Từ điển bệnh lý

Viêm mũi họng cấp do lạnh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Viêm mũi họng cấp do lạnh

Viêm mũi họng cấp tính là viêm cấp tính niêm mạc vùng mũi và họng, có thể kết  hợp với viêm amiddan, VA,... thuộc vòng bạch huyết Waldeyer khi bệnh nhân còn các tổ chức lympho này. Đây là một bệnh lý cấp tính hay gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, có thể xuất hiện đơn thuần hoặc là biểu hiện viêm long đường hô hấp trên trong giai đoạn đầu của nhiều bệnh nhiễm trùng lây.

 


Nguyên nhân Viêm mũi họng cấp do lạnh

Viêm mũi họng cấp tính thường gặp vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi, khởi đầu là một viêm nhiễm virus, dưới tác dụng của độc tố sức đề kháng giảm sút, là điều kiện cho bội nhiễm vi trùng, thường là vi trùng nằm vùng có sẵn trong mũi họng như liên cầu, phế cầu đặc biệt là liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A, có thể lây lan trong cộng đồng từ nước bọt, nước mũi do khi nói, khi ho hay hắt hơi.
Bệnh lý thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh nhưng nguyên nhân của bệnh do vi khuẩn hoặc virus.

Do vi khuẩn chiếm 20-40% tổng số viêm mũi họng gồm:

  • Liên cầu bê- ta tan huyết nhóm A,B,C,G
  • Haemophilus influenzae
  • Tụ cầu vàng
  • Moraxella catarrhalis
  • Các vi khuẩn kị khí

Do virus chiếm 60-80% gồm:

  • Adénovirus
  • Virus cúm
  • Virus para - influenzae
  • Virus Coxsakie nhóm A hoặc B trong đó nhóm A gây viêm họng có bóng  nước Herpanginne.
  • Virus Herpes gây viêm họng có bóng nước nhưng gây viêm miệng nhiều hơn ở họng.
  • Virus Zona gây viêm họng có bóng nước Zona.

Viêm họng cấp do virus chiếm khoảng 60-80%


Các biến chứng Viêm mũi họng cấp do lạnh

Triệu chứng lâm sàng.

 Bệnh thường xẩy ra đột ngột với các triệu chứng toàn thân, cơ năng và thực thể như sau:

  • Triệu chứng toàn thân: có thể chỉ sốt vừa 380C -390C nhưng cũng có khi sốt cao 400C ở trẻ em, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, chán ăn, không làm việc được…
  • Triệu chứng cơ năng: nuốt đau, đau nhói lan lên tai, ho kích thích, lúc đầu ho khan, sau ho có đờm, thường có ngạt mũi, chảy mũi nước, lúc đầu trong nhầy, sau đục. Tiếng nói mất trong hay khàn nhẹ…
  • Triệu chứng thực thể: niêm mạc họng đỏ rực, xuất tiết, trẻ em, hay bệnh nhân trẻ tuổi hai amiđan sưng to, sung huyết, hay có những chấm mủ trắng, bựa trắng phủ trên bề mặt amiđan. Niêm mạc mũi sung huyết, xuất tiết nhầy, có thể có sưng hạch góc hàm, ấn đau nhẹ…

Cận lâm sàng

Thông thường viêm mũi họng cấp không cần xét nghiệm cận lâm sàng vì chỉ cần dựa vào triệu chứng toàn thân, cơ năng và đặc biệt khám thực thể vùng mũi họng là đủ, nhưng nếu viêm mũi họng có xu hướng nặng kéo dài dễ gây biến chứng thì phải xét nghiệm vi trùng làm kháng sinh đồ thì điều trị có hiệu quả hơn. Đặc biệt nếu nghi các bệnh lây nhiễm nguy hiểm thì bắt buộc phải xét nghiệm để phòng dịch như bạch hầu, lao, giang mai,… các xét nghiệm cơ bản khác cũng có thể làm để tham khảo như công thức bạch cầu, nếu số lượng giảm và nhiều lympho thì có thể nhiễm virus, số lượng tăng chủ yếu đa nhân trung tính trong nhiễm vi trùng hay giai đoạn bội nhiễm của nhiễm virus. Làm phản ứng ASLO tìm kháng thể trong nhiễm liên cầu bê-ta.

Triệu chứng cận lâm sàng do viêm mũi họng cấp do lạnh 


Các biện pháp chẩn đoán Viêm mũi họng cấp do lạnh

Chẩn đoán xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng và các cận lâm sàng với dấu hiệu gợi ý xuất hiện khi thời tiết chuyển lạnh, hoặc người bệnh sử dụng nước lạnh nhiều.

Cần xác định nguyên nhân chính gây nên viêm mũi họng ở một số trường hợp như dị vật mũi gây viêm mũi cấp thường chỉ điều trị một bên, viêm mũi họng trong giai đoạn đầu một số bệnh nhiễm trùng lây như sởi, thủy đậu, cảm cúm… Lúc này điều trị bệnh chính gây ra là quan trọng chứ không chỉ triệu chứng về mũi họng…


Các biện pháp điều trị Viêm mũi họng cấp do lạnh

Nguyên tắc điều trị

Nhiều tác giả trong và ngoài nước đều thống nhất rằng tất cả mọi viêm mũi họng đỏ cấp, có chấm mủ trắng hay bựa trắng trên bề mặt amiddan đều phải điều trị như viêm mũi họng đỏ cấp do liên cầu khi chưa có xét nghiệm phân loại vi khuẩn hay virus. Đó là điều trị kháng sinh, hạ sốt, kháng viêm, giảm đau, sát trùng họng và nhỏ mũi sát khuẩn, co mạch, chống dị ứng…

Phác đồ điều trị.

Dù chưa có xét nghiệm vi trùng, virus, kháng sinh đồ, kháng virus đồ thì chúng ta cũng phải điều trị kháng sinh ngay cho kịp thời, khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 3,4 ngày) ta lại điều chỉnh phù hợp kháng sinh đồ

  • Kháng sinh.

  • Hạ sốt giảm đau.

  • Giảm viêm.

  • Điều trị kháng sinh theo đúng kháng sinh đồ.

  • Chế độ ăn uống và sinh tố nâng cao thể trạng.

Điều trị cụ thể

Kháng sinh

Peniciline V uống 50-100 UI/kg cho trẻ, 3 triệu UI cho người lớn, chia 3 lần trong ngày kéo dài trong 10 ngày.

Peniciline chậm loại Benzathin-Peniciline G liều 600.000UI cho trẻ < 30kg 1,2 triệu UI cho trẻ > 30kg và 2,4 triệu UI cho người lớn.

Cephalosporine thế hệ 1, hoặc Peniciline A (Amoxicilline) trong 10 ngày.

Trường hợp bệnh nhân dị ứng với Peniciline thì có thể thay thế nhóm Macrolide như Rulide, Zithromax, Dynabac, hay Josacine trong 5-7 ngày.

Tốt nhất là điều trị theo kháng sinh đồ nếu có kết quả xét nghiệm sớm, phải thay đổi thuốc kịp thời.

Hạ sốt, giảm đau, kháng viêm

Paracetamol, Anphachymotrypsine, Aspirine… cho liều phù hợp với trẻ em và người lớn, uống sau ăn, lưu ý hỏi tiền sử viêm dạ dày tá tràng để chống chỉ định vì hầu như tất cả các thuốc giảm đau hạ sốt đều có nguy cơ chảy máu dạ dày và hệ thống đường tiêu hóaKháng sinh đường tiêm: chỉ định trong trường hợp nặng, có biến chứng. 

Thời gian dùng kháng sinh trung bình: 7-14 ngày.

Ngoại khoa. 

Chỉ định trong trường hợp viêm mũi xoang cấp có biến chứng . Tiến hành phẫu thuật nội soi dẫn lưu xoang phối hợp với dẫn lưu áp xe hốc mắt, áp xe não...

Phác đồ điều trị viêm mũi họng cấp do lạnh


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ