Từ điển bệnh lý

Viêm ống tai ngoài : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-12-2024

Tổng quan Viêm ống tai ngoài

Nhiễm trùng tai ngoài (Otitis externa) là tình trạng phản ứng viêm ở da và lớp dưới da của tai ngoài, bao gồm ống tai hoặc vành tai và có thể là cả màng nhĩ, gây ra bởi nhiều tác nhân trong đó hàng đầu là vi khuẩn và nấm[1]. Nhiễm trùng tai ngoài là bệnh khá thường gặp trong chuyên ngành Tai Mũi Họng với tỷ lệ khoảng 0,4% dân số mắc hàng năm, trong đó khoảng 80% xảy ra trong mùa hè, đặc biệt ở những vùng khí hậu nóng và ẩm[2].

Bệnh nhân thường đến với tình trạng viêm ống tai ngoài cấp tính với các biểu hiện như đau tai, ngứa tai, chảy dịch tai,… trong đó đau tai là triệu chứng phổ biến nhất với các mức độ rất khác nhau từ nhẹ đến nặng. Theo ước tính của Hội bác sỹ gia đình Mỹ có tới 36% bệnh nhân bị gián đoạn công việc hàng ngày bởi đau tai, trong đó có tới 21% bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tại giường[3].

Viêm ống tai ngoài thường đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ như làm sạch ống tai kết hợp với thuốc nhỏ tai và ít khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên nếu không được điều trị đầy đủ hay sự thiếu cảnh giác của các bác sĩ điều trị, đặc biệt trên các cơ địa suy giảm miễn dịch, tình trạng viêm có thể diễn biến mạn tính hoặc nguy hiểm hơn, viêm lan tỏa vào các mô xung quanh, có thể gây đe dọa tới tính mạng, dù rất hiếm gặp như viêm ống tai ngoài ác tính (Necrotizing external otitis/ Malignant Otitis Externa).Sơ lược cấu trúc giải phẫu: 

Tai ngoài gồm loa tai và ống tai ngoài. Loa tai nhô lên từ mặt bên của đầu với chức năng thu nhận sóng âm, ống tai ngoài từ loa tai đi vào trong để dẫn truyền các rung động âm thanh tới màng nhĩ

  • Loa tai :

Mặt ngoài loa tai hơi hướng ra trước và có nhiều chỗ lồi lõm.

Về cấu tạo, loa tai được cấu tạo bởi 1 khung sụn xơ chun mỏng được che phủ bởi da và nối với những phần xung quanh bởi các dây chằng và cơ. Màng sụn gắn chặt trên bề mặt sụn ở phía trước bên và rất lỏng lẻo ở phía sau. Sụn của loa tai liên tiếp với sụn ống tai ngoài.

Tai ngoài và liên quan

Tai ngoài và liên quan

Ống tai ngoài (extenal auditory meatus- EAM):

Hình dạng : Ống tai ngoài dài khoảng 2,5 cm, do vị trí màng nhĩ nằm chếch trên sàn nên thành trước dài hơn thành sau khoảng 6 mm. Ống tai ngoài không thẳng mà cong theo hình chữ S: ban đầu hướng vào trong ra trước và hơi lên trên, tiếp đó cong về phía sau trong và lên trên, cuối cùng lại cong về phía trước trong và xuống dưới.[2]

Cấu tạo : Ống tai ngoài được cấu tạo bằng sụn ở 1/3 ngoài, bằng xương ở 2/3 trong. Nơi tiếp nối sụn- xương tạo lên 1 eo hẹp. Trên thành trước của ống tai sụn có các khe ngang ( gọi là vết nứt của Santorini) cho phép sự lan tràn của nhiễm trùng cũng như các tế bào ung thư vào mô mềm xung quanh ống tai, tuyến nước bọt mang tai và khớp thái dương hàm. Phần xương tạo bởi bởi phần nhĩ xương thái dương.

Biểu mô sừng hóa bao phủ tai ngoài, lớp biểu mô này mỏng dần đi từ ngoài vào trong, đoạn ống tai sụn dày từ 0,5-1 mm trong khi đoạn ống tai xương dày khoảng 0,2 mm, và tiếp tục phủ lên mặt ngoài của màng nhĩ – nó thiếu lớp dưới da. Các tuyến nhờn và nang lông được tìm thấy ở lớp dưới da của loa tai và 1/3 ngoài của ống tai ngoài. Dịch tiết và sự bong vảy của biểu mô ống tai tạo thành ráy tai- ẩm và toan nhẹ ( pH từ 6-6.5), cũng có tác dụng sinh lý ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn của ống tai[4].


Nguyên nhân Viêm ống tai ngoài

Nhiễm trùng do vi khuẩn: Tại Bắc Mỹ, 98% các trường hợp viêm ống tai ngoài là do vi khuẩn[1]. Căn nguyên hàng đầu là Pseudomonas aeruginosa, 1 chủng vi khuẩn cư trú thông thường ở ống tai ngoài. Tuy nhiên rất đa dạng chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương được kể đến, có gần 1/3 các trường hợp là đa vi khuẩn.

Microbiology of AOE (Roland PS, Stroman DW- 2002)[2]

 Microbiology of AOE (Roland PS, Stroman DW- 2002)[2]

 Nhiễm nấm: thường gặp nhất là Aspergillus (80-90%), sau đó là Candida, hay gặp ở các nước nhiệt đới[5]. Nấm chỉ chiếm từ 2-10% trong các nguyên nhân gây viêm tai ngoài cấp tính, tuy nhiên có thể là 1 tác nhân quan trọng trong các trường hợp viêm tai ngoài dai dẳng hay mạn tính[1]. Nấm thường găp thứ phát sau 1 thời gian dài điều trị viêm ống tai ngoài dai dẳng do vi khuẩn làm thay đổi hệ vi khuẩn chí bình thường của da ống tai. Đôi khi cũng gặp nhiễm nấm nguyên phát.

Virus : hiếm gặp. HPV t e 6 được cho là có liên quan đến tổn thương papiloma ống tai ngoài. Varicela Zorter Virus (VZV) gây zona tai cũng là tác nhân hay gặp.

 Các bệnh hệ thống : gồm viêm da dị ứng, vảy nến, lupus ban đỏ, viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis),... Các tổn thương này gặp ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng đầu và cổ, thường gặp trên các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh hay tiền sử gia đình

Tổn thương vật lý: Việc sử dụng tăm bông hoặc các dụng cụ không đúng cách để vệ sinh tai có thể làm tổn thương niêm mạc ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập.

Các yếu tố nguy cơ.

Nhiều yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng viêm tai ngoài. Một trong những nguy cơ phổ biến nhất là đi bơi, ống tai ngoài bị ngâm nước, đặc biệt là nước máy hồ bơi- nước có nồng độ halogen (clo) cao. Các nguy cơ khác bao gồm tình trạng da như eczema và sự tiết nhiều bã nhờn, vi chấn thương từ lấy ráy tai, sử dụng các dụng cụ ngoài tai như máy trợ thính và sự bít lấp của ráy tai… Các yếu tố này làm mất đi sự bảo vệ ban đầu của hàng rào ráy tai, xé thủng lớp biểu bì ( bao gồm cả sự thấm nước) cùng với vi khuẩn và tăng pH của ống tai. [3]

Các nhóm yếu tố nguy cơ kể đến như [3]:

- Bất thường giải phẫu: xơ hẹp ống tai, bướu, ống tai rậm lông.

- Tắc nghẽn ống tai : ráy tai, dị vật, u nang bã nhờn.

- Tình trạng ráy tai : lấy bỏ ráy tai, nút tai, máy trợ thính, thiết bị đo chức năng tai.

- Tình trạng da: eczema, vẩy nến, tiết nhiều bã nhờn.

- Nước trong ống tai: độ ẩm, sự hấp hơi, bơi.




Triệu chứng Viêm ống tai ngoài

Triệu chứng cơ năng:

- Đau tai: thường gặp nhất, mức độ rất thay đổi với từng bệnh nhân, từ cảm giác tức nặng tai cho tới đau đớn trầm trọng. Cảm giác đau tăng lên khi đụng chạm vào vành tai, có thể cả khi nhai.

- Chảy dịch tai : cũng rất thay đổi cả về số lượng lẫn tính chất dịch. Dịch thường trắng đặc sệt trong viêm ống tai do vi khuẩn; màu trắng, xám, xanh bẩn hay vàng trong viêm ống tai do nấm,…. Cần phân biệt với dịch chảy từ tai giữa.

- Ngứa tai: hay gặp trong các trường hợp nhiễm nấm, viêm do dị ứng hay các trường hợp viêm mạn tính.

- Ù tai, nghe kém: có thể gặp trong các trường hợp viêm gây phù nề chít hẹp ống tai.

 Triệu chứng thực thể.

- Sốt: thường không sốt, có thể sốt nhẹ. Sốt > 38,3 độ C gợi ý tình trạng viêm đã xâm lấn ra ngoài ống tai.

- Đau tai khi kéo vành tai lên trên, xuống dưới hay ấn vào trước bình tai. Đây cũng là cách để phân biệt với đau do viêm tai giữa.

Khám tai ngoài

Khám tai ngoài

- Có thể sưng hạch phản ứng sau tai.

- Soi tai:

+ Da ống tai phù nề, xung huyết, có thể gây chít hẹp ống tai. Tình trạng viêm có thể lan tới màng nhĩ làm màng nhĩ đỏ, xung huyết nhưng hòm nhĩ bình thường.

+ Ống tai ngoài đọng dịch mủ, có thể thấy tổ chức nấm sợi bám trên thành ống tai hay ráy tai.

+ Có thể thấy các mụn nước rải rác ở ống tai và vành tai trong nhiễm trùng do virus

+ Trong trường hợp viêm ống tai ngoài khu trú, có thể thấy khối sưng phồng, đỏ đau, thường ở 1/3 ngoài ống tai, làm hẹp cửa ống tai ngoài trong khi các vị trí khác bình thường. Thăm dò thấy chắc và rất đau hoặc mềm khi đã áp xe hóa.


Các biến chứng Viêm ống tai ngoài

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm ống tai ngoài có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Viêm tai giữa: Nhiễm trùng có thể lan sang tai giữa, gây đau và giảm thính lực nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn hoặc nấm có thể xâm nhập vào mô xung quanh, gây ra viêm mô tế bào hoặc áp xe.
  • Suy giảm thính lực: Tình trạng viêm kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe.

Phòng ngừa Viêm ống tai ngoài

Để phòng ngừa viêm ống tai ngoài, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh tai: Tránh sử dụng tăm bông và chỉ làm sạch tai khi cần thiết.
  • Tránh tiếp xúc với nước bẩn: Hạn chế bơi lội ở những khu vực có nước không sạch.
  • Sử dụng nón bảo hộ khi bơi: Để tránh nước vào tai.
  • Tăng cường sức khỏe: Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm ống tai ngoài

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm ống tai ngoài cấp[5] :

- Khởi phát nhanh (trong vòng 48h) và không quá 3 tuần.

- Triệu chứng viêm ống tai :

+ Đau tai, ngứa tai hoặc cảm giác đầy tai

+ Có hoặc không kèm giảm thính lực hoặc đau hàm ( khớp thái dương hàm khi nhai).

- Triệu chứng thực thể:

+ Tăng nhạy cảm đau của vành tai hoặc ống tai hoặc cả 2

+ Hoặc phù nề, xung huyết ống tai

+ Có hoặc không chảy dịch tai, nổi hạch kế cận, màng nhĩ xung huyết.



Các biện pháp điều trị Viêm ống tai ngoài

Nguyên tắc điều trị:

4 nguyên tắc điều trị cơ bản bao gồm:

- Làm sạch nhẹ nhàng ống tai ( tần suất tùy thuộc vào mức độ trầm trọng).

- Sử dụng kháng sinh tại chỗ thích hợp.

- Điều trị triệu chứng giảm viêm và giảm đau.

- Các khuyến cáo phòng ngừa với bệnh nhân (hướng dẫn làm khô tai,…)

 Viêm ống tai ngoài do vi khuẩn.

Làm sạch ống tai: lấy bỏ chất bẩn và làm sạch ống tai 1 cách cẩn thận là cần thiết, vừa giúp loại bỏ tác nhân, đánh giá 1 cách cụ thể màng nhĩ và tình trạng tai giữa, vừa cho phép thuốc tại chỗ đến được với mô đích. Tuy nhiên 1 ống tai viêm thường phù nề và dễ bị tổn thương hơn bình thường, do đó không sử dụng curret hay thực hiện khi bệnh nhân không hợp tác được, đặc biệt với trẻ em, không nhất thiết phải lấy sạch triệt để trong 1 lần. Khuyến cáo nên sử dụng ống hút 5-7 Fr (1,5-2 mm) áp lực thấp hoặc tăm bông để làm sạch. Có thể làm mềm ráy tai bằng dung dịch kháng sinh hay oxy già trước đó[3]

Điều trị tại chỗ: các dung dịch nhỏ tai là điều trị chính cho các trường hợp viêm ống tai ngoài chưa có biến chứng. Một thuốc nhỏ tai lý tưởng cần đảm bảo 7 yếu tố [2]:

- Nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh.

- Có tính acid.

- Không độc với tai ( đặc biệt trong trường hợp màng nhĩ thủng).

- Không có phản ứng dị ứng.

- Không lắng đọng kết tủa.

- Giá thành thấp.

- Thêm thành phần Corticoid giúp làm giảm triệu chứng nhanh hơn.

Nếu màng nhĩ còn nguyên vẹn và không có phản ứng quá mức với aminoglycoside, nhỏ tai bằng dung dịch neomycin + polymyxin B + hydrocortisone là liệu pháp lựa chọn phổ biến hàng đầu hiện nay bởi hiệu quả và giá thành rẻ[3],[ 5].

Khi màng nhĩ bị thủng hoặc không thể đánh giá được, độc tính của kháng sinh nhỏ tai cần phải xét đến. Hiện tại, kháng sinh nhóm Quinolone (Ofloxacin và ciprofloxacin) là nhóm duy nhất được FDA khuyến cáo trong các trường hợp này. Corticoid phối hợp giúp giảm nhanh triệu chứng.

Thông thường, viêm ống tai ngoài cấp đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ, triệu chứng giảm nhanh trong vòng 1 ngày. Nếu triệu chứng không suy giảm trong vòng 48h, cần đánh giá lại chẩn đoán, sự lắng đọng thuốc hay đề phòng biến chứng. Dù các nghiên cứu chỉ ra ống tai ngoài hồi phục kéo dài trong vòng 1 tháng sau điều trị, các khuyến cáo chỉ ra thuốc nhỏ tai chỉ nên sử dụng trong vòng từ 7- 10 ngày[3].

Kháng sinh toàn thân : hiếm khi cần thiết. Theo Hội bác sĩ gia đình Mỹ, kháng sinh toàn thân chỉ sử dụng trong các trường hợp[5]:

+ Viêm ống tai ngoài dai dẳng.

+ Viêm tai giữa kết hợp.

+ Cơ địa suy giảm miễn dịch: bệnh nhân tiểu đường, sử dụng corticoid toàn thân kéo dài, nhiễm HIV, tiền sử xạ trị tại chỗ.

+ Trong bệnh cảnh viêm da mạn tính.

+ Khi nghi ngờ viêm lan rộng: khi bệnh nhân sốt trên 38,30 C , đau trầm trọng hay xuất hiện hạch phản ứng lân cận.

Giảm đau: đau tai là triệu chứng gây khó chịu nhất nên giảm đau được coi như là 1 đích điều trị. Thuốc giảm đau tại chỗ ( benzocain, lidocain) có tác dụng không hoàn toàn và không kéo dài, thường chỉ sử dụng trong quá trình làm thuốc tai. Thuốc giảm đau đường uống (NSAID/ acetaminophen có hoặc không kết hợp với opioid) là cần thiết trong các trường hợp từ đau vừa đến nặng.

Một số dung dịch nhỏ tai và liều dùng thông thường.

Một số dung dịch nhỏ tai và liều dùng thông thường.

Viêm ống tai ngoài do nấm.

Làm sạch và khô ống tai: cũng như viêm do vi khuẩn, có vai trò quan trọng trong loại bỏ và hạn chế sự phát triển của nấm.

Acid hóa: môi trường acid có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ làm sạch ống tai kết hợp với tác nhân acid hóa cho hiệu quả tương đương với thuốc kháng nấm nhỏ tai đơn độc[3]. Nhôm acetate (dung dịch của Burow), acetic acid / propylene glycol/ hydrocortisone 1%(VoSol HC), acid acetic (Domeboro Otic), acid boric là các dung dịch thường dùng trên lâm sàng.

Thuốc kháng nấm tại chỗ: dạng kem bôi hoặc dung dịch nhỏ tai, là điều trị chính. Các chế phẩm hay dùng là Clotrimazole dạng kem, Miconazole 2%, Ketoconazole, Tolnaftate, Nystatin,…

Thuốc kháng nấm toàn thân: không cần thiết; chỉ dùng trong trường hợp nhiễm nấm Aspegillus dai dẳng liên quan tới nhiễm khuẩn tai ngoài thất bại với điều trị tại chỗ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bệnh có thể giải quyết nhanh chóng chỉ bằng cách làm sạch tai cùng với bôi kem kết hợp giữa thuốc kháng nấm và Corticoid.

Viêm ống tai ngoài là một bệnh lý không thể xem thường. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại liên hệ với MEDLATEC để được hỗ trợ tốt nhất về sức khỏe tai mũi họng. Bảo vệ sức khỏe, bảo vệ bạn!


Tài liệu tham khảo:

  1. Richard M. Rosenfeld và các cộng sự (2006), Clinical practice guideline: Acute otitis externa, Otolaryngology–Head and Neck Surgery, American Academy of Otolaryngology–Head and Neck Surgery Foundation, ed.
  2. Paul W.Flint và các cộng sự (2011), Cummings Otolaryngology – Head and Neck Surgery, 5, ed, 1, 1944-1950.
  3. Paul Schaefer và Reginald F.Baugh (2012), "Acute Otitis Externa: An Update", American Family Physician.
  4. Michael Underbrink và Jeffrey Vrabec (2001), Infections of the External Ear, Grand Rounds Presentation, The University of Texas Medical Branch,Department of Otolaryngology.
  1. ROBERT SANDER và các cộng sự (2001), Otitis Externa: A Practical Guide to Treatment and Prevention, AMERICAN FAMILY PHYSICIAN, ed, 63, 927-935.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ