Từ điển bệnh lý

Viêm ống thận cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-04-2025

Tổng quan Viêm ống thận cấp

Viêm ống thận cấp là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự tổn thương và suy giảm chức năng của các tế bào ống thận dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương thận cấp và nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương thận vĩnh viễn và không hồi phục được.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm ống thận cấp, trong đó hay gặp là do giảm tưới máu đến thận hoặc các thuốc và độc tố gây tổn thương cho thận.

Triệu chứng chính và bệnh nhân có thể nhận biết rõ ràng nhất là giảm lượng nước tiểu, bệnh nhân thiểu niệu và nặng hơn có thể vô niệu, kèm theo phù, buồn nôn, nôn và các rối loạn nguy hiểm như tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim, nhiễm toan chuyển hóa.

Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm thận.

Điều trị trước hết phải loại bỏ nguyên nhân gây ra viêm ống thận cấp tính, hỗ trợ chức năng thận để có thể phục hồi chức năng thận, kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm hơn cho người bệnh.

Viêm ống thận cấp là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây suy thận cấpViêm ống thận cấp là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây suy thận cấp


Nguyên nhân Viêm ống thận cấp

Viêm ống thận cấp thường gặp do các nguyên nhân sau đây:

  • Giảm lưu lượng máu và oxy đến thận do hạ huyết áp kéo dài, mất nước nặng do bỏng nặng, viêm tụy cấp, tiêu chảy cấp, nôn nhiều, mất dịch do thuốc lợi tiểu, hoặc sốc mất máu do đa chấn thương hoặc chấn thương các vị trí xương lớn như xương đùi, phẫu thuật lớn, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ.
  • Độc tố gây hại cho thận như:
  • Thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid (amikacin, gentamicin)
  • Vancomycin.
  • Amphotericin B.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). 
  • Hóa chất sử dụng trong điều trị bệnh ung thư, thuốc ức chế miễn dịch như tacrolimus, cyclosporine.
  • Thuốc cản quang thường được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh.
  • Độc tố trong tiêu cơ vân (myoglobin), tan máu (hemoglobin), hội chứng ly giải khối u (acid uric). Các protein chứa sắc tố như hemoglobin, myoglobin gây tổn thương cho thận bằng cách gây tổn thương trực tiếp ống lượn gần, tắc nghẽn ống thận hoặc co mạch thận.
  • Nhiễm độc do tiếp xúc với kim loại nặng như chì, thủy ngân, ngộ độc mật cá trắm, nọc ong, nọc rắn. 

Triệu chứng Viêm ống thận cấp

  • Triệu chứng do giảm tưới máu thận như hạ huyết áp, mạch nhanh (sốc mất mốc, sốc nhiễm trùng), da lạnh.
  • Bệnh nhân tiểu ít hoặc hoàn toàn không đi tiểu được (vô niệu).
  • Tích tụ chất lỏng do không tiểu được hoặc tiểu ít gây phù.
  • Tăng kali máu gây tê bì, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, nặng hơn bệnh nhân có thể ngưng tim.
  • Khó thở do quá tải dịch (phù phổi cấp).
  • Thở nhanh sâu kiểu Kussmaul nếu có toan chuyển hóa.
  • Hạ canxi máu gây chuột rút.
  • Tăng ure máu: Buồn nôn, nôn mửa, ngứa, chảy máu, buồn ngủ, cảm giác chậm chạp, lú lẫn, hôn mê.
  • Tăng huyết áp.

Các biến chứng Viêm ống thận cấp

  • Rối loạn toan-kiềm: nhiễm toan chuyển hóa.
  • Hạ canxi máu.
  • Tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim, tăng quá cao có thể rất nguy hiểm gây rung thất, ngừng tim.
  • Tăng phosphat máu. 
  • Phù phổi cấp.
  • Suy hô hấp.
  • Phù não.
  • Suy tim sung huyết.
  • Trụy tim mạch.
  • Tăng urê huyết dẫn đến viêm màng ngoài tim, tình trạng chảy máu tiêu hóa như xuất huyết dạ dày, và thay đổi trạng thái tinh thần (ure máu tăng quá cao bệnh nhân có thể hôn mê).
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Suy thận mạn tính.
  • Rối loạn đông máu.

Đối tượng nguy cơ Viêm ống thận cấp

Các yếu tố nguy cơ của viêm ống thận cấp bao gồm:

  • Phản ứng truyền máu.
  • Chấn thương làm tổn thương cơ gây tiêu cơ vân.
  • Hạ huyết áp kéo dài hơn 30 phút làm giảm tưới máu đến thận.
  • Sốc nhiễm trùng.
  • Sốc tim.
  • Sốc mất máu.
  • Bỏng nặng.
  • Bệnh nhân xơ gan.
  • Bệnh nhân suy tim.
  • Bệnh nhân viêm tụy cấp.
  • Bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất.
  • Bệnh nhân phải điều trị ức chế miễn dịch kéo dài.
  • Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn do đái tháo đường.
  • Bệnh nhân phải điều trị kéo dài các thuốc có độc cho thận, đặc biệt là kháng sinh nhóm aminoglycosid và thuốc chống nấm amphotericin.
  • Phẫu thuật lớn mất máu nhiều như phẫu thuật phình động mạch chủ bụng, phẫu thuật gan mật, mổ bắc cầu nối động mạch vành (CABG), ghép tạng.

Kháng sinh nhóm aminosid rất độc cho thậnKháng sinh nhóm aminosid rất độc cho thận


Phòng ngừa Viêm ống thận cấp

Chúng ta có thể dự phòng viêm ống thận cấp gây hoại tử ống thận cấp tính bằng cách hạn chế các nguyên nhân gây ra tình trạng này:

  • Uống nhiều nước trước và sau khi có tiêm thuốc cản quang để chụp chiếu. Nếu bệnh nhân đang điều trị metformin cần ngừng thuốc này 24 đến 48 giờ trước khi tiêm cản quang và ngừng sử dụng thuốc trong vòng 48 giờ sau chụp, nếu xét nghiệm chức năng thận về bình thường mới được điều trị lại metformin. Những bệnh nhân có suy thận và bắt buộc phải chụp có tiêm cản quang cần hội chẩn với bác sĩ thận tiết niệu để tiên lượng nguy cơ suy thận nặng lên sau khi chụp, nhiều bệnh nhân có thể phải lọc máu ngay sau chụp.
  • Trước khi truyền máu cần đảm bảo đã được thử phản ứng chéo chính xác.
  • Kiểm soát tốt các bệnh làm tổn thương thận nặng lên như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gan và suy tim.
  • Không lạm dụng các thuốc chống viêm không kê đơn như naproxen, ibuprofen để điều trị giảm đau hoặc bệnh cơ xương khớp, đặc biệt khi bạn có bệnh lý thận trước đó.
  • Bù nước và điện giải thích hợp để tránh mất nước làm giảm lưu lượng máu tới thận trong các trường hợp dễ mất nước như viêm tụy cấp, tiêu chảy cấp, bỏng nặng.




Các biện pháp chẩn đoán Viêm ống thận cấp

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định viêm ống thận cấp cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu kết hợp với chẩn đoán hình ảnh học.

Lâm sàng: 

  • tiền sử bệnh hướng tới nguyên nhân gây viêm ống thận cấp như bệnh nhân có mất nước, nhiễm trùng nặng, nhiễm độc (nọc ong, mật cá trắm, nọc rắn), sử dụng thường xuyên kéo dài các thuốc kháng viêm không steroid, điều trị kháng sinh nhóm aminoglycosid, vancomycin, chụp có tiêm cản quang trước đó, xơ gan, suy tim, đái tháo đường,...
  • Triệu chứng bất thường về đi tiểu như tiểu ít hoặc vô niệu, phù, huyết áp cao, khó thở do quá tải dịch gây tràn dịch màng phổi, các triệu chứng của hội chứng tăng ure huyết (buồn nôn, nôn mửa, chảy máu, rối loạn ý thức, nặng có thể hôn mê)

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu: chức năng thận giảm nhanh (ure, creatinin tăng nhanh), rối loạn điện giải (tăng kali máu), khí máu (toan chuyển hóa kèm theo tăng khoảng trống anion).
  • Xét nghiệm nước tiểu: áp suất thẩm thấu nước tiểu dưới 350 mOsm/kg, Natri nước tiểu > 40 mmol/ngày (do tổn thương ống thận), nồng độ Natri trong nước tiểu dưới 20 mmol/ngày gợi ý tổn thương trước thận, ngoài ra còn có protein niệu, trụ hạt, trụ tế bào.
  • Siêu âm thận: thận kích thước bình thường hoặc to hơn do ứ nước, vỏ thận tăng sáng do phù nề.
  • Sinh thiết thận: ít được sử dụng để chẩn đoán trừ một số trường hợp đặc biệt.

Bệnh nhân viêm ống thận cấp có thể có hội chứng tăng ure huyếtBệnh nhân viêm ống thận cấp có thể có hội chứng tăng ure huyết

Chẩn đoán phân biệt

  • Suy thận cấp trước thận: giảm tưới máu thận nhưng chưa có tổn thương cấu trúc thận.
  • Suy thận cấp do tắc nghẽn như sỏi thận, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, huyết khối.
  • Viêm thận kẽ cấp.
  • Viêm cầu thận cấp: sau nhiễm liên cầu, lupus ban đỏ hệ thống.
  • Bệnh thận mạn tính (CKD).

Các biện pháp điều trị Viêm ống thận cấp

Nguyên tắc điều trị đầu tiên với bệnh nhân viêm ống thận cấp là loại bỏ các yếu tố gây tổn thương đến thận:

  • Dừng ngay các thuốc làm tổn thương thận nặng lên: thuốc cản quang, thuốc kháng viêm không steroid, kháng sinh nhóm aminoglycosid, amphotericin B, vancomycin, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng, thuốc điều trị đái tháo đường như metformin,...
  • Bù dịch điều trị mất nước, truyền máu, truyền dung dịch cao phân tử trong trường hợp sốc do mất máu.
  • Kháng sinh điều trị nhiễm trùng.

Chú ý: 

  • Theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân để điều chỉnh dịch phù hợp.
  • Điều chỉnh rối loạn điện giải: bệnh nhân tăng kali máu cần hạn chế thực phẩm giàu kali (chuối, nước dừa, cam, cà chua,...), không bổ sung dịch bằng các dung dịch có chứa kali, thuốc hạ kali máu như kalimate, điều chỉnh hạ kali máu bằng phác đồ truyền dịch và insulin, lọc máu khi có chỉ định. Bù canxi trong trường hợp hạ canxi máu.
  • Rối loạn thăng bằng toan kiềm: có thể dùng bicarbonat khi bệnh nhân toan chuyển hóa làm khí máu có pH dưới 7.2.
  • Một số trường hợp bệnh nhân thiểu niệu thầy thuốc có thể dùng lợi tiểu quai furosemide để kích thích bài niệu.
  • Chế độ ăn giảm đạm để hạn chế tình trạng ure máu cao tuy nhiên mức đạm tối thiểu cung cấp cần thiết để duy trì năng lượng hoạt động của cơ thể.
  • Kiểm soát đường huyết nếu bệnh nhân có đái tháo đường.
  • Kiểm soát huyết áp.

Chỉ định lọc máu khi:

  • Tăng kali máu trên 6,0 mmol/l có làm rối loạn nhịp tim biến đổi trên điện tâm đồ và tốc độ kali tăng nhanh.
  • Toan chuyển hóa nặng, làm khí máu động mạch pH dưới 7.2.
  • Áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) tăng cao, phù phổi cấp do quá tải dịch không đáp ứng với điều trị bằng lợi tiểu, bệnh nhân tiểu dưới 200ml/24 giờ.
  • Hội chứng tăng ure huyết: gây rối loạn ý thức, viêm màng ngoài tim, ure máu > 30mmol/l.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân cần được theo dõi sát số lượng nước tiểu, xét nghiệm điện giải (kali máu), khí máu, chức năng thận (ure, creatinin), đường máu, huyết áp, ý thức.

Trong trường hợp viêm ống thận cấp nặng bệnh nhân cần phải lọc máuTrong trường hợp viêm ống thận cấp nặng bệnh nhân cần phải lọc máu

Kết luận

Viêm ống thận cấp là một bệnh lý rất nguy hiểm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nếu được phát hiện và điều trị sớm người bệnh có thể hồi phục chức năng thận hoàn toàn tuy nhiên bệnh có thể tiến triển thành bệnh thận mạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Theo dõi chức năng thận định kỳ đặc biệt trên đối tượng đang sử dụng các thuốc có thể gây tổn thương đến thận sẽ giúp thầy thuốc phát hiện sớm các tổn thương thận cấp nếu có. Hãy liên hệ đặt lịch khám và tư vấn sức khỏe tại MEDLATEC nếu bạn đang có những yếu tố nguy cơ gây viêm ống thận cấp như trong bài viết trên để được các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Số điện thoại đặt lịch tổng đài 24/7: 1900 56 56 56


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ