Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh do Erysipelothrix Rhusiopathiae hay còn được gọi là bệnh viêm quầng đỏ. Vi khuẩn thường gây tổn thương ở bề mặt lớp da trên cùng, trường hợp nặng vi khuẩn có thể xâm lấn và gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm mô bào, viêm khớp, viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm trùng huyết, tuy nhiên hiếm gặp hơn. Ngoài gây bệnh ở người, vi khuẩn còn gây bệnh ở nhiều loài động vật trong đó hay gặp nhiều nhất ở lợn với tên gọi bệnh đóng dấu ở lợn. Erysipelothrix Rhusiopathiae có thể gâu nhiễm trùng liên quan đến yếu tố phơi nhiễm nghề nghiệp như bác sĩ thú y, nông dân chăn nuôi gia súc, nhân viên lò mổ, ... Đa số các trường hợp nhiễm trùng da khu trú, tiên lượng tốt và có thể điều trị ngoại trú, trường hợp nhiễm trùng lan tỏa nếu điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Hình ảnh bệnh viêm quầng đỏ
Erysipelothrix Rhusiopathiae trước đây được biết đến với tên gọi E.insidiosa là vi khuẩn Gram dương, hình dạng mảnh, có vỏ và thường không sinh nha bào. Vi khuẩn không di động, chuyển hóa ưu khí, phân bố rộng rãi trong tự nhiên và tìm thấy nhiều ở các loài thực vật hoại sinh. Vỏ nang chính là yếu tố độc lực của vi khuẩn, giúp vi khuẩn trốn tránh quá trình đại thực vào và opsonin hóa. Kháng nguyên bề mặt của vi khuẩn protein SpsA giúp vi khuẩn dễ dàng kết dính, gắn với tế bào cơ thể vật chủ và gây bệnh.
Hình ảnh vi khuẩn Erysipelothrix Rhusiopathiae gây ra bệnh viêm quầng đỏ
Đa số các trường hợp bị nhiễm trùng là tổn thương da và mô mềm khu trú, nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng ít gặp hơn. Các thể bệnh lâm sàng có thể gặp là viêm quầng đỏ ( nhiễm trùng da khu trú), viêm mô tế bào ( nhiễm trùng da lan tỏa), nhiễm trùng xâm lấn như viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Viêm quầng đỏ: là tổn thương hay gặp nhất do vi khuẩn gây bệnh ở người. Tổn thương viêm cấp tính lớp bề mặt da ở những vị trí tiếp xúc hoặc da vùng mặt. Vi khuẩn thường xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xước, vết thương trên da, đặc biệt ở bàn tay, bàn chân liên quan đến tiếp xúc với động vật và chất thải động vật. Một số báo cáo ghi nhận nhiễm trùng có thể xảy ra khi bị động vật cắn. Thời gian u bệnh khoảng 2 ngày đến 01 tuần với tổn thương da đặc trưng: màu đỏ tía, tính chất cứng, ranh giới thường rõ với vùng da lành, không có mụn nước, mụn mủ. Theo thời gian, xuất hiện ban sẩn, thường ngứa và cảm giác bỏng rát, đau. Khoảng 30 % số bệnh nhân có sưng và đau hạch bạch huyết khu vực lân cận. Sốt cao hoặc cảm giác rùng mình, gai lạnh có thể xảy ra nhưng hiếm gặp hơn.
- Viêm mô bào: ít gặp hơn viêm quầng đỏ. Tại vị trí tổn thương ban đầu, có thể xuất hiện sưng đau nhiều hơn, viêm tấy lan tỏa, nổi sẩn nhiều hơn, có thể xuất hiện mụn nước. Đa số các trường hợp này đường vào của vi khuẩn tương tự như thể lâm sàng viêm quầng đỏ. Tuy nhiên một số trường hợp, các tác giả cho rằng đường vào của vi khuẩn có thể liên quan đến việc ăn phải hải sản bị nhiễm bẩn hoặc thịt lợn chưa được nấu chín. Ở bệnh nhân viêm mô bào, các triệu chứng khác hiếm gặp hơn là sốt gai lạnh, sốt cơn, sốt rét hoặc đau và viêm khớp, tuy nhiên nuôi cấy máu thường âm tính.
- Nhiễm khuẩn huyết là nhiễm trùng nặng do vi khuẩn gây ra tuy nhiên thường hiếm gặp. Người bệnh có những triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết nói chung như môi khô, lưỡi bẩn, người mệt mỏi, sốt cao, sốt rét run, gai lạnh, mạch nhanh, … Đường vào của nhiễm khuẩn huyết trong khoảng 40% các trường hợp là tổn thương viêm quầng đỏ ở da mặt hoặc các đầu chi. Vị trí da tổn thương thường tấy đỏ, nổi sẩn hoặc nhiều phỏng nước xung quanh. Biểu hiện bệnh thường cấp tính tuy nhiên cũng ghi nhận 1 số bệnh nhân nhiễm trùng dai dẳng và kéo dài, có liên quan đến yếu tố ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: biểu hiện sốt dai dẳng, kéo dài, thiếu máu, tiếng thổi bất thường tại tim. Đa số các trường hợp viêm nội tâm mạc xảy ra trên van tim tự nhiên, van bị phá hủy nhiều và hay gặp ở van động mạch chủ.
- Các nhiễm trùng khác: hiếm gặp hơn như viêm tủy xương, viêm khớp, tổ chức quanh khớp, nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm màng não, áp xe não, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc, áp xe trong ổ bụng. Có hoặc không có nhiễm khuẩn huyết đi kèm.
Nhìn chung nhiễm trùng do Erysipelothrix Rhusiopathiae là tiên lượng khá tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng, tiên lượng xấu và có nguy cơ tử vong cao. Một số biến chứng có thể gặp như:
+ Nhiễm trùng huyết dai dẳng và kéo dài
+ Làm nặng hơn một số bệnh lý nền đang mặc như bệnh gan mạn tính,…
+ Suy tim sung huyết, thủng van tim, viêm cơ tim
+ Nhồi máu não ở bệnh nhân có viêm nội tâm mạc
+ Suy thận cấp do viêm cầu thận
Bệnh không lây trực tiếp qua tiếp xúc giữa người với người. Vi khuẩn thường xâm nhập và gây bệnh qua các vết xước, vết thương ở trên da, đặc biệt là bàn tay, bàn chân do tiếp xúc với động vật và chất thải động vật. 1 số trường hợp vi khuẩn xâm nhập qua vết động vật cắn như mèo cắn. Ngoài ra ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, chưa nấu chín cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.
Như trên đã trinh bày, Erysipelothrix Rhusiopathiae không chỉ gây bệnh ở người mà còn gây bệnh ở động vật, trong đó chủ yếu là lợn. Vi khuẩn tìm thấy mọi nơi trong môi trường, trên động vật như cừu, ngựa, gia súc, gà, cua, cá, chó, mèo. Vì vậy những đối tượng dễ bị bệnh thường liên quan đến nghề nghiệp. Nông dân chăn nuôi, công nhân làm việc tại những lò mổ, bác sĩ thú y, người phân phối thịt sống, ngư dân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Ngoài ra, đối tượng suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người có hệ miễn dịch bình thường. Một số yếu tố bệnh nền như bệnh gan mạn tính, tình trạng lạm dụng rượu bệnh cảnh nhiễm khuẩn có thể nặng nề hơn.
Các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu là chủ yếu. Giáo dục tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bệnh tật. Cần đảm bảo vệ sinh khu chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi đúng vệ sinh, đảm bảo an toàn tại các khu nhà mổ. Khi tiếp xúc với động vật bị bệnh cần có phương tiện phòng hộ lao động. Sau khi tiếp xúc phải vệ sinh cá nhân sạch. Bên cạnh đó, luôn sử dụng thức ăn đã được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng ( đặc điểm các thể bệnh đã trình bày ở trên), tiền sử phơi nhiễm và yếu tố liên quan nghề nghiệp kết hợp với kết quả nuôi cấy vi sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ nhuộm soi và nuôi cấy vi khuẩn thường thấp. Nguyên nhân do vi khuẩn thường nằm sâu ở lớp hạ bì, vi khuẩn không dễ phân biệt với một số vi khuẩn Gram dương khác khi nuôi cấy ví dụ như Enterococcus, bệnh nhân thường được dùng kháng sinh trước đó cũng làm giảm tỉ lệ nuôi cấy dương tính. Bệnh phẩm nuôi cấy vi khuẩn có thể là mẫu sinh thiết da, máu, chất dịch khác trong cơ thể. Môi trường nuôi cấy thông thường như các vi khuẩn hay gặp khác.
Hình ảnh bệnh Viêm quầng đỏ
Kỹ thuật PCR cũng đã được áp dụng tuy nhiên đây là kỹ thuật mới và yêu cầu máy móc hiện đại, nhân lực có chuyên môn và chưa được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Ngoài các xét nghiệm cận lâm sàng trên, cần làm thêm các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như đánh giá các marker viêm ( số lượng bạch cầu máu ngoại vi, tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính, CRP, procalcitonin, máu lắng), chức năng gan, chức năng thận, thăm dò chức năng cơ quan khi có chỉ định.
Tổn thương da do Erysipelothrix Rhusiopathiae cần phân biệt với bệnh viêm quầng do một số vi khuẩn Gram dương khác như tụ cầu, liên cầu.
Biện pháp điều trị phụ thuộc vào thể bệnh lâm sàng và kết quả nuôi cấy vi khuẩn. Các yếu tố khác cần xem xét như tình trạng miễn dịch của cơ thể, chức năng gan, chức năng thận, cơ địa dị ứng.
Vi khuẩn Erysipelothrix Rhusiopathiae còn nhạy cảm nhiều loại khác sinh. Các kháng sinh có thể sử dụng như nhóm penicillin, cephalosporin, fluoroquinolon, clindamycin, daptomycin hoặc linezolid. Vi khuẩn thường đề kháng với một số nhóm kháng sinh như aminoglycoside, vancomycin, trimethoprim-sulfamethoxazole. Nhiều trường hợp, chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn do Erysipelothrix Rhusiopathiae là dựa trên kinh nghiệm lâm sàng sau khi điều trị với vancomycin không đáp ứng ( vancomycin là kháng sinh diệt khuẩn thương được sử dụng trong nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram dương).
Nhiễm trùng da khu trú đa số các trường hợp bệnh có thể tự giới hạn trong khoảng 1 – 3 tuần. Việc điều trị kháng sinh sẽ làm giảm triệu chứng trên lâm sàng, thời gian khỏi bệnh nhanh hơn và giảm nguy cơ tái phát hoặc nhiễm trùng lan tỏa. Trường hợp sưng tấy, đau rát nhiều có thể chườm lạnh để giảm các triệu chứng. Viêm quầng đỏ không có chỉ định chích rạch da hoặc cắt bỏ tổn thương. Amoxicillin là kháng sinh được sử dụng nhiều với nhiễm trùng da khu trú. Liều trẻ em 50 -100 mg/kg/ ngày, người lớn thường uống 500 mg/ lần mỗi ngày 03 lần. Ngoài ra có thể sử dụng kháng sinh uống khác như clindamycin ( 300 mg/ lần mỗi ngày 03 lần), ciprofloxacin ( 500 mg/lần mỗi ngày 02 lần), cephalexin ( 500 mg/lần mỗi ngày 04 lần). Thời gian điều trị trung bình thường từ 7 – 10 ngày, có thể ngắn hơn phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng của người bệnh.
Viêm mô bào lan tỏa thường ưu tiên kháng sinh đường tiêm truyền tĩnh mạch, các kháng sinh được dùng thuộc những nhóm trên. Thường dùng penicillin G với liều 2000000 – 4000000 UI/ ngày, Ceftriaxone 2g/ngày, Ciprofloxacin 800 mg/ngày, levofloxacin 500mg/ngày, daptomycin 6mg/kg/ngày hoặc imipenem 2g/ngày. Thời gian điều trị theo cá thể người bệnh, có thể từ 7 – 10 ngày, tuy nhiên có thể kéo dài hơn. Sau 5 – 7 ngày nếu đáp ứng tốt có thể chuyển kháng sinh đường uống.
Nhiễm khuẩn huyết thường được sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch tương tự như trên. Thời gian điều trị thường kéo dài hơn. Đa số các tác giả ủng hộ phác độ khoảng 02 tuần đường tĩnh mạch, sau đó chuyển sang kháng sinh đường uống trong khoảng 2 tuần tiếp theo nếu không có viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Trường hợp có viêm nội tâm mạc thời gian dùng kháng sinh đường tĩnh mạch kéo dài hơn, có thể từ 4 – 6 tuần nếu đáp ứng tốt chuyển sang kháng sinh đường uống. Cần chú ý tác dụng phụ, tương tác thuốc, chức năng gan, chức năng thận khi sử dụng kháng sinh trong thời gian dài. Một tỉ lệ không nhỏ những bệnh nhân viêm nội tậm mạc nhiễm khuẩn óc chỉ dịnh phẫu thuật sửa và thay van tim.
Nhiễm trùng tại cơ quan khác hiếm gặp hơn. Các kháng sinh tương tự trên và thời gian điều trị phụ thuộc vào cơ quan tổn thương và cơ địa người bệnh. Trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn có thể cần dẫn lưu khớp khi có chỉ định.
Tóm lại việc lựa chọn kháng sinh thích hợp và thời gian điều trị bao lâu là dựa trên cá thể hóa người bệnh.
1. Wang Q, Chang BJ, Riley TV, Erysipelothrix rhusiopathiae, Vet Microbiol. 2010;140(3-4):405
2. Drekonja DM, Erysipelothrix bacteremia without endocarditis: rare event or under-reported occurrence? Diagn Microbiol Infect Dis. 2013;77(3):280.
3. Stevens DL, Bisno AL, Chambers HF, Practice guidelines for the diagnosis and management of skin and soft tissue infections: 2014 update by the infectious diseases society of America, Clin Infect Dis. 2014;59(2):147
4. Rihana N, Hemminger A, Green S , Novel case of penicillin resistant E. rhusiopathiae septicemia: Case report with review of the literature, IDCases. 2018;11:67. Epub 2018 Jan 31.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!