Từ điển bệnh lý

Viêm màng ngoài tim : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-12-2024

Tổng quan Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim là dạng bệnh màng ngoài tim phổ biến nhất trên toàn thế giới, có thể là đơn độc hoặc là biểu hiện của một bệnh toàn thân, và có thể tái phát ở tới một phần ba số bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim vô căn hoặc do virus. Phân loại và điều trị thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và tái nhập viện do viêm màng ngoài tim, vì vậy chúng ta cùng tìm hiểu về căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây

Giải phẫu màng ngoài tim


Định nghĩa: Viêm màng ngoài tim là tình trạng tổn thương của lớp màng ngoài tim do phản ứng viêm, gây ra tình trạng tràn dịch màng ngoài tim, biểu hiện trên lâm sàng gồm đau ngực, nghe tim có tiếng cọ màng ngoài tim và sự thay đổi trên điện tâm đồ.

Dịch tễ học

Viêm màng ngoài tim là dạng bệnh màng ngoài tim khá phổ biến trên lâm sàng. Các nghiên cứu về bệnh màng ngoài tim tính đến nay còn chưa đầy đủ.

Các nước đang phát triển: nhiễm HIV và bệnh lao là những nguyên nhân chính gia tăng tỷ lệ nhập viện vì viêm màng ngoài tim cấp.

Theo thống kê của cục dân số ước tính 3 châu lục là Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh chiếm tới 86 % dân số thế giới và là nơi sinh sống của 95% tổng số ca mắc lao hoạt động và 98% trong số gần 2 triệu ca tử vong do lao mỗi năm. Viêm màng ngoài tim do Mycobacterium tuberculosis gây ra được tìm thấy ở khoảng 1 % tổng số ca mắc bệnh lao được khám nghiệm tử thi và ở 1 - 2 % các trường hợp lao phổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng ngoài tim ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà bệnh lao vẫn là gánh nặng về sức khỏe cộng đồng.

 Sinh lý bệnh

Sinh lý bệnh của viêm màng ngoài tim bao gồm một quá trình cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính có tràn dịch màng ngoài tim hoặc viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính và biến chứng chèn ép tim.

- Viêm màng ngoài tim cấp: < 6 tuần, tiến triển nhanh, gây viêm khoang màng tim và thường gây tràn dịch màng ngoài tim. Viêm có thể lan rộng đến mô cơ tim gây viêm màng ngoài tim kèm theo viêm cơ tim. Gây rối loạn huyết động và rối loạn nhịp tim rất hiếm gặp, mặc dù có thể xảy ra chèn ép tim

Bệnh cấp tính có thể khỏi hoàn toàn, tái phát lên tới 30% trong số trường hợp cấp tính hoặc trở thành bán cấp hoặc mạn tính.

- Viêm màng ngoài tim bán cấp: 6 tuần - 6 tháng, có thể tự khỏi hoặc khi điều trị nội khoa.

- Viêm màng ngoài tim mạn tính có fibrin: > 6 tháng.

- Viêm màng ngoài tim co thắt: bắt nguồn từ phản ứng viêm, sau đó là sự xơ hóa và dày lên của màng ngoài tim. Đôi khi các lá thành và lá tạng dính vào nhau và dính vào cơ tim. Các mô xơ hóa thường có lắng đọng canxi. Sự cứng lên và dày lên của màng ngoài tim làm giảm đổ đầy thất, giảm thể tích nhát bóp và cung lượng tim

- Chèn ép tim: xảy ra khi tràn dịch màng ngoài tim mức độ vừa hoặc lớn làm suy giảm khả năng đổ đầy của tim, dẫn đến cung lượng tim thấp và đôi khi bị sốc và tử vong. Nếu dịch (thường là máu) tích tụ nhanh chóng, thậm chí chỉ với lượng nhỏ (ví dụ 150mL), có thể gây ép tim cấp vì màng ngoài tim không thể giãn đủ nhanh. Ngược lại, tích tụ chậm tới 1500mL có thể không gây chèn ép tim. Tràn dịch cục bộ có thể gây chèn ép tim cục bộ ở bên phải hoặc bên trái tim và có thể khó chẩn đoán.



Triệu chứng Viêm màng ngoài tim

Có thể gặp do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), hoặc không do nhiễm trùng (Bệnh toàn thân, ung thư, sau phẫu thuật, sau chấn thương).

4.1. Viêm màng ngoài tim cấp không rõ căn nguyên

Có khá nhiều trường hợp viêm màng ngoài tim cấp không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, nhiều nghiên cứu nhận ra rằng những trường hợp này thường do virus gây ra, và việc phân lập tìm ra loại virus gây bệnh còn nhiều khó khăn. Ở các nước phát triển 80 - 90 % viêm màng ngoài tim được chẩn đoán là vô căn và nghĩ do căn nguyên virus.

4.2. Nhiễm trùng

- Vi khuẩn: tụ cầu, phế cầu, liên cầu.

- Viêm màng ngoài tim do lao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt. Lao là nguyên nhân chính gây viêm màng ngoài tim ở các nước đang phát triển, còn ở các nước phát triển tỷ lệ viêm màng ngoài tim do lao chỉ chiếm chưa đến 5% số trường hợp.

- Do virus: hay gặp do virus Coxsackie type B và Echovirus gây ra, ngoài ra có thể gặp do virus quai bị, Adenovirus.

- Viêm màng ngoài tim do nấm: Histoplasmosis, Coccidioidomycosis, Aspergillosis.

- Viêm màng ngoài tim do ký sinh trùng: Toxoplasmosis, Echinococcus.

4.3. Viêm màng ngoài tim cấp sau nhồi máu cơ tim

Những bệnh nhân viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim thường có tỷ lệ suy tim ứ huyết và nguy cơ tử vong cao trong vòng 1 năm

Trong nhóm bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được tái tưới máu (tiêu sợi huyết hoặc đặt stent động mạch vành), tỷ lệ viêm màng ngoài tim cấp thấp hơn nhóm điều trị bảo tồn.

Nhồi máu cơ tim thành trước rộng thường hay gặp viêm màng ngoài tim hơn các trường hợp nhồi máu cơ tim khác.

4.4. Hội chứng Dressler

- Sau nhồi máu cơ tim vài tuần cho đến vài tháng có thể gặp hội chứng này với tỷ lệ thấp, khoảng 1%. Trong trường hợp này nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm có thể do cơ chế tự miễn.

4.5. Hội chứng sau mở màng ngoài tim

4.6. Viêm màng ngoài tim do tăng ure máu

Thường xuất hiện trên người bệnh lọc máu lần đầu, lâm sàng thường nghe thấy tiếng cọ màng tim. Sau giai đoạn viêm cấp gặp tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều.

4.7. Viêm màng ngoài tim do ung thư

Ung thư nguyên phát màng ngoài tim, Các trường hợp di căn đến màng ngoài tim do ung thư phổi, ung thư vú, ung thư hạch, ung thư máu (Bạch cầu cấp), ung thư da, hoặc do biến chứng tia xạ và hóa chất điều trị ung thư.

4.8. Viêm màng ngoài tim do bệnh hệ thống và tự miễn

- Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp.

4.9. Viêm màng ngoài tim sau ghép tim

4.10. Viêm màng ngoài tim do chấn thương

- Có thể là do tổn thương trực tiếp hoặc gián tiếp đến màng ngoài tim sau các chấn thương như vỡ tim, vỡ các động mạch lớn, các mảnh xương sườn gãy gây tổn thương màng ngoài tim, hoặc là tai biến sau các thủ thuật chọc dò màng ngoài tim hoặc phẫu thuật tim khác.

4.11. Viêm màng ngoài tim do suy giáp

- Suy giáp có thể gây tràn dịch màng ngoài tim và viêm màng ngoài tim cholesterol. Viêm màng ngoài tim cholesterol là một bệnh lý hiếm gặp có thể liên quan đến phù niêm, trong đó có tràn dịch màng ngoài tim mạn tính và mức cholesterol cao làm kích hoạt phản ứng viêm và gây viêm màng ngoài tim.

4.12. Viêm màng ngoài tim trong suy thận mạn

  1. Triệu chứng

5.1. Triệu chứng cơ năng

- Đau ngực là triệu chứng chính và cũng là triệu chứng hay gặp nhất của viêm màng ngoài tim, có tính chất đặc trưng đau ngực kiểu màng phổi, đau đột ngột, kéo dài trong nhiều giờ hoặc đôi khi nhiều ngày.
+ Đau sau xương ức hoặc đau ở vị trí phía trước tim (ngực trái), đau lan đến đỉnh cơ thang (phần thấp nhất của xương bả vai ở lưng) hoặc không lan đến, không thay đổi cơn đau do gắng sức (phân biệt với đau do mạch vành), đau tăng lên khi nằm ngửa hoặc hít vào, giảm khi ngồi thăng và nghiêng người về phía trước.

- Các triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim có thể bao gồm: ho khan, sốt nhẹ, mệt mỏi, lo lắng,...

- Khó thở: đặc biệt khi nằm ngửa, thường thấy khi viêm màng ngoài tim cấp gây tràn dịch màng ngoài tim.

5.2. Triệu chứng thực thể

- Tiếng cọ màng ngoài tim (Pericardial friction rub PFR) có tính đặc hiệu cao đối với viêm màng ngoài tim cấp tính. Tiếng cọ nghe thô ráp giống tiếng cọ giấy nhám, rít và có âm độ cao. Tiếng này thường được nghe thấy ở phía thấp của bờ trái xương ức, thường to hơn khi hít vào, nhưng đôi khi có thể nghe rõ hơn khi bệnh nhân cúi về phía trước và hít vào sâu rồi nín thở. Tiếng cọ thường có 3 pha, có thể nghe thấy được ít nhất 2 thành phần ở pha tâm nhĩ thu và tâm thất thu, đôi khi nghe được pha thứ 3 ở thời kỳ tiền tâm trương. Tiếng cọ 1 pha (15 %), 2 pha (33%), 3 pha(52 %).

+ Có một số nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếng cọ màng ngoài tim và mức độ tràn dịch màng ngoài tim được đo bằng siêu âm, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra không quan sát thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa sự hiện diện của tiếng cọ màng ngoài tim và lượng tràn dịch màng ngoài tim, đã phản đối 1 số quan điểm trước đây cho rằng sự hiện diện của tiếng cọ màng ngoài tim biểu thị sự vắng mặt hoặc chỉ có một lượng nhỏ tràn dịch màng ngoài tim. Cũng dựa trên nghiên cứu này các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết là tiếng cọ xát màng ngoài tim trong viêm màng ngoài tim không phải do ma sát của các lớp màng ngoài tim “xù xì” như trước đây, thay vào đó các sợi fibrin do viêm gây ra, kết nối hai lớp màng ngoài tim, có thể hoạt động như các bẫy và thông qua các chuyển động của tim tạo ra tiếng cọ màng ngoài tim 3 pha điển hình.


5.3. Triệu chứng cận lâm sàng

5.3.1. Điện tâm đồ:

- Viêm màng ngoài tim cấp thường trải qua 4 giai đoạn đặc trưng, mặc dù không phải bệnh nhân nào cũng có đầy đủ các giai đoạn này.

+ Giai đoạn 1 (cấp tính): đặc trưng với hình ảnh ST chênh lên dạng lõm, lan tỏa đồng hướng với sóng T dương trên các chuyển đạo trước tim, ngoại trừ V1 và aVR ST sẽ chênh xuống, không có hình ảnh biến đổi soi gương như trong nhồi máu cơ tim (chênh ST đối xứng).
Đoạn PR chênh lên ở aVR, chênh xuống thường thấy ở các chuyển đạo chi khác và chuyển đạo trước tim, đặc biệt ở DII, aVF.

Không có sóng Q bệnh lý như trong nhồi máu cơ tim

+ Giai đoạn 2 (vài ngày sau).

ST và PR trở về đẳng điện, sóng T dẹt xuống

Điện tâm đồ có vẻ bình thường hoặc gần bình thường

+ Giai đoạn 3 (sau vài tuần)

Xuất hiện sóng T âm đảo ngược lan tỏa ở nhiều chuyển đạo, không kèm theo ST chênh xuống hoặc PR chênh xuống

+ Giai đoạn 4 (hồi phục hoàn toàn)
Điện tâm đồ trở về bình thường

Sóng T đảo ngược có thể tồn tại kéo dài nhưng sẽ dương trở lại bình thường theo thời gian.

Biến đổi ECG trong viêm màng ngoài tim cấp

5.3.2. Siêu âm tim: rất quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán viêm màng ngoài tim. Đây là phương pháp không xâm lấn, độ nhạy cao, hiệu quả để phát hiện các bất thường liên quan đến màng ngoài tim.

phát hiện dịch tự do trong khoang màng ngoài tim:

- Đánh giá lượng dịch (ít, vừa, nhiều):
+ Dịch ít: khoảng cách giữa màng ngoài tim và cơ tim <10 mm, ít hơn 300ml.

+ Dịch vừa: khoảng cách giữa màng ngoài tim và cơ tim 10 - 20 mm, 300 - 500 ml.

+ Dịch nhiều: khoảng cách giữa màng ngoài tim và cơ tim >20mm, >500ml.

Dịch có thể xuất hiện quanh tim (toàn bộ) hoặc khu trú.

- Phân biệt dịch đồng nhất như dịch tiết, dịch thấm hoặc không đồng nhất (máu, dịch mủ).

- Tính chất di động của tim:
+ nếu dịch nhiều, tim có thể bị di động bất thường hoặc bập bềnh trong dịch.

- Phát hiện chèn ép tim (dấu hiệu cấp cứu): đây là biến chứng nguy hiểm của tràn dịch màng ngoài tim. gồm các dấu hiệu sau đây:

+ Giãn tĩnh mạch chủ dưới, xẹp nhĩ phải hoặc thất phải trong thì tâm trương.

+ Đè ép tâm nhĩ hoặc tâm thất do áp lực dịch cao.

+ Giảm độ giãn nở tâm thất trong thì tâm trương.

- Dày màng ngoài tim:
+ Trong viêm màng ngoài tim mạn tính hoặc viêm màng ngoài tim co thắt, có thể thấy màng ngoài tim dày (> 2mm)

- Động học thất:
Hiện tượng sự phụ thuộc tương hỗ của hai thất trong viêm màng ngoài tim co thắt:

+ Khi thất phải giãn ra trong thì hít vào, thất trái sẽ giảm kích thước và ngược lại

- Hội chứng viêm màng ngoài tim co thắt

+ Dấu hiệu chính: chuyển động bất thường của vách tim.

+ Đổ đầy thất bị hạn chế.

+ Hiện tượng giao thoa hô hấp: giảm đổ đầy thất trái khi hít vào và tăng khi thở ra

- Siêu âm tim giúp phân biệt viêm màng ngoài tim với các bệnh lý khác như bệnh cơ tim giãn, tràn dịch màng phổi hoặc khối u màng ngoài tim, siêu âm tim thường được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị và để đánh giá tiến triển của bệnh cần lặp lại nhiều lần thực hiện.

Một số trường hợp cá biệt để nghiên cứu kỹ hơn về màng ngoài tim cần thực hiện siêu âm tim qua thực quản

Viêm màng ngoài tim co thắt: siêu âm tim 2D, mặt cắt cạnh ức trục ngang và mặt cắt 4 buồng mỏm.

5.3.3. X quang ngực: trong tràn dịch màng ngoài tim phối hợp chúng ta có thể thấy hình ảnh tim to, tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu đặc trưng giúp chẩn đoán bệnh.

  • Dấu hiệu tràn dịch màng ngoài tim
  • Bóng tim to, dạng hình bầu (water-bottle heart)
  • Giảm rõ nét các mạch máu ở rốn phổi
  • Tràn dịch phổi đi kèm (nếu có)

5.3.4. Xét nghiệm

  • Thường tăng bạch cầu và CRP trong nhiễm trùng.
  • VSS (máu lắng) tăng
  • Tăng CK-MB.
  • Cấy máu, cấy đờm và dịch hút dạ dày trong một số nguyên nhân đặc biệt như do lao (sau 1 tuần), nhiễm trùng huyết hay viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
  • Kháng thể ANA, RF, anti CCP (nếu nghi ngờ nguyên nhân tự miễn như trong lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp).
  • Troponin I/T tăng nhẹ nếu có viêm màng ngoài tim kèm viêm cơ tim.
  • HIV, viêm gan B, C: trong các trường hợp nghi ngờ nguyên nhân do virus
  • xét nghiệm chức năng gan, thận: đánh giá các nguyên nhân thứ phát.

5.3.5. CT scan và cộng hưởng từ tim

 - Dùng khi cần đánh giá dày màng ngoài tim hoặc xác định viêm màng ngoài tim co thắt

MRI tim: độ nhạy cao, có các hình ảnh đặc hiệu giúp chẩn đoán viêm màng ngoài tim cấp tính, đánh giá viêm màng ngoài tim co thắt, phân biệt viêm màng ngoài tim với các bệnh lý khác (bệnh cơ tim giãn, khối u, hoặc bệnh lý màng tim mạn tính), phát hiện các vùng calci hóa hoặc xơ hóa, theo dõi sau điều trị (giảm phù nề hoặc giảm ngấm gadolinium là dấu hiệu đáp ứng điều trị), ưu điểm của MRI tim là không xâm lấn và không sử dụng tia X, độ phân giải cao cao, cho phép đánh giá chi tiết cả cấu trúc và chức năng tim, nhạy hơn so với siêu âm tim và CT trong việc phát hiện viêm và dày màng ngoài tim

- Chẩn đoán viêm màng ngoài tim:

  • Hình ảnh tăng tín hiệu trên T2-weighted imaging: cho thấy tình trạng phù nề, viêm của màng ngoài tim.
  • Ngấm gadolinium (Late Gadolinium Enhancement - LGE): biểu hiện viêm hoặc xơ hóa màng ngoài tim

phát hiện dịch màng ngoài tim: xác định lượng dịch, đặc tính (dịch thấm/dịch tiết)

  • Đánh giá viêm màng ngoài tim co thắt
  • Dày màng ngoài tim: MRI có thể đo chính xác độ dày (>4mm là gợi ý)
  • Chuyển động bất thường của màng ngoài tim
  • Đánh giá giao thoa hô hấp: sự tương tác giữa các thất do màng ngoài tim xơ cứng hạn chế

Các biến chứng Viêm màng ngoài tim

  • Tamponade tim: cơ chế do lượng dịch lớn hoặc dịch tụ nhanh trong khoang màng ngoài tim hoặc gây chèn ép tim, cản trở đổ đầy tâm trương, bệnh nhân có thể tụt huyết áp, sốc, tĩnh mạch cổ nổi, tiếng tim mờ, siêu âm tim có xẹp nhĩ phải, thất phải trong tâm trương, tĩnh mạch chủ dưới giãn), xử trí chọc dịch màng ngoài tim cấp cứu
  • Tái phát viêm màng ngoài tim: tình trạng viêm kéo dài hoặc không được điều trị triệt để, thường gặp trong viêm màng ngoài tim không rõ nguyên nhân, sau phẫu thuật tim hở, chấn thương, hội chứng Dressler.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt: xơ vữa hoặc vôi hóa màng ngoài tim làm cản trở sự giãn nở của tim, dẫn đến suy tim phải, xử trí phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim trong trường hợp nặng.
  • tràn dịch màng ngoài tim mạn tính: dịch tích tụ dần trong khoang màng ngoài tim mà không gây tamponade tim cấp tính, xử trí dẫn lưu dịch hoặc phẫu thuật nếu cần.
  • Lao màng ngoài tim dẫn đến dày dính màng ngoài tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim nặng.
  • suy tim: viêm màng ngoài tim co thắt hoặc tamponade kéo dài có thể dẫn đến suy tim mạn tính.



Các biện pháp chẩn đoán Viêm màng ngoài tim

Chẩn đoán xác định

  • Theo hướng dẫn của ESC, để chẩn đoán viêm màng ngoài tim cấp cần có ít nhất 2 trong 4 tiêu chuẩn sau:
    + Triệu chứng cơ năng: Đau ngực.
    + Triệu chứng thực thể nghe thấy tiếng cọ màng ngoài tim.
    + Thăm dò chức năng có các thay đổi đặc trưng trên điện tâm đồ.
    + Siêu âm tim có tràn dịch màng ngoài tim mới hoặc xấu đi.

Chẩn đoán phân biệt

Dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng (xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ, MRI tim) để loại trừ các nguyên nhân khác, Là bước quan trọng để loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự, giúp xác định chính xác nguyên nhân và định hướng điều trị hiệu quả. Dưới đây là các bệnh lý cần phân biệt:

- Bệnh lý tim mạch

  • Nhồi máu cơ tim cấp: dựa vào tính chất đau ngực, điện tâm đồ, xét nghiệm men tim Troponin
  • Viêm cơ tim: dựa vào tính chất đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim, MRI tim, xét nghiệm men tim Troponin
  • Tamponade tim: triệu chứng tụt huyết áp, tĩnh mạch cổ nổi, giảm tiếng tim, siêu âm tim có tràn dịch nhiều, dấu hiệu xẹp nhĩ phải và thất phải trong thì tâm trương.
  • bệnh lý van tim (hẹp van động mạch chủ, sa van hai lá): đau ngực do giảm tưới máu cơ tim, siêu âm tim xác định tổn thương van tim
  • Bệnh cơ tim takotsubo: đau ngực, khó thở, ngất, loạn nhịp tim, thường ở nữ lớn tuổi, xảy ra sau gắng sức, xúc động mạnh, kết hợp phân biệt trên điện tâm đồ, siêu âm tim, MRI tim, xét nghiệm BNP tăng và men tim Troponin I/T tăng nhẹ
  • Bệnh lý phổi và màng phổi:
  • Tràn dịch màng phổi: đau ngực, khó thở, tiếng cọ màng phổi, Xquang phổi có tràn dịch màng phổi, siêu âm xác định vị trí dịch màng phổi (khác với dịch màng ngoài tim)
  • thuyên tắc phổi: đau ngực kiểu màng phổi, khó thở đột ngột, nhịp tim nhanh, CT scan mạch máu phổi có hình ảnh cục máu đông trong mạch máu phổi, D-dimer tăng cao
  • Bệnh lý tiêu hóa:
  • Trào ngược dạ dày-thực quản (GERD): đau ngực sau xương ức tăng khi nằm hoặc sau ăn, đau trong GERD không thay đổi theo nhịp thở hoặc tư thế như trong viêm màng ngoài tim
  • Loét dạ dày tá tràng: đau thượng vị có thể lan lên ngực, giảm khi dùng thuốc dạ dày
  • Bệnh lý cơ xương khớp
  • Viêm khớp ức đòn hoặc hội chứng Tietze: đau tại khớp ức đòn hoặc vùng trước ngực, tăng khi sờ nắn, không có dấu hiệu viêm toàn thân hay tràn dịch màng ngoài tim
  • Bệnh lý tự miễn hoặc hệ thống
  • Lupus ban đỏ hệ thống: có thể gây viêm màng ngoài tim thứ phát, xét nghiệm ANA, anti-dsDNA dương tính
  • Viêm đa cơ liên quan đến hội chứng Dressler: xảy ra sau nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật tim
  • Bệnh lý ác tính
  • Ung thư di căn màng ngoài tim: thường kèm theo tràn dịch màng ngoài tim ác tính, chọc dịch màng ngoài tim phân tích dịch tìm tế bào ác tính.



Các biện pháp điều trị Viêm màng ngoài tim

Nguyên tắc điều trị:

Tập trung vào giảm triệu chứng, loại bỏ nguyên nhân và ngăn ngừa biến chứng, các phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiệm trọng của bệnh.

Hầu như các bệnh nhân viêm màng ngoài tim cấp thường tự khỏi và nội khoa đáp ứng tốt, đặc biệt là với NSAIDs.

Tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, kèm theo rối loạn huyết động, nghi ngờ do nhiễm trùng hay u tân sinh, viêm màng ngoài tim co thắt thường được điều trị dẫn lưu hoặc mở màng ngoài tim.

7.1.1. Điều trị nội khoa:

  • Kháng viêm không steroids (NSAIDs):
  • Nguyên tắc sử dụng: liều cao ngay từ đầu, dùng liều tối đa trong giai đoạn cấp tính để kiểm soát triệu chứng, thời gian điều trị kéo dài từ 1 - 2 tuần sau đó giảm liều từ từ trong 1 - 2 tuần tiếp theo, tránh ngừng đột ngột để giảm nguy cơ tái phát

Ibuprofen, Aspirin, Indomethacin

  • Ibuprofen: 600 - 800 mg mỗi 6 - 8 giờ, ưu điểm ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và dễ chỉnh liều, thường là lựa chọn hàng đầu.
  • Aspirin: 650 - 1000 mg mỗi 6 - 8 giờ, thường sử dụng sau nhồi máu cơ tim (hội chứng Dressler) do không ảnh hưởng đến quá trình lành của màng ngoài tim như các NSAIDs khác.
  • Indomethacin: liều dùng 25 - 50 mg uống mỗi 8 giờ, ít được sử dụng hơn do nguy cơ tác dụng phụ cao trên đường tiêu hóa.
  • Thời gian điều trị: 1 - 2 tuần, sau đó giảm liều dần để tránh tái phát
  • Theo dõi: đánh giá hiệu quả qua triệu chứng lâm sàng và CRP.
  • Colchicine:
  • Chỉ định: thường phối hợp với NSAIDs để giảm nguy cơ tái phát viêm màng ngoài tim.
  • Liều dùng: người lớn 0,5 - 1 mg mỗi ngày trong 3 - 6 tháng
  • Chống chỉ định: bệnh thận hoặc gan nặng.
  • Corticosteroids
  • Chỉ định: chỉ sử dụng khi NSAIDs và colchicin không hiệu quả hoặc trong các trường hợp có nguyên nhân tự miễn nặng.
  • Điều trị triệu chứng:
  • Paracetamol để giảm đau.
  • Kiểm soát nhịp tim và huyết áp trong trường hợp có biến chứng rối loạn nhịp tim và tụt huyết áp.

7.1.2. Điều trị biến chứng:

  • Chọc hút dịch màng ngoài tim trong các trường hợp tràn dịch màng ngoài tim số lượng lớn là một thủ thuật nguy hiểm, nên tiến hành dựa trên hướng dẫn siêu âm. có sự giám sát của các bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, và có sẵn phương tiện hồi sức cấp cứu.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt: nếu tình trạng trở nên mạn tính và gây có thắt, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim.

7.1.3. Theo dõi và nghỉ ngơi:

  • Nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp để giảm áp lực lên tim
  • Theo dõi bằng siêu âm tim định kỳ để đánh giá tình trạng tràn dịch và chức năng tim.

Viêm màng ngoài tim thường xuất hiện đột ngột, nguyên nhân đa dạng và có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng người bệnh. Vì vậy mọi người cần duy trì một lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng chất kích thích, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tập thể dục thường xuyên để luôn giữ cho mình một trái tim khỏe mạnh. Thăm khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec với đầy đủ đội ngũ y bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống máy móc và xét nghiệm tiên tiến hàng đầu giúp chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ giai đoạn sớm và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh.

Liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch khám và tư vấn sức khỏe cùng các chuyên gia hàng đầu tại bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.



Tài liệu tham khảo:

  1. https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/2456172
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25696710/
  3. https://link.springer.com/article/10.1007/s10741-012-9328-9
  4. https://www.healio.com/news/cardiology/20230818/pharmacology-consult-updates-on-management-of-acute-and-recurrent-pericarditis
  5. Cập nhật điều trị viêm màng ngoài tim cấp và tái phát chuyên đề tim mạch học
  6. Viêm màng ngoài tim cấp: Cập nhật chẩn đoán và điều trị - P1 TS.BS Đào Thị Thanh Bình, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, THS.BS. Lê Phát Tài - Viện Tim TP. Hồ Chí Minh
  7. Thực hành bệnh tim mạch - GS.TS. Nguyễn Lân Việt - chương 22 Viêm màng ngoài tim
  8. Viêm màng ngoài tim wikipedia
  9. Bệnh màng ngoài tim, PGS TS Phạm Nguyễn Vinh.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ