Từ điển bệnh lý
Viêm tiểu phế quản : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Viêm tiểu phế quản
Năm 2024, tại bệnh viện và các cơ sở phòng khám của MEDLATEC tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 270 ca bệnh viêm tiểu phế quản, trong đó 268 ca là trẻ em (trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ 53%) và 02 ca bệnh là người lớn trên 60 tuổi.
Vậy viêm tiểu phế quản là bệnh gì, trẻ em mắc bệnh có nguy hiểm như thế nào? Bài viết này sẽ tóm tắt về những triệu chứng, biến chứng và cách điều trị, chăm sóc khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản.
Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm cấp tính của các phế quản có kích thước nhỏ - là cơ quan trên đường dẫn khí tại phổi, nguyên nhân chủ yếu do virus xâm nhập qua đường hô hấp gây nên.
Cấu tạo đường dẫn khí tại phổi
Cấu tạo đường dẫn khí tại phổi là các ống khí chia nhánh nhỏ dần được gọi là khí quản, phế quản, tiểu phế quản và kết thúc là phế nang. Các tác nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây tổn thương đường ống dẫn khí, tiểu phế quản có thể bị sưng, làm tắc nghẽn không khí lưu thông. Viêm tiểu phế quản mức độ nặng có thể gây biến chứng suy hô hấp và nặng hơn là có khả năng tử vong.
Viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus gây ra (virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus Adeno…) nên có khả năng tạo thành dịch. Bệnh có thể gặp bất cứ thời điểm nào, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn vào mùa lạnh. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi với các triệu chứng đặc trưng như thở nhanh, ho, sốt và thở khò khè.
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản thường kéo dài khoảng 1 tuần và có thể khỏi hoàn toàn nếu điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Khi bệnh không được phát hiện kịp thời có thể diễn biến nghiêm trọng (khó thở, li bì) và biến chứng nặng (suy hô hấp, ngừng thở), cần phải điều trị tại các phòng hồi sức tích cực.
Nguyên nhân Viêm tiểu phế quản
Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tiểu phế quản, trong đó chủ yếu là các chủng virus lây qua đường hô hấp. Một số nhóm thường gặp như:
- RSV - Virus hợp bào hô hấp
RSV là chủng virus phát triển mạnh trong môi trường lạnh, ẩm, dễ tấn công vào hệ hô hấp và dễ bùng phát thành dịch.
Khi nhiễm virus RSV, người bệnh có thể có các dấu hiệu đặc trưng như: ho, chảy mũi, ngạt mũi.
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, virus tấn công mạnh hơn dẫn đến các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm tiểu phế quản.
- Virus Adeno
Virus Adeno có khả năng tồn lâu dài ở môi trường từ vài tuần đến vài tháng, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây bệnh và lây lan nhanh chóng.
Ngoài gây bệnh viêm tiểu phế quản, virus này còn gây ra một số thể bệnh cấp tính khác như viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm phổi, viêm dạ dày - ruột, tiêu chảy cấp, viêm giác mạc - kết mạc (đau mắt đỏ)…
- Virus cúm
Thông thường, bệnh viêm tiểu phế quản do virus cúm gây nên thường có các triệu chứng nhẹ, nhanh lành.
Ở những đối tượng nguy cơ cao (trẻ em dưới 1 tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già)… triệu chứng bệnh có thể nặng hơn và có nhiều biến chứng hơn.
- Tác nhân khác
Một số virus, vi khuẩn khác được tìm thấy khi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của người bị bệnh viêm tiểu phế quản như:
- Virus: Parainfluenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus, Enterovirus.
- Vi khuẩn: Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae Streptococcus Pneumoniae (phế cầu); Hemophillus influenza (trực cầu)
Thông thường, người bị viêm tiểu phế quản sẽ do một loại virus gây ra, song cũng có trường hợp là đồng nhiễm nhiều loại tác nhân làm nghiêm trọng thêm mức độ và biến chứng của bệnh, điều trị khó khăn hơn.
Virus là nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản
Triệu chứng Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản có các triệu chứng ban đầu tương tự với cảm lạnh:
- Sổ mũi nước, ngạt mũi (1-2 ngày đầu của bệnh).
- Ho, sốt nhẹ.
- Thở nhanh, khò khè hoặc khó thở.
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa.
- Mệt mỏi.
Trường hợp viêm tiểu phế quản nặng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng: sốt cao, da tím tái, dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi thở.
Dấu hiệu cảnh báo
Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh bất thường, gia đình không được tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Trẻ em khi bị viêm tiểu phế quản, bệnh có thể diễn biến nhanh, tiên lượng xấu, cần chú ý theo dõi và đưa đến cơ sở y tế kịp thời khi có các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Nôn mửa nhiều.
- Thở khò khè.
- Thở rất nhanh, nhịp thở nông hơn 60 lần/phút, xuất hiện dấu hiệu rút lõm lồng ngực - xương sườn lõm xuống khi trẻ hít vào.
- Da xanh, tím tái (môi, đầu ngón tay).
- Ngủ li bì, khó đánh thức, hôn mê.
Các biến chứng Viêm tiểu phế quản
Biến chứng thường gặp của viêm tiểu phế quản nếu không điều trị kịp thời: suy hô hấp, viêm phổi (do bội nhiễm vi trùng), xẹp phổi (do tắc đờm), viêm tai giữa…
Đặc biệt, với những đối tượng có yếu tố nguy cơ đã nêu trên có thể khiến bệnh kéo dài và diễn biến nặng hơn, gặp nhiều biến chứng hơn.
Ở các trường hợp nặng, khi không được điều trị tích cực và kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Đối tượng nguy cơ Viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ em, khi trẻ có kèm theo các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn như:
Phòng ngừa Viêm tiểu phế quản
Hiện nay, Việt Nam cũng như trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa hoàn toàn bệnh viêm tiểu phế quản. Các biện pháp dự phòng được khuyến cáo là hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như:
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
- Tiêm phòng vắc xin cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản do virus cúm, phế cầu gây nên.
- Đối tượng khuyến cáo: trẻ em và người lớn, người có hệ miễn dịch kém..
- Chú ý lịch tiêm nhắc lại để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể.
Tiêm chủng tại Hệ thống Y tế MEDLATEC
Trung tâm tiêm chủng MEDLATEC thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC có địa chỉ tại 97 Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây luôn có sẵn các loại vắc xin phòng bệnh cho nhiều đối tượng như: trẻ em, người già, phụ nữ chuẩn bị mang thai, phụ nữ mang thai, người lớn. Đến với Trung tâm tiêm chủng MEDLATEC, bạn sẽ được trải nghiệm quy trình khám chuyên nghiệp, được Bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn các loại vắc xin phù hợp; khu vực tiêm chủng tách biệt hoàn toàn với khu khám chữa bệnh, đầy đủ tiện ích, khu vui chơi trong thời gian chờ theo dõi.
Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
- Rửa tay thường xuyên.
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống. Giữ vệ sinh các đồ dùng tiếp xúc hằng ngày.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, có khói bụi, khói thuốc lá.
Tăng cường dinh dưỡng, duy trì chế độ ăn uống hợp lý
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Uống đủ nước hàng ngày
- Chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng giữa các nhóm.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất, vi chất dinh dưỡng.
Tăng cường dinh dưỡng hợp lý, giúp cơ thể hạn chế khả năng mắc các bệnh đồng thời hỗ trợ quá trình hồi phục khi nhiễm bệnh.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường kéo dài 1-2 tuần tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của mỗi người. Các triệu chứng ban đầu như ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt nhẹ thường nhẹ và kéo dài khoảng 2 ngày.
Đối với trẻ nhỏ, triệu chứng có thể nặng hơn, diễn biến nguy hiểm hơn, vì vậy gia đình cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và điều trị đúng.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm tiểu phế quản
Để có chẩn đoán chính xác bệnh viêm tiểu phế quản, bác sĩ sẽ kết hợp thăm khám, khai thác triệu chứng và các kết quả cận lâm sàng như:
- Thăm khám thực thể, nghe tim phổi.
- Các triệu chứng có thể quan sát trên lâm sàng: Dấu hiệu mất nước có thể bao gồm mắt trũng, khô miệng và da tím tái, uể oải, quấy khóc.
- Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp thở, nồng độ bão hòa oxy trong máu (SpO2).
- Xét nghiệm dịch mũi họng (hoặc dịch khí quản): tìm tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh
- Chụp X-quang tim phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp: tìm dấu hiệu của viêm phổi.
- Xét nghiệm máu: công thức máu, số lượng bạch cầu, bạch cầu lympho…
- Xét nghiệm khí máu (áp dụng với người bệnh có tình trạng suy hô hấp hoặc triệu chứng nặng).
Một số bệnh khác cần chẩn đoán phân biệt với viêm tiểu phế quản do các triệu chứng giống nhau như: hen phế quản, viêm phế quản, lao, ho gà hoặc hội chứng mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh.
Tại các cơ sở y tế của MEDLATEC quy tụ đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm về chuyên khoa nhi, chuyên khoa truyền nhiễm, chuyên khoa hô hấp và đầy đủ trang thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng giúp sàng lọc, chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh viêm tiểu phế quản.
Các biện pháp điều trị Viêm tiểu phế quản
Qua theo dõi dấu hiệu lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh viêm tiểu phế quản với các mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng để lựa chọn phương án điều trị phù hợp, kịp thời.
Nguyên tắc điều trị đối với viêm tiểu phế quản cấp
Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị dứt điểm. Phương pháp điều trị cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Điều trị giảm nhẹ triệu chứng.
- Ngăn chặn biến chứng.
- Bù nước và lượng điện giải.
- Hỗ trợ việc hô hấp (cung cấp oxy).
Điều trị cụ thể
- Viêm tiểu phế quản cấp không phải dùng đến thuốc kháng sinh nếu không có tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn thường.
- Điều trị bệnh viêm tiểu phế quản, cần kết hợp nhiều biện pháp điều trị khác nhau, theo dõi chặt chẽ diễn biến và sự phối hợp của gia đình trong chăm sóc các triệu chứng cho người bệnh. Sau khi đánh giá tình trạng người bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị tại nhà hoặc chỉ định nhập viện theo dõi.
Điều trị tại nhà với thể nhẹ
- Các triệu chứng tại đường hô hấp thể nhẹ, độ bão hòa oxy trong máu SpO2 > 95%.
- Chăm sóc người bệnh viêm tiểu phế quản tại nhà cần chú ý:
- Uống thuốc theo đơn: hạ sốt, giảm ho, thuốc bổ.
- Vệ sinh mũi họng, miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên hàng ngày.
- Ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa, uống nhiều nước/sữa (bú mẹ với trẻ dưới 6 tuổi).
- Đối với người lớn: nghỉ ngơi.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: khói thuốc lá, bụi.
- Tái khám sau 2 ngày hoặc khi các dấu hiệu trầm trọng hơn.
Chỉ định nhập viện
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Có yếu tố nguy cơ: trẻ đẻ non, nhẹ cân, có các bệnh tim/phổi bẩm sinh, có tình trạng suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.
- Người bệnh có một hoặc đồng thời các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Tím tái.
- Co giật.
- Li bì, khó đánh thức, hôn mê
- Thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh (trên 70 lần/phút).
- Có dấu hiệu mất nước.
- Bỏ bú hoặc bú kém đối với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi
Điều trị tại cơ sở y tế
- Thể trung bình: người bệnh có tính trạng mất nước nhẹ, ăn uống kém, tăng nhịp thở, có biểu hiện gắng sức khi thở, SpO2 92-95% cần theo dõi tại các cơ sở y tế.
- Thể bệnh nặng (SpO2 < 92%, nhịp thở tăng, nhịp tim nhanh, bỏ ăn, mất nước, ra nhiều mồ hôi) hoặc rất nặng (tím tái, thở yếu, có cơn ngừng thở) cần được theo dõi chặt chẽ tại phòng cấp cứu hoặc các phòng Hồi sức tích cực.
Khi người bệnh có các triệu chứng nặng và có kèm theo các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nhanh, người bệnh cần được chỉ định nhập viện để theo dõi và xử lý kịp thời diễn tiến xấu của bệnh.
Các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp thở, nồng độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) cần được theo dõi chặt chẽ và liên tục. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số kỹ thuật trong quá trình theo dõi, chăm sóc người bệnh như:
- Bù dịch.
- Thở oxy.
- Khí dung, rửa mũi họng.
- Nuôi ăn qua sonde dạ dày.
- Cân nhắc đặt nội khí quản, thở máy.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp, Ban hành kèm theo Quyết định số 4235/QĐ-BYT ngày 31/10/2012, Bộ Y tế.
- Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản cấp, Ban hành kèm theo quyết định số 634/QĐ- TCCB ngày 03/6/2013, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
