Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Viêm phụ khoa là tình trạng rất phổ biến của phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Các tác nhân vi khuẩn, nấm, virus,...gây viêm tại cơ quan sinh dục nữ, bao gồm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Bệnh lý gây ra rất nhiều sự khó chịu trong đời sống sinh hoạt cho các chị em và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như vô sinh, nhiễm khuẩn huyết.
Tại Việt Nam, tần suất mắc viêm phụ khoa giao động dao động 30-50% trên tổng số phụ nữ đến thăm khám. Trong đó, viêm âm đạo do vi khuẩn chiếm từ 22-50%, viêm do Trichomonas từ 10-20% và nhiễm Candida chiếm từ 17-39%. Việc hiểu và nhận biết về bệnh là rất quan trọng để kịp thời điều trị, phòng ngừa biến chứng.
Viêm phụ khoa là bệnh lý rất phổ biến của phụ nữ ở mọi lứa tuổi
Nguyên nhân gây viêm phụ khoa là do nhiễm vi sinh vật. Những yếu tố nguy cơ thúc đẩy, tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh. Cùng một lúc người bệnh có thể mắc nhiều vi sinh vật khác nhau.
Các tác nhân thường gặp như:
Vi khuẩn:
Gardnerella vaginalis: là nguyên nhân chính gây viêm âm đạo do vi khuẩn. Tình trạng này xảy ra khi hệ vi khuẩn âm đạo bị mất cân bằng, Gardnerella và các vi khuẩn kỵ khí khác phát triển mạnh lên gây viêm.
Vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae): bệnh thường lây truyền qua quan hệ tình dục, gây viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, và có thể dẫn đến viêm vùng chậu.
Chlamydia trachomatis: đây nguyên nhân phổ biến gây viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, có thể khiến phụ nữ không thể có thai tự nhiên.
Mycoplasma: là một nhóm vi khuẩn không có vách tế bào, dễ dàng xâm nhập vào các tế bào của cơ thể và gây nhiễm trùng.
Ureaplasma: có thể sống trong âm đạo mà không gây bệnh, nhưng khi có sự thay đổi trong hệ vi sinh hoặc sức đề kháng suy yếu, vi khuẩn có thể gây ra viêm phụ khoa.
Nấm:
Candida albicans: là loại nấm phổ biến nhất gây viêm phụ khoa. Tình trạng này thường xảy ra khi hệ miễn dịch kém, mất cân bằng môi trường âm đạo hoặc điều kiện ẩm ướt kéo dài.
Candida non albicans: hiếm gặp hơn nhưng dễ gây viêm phụ khoa dai dẳng do đa phần không đáp ứng với các loại thuốc kháng nấm thông thường.
Ký sinh trùng:
Trichomonas vaginalis: hay còn gọi là trùng roi. Tác nhân này gây viêm âm đạo với biểu hiện khí hư xám, bọt, có mùi hôi kèm cảm giác châm chích.
Virus:
Herpes simplex virus (HSV): gây mụn nước, loét đau đớn, khó chịu tại vùng sinh dục.
Human Papillomavirus (HPV): một số type HPV nguy cơ cao (HPV 16, 18) liên quan đến ung thư cổ tử cung; các type nguy cơ thấp (HPV 6,11) có thể gây mụn cơm sinh dục.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm phụ khoa:
Mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo: Lactobacillus là vi khuẩn có lợi sản xuất acid lactic giúp duy trì pH âm đạo trong khoảng tối ưu 3.8 - 4.5, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Khi Lactobacillus giảm (do dùng kháng sinh kéo dài, nội tiết tố thay đổi, hoặc thói quen vệ sinh sai cách), pH âm đạo tăng lên, tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển.
Quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc không sử dụng bao cao su làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm phụ khoa cũng như nhiều tác nhân nguy hiểm khác.
Vệ sinh phụ khoa không đúng cách: việc thụt rửa sâu làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo, loại bỏ mất các vi khuẩn có lợi. Đồng thời, sử dụng các dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy rửa mạnh có thể gây kích ứng và phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh tấn công.
Quần áo không thoáng khí: mặc đồ lót bó, chật, không thoáng khí hoặc ẩm ướt kéo dài tạo môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển.
Suy giảm miễn dịch: các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường không được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa tái phát. Ngoài ra, tình trạng suy giảm miễn dịch gặp trong các bệnh tự miễn hoặc HIV/AIDS cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội, khiến việc kiểm soát và điều trị viêm phụ khoa trở nên khó khăn hơn.
Dùng thuốc: nhóm corticosteroids hoặc hóa trị liệu làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho các tác nhân phát triển, tấn công.
Rối loạn nội tiết: khi mang thai, hormone estrogen tăng cao làm thay đổi môi trường âm đạo khiến mẹ bầu dễ bị viêm nhiễm hơn bình thường. Ngoài ra, thời kỳ mãn kinh hoặc trong thời gian hành kinh cơ thể tăng nhạy cảm với viêm nhiễm.
Can thiệp y tế không đảm bảo vô trùng:
Đặt dụng cụ tử cung (IUD): nếu không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, dụng cụ tử cung có thể mang tác nhân gây viêm vào cơ thể. Dây vòng tránh thai cũng được xem là một dị vật, dễ gây phản ứng viêm cổ tử cung.
Thủ thuật phụ khoa: nạo hút thai, sinh thiết lấy mẫu tế bào, hoặc phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn có thể gây viêm nhiễm phụ khoa lan rộng.
Thói quen sinh hoạt và stress: căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và nấm. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất làm suy giảm sức đề kháng.
Quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ viêm phụ khoa
Dự phòng viêm phụ khoa là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Các biện pháp dự phòng có thể bao gồm vệ sinh cá nhân đúng cách, thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêm phòng, cụ thể:
Vệ sinh cá nhân đúng cách: sử dụng nước sạch để vệ sinh, tránh các sản phẩm có mùi thơm hoặc hóa chất mạnh vì có thể gây kích ứng hoặc làm mất cân bằng pH âm đạo. Rửa bên ngoài, không thụt rửa sâu, không ngâm rửa vùng kín. Vệ sinh phụ khoa ngày 2-3 lần, sau khi đi vệ sinh, sau quan hệ tình dục. Lau rửa bộ phận sinh dục khô ráo và mặc đồ lót rộng thoáng, thấm hút mồ hôi. Trong kỳ kinh nguyệt, cần thay băng vệ sinh hoặc tampon ít nhất mỗi 4–6 giờ để tránh tạo môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Chế độ ăn uống lành mạnh: duy trì chế độ ăn uống cân đối giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng. Việc bổ sung probiotic trong chế độ ăn như sữa chua hoặc các thực phẩm có chứa men vi sinh cũng có thể giúp duy trì sự cân bằng vi khuẩn âm đạo.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: bao cao su không chỉ giúp ngừa thai mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su là một trong những biện pháp bảo vệ hiệu quả, phòng tránh các loại nhiễm trùng phụ khoa.
Tiêm phòng: việc tiêm vắc-xin HPV có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm vi rút HPV, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và các bệnh lý sinh dục khác.
Tăng cường luyện tập, giảm stress: thực hiện chế độ thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý tránh thừa cân. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc hoạt động thể chất có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Khám phụ khoa định kỳ: kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn. Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa bảo vệ đường sinh dục nữ.
Vệ sinh cá nhân đúng cách là cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phụ khoa
Chẩn đoán viêm phụ khoa cần xác định được nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Thăm khám lâm sàng
Yếu tố nguy cơ: những yếu tố này góp phần định hướng chẩn đoán viêm phụ khoa, đặc biệt tiền sử quan hệ tình dục không bảo vệ với đối tượng đã mắc tác nhân gây bệnh.
Triệu chứng lâm sàng: bệnh nhân thường sẽ có các triệu chứng như khí hư bất thường (màu sắc, mùi, tính chất), ngứa, rát, đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, đau khi quan hệ tình dục, chảy máu ngoài chu kỳ kinh.
Khám phụ khoa:
Khám ngoài: Bác sĩ quan sát vùng kín, môi lớn và môi bé để phát hiện dấu hiệu viêm như sưng, đỏ, nổi ban, nốt bất thường.
Khám trong: bác sĩ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo và kiểm tra cổ tử cung. Trong viêm phụ khoa, khí hư bất thường tuỳ theo từng tác nhân. Niêm mạc âm đạo, cổ tử cung phản ứng đỏ và có thể loét hoặc xuất huyết.
Các xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm dịch âm đạo:
Xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo: phương pháp này giúp phát hiện các vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng như Trichomonas vaginalis, Gardnerella vaginalis đồng thời đánh giá được môi trường âm đạo.
Xét nghiệm định danh các tác nhân gây bệnh bằng PCR: là phương pháp hiện đại giúp xác định chính xác các vi sinh vật gây viêm phụ khoa, bao gồm cả vi khuẩn, nấm và virus.
Nuôi cấy dịch âm đạo: thường áp dụng trong các trường hợp viêm phụ khoa dai dẳng, nuôi cấy có thể giúp phát hiện Candida và các vi khuẩn gây bệnh cụ thể. Đồng thời có thể làm kháng sinh đồ để tìm ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Siêu âm bụng hoặc siêu âm qua âm đạo: được sử dụng để xác định các tổn thương trong tử cung, buồng trứng và vòi trứng, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ viêm vùng chậu.
Xét nghiệm máu: xét nghiệm tổng phân tích máu và CRP, Procalcitonin giúp đánh giá mức độ viêm nhiễm trong cơ thể. Sự gia tăng của các yếu tố này có thể là dấu hiệu nhiễm trùng cấp tính.
Khí hư bất thường kèm theo cảm giác khó chịu tại vùng kín là triệu chứng điển hình của viêm phụ khoa
Điều trị viêm phụ khoa phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc kháng sinh, chống nấm, kháng vi rút và các biện pháp chăm sóc vệ sinh.
Điều trị nội khoa:
Viêm phụ khoa do vi khuẩn:
Metronidazole: kháng sinh này là lựa chọn phổ biến để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn. Metronidazole có thể dùng theo đường uống hoặc gel bôi âm đạo.
Clindamycin: là một kháng sinh khác có thể dùng để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn và cũng có tác dụng chống lại các vi khuẩn kỵ khí.
Doxycycline và Azithromycin: thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm bệnh lậu và chlamydia.
Viêm phụ khoa do nấm:
Fluconazole: là thuốc chống nấm phổ biến cho nhiễm nấm âm đạo. Liều thường dùng là một liều 150mg uống một lần, hoặc có thể dùng thêm các liều lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn.
Clotrimazole: có thể được sử dụng dưới dạng viên nén hoặc kem bôi tại chỗ cho các trường hợp nhẹ đến vừa.
Viêm phụ khoa do vi rút:
Acyclovir và Valacyclovir: đây là các thuốc kháng vi rút được sử dụng để điều trị viêm âm đạo do HSV. Thuốc này có thể làm giảm độ nặng và thời gian của các triệu chứng.
Điều trị các rối loạn nội tiết: trong trường hợp viêm phụ khoa do rối loạn nội tiết như khi thiếu estrogen sau mãn kinh, có thể áp dụng liệu pháp hormone hoặc các biện pháp chăm sóc tại chỗ khác.
Điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng: bao gồm các thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau nhức và viêm.
Biện pháp vệ sinh và chăm sóc cá nhân: vệ sinh đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ tái phát viêm phụ khoa. Cần tránh thụt rửa sâu trong âm đạo, không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hoặc chất kích thích mạnh, thay băng vệ sinh thường xuyên, mặc quần lót thoáng khí, giữ vùng kín luôn khô ráo để hạn chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh.
Trên đây là các thông tin cần thiết về viêm phụ khoa. Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Centers for Disease Control and Prevention. (2021). Sexually transmitted infections treatment guidelines.
World Health Organization. (n.d.). Sexually transmitted infections (STIs): Key facts.
Medscape. (n.d.). Pelvic inflammatory disease clinical presentation.
Berek, J. S., & Novak, E. (2020). Berek & Novak’s Gynecology (16th ed.). Philadelphia: Wolters Kluwer.
The American College of Obstetricians and Gynecologists. (2020). Practice Bulletin No. 215: Vaginitis in nonpregnant patients.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!