Từ điển bệnh lý

Viêm quanh móng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 15-05-2025

Tổng quan Viêm quanh móng

Viêm quanh móng là tình trạng viêm nhiễm vùng da bao quanh móng tay hoặc móng chân. Bệnh thường gây sưng, đỏ, đau và có thể chảy mủ. Viêm quanh móng chia thành hai loại: cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng này đa phần do vi khuẩn gây ra, khởi phát nhanh, khiến vùng da quanh móng sưng nóng, đau nhức. Các trường hợp viêm mãn tính có thể gây đau dai dẳng và móng bị biến dạng. Viêm quanh móng thường gặp ở những người có thói quen cắn móng, làm móng thường xuyên hoặc tiếp xúc với nước và hóa chất trong thời gian dài. Việc hiểu biết rõ về bệnh để phát hiện, điều trị sớm giúp giảm các biến chứng sau này.

Viêm quanh móng thường do vi khuẩn gây ra

Viêm quanh móng thường do vi khuẩn gây ra



Nguyên nhân Viêm quanh móng

Vi khuẩn: Viêm quanh móng cấp tính chủ yếu do vi khuẩn, đặc biệt là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes. Khi vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương nhỏ (do cắt móng, cắn móng, hoặc tổn thương da), chúng nhanh chóng nhân lên, gây sưng, đỏ, đau và có thể tạo thành ổ mủ. Vi khuẩn gram âm như Pseudomonas aeruginosa cũng có thể gây bệnh, thường gặp trong trường hợp viêm kéo dài, đặc biệt ở những người tiếp xúc với nước bẩn.

Nấm: Viêm quanh móng mạn tính thường liên quan đến nhiễm nấm, phổ biến nhất là họ Candida. Nấm thường phát triển trong môi trường ẩm ướt, gặp ở người làm nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với nước (nội trợ, nhân viên y tế, thợ làm tóc). Khác với viêm quanh móng do vi khuẩn, viêm do nấm thường không có mủ, nhưng gây sưng nhẹ kéo dài, đau âm ỉ, da quanh móng có thể bong tróc, dày lên và móng bị biến dạng.

Yếu tố nguy cơ:

Tổn thương cơ học: Thói quen cắn móng tay, kéo da quanh móng làm tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, rách da tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập. Ngoài ra, các chấn thương như kẹp ngón tay, va đập mạnh hoặc bị đâm xuyên qua da quanh móng có thể dẫn đến viêm.

Chăm sóc móng không đúng cách: Việc cắt khóe móng quá sâu, sử dụng dụng cụ không được khử trùng hoặc làm móng tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh có thể đưa vi khuẩn vào vùng da quanh móng. Các loại sơn móng tay, đặc biệt là gel hoặc acrylic, có thể làm yếu lớp bảo vệ tự nhiên của móng, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Tiếp xúc hóa chất và môi trường ẩm ướt:

Tiếp xúc nước và hóa chất tẩy rửa: Da quanh móng liên tục tiếp xúc với nước và hóa chất tẩy rửa (xà phòng, dung môi, chất khử trùng) sẽ bị khô, mất lớp dầu bảo vệ tự nhiên, dẫn đến nứt nẻ và dễ nhiễm trùng. Viêm quanh móng mạn tính thường thấy ở người làm nghề nội trợ, nhân viên y tế, thợ làm tóc, công nhân giặt là…

Điều kiện vệ sinh kém: Giữ móng tay quá dài hoặc không vệ sinh thường xuyên có thể làm vi khuẩn và nấm tích tụ dưới móng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đi giày chật, bí khí hoặc sử dụng giày dép ẩm ướt trong thời gian dài cũng có thể gây viêm quanh móng chân, đặc biệt là do nhiễm nấm.

Bệnh lý nền và yếu tố cơ địa: Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị viêm quanh móng do tuần hoàn máu kém, khả năng chống nhiễm trùng suy giảm và da dễ tổn thương hơn. Người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, đang hóa trị, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) cũng dễ bị nhiễm trùng dai dẳng hơn người bình thường. Ở những người mắc viêm da cơ địa, da quanh móng thường khô, nứt nẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập.

Chăm sóc móng không đúng cách có thể dẫn đến viêm quanh móng

Chăm sóc móng không đúng cách có thể dẫn đến viêm quanh móng



Triệu chứng Viêm quanh móng

Viêm quanh móng có hai thể chính: viêm quanh móng cấp tính và viêm quanh móng mạn tính, mỗi thể có biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Viêm quanh móng cấp tính

+ Giai đoạn khởi phát (trong 24 - 48 giờ đầu): xuất hiện đau nhức vùng quanh móng. Nền móng có màu đỏ, sưng nhẹ, cảm giác nóng rát khi chạm vào. Nếu ấn vào vùng viêm có thể thấy hơi căng, nhưng chưa có dịch mủ rõ ràng.

+ Giai đoạn tiến triển (sau 48 - 72 giờ): Sưng nề tăng lên, lan rộng dọc theo nếp gấp móng. Xuất hiện dịch mủ màu vàng hoặc trắng đục, có thể tự vỡ hoặc chảy ra khi ấn nhẹ. Cảm giác đau nhức tăng dần, đặc biệt khi chạm vào hoặc khi ngón bị đè ép. Trong một số trường hợp, vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có thể gây đổi màu xanh lục vùng quanh móng.

+ Giai đoạn muộn và biến chứng (sau 5 - 7 ngày): nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan xuống mô mềm xung quanh, gây viêm mô tế bào. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây viêm xương dưới móng, đặc biệt nếu bệnh nhân có tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch. Móng có thể bị biến dạng, đổi màu, rụng một phần hoặc toàn bộ.

Viêm quanh móng mạn tính

+ Giai đoạn khởi phát (tuần đầu tiên đến 1 tháng): sưng nhẹ, đỏ nhạt ở vùng quanh móng, đặc biệt là nếp gấp móng. Không có mủ, nhưng có thể có cảm giác đau nhẹ khi chạm vào. Thường ảnh hưởng nhiều móng cùng lúc, nhất là ở những người tiếp xúc nước, hóa chất thường xuyên.

+ Giai đoạn tiến triển (sau 1 - 3 tháng): Sưng viêm kéo dài, dai dẳng, có thể lan rộng sang các vùng móng lân cận. Nếp gấp móng có biểu hiện phù nề, bong vảy, đôi khi da xung quanh móng trở nên dày cộm. Móng có thể thay đổi hình dạng, giòn, dễ gãy, mất độ bóng, xuất hiện các đường rãnh ngang, đổi màu vàng, trắng đục hoặc hơi nâu. Ấn vào nếp gấp móng có thể thấy một ít dịch trong hoặc dịch vàng nhẹ, nhưng không có mủ đặc.

+ Giai đoạn muộn và biến chứng (trên 6 tháng): Móng biến dạng nặng nề, có thể tách khỏi nền móng. Vi khuẩn có thể bội nhiễm, gây đợt viêm cấp trên nền viêm mạn. Một số trường hợp tiến triển thành viêm mô tế bào mạn tính, gây mất thẩm mỹ và khó hồi phục hoàn toàn.



Phòng ngừa Viêm quanh móng

Để ngăn ngừa viêm quanh móng, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ móng và vùng da xung quanh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nội trợ, thợ làm móng, công nhân tiếp xúc hóa chất hoặc người có bệnh lý nền.

Chăm sóc móng đúng cách: cắt móng theo đường cong tự nhiên của móng, không cắt quá ngắn. Không cắt quá sát hai bên khóe móng vì dễ gây tổn thương và nhiễm trùng. Dùng dũa móng để làm nhẵn cạnh móng, tránh xước móng. Không cắn móng tay hoặc giật da xước quanh móng. Thói quen này dễ gây tổn thương nếp gấp móng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc đất, hóa chất, hoặc làm việc tay chân. Lau khô tay hoàn toàn sau khi rửa, đặc biệt là kẽ ngón tay và vùng quanh móng.

Bảo vệ móng khi tiếp xúc hóa chất hoặc môi trường ẩm ướt: khi rửa chén, giặt đồ hoặc tiếp xúc hóa chất, nên đeo găng tay chống thấm nước. Khi làm vườn hoặc tiếp xúc đất, nên đeo găng tay bảo vệ để tránh trầy xước móng. Không ngâm tay/chân quá lâu trong nước, đặc biệt là xà phòng hoặc hóa chất tẩy rửa.Sau khi tiếp xúc nước, lau khô ngay và bôi kem dưỡng ẩm để bảo vệ vùng da quanh móng.

Dưỡng ẩm và bảo vệ da quanh móng: Vùng da quanh móng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương do tác động từ môi trường bên ngoài. Để giữ cho da quanh móng luôn mềm mại và tránh tình trạng khô nứt, nên dưỡng ẩm thường xuyên bằng các loại kem chứa petrolatum, glycerin hoặc lanolin. Những thành phần này giúp giữ nước, tạo hàng rào bảo vệ da khỏi tác động của hóa chất và vi khuẩn.

Điều trị sớm khi có dấu hiệu bất thường: Viêm da quanh móng có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ như đỏ, đau nhẹ hoặc sưng tấy. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn, gây nhiễm trùng, tụ mủ và thậm chí lan rộng đến các mô sâu hơn. Vì vậy, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần thăm khám bác sĩ sớm để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Việc tự ý cắt bỏ vùng da bị viêm, chích mủ hoặc sử dụng thuốc không đúng cách có thể khiến tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn.

Kiểm soát các bệnh lý nền: Người mắc bệnh tiểu đường thường, viêm da cơ địa, suy giảm miễn dịch có tuần hoàn máu và yếu tố bảo vệ kém, làm giảm khả năng hồi phục khi bị tổn thương da. Bất kỳ vết thương nhỏ nào quanh móng cũng có thể dễ dàng bị nhiễm trùng. Cần kiểm soát đường huyết tốt, dưỡng ẩm đủ và theo dõi kỹ tình trạng da.

Chăm sóc móng đúng cách giúp dự phòng viêm quanh móng

Chăm sóc móng đúng cách giúp dự phòng viêm quanh móng



Các biện pháp chẩn đoán Viêm quanh móng

Cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán và xác định tác nhân gây bệnh, chẩn đoán biến chứng trong trường hợp nặng, kéo dài hoặc tái phát.

 Xét nghiệm vi sinh:

+ Nhuộm Gram và cấy vi khuẩn: thực hiện khi có dịch mủ hoặc nghi ngờ nhiễm trùng nặng.

+ Cấy nấm, cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ: thường chỉ định khi nhiễm trùng không đáp ứng điều trị hoặc hay tái phát để định danh tác nhân gây bệnh và lựa chọn loại thuốc phù hợp.

Xét nghiệm máu: Công thức máu, CRP (C-reactive protein), định lượng glucose máu và HbA1c giúp đánh giá mức độ viêm và yếu tố liên quan.

Chẩn đoán hình ảnh

+ Siêu âm mô mềm: Giúp phát hiện ổ áp-xe nhỏ hoặc viêm lan rộng. Đánh giá tính chất của tổ chức xung quanh móng. 

+ X-quang ngón tay/ngón chân: chỉ định nếu nghi ngờ viêm xương dưới móng.. Hình ảnh có thể thấy tiêu xương, xương mờ hoặc mất liên tục vỏ xương.

+ MRI hoặc CT scan: chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm trùng sâu, viêm mô tế bào lan rộng hoặc biến chứng viêm xương. MRI có thể phát hiện viêm tủy xương sớm hơn X-quang.



Các biện pháp điều trị Viêm quanh móng

Điều trị nội khoa: 

Vệ sinh móng: chăm sóc vị trí viêm bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn phù hợp 2-3 lần/ngày; giữ tay chân khô ráo, hạn chế tiếp xúc hóa chất hoặc nước bẩn.

Dùng thuốc bôi tại chỗ:

Nhiễm khuẩn: Mupirocin 2% hoặc Fucidin 2%: Bôi 2 lần/ngày trong 5 - 7 ngày nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Kết hợp với corticoid bôi, kháng sinh đường uống tùy mức độ viêm. 

Nhiễm nấm: Clotrimazole 1% hoặc Miconazole 2%: Bôi 2 lần/ngày trong 4 - 6 tuần. Econazole hoặc Ketoconazole dạng gel nếu tổn thương lan rộng. Cân nhắc thuốc kháng nấm đường uống (nếu tái phát hoặc nhiều móng bị ảnh hưởng).

Điều trị ngoại khoa:

Trường hợp có mủ hoặc áp-xe nhỏ có thể rạch dẫn lưu áp-xe (khi có mủ tụ dưới nếp gấp móng). Nếu viêm lan xuống nền móng, có thể cần rạch tháo mủ sâu hơn hoặc cắt bỏ một phần móng. Nếu nghi ngờ viêm xương, cần hội chẩn với ngoại khoa để cắt lọc mô hoại tử.

Kháng sinh được chỉ định để điều trị viêm quanh móng do vi khuẩn

Kháng sinh được chỉ định để điều trị viêm quanh móng do vi khuẩn

Trên đây là các thông tin cần thiết về viêm quanh móng. Để chẩn đoán đúng, điều trị tốt tình trạng trên, bệnh nhân cần khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

Iorizzo, M., & Pasch, M. C. (2021). Bacterial and viral infections of the nail unit. Dermatologic Clinics, 39(2), 245-253. https://doi.org/10.1016/j.det.2020.12.001

Chiriac, A. E., & Brzezinski, P. (2022). Acute and chronic paronychia revisited: A narrative review. Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery, 15(2), 85-92. https://doi.org/10.4103/JCAS.JCAS_2_22

Rerknimitr, P., & Suchonwanit, P. (2021). Chemotherapy-associated paronychia: A review. International Journal of Dermatology, 60(7), 846-853. https://doi.org/10.1111/ijd.15458

Chauhan, A., & Jacobs, K. E. (2020). Paronychia drainage. StatPearls.

Glick, S. A., & Siegel, D. M. (2020). Fingertip infections. The Journal of Hand Surgery, 45(8), 731-740. https://doi.org/10.1016/j.jhsa.2020.04.014




Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ