hoặc đứng lâu.
  • Cứng khớp, khó gập ngón chân cái về phía mu bàn chân - biểu hiện rõ khi sáng sớm hoặc sau khi ngồi lâu.
  • Sưng nhẹ và nóng vùng khớp bàn ngón I, có thể nhầm với viêm khớp do gút nếu đau cấp.
  • Gai xương nổi trên mu bàn chân ngay gốc ngón cái, dễ bị cọ vào giày dép gây đỏ da, chai sần.
  • Đi đứng khập khiễng, phải nghiêng trọng lực sang mé ngoài bàn chân để tránh đau.
  • Một số trường hợp có tê bì hoặc giảm cảm giác ở cạnh trong ngón cái do chèn ép dây thần kinh bì mu chân trong (medial dorsal cutaneous nerve).

Đáng chú ý, mức độ đau không hoàn toàn tương ứng với tổn thương trên hình ảnh học. Một số người dù có tổn thương nặng trên X-quang nhưng đau ít, ngược lại, có người tổn thương nhẹ nhưng đau rất nhiều.



Các biện pháp chẩn đoán Viêm khớp ngón chân cái

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng kết hợp với hình ảnh học. Bác sĩ sẽ thực hiện các thao tác sau:

  • Quan sát dáng đi và khả năng gập – duỗi ngón cái.
  • Sờ và ấn nhẹ vùng khớp bàn ngón I để xác định điểm đau.
  • Kiểm tra biên độ vận động khớp – đặc biệt là động tác gấp ngón cái về mu bàn chân (dorsiflexion) bị hạn chế là dấu hiệu sớm và quan trọng nhất.
  • Thử nghiệm "grind test": xoay và đè ép khớp ngón cái để đánh giá mức độ đau và tình trạng mặt khớp. 
  • Nghiệm pháp “Tinel sign”: nếu nghi ngờ chèn ép dây thần kinh bì mu chân trong.

Khám lâm sàng cũng giúp loại trừ các nguyên nhân khác như: gút, viêm khớp dạng thấp, biến dạng ngón cái, bàn chân thảm cỏ...

Các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết

Chụp X-quang bàn chân (có tải trọng)

Là công cụ quan trọng nhất để xác định mức độ tổn thương. Cần thực hiện ở các tư thế thẳng, nghiêng và chếch khi người bệnh đứng, nhằm đánh giá đúng tình trạng khớp.

Trên phim X-quang có thể thấy:

  • Gai xương ở mặt lưng khớp bàn ngón I – dấu hiệu sớm nhất.
  • Hẹp khe khớp, mất khoảng sáng khớp.
  • Xơ cứng xương dưới sụn, thay đổi hình dạng đầu xương bàn.
  • Hình ảnh bọc dưới sụn (subchondral cyst) nếu bệnh nặng.

Một số hệ thống phân độ hình ảnh học phổ biến gồm:

  • Coughlin & Shurnas (độ 0 đến 4): phân loại dựa vào mức độ hạn chế vận động và tổn thương trên X-quang.
  • Hattrup & Johnson: dựa vào đặc điểm bào mòn sụn và xương dưới sụn trên phim X-quang nghiêng.

Chụp Xquang bàn chân là công cụ quan trọng và đơn giản nhất để xác định tổn thương.

MRI hoặc CT scan (ít khi cần thiết)

Được chỉ định trong các trường hợp:

  • Cần đánh giá tổn thương sụn sớm khi X-quang còn bình thường.
  • Có nghi ngờ tổn thương xương kèm theo hoặc cần khảo sát kỹ cấu trúc trước phẫu thuật.

MRI giúp phát hiện:

  • Tổn thương sụn hoặc xương dưới sụn sớm.
  • Viêm màng hoạt dịch, tụ dịch khớp.
  • Thoái hóa kèm rách mô mềm, dây chằng quanh khớp.

Tuy nhiên, cận lâm sàng này thường không cần thiết để chẩn đoán xác định.

Xét nghiệm máu (nếu nghi ngờ nguyên nhân toàn thân)

Chỉ định khi có biểu hiện gợi ý các bệnh lý viêm khớp hệ thống, như:

  • Acid uric máu: nếu nghi gút.
  • CRP, ESR: đánh giá tình trạng viêm.
  • RF, anti-CCP: tầm soát viêm khớp dạng thấp.
  • HLA-B27: trong nghi ngờ viêm cột sống dính khớp.

Các biện pháp điều trị Viêm khớp ngón chân cái

Việc điều trị viêm khớp ngón chân cái phụ thuộc vào mức độ tổn thương khớp, cường độ triệu chứng, mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và mong muốn bảo tồn vận động của người bệnh. Mục tiêu chính là giảm đau, cải thiện chức năng đi lại và ngăn ngừa tiến triển nặng hơn. Trong giai đoạn đầu, đa số người bệnh đáp ứng tốt với phương pháp không phẫu thuật, tuy nhiên, can thiệp ngoại khoa có thể cần thiết khi khớp bị tổn thương nặng hoặc đau ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Biện pháp không dùng thuốc

Thay đổi giày dép và sử dụng đệm hỗ trợ

Việc sử dụng giày phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong điều trị bảo tồn:

  • Giày mũi rộng và mềm, giúp giảm áp lực lên vùng mu bàn chân.
  • Giày đế cứng hoặc có đế rocker giúp giảm gập ngón cái khi đi lại, nhờ đó làm giảm đau.
  • Miếng đệm Morton (Morton’s extension) được đặt dưới lòng bàn chân, kéo dài đến ngón cái nhằm hạn chế vận động khớp bàn ngón I.
  • Miếng đệm vòm chân giúp điều chỉnh lực phân bố đều hơn ở bàn chân.
  • Tránh giày cao gót, giày mũi nhọn hoặc quá ôm vì chúng làm gia tăng áp lực lên khớp bị tổn thương.

Miếng đệm Morton được đặt dưới lòng bàn chân, kéo dài đến ngón cái nhằm hạn chế vận động khớp bàn ngón I.

Vật lý trị liệu và bài tập chức năng

Một số bài tập giúp duy trì hoặc phục hồi khả năng vận động khớp, bao gồm:

  • Bài tập duỗi ngón cái thụ động hoặc chủ động nhẹ nhàng mỗi ngày.
  • Tập tăng cường cơ quanh ngón cái và bàn chân.
  • Ngâm chân nóng – lạnh xen kẽ (contrast bath): giúp giảm viêm và thư giãn vùng khớp.
  • Đi bộ dưới nước, xe đạp chậm, yoga nhẹ nhàng: giúp duy trì thể lực mà không gây áp lực trực tiếp lên khớp.

Điều trị nội khoa

Thuốc giảm đau và chống viêm

  • Paracetamol: giảm đau mức độ nhẹ.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, diclofenac: giảm đau và viêm hiệu quả trong các đợt cấp.

Cần thận trọng với người có bệnh lý dạ dày, gan, thận hoặc tim mạch, tránh dùng NSAIDs kéo dài mà không có chỉ định cụ thể.

Thuốc bôi ngoài da

  • Gel chống viêm (diclofenac dạng gel, ketoprofen): hiệu quả trong đau nhẹ, ít tác dụng toàn thân.

Tiêm corticoid nội khớp

  • Được chỉ định trong trường hợp đau kéo dài không đáp ứng thuốc uống.
  • Dexamethasone phosphate là lựa chọn an toàn hơn so với triamcinolone, vì ít độc cho sụn khớp.
  • Tác dụng giảm đau thường kéo dài vài tuần đến vài tháng, nhưng không nên tiêm lặp lại nhiều lần để tránh hủy hoại sụn khớp.

Phẫu thuật

Khi các biện pháp bảo tồn không còn hiệu quả, hoặc bệnh đã ở giai đoạn tiến triển nặng (độ 3–4), can thiệp ngoại khoa được cân nhắc. Các phương pháp bao gồm:

 Phẫu thuật cắt gai xương (Cheilectomy)

  • Áp dụng cho giai đoạn sớm đến trung bình (độ 1–2).
  • Mục đích: loại bỏ phần gai xương mu bàn chân và một phần đầu xương bàn để khớp cử động dễ hơn.
  • Có thể kết hợp cắt xương kiểu Moberg - giúp chỉnh trục ngón cái nếu góc vận động vẫn còn hạn chế.
  • Ưu điểm: bảo tồn vận động khớp, phục hồi nhanh.
  • Tỷ lệ cải thiện đau và chức năng lên đến 90% trong 10 năm theo dõi.

Phẫu thuật cố định khớp (Arthrodesis)

  • Là phương pháp tiêu chuẩn vàng trong viêm khớp giai đoạn nặng (độ 3–4).
  • Bác sĩ sẽ loại bỏ mặt khớp bị tổn thương và cố định khớp bàn ngón I bằng vít hoặc bản nẹp, đưa ngón cái về vị trí chức năng (gập nhẹ 10–15 độ).
  • Sau mổ, khớp bị mất hoàn toàn khả năng gập duỗi, nhưng người bệnh vẫn đi lại bình thường.
  • Tỷ lệ thành công trên 90%, phù hợp với người cần cải thiện khả năng đi lại nhưng không cần linh hoạt ngón cái.

 Phẫu thuật thay khớp (Arthroplasty)

  • Áp dụng trong một số trường hợp người lớn tuổi, ít vận động, muốn bảo tồn vận động khớp.
  • Bao gồm: thay khớp bán phần (hemiarthroplasty) hoặc toàn phần với vật liệu như silicone, polyvinyl alcohol.
  • Tỷ lệ cải thiện triệu chứng khá cao, nhưng vẫn có nguy cơ lỏng khớp, lệch trục và mòn vật liệu, đặc biệt ở người trẻ, vận động nhiều.

Phẫu thuật cắt khớp tạo hình kiểu Keller (Keller resection arthroplasty)

  • Chỉ định cho người lớn tuổi, ít di chuyển.
  • Kỹ thuật: cắt bỏ phần gốc đốt gần ngón cái, giải phóng khớp hoàn toàn.
  • Hạn chế: có thể gây yếu lực đẩy khi đi bộ, biến dạng “ngón gập lên” (cock-up toe).

Phẫu thuật nội soi hoặc xâm lấn tối thiểu

  • Được ứng dụng trong phẫu thuật cắt gai xương với dụng cụ chuyên biệt.
  • Thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau sau mổ, nhưng đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm.

Phục hồi và theo dõi sau phẫu thuật

  • Với phẫu thuật cắt gai xương hoặc thay khớp, người bệnh có thể mang giày chỉnh hình sau 2 tuần, đi lại nhẹ sau 4–6 tuần.
  • Với phẫu thuật cứng khớp, cần mang nẹp hoặc giày cố định trong 6–8 tuần, tránh chịu lực lên chân mổ.
  • Vật lý trị liệu sau mổ giúp giảm sưng, phục hồi chức năng và hạn chế cứng khớp.
  • Phim X-quang định kỳ giúp theo dõi liền xương hoặc đánh giá vị trí khớp nhân tạo.

Tiên lượng viêm khớp ngón chân cái

Viêm khớp ngón chân cái là bệnh mạn tính, tiến triển chậm nhưng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động, chất lượng sống và sinh hoạt hằng ngày. Tuy không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng, gây dính khớp, biến dạng ngón chân và mất khả năng đi lại linh hoạt.

Khả năng phục hồi

  • Trên 50% người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng hiệu quả nhờ các biện pháp điều trị không phẫu thuật như điều chỉnh giày dép phù hợp, dùng thuốc chống viêm và tập luyện phù hợp.
  • Với những trường hợp được phẫu thuật đúng chỉ định và kỹ thuật, đặc biệt là phẫu thuật cứng khớp hay cắt gai xương, phần lớn bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường, bao gồm đi lại, làm việc, thậm chí chơi thể thao nhẹ.
  • Người được phẫu thuật cắt gai xương ở giai đoạn sớm có tỷ lệ cải thiện đau và chức năng lên đến 90 - 97%, duy trì kết quả tốt trong vòng 5-10 năm.

Biến chứng tiềm ẩn và ảnh hưởng lâu dài

Nếu không kiểm soát tốt, viêm khớp ngón chân cái có thể dẫn đến:

  • Dính khớp hoàn toàn: mất khả năng gập duỗi ngón chân cái, ảnh hưởng đến dáng đi, đặc biệt là khi lên cầu thang hoặc chạy.
  • Biến dạng vĩnh viễn: như ngón cái gập lên (cock-up toe), lệch trục, đau mạn tính mu bàn chân.
  • Chèn ép dây thần kinh mu chân: gây tê hoặc đau rát cạnh trong ngón cái.
  • Hạn chế chọn lựa giày dép, đặc biệt là nữ giới có nhu cầu thẩm mỹ hoặc người lao động cần giày chuyên dụng.

Tỷ lệ tái phát bệnh

  • Các phương pháp điều trị bảo tồn tuy hiệu quả nhưng không thể làm chậm hoàn toàn quá trình thoái hóa, do đó bệnh có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục mang giày không phù hợp, vận động quá mức hoặc không kiểm soát tốt bệnh lý nền như gút, viêm khớp dạng thấp.
  • Trong số bệnh nhân đã phẫu thuật cắt gai xương, có khoảng 7–9% chuyển sang phẫu thuật cứng khớp sau 10 năm do bệnh tiến triển.
  • Phẫu thuật thay khớp có thể gặp tình trạng mòn vật liệu, lệch trục hoặc lỏng khớp sau vài năm nếu bệnh nhân có mức độ vận động cao.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

  • Tuổi tác: người trẻ tuổi có tiên lượng phục hồi vận động tốt hơn, nhưng cũng dễ bị tái phát nếu hoạt động thể lực nhiều.
  • Mức độ tổn thương khớp lúc chẩn đoán: nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao hơn, khả năng bảo tồn vận động cũng tốt hơn.
  • Bệnh lý toàn thân đi kèm: gút, viêm khớp dạng thấp hoặc thừa cân có thể làm bệnh nặng thêm hoặc chậm phục hồi sau mổ.
  • Tuân thủ điều trị: sử dụng giày đúng cách, tập vật lý trị liệu đều đặn và duy trì cân nặng lý tưởng sẽ giúp duy trì hiệu quả điều trị lâu dài.

Viêm khớp ngón chân cái là một bệnh có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Trong phần lớn trường hợp, người bệnh có thể duy trì chức năng vận động, giảm đau và tránh phẫu thuật nếu tuân thủ phác đồ điều trị. Với những ca nặng cần can thiệp ngoại khoa, tiên lượng cũng rất khả quan nếu phẫu thuật đúng kỹ thuật và kết hợp chăm sóc sau mổ hợp lý.


Tài liệu tham khảo:

  1. American Academy of Orthopaedic Surgeons. (2022, October). Hallux rigidus (stiff big toe). OrthoInfo. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/stiff-big-toe-hallux-rigidus/
  2. Carteron, N., & Pietrangelo, A. (2024, April 17). What to know about osteoarthritis of the big toe (hallux rigidus). Healthline. https://www.healthline.com/health/osteoarthritis/big-toe
  3. Carteron, N., & Rees, M. (2023, February 16). Big toe arthritis (hallux rigidus): What to know about stiff big toe. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/big-toe-arthritis-surgery
  4. Fields, K. B., Atkinson, B., Asplund, C. A., & Grayzel, J. S. Forefoot pain in adults: Evaluation, diagnosis, and select management of common causes. In: UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on March 21, 2025.)
  5. Patel, J., & Swords, M. (2023, November 22). Hallux rigidus. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK556019/




Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ