Từ điển bệnh lý

Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc) : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc) là gì?

Đó là tình trạng khi chúng ta hít phải một lượng lớn dị vật từ đường thở (miệng, hầu họng, dạ dày,...) và dị vật rơi vào phổi 2 bên. Các dị vật hít phải có thể là nước bọt, thức ăn, hoá chất, chất nôn, axit dịch vị,... Nếu chúng đi lạc vào phổi sẽ kích thích phản ứng viêm của niêm mạc phổi, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc) 

Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc) 

Có 2 nhóm chính của viêm phổi hít:

- Viêm phổi do bệnh nhân sặc dị vật là thức ăn, dịch tiết hầu họng,... mà khi tiến vào phổi, chúng sẽ khiến cho phổi bị nhiễm trùng, nhu mô phổi chịu tổn thương do một lượng lớn vi khuẩn xâm nhập;

- Viêm phổi kèm theo những tổn thương do dịch vị dạ dày trào ngược vào trong phổi. Tuỳ vào số lượng, độ pH và tính chất của axit dịch vị trào ngược vào phổi sẽ quyết định mức độ thương tổn ở phổi.


Nguyên nhân Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra viêm phổi hít là do dị vật đi vào phổi, các yếu tố nguy cơ dưới đây cũng có thể là nguyên do làm tăng khả năng khiến bệnh nhân bị viêm phổi hít:

Trạng thái lơ mơ hoặc mất nhận thức

Khi rơi vào trạng thái giảm nhận thức, cơ họng của con người có xu hướng giãn ra. Điều này làm tăng nguy cơ bị viêm phổi hít, đặc biệt nếu bệnh nhân đang ở trong những tình huống như sau:

  • Ngất;
  • Chịu ảnh hưởng do thuốc hoặc rượu gây nên;
  • Gây tê, gây mê;
  • Bệnh của hệ thống thần kinh;
  • Đột quỵ;
  • Vấn đề do nuốt.

Nguyên nhân chính gây ra viêm phổi hít là do dị vật đi vào phổi

Số lượng dịch gần phổi gia tăng trong các trường hợp

  • Các bệnh về nướu răng;
  • Rò khí quản - thực quản. Xuất hiện lỗ rò giữa đường tiêu hoá và đường hô hấp;
  • Trào ngược dạ dày thực quản;
  • Việc sử dụng ống thông dạ dày cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân: thức ăn sẽ được đưa vào cơ thể thông qua ống đi từ mũi tới dạ dày. Hiện nay tình trạng sặc do ống thông này đã được hạn chế nhờ sự cải thiện trong chăm sóc y tế.

Các loại vi khuẩn có thể liên quan

  • Vi khuẩn do nhiễm tại bệnh viện như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, methicillin-resistant S. aureus (MRSA), Pseudomonas aeruginosa;
  • Các loại vi khuẩn thường trú ở khu vực miệng và họng như Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae.

Triệu chứng Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Các dấu hiệu cho thấy ta bắt đầu bị viêm phổi sặc 

Khi mới đầu người bệnh sẽ cảm thấy những biểu hiện giống với bệnh cúm nặng như:

- Đau đầu;

- Cơ thể mệt mỏi;

- Buồn nôn, chán ăn, sụt cân

- Ho sặc sau khi ăn uống hoặc nuốt nước bọt là triệu chứng điển hình;

- Người bệnh bị khó thở, thở khò khè, nhịp thở tăng, tụt huyết áp, tím tái, phù phổi,...;

- Nhịp tim tăng, đau ngực và khó thở tăng khi hít sâu;

- Sau khi những chất dịch tiết hô hấp, hầu họng,... lạc vào phổi sẽ có những biểu hiện nhiễm khuẩn như:

  • Sốt cao;
  • Đau ngực;
  • Ho khạc đờm xanh hoặc vàng;
  • Kết quả xét nghiệm máu: procalcitonin, bạch cầu, CRP tăng cao;
  • Khám phổi: phát hiện giảm thông khí một vùng phổi, gõ ngực sẽ thấy đục, nghe được tiếng ran nổ hoặc tiếng cọ màng phổi.

Viêm phổi hít có các mức độ nặng khác nhau

- Viêm phổi hít có các mức độ nặng khác nhau. Đôi khi triệu chứng bệnh không rõ ràng, đặc biệt với đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi do sự đáp ứng miễn dịch kém ở lứa tuổi này. Ngược lại triệu chứng có khi lại rất nặng khi xảy ra các biến chứng suy hô hấp nặng, viêm phổi áp xe, viêm phổi kèm sốc nhiễm khuẩn,... Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân nhanh xuất hiện triệu chứng thở rít, tím tái, co thắt thanh môn và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử.


Các biến chứng Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Một số biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bệnh viêm phổi hít có thể là: áp xe phổi (những ổ mủ hình thành bên trong nhu mô phổi), giãn phế quản, suy hô hấp cấp (bệnh nhân gặp tình trạng khó thở và bên trong phổi bị lấp đầy dịch).


Đối tượng nguy cơ Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Những người khoẻ mạnh bình thường rất hiếm khi bị viêm phổi sặc. Tuy nhiên đối với những trường hợp sau đây lại chiếm nhiều khả năng mắc bệnh, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng vì viêm phổi hít:

- Những bệnh nhân mắc các bệnh lý như túi thừa Zenker, ung thư, tuyến giáp to, phì đại đốt sống cổ,...;

- Những người mắc các bệnh về viêm lợi, tật lưỡi lớn, tật hàm nhỏ, sâu răng, hẹp môn vị, hẹp tắc đường tiêu hoá, trào ngược dạ dày,...;

- Những người bị tổn thương thần kinh - cơ như nhồi máu não, đa u tuỷ xương, xuất huyết não, bệnh Parkinson, nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ, sa sút trí tuệ,...;

- Người bệnh rơi vào tình thế khởi mê để tiến hành mổ cấp cứu gấp mà không có đủ thời gian chuẩn bị, dạ dày chưa tiêu hoá hết thức ăn và còn đầy dịch vị;

Những bệnh nhân mắc các bệnh lý như túi thừa Zenker, ung thư, tuyến giáp to, phì đại đốt sống cổ

- Bệnh nhân điều trị trong bệnh viện và phải thực hiện các can thiệp bằng thiết bị y tế như: thở máy, ống thông dạ dày, đặt nội khí quản,... Thực tế cho thấy sau khi đặt lòng ống nội khí quản, sẽ có một màng sinh học chứa hàng triệu vi khuẩn/cm2 bao phủ lên thiết bị này. Chúng sẽ có cơ hội nhân lên một cách nhanh chóng và đi vào gây bệnh tại khí quản. Bên cạnh đó, khi đặt ống thông mũi - dạ dày cũng làm tăng nguy cơ tăng vi sinh vật ký sinh ở khu vực mũi - hầu, kết quả là gây trào ngược dịch dạ dày. Từ dạ dày, vi khuẩn theo đường ống leo lên đường hô hấp trên.

- Do tình trạng suy thai, thai nhi hít phải phân su, do thai thiếu oxy kích thích hệ thần phó giao cảm khiến phân su bị tống vào nước ối gây nên hiện tượng suy hô hấp;

- Trẻ em có thói quen nô đùa, chạy nhảy trong khi ăn làm tăng nguy cơ hít thức ăn, nước bọt, đờm dãi,... vào phổi;

- Bệnh nhi mắc hội chứng Down, trẻ sinh non, mắc vấn đề về nuốt như trẻ hở hàm ếch, sứt môi, dị tật thực quản bẩm sinh,...


Phòng ngừa Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

- Bệnh nhân bị suy giảm ý thức, không nên ăn và dùng thuốc qua đường miệng. Khi nằm cần nâng cao đầu giường trên 30 độ;

- Có thể nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để bệnh nhân áp dụng những phương pháp tập luyện cụ thể, giảm thiểu tối đa nguy cơ hít sặc;

- Đối với đối tượng bệnh nhân bị chứng khó nuốt do gặp vấn đề vệ hệ thần kinh hoặc bị đột quỵ, cần chế biến món ăn phù hợp để dễ nuốt hơn;

- Những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt nghiêm trọng cần phải sử dụng kỹ thuật mở thông dạ dày hoặc tá tràng qua da;

- Vấn đề vệ sinh răng miệng với sự chăm sóc thường xuyên từ nha sĩ cũng hỗ trợ ngăn chặn sự tiến triển của bệnh viêm phổi hoặc các ổ áp xe ở bệnh nhân hít tái diễn.

 


Các biện pháp chẩn đoán Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng điển hình thuộc nhóm nguy cơ viêm phổi hít (xem thêm tại mục triệu chứng), bác sĩ có thể xác định được một phần rằng bệnh nhân bị viêm phổi hít. Tuy nhiên các triệu chứng kể trên cũng có thể gây nhầm lẫn với những tình trạng bệnh lý khác. Cần chẩn đoán phân biệt với những tình trạng như:

Cấy đờm - xét nghiệm vi trùng để chẩn đoán

  • Viêm phế quản;
  • Viêm nắp thanh quản;
  • Viêm thanh khí phế quản;
  • Hen phế quản;
  • Dị vật đường hô hấp;
  • Những nguyên nhân viêm phổi khác;
  • Bệnh lý về tim mạch hoặc hệ thống tuần hoàn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện thêm các xét nghiệm để khẳng định liệu mình có bị mắc viêm phổi hít hay không: 

  • Xét nghiệm máu;
  • Cấy đờm - xét nghiệm vi trùng;
  • Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT - Scan ngực. 

Để chẩn đoán viêm phổi hít, các bác sĩ của BVĐK MEDLATEC sẽ tiến hành thăm khám cẩn thận trên lâm sàng, nội soi tai mũi họng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực 128 dãy.


Các biện pháp điều trị Viêm phổi hít (hay viêm phổi sặc)

Phương pháp điều trị viêm phổi hít tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân và nguyên nhân gây bệnh:

Trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi hít do dị vật:

  • Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoặc rơi vào phổi gây nhiễm trùng cần thực hiện những phương pháp sau:
  • Cố gắng để loại bỏ dị vật: nội soi phế quản hoặc hút khí quản. Khi đặt ống nội khí quản có thể gắn vào máy thở nhằm hỗ trợ thở;
  • Dùng thuốc giãn phế quản để làm giãn đường thở kết hợp tập vật lý trị liệu để tống đờm ra khỏi ngực;
  • Dùng kháng sinh để điều trị, có thể kết hợp kháng sinh nhóm beta lactam và quinolon hoặc aminosid;
  • Bệnh nhân dùng kết hợp thuốc chống viêm, hạ sốt, bù nước điện giải, long đờm;
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trường hợp người bệnh bị trào ngược acid dạ dày vào phổi dẫn đến viêm phổi hít:

  • Bệnh nhân sẽ bị rối loạn tri giác, không thể tự thở được cần thực hiện kỹ thuật hút hầu họng, đặt nội khí quản và soi rửa phế quản. Trong quá trình thực hiện những biện pháp trên cần chắc chắn rằng bệnh nhân luôn có đủ Oxy để thở;
  • Cần sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng tình trạng viêm phổi diễn biến nặng. Nên sử dụng kháng sinh phổ rộng trước tiên, sau đó điều chỉnh theo kháng sinh đồ sau khi đã có kết quả nuôi cấy.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi hít do rối loạn chức năng nuốt:

Điều trị phục hồi chức năng nuốt bằng những biện pháp như:

  • Hỗ trợ bù khi nuốt thức ăn;
  • Luyện tập tăng cường chức năng của các cơ nhai - nuốt.

Những bài tập này nhằm giảm thiểu khả năng thức ăn bị ứ đọng trong miệng, qua đó hạn chế việc thức ăn bị “đi nhầm” vào trong phổi. Người giữ nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc bệnh nhân bị rối loạn nuốt cần lưu ý những điều sau:

  • Lựa chọn những thức ăn phù hợp với tình trạng của bệnh nhân;
  • Nếu người bệnh hay bị sặc khi ăn những thức ăn dạng lỏng, nên chuyển sang các món ăn mềm hơn;
  • Nếu bệnh nhân khó nhai nuốt các đồ ăn cứng, nên thay đổi thực đơn bằng các thức ăn mềm lỏng, dễ nuốt;
  • Nếu người bệnh hay bị sặc khi ăn đồ ăn lỏng thì nên thay bằng đồ ăn đặc;
  • Trước khi ăn cần cho người bệnh nghỉ ngơi 30 phút;
  • Trong quá trình ăn uống cần có sự tập trung, không vừa ăn vừa trò chuyện, cười đùa, đọc sách báo, xem điện thoại hoặc tivi,...;
  • Cần trang bị những kỹ năng sơ cứu khi bệnh nhân đang ăn thì bị sặc.

Việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm phổi hít đòi hỏi những bác sĩ và điều dưỡng viên giỏi, nhiều kinh nghiệm. Tại bệnh viện Medlatec, các bệnh nhân viêm phổi hít sẽ được các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ và xử trí tình huống riêng trên từng bệnh nhân, việc chăm sóc bệnh nhân sẽ được thực hiện bởi các điều dưỡng giỏi, tận tình và chu đáo.


Tài liệu tham khảo:
  • Những điều cần biết về bệnh viêm phổi hít | Vinmec;
  • Viêm phổi và viêm phổi hít | MSD MANUAL;
  • Viêm phổi hít | Yhoccongdong.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ