Từ điển bệnh lý

Viêm tụy : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 11-07-2025

Tổng quan Viêm tụy

Viêm tụy cấp là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra đột ngột và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như nhiễm trùng, suy đa tạng thậm chí là sốc và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là tình trạng viêm của tuyến tụy, cơ quan có vai trò quan trọng trong việc sản xuất enzyme tiêu hóa và hormone insulin giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Bài viết này của MEDLATEC sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị viêm tụy cấp hiệu quả.

Viêm tụy cấp là bệnh lý rất nguy hiểm

Viêm tụy cấp là bệnh lý rất nguy hiểm



Nguyên nhân Viêm tụy

Các nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy cấp bao gồm sỏi mật, lạm dụng rượu và tăng triglyceride máu. Tỷ lệ xuất hiện của từng nguyên nhân gây viêm tụy cấp khác nhau tùy theo vùng địa lý và tầng lớp kinh tế xã hội. Các nguyên nhân phổ biến của viêm tụy cấp được liệt kê dưới đây, bao gồm: 

  • Tắc nghẽn trong ống mật do sỏi mật.
  • Lạm dụng rượu.
  • Rối loạn chuyển hóa lipid gây tăng triglyceride máu.
  • Viêm tụy do thuốc.
  • Sau thủ thuật, ví dụ, nội soi mật tụy ngược dòng hoặc phẫu thuật vùng bụng.
  • Rối loạn chức năng cơ vòng Oddi loại I: là một trong các phân loại của rối loạn chức năng cơ vòng Oddi (SOD), đặc biệt là một loại SOD có tính chất tắc nghẽn.
  • Viêm tụy tự miễn (Autoimmune Pancreatitis): Loại I liên quan đến IgG4 toàn thân và loại II, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tụy, dẫn đến viêm mãn tính và tổn thương mô tụy (Loại II khác với loại I về một số đặc điểm, đặc biệt là không liên quan đến kháng thể IgG4, một đặc điểm nổi bật của viêm tụy tự miễn loại I).
  • Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng hoặc các chất độc như do bọ cạp cắn.
  • Hút thuốc lá.
  • Dị tật bẩm sinh ở tụy như tuyến tụy hình móng ngựa.
  • Các rối loạn di truyền như thiếu hụt alpha 1-antitrypsin, xơ nang tụy.
  • Canxi máu tăng cao.
  • Viêm mạch máu (Polyarteritis nodosa, Lupus ban đỏ hệ thống).
  • Viêm tụy cấp không tìm được nguyên nhân, được chẩn đoán là vô căn.



Triệu chứng Viêm tụy

Triệu chứng của viêm tụy có thể khác nhau tùy mức độ của từng bệnh nhân. Các triệu chứng của viêm tụy cấp có thể bao gồm:

  • Đau ở vùng bụng trên: Cơn đau xuất hiện đột ngột, xuất phát từ vùng bụng trên có thể lan ra sau lưng. Đau khi chạm vào bụng, sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống bia rượu sẽ làm đau bụng tăng lên. Thông thường đau bụng chính là lý do làm người bệnh phải đến viện khám.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Bí trung đại tiện.
  • Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao do nhiễm trùng đường mật hoặc do tình trạng hoại tử tụy nặng lên. Sốt thường kèm theo mạch nhanh.
  • Vàng da: Nếu tắc mật là nguyên nhân gây viêm tụy.
  • Nếu thể nặng, bệnh nhân có các dấu hiệu của sốc như vã mồ hôi, da lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, huyết áp có thể kẹt, thở nhanh nông, li bì hoặc kích thích.

Đau bụng do viêm tụy cấp thường là triệu chứng làm người bệnh phải đến viện

Khám thực thể có thể có các dấu hiệu sau:

  • Bụng trướng đều, gõ trong, nếu tràn dịch ổ bụng có thể gõ đục vùng thấp.
  • Phản ứng thành bụng: tùy nguyên nhân gây viêm tụy mà có thể có phản ứng ở hạ sườn phải hay thượng vị.
  • Ấn đau điểm sườn lưng: Khá đặc hiệu và rất hay gặp trong viêm tụy cấp, là một dấu hiệu rất quan trọng trên lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
  • Dấu hiệu Cullen: Vùng quanh rốn có các mảng bầm màu xanh hoặc tím, là dấu hiệu của xuất huyết trong ổ bụng.
  • Dấu hiệu Grey-Turner: Vùng hông có các vết bầm màu xanh hoặc tím cũng là một dấu hiệu của xuất huyết trong ổ bụng. Dấu hiệu này cho thấy tình trạng chảy máu đang tiến triển và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong ổ bụng.

Triệu chứng trên các xét nghiệm máu:

  • Amylase, lipase huyết thanh gấp 3 lần giá trị bình thường.
  • Tăng glucose máu.
  • Canxi, magie máu bình thường hoặc giảm.
  • Hạ natri, kali máu.
  • Bilirubin toàn phần: tăng trong trường hợp tắc mật là nguyên nhân của viêm tụy.
  • AST, ALT tăng.
  • LDH (Lactate Dehydrogenase) tăng.
  • Bạch cầu tăng.
  • Hematocrit (HCT) trong giai đoạn đầu dịch thoát ra khỏi lòng mạch, HCT có thể tăng do cô đặc máu, nếu giai đoạn sau xuất huyết nội tạng chỉ số này sẽ giảm do mất máu.
  • Ure máu bình thường hoặc tăng.
  • Khí máu: suy hô hấp có thể dẫn đến giảm oxy máu, tăng CO2 gây toan hô hấp, khí máu có pCO2 cao và pH máu giảm, hoặc tình trạng nhiễm toan chuyển hóa do tích tụ quá nhiều acid lactic, pH máu và HCO3- giảm, tăng khoảng trống anion (AG).



Các biến chứng Viêm tụy

Thể nặng thường có các biến chứng toàn thân đặc biệt nguy hiểm như:

  • Trụy tim mạch: Tổn thương nội mạc thành mạch làm một lượng lớn huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch vào khoảng gian bào dẫn đến mất một lượng lớn huyết tương trong tuần hoàn, làm người bệnh sốc do giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến trụy tim mạch.
  • Suy hô hấp: Ứ đọng đờm dãi do bệnh nhân nằm lâu một chỗ có thể làm viêm phổi, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng đến trao đổi hô hấp bình thường.
  • Suy thận: Giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận, làm giảm mức lọc cầu thận và suy thận, bệnh nhân tiểu ít hơn bình thường.
  • Liệt dạ dày-ruột: Liệt ruột cơ năng làm giãn dạ dày, ruột, nặng hơn có thể chảy máu đường tiêu hóa.
  • Đông máu rải rác nội mạch (DIC): do hoạt hóa cơ chế tăng đông máu.

Các biến chứng khác có thể gặp như:

  • Viêm tụy mạn.
  • Áp xe tụy.
  • Nang giả tụy cấp tính.
  • Ổ dịch khu trú quanh tụy, trước tụy, khoang gan thận, khoang lách thận.
  • Ổ hoại tử tụy.



Phòng ngừa Viêm tụy

Ba nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp ở Việt Nam là tăng triglycerid, bia rượu và sỏi mật, vì vậy cần chú ý kiểm soát tốt 3 yếu tố này để hạn chế tối đa nguy cơ gây viêm tụy cấp, bao gồm các biện pháp sau:

  • Kiểm soát chế độ ăn, hạn chế tiêu thụ quá nhiều chất béo và dùng thuốc để ổn định mỡ máu, đặc biệt là tăng triglyceride là nguyên nhân hay gặp gây viêm tụy cấp.
  • Sỏi mật: theo dõi và can thiệp sớm nếu bác sĩ nhận định sỏi mật này có nguy cơ gây viêm tụy cấp.
  • Tránh lạm dụng bia rượu.

Hãy tạo cho mình thói quen khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp từ đó có chế độ sinh hoạt lành mạnh và dùng thuốc phù hợp để dự phòng được nguy cơ mắc viêm tụy cấp trong tương lai.

Hạn chế sử dụng bia rượu sẽ giúp dự phòng viêm tụy cấp

Hạn chế sử dụng bia rượu sẽ giúp dự phòng viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, dễ tái phát và để lại nhiều biến chứng, giai đoạn cấp có thể tử vong nếu chẩn đoán và điều trị muộn. Các nguyên nhân phổ biến của viêm tụy cấp bao gồm sỏi mật, lạm dụng bia rượu, tăng triglyceride trong máu. Triệu chứng chính của bệnh bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa và sốt. Việc chẩn đoán sớm thông qua các xét nghiệm như amylase và lipase máu, kết hợp với hình ảnh học như siêu âm hay CT scan, giúp bác sĩ xác định mức độ và nguyên nhân của bệnh từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp. Vì vậy, bài viết này của MEDLATEC sẽ giúp bạn đọc nhận diện các yếu tố nguy cơ và áp dụng biện pháp dự phòng hợp lý bảo vệ sức khỏe cũng như phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ để đến viện sớm, từ đó ngăn ngừa những hệ lụy nghiêm trọng của viêm tụy cấp cho bản thân và các thành viên trong gia đình.




Các biện pháp chẩn đoán Viêm tụy

Khi lâm sàng đã đưa ra chẩn đoán nghi ngờ viêm tụy cấp, các bác sĩ cần chỉ định các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng, bao gồm:

  • Amylase và lipase huyết thanh: Đây là hai xét nghiệm quan trọng hàng đầu để chẩn đoán viêm tụy cấp.
  • Công thức máu toàn phần: chú ý 2 chỉ số là bạch cầu và hematocrit.
  • Enzyme transaminase: AST, ALT.
  • BUN, creatinin.
  • Canxi, magie, natri, kali máu.
  • Đường huyết.
  • Cholesterol huyết thanh và triglyceride.
  • Bilirubin toàn phần, trực tiếp.
  • Protein phản ứng C (CRP).
  • Khí máu động mạch
  • Lactic dehydrogenase huyết thanh (LDH) và bicarbonate.
  • Immunoglobulin G4 (IgG4): tăng cao trong viêm tụy tự miễn.

Lipase là xét nghiệm rất có ý nghĩa trong chẩn đoán viêm tụy cấp

Lipase là xét nghiệm rất có ý nghĩa trong chẩn đoán viêm tụy cấp

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Siêu âm bụng (xét nghiệm ban đầu hữu ích nhất để xác định nguyên nhân và là kỹ thuật được lựa chọn để phát hiện sỏi mật)
  • Siêu âm nội soi (EUS): chủ yếu được sử dụng để phát hiện sỏi nhỏ và tổn thương quanh bóng Vater không dễ phát hiện bằng các phương pháp khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT): thường không được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tụy nhẹ nhưng luôn được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tụy cấp tính nặng.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): phải được sử dụng hết sức thận trọng trong bệnh này và không bao giờ được coi là công cụ chẩn đoán đầu tay.
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): không nhạy bằng ERCP nhưng an toàn hơn và không xâm lấn.

Theo Phân loại Atlanta đã sửa đổi, giúp xác định mức độ nặng của bệnh và hướng dẫn điều trị phù hợp, chẩn đoán viêm tụy cấp phải đáp ứng ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau đây:

  1. Mức lipase hoặc amylase cao gấp 3 lần giới hạn trên bình thường: Đây là dấu hiệu điển hình nhất, giúp phát hiện sớm viêm tụy khi bệnh nhân có triệu chứng đau bụng nghi ngờ, đặc biệt lipase có tính đặc hiệu cao và duy trì lâu hơn so với amylase vì enzyme này chủ yếu được tụy tiết ra để tiêu thụ chất béo và nếu bệnh nhân đến khám muộn xét nghiệm này vẫn tăng để tránh bỏ sót chẩn đoán. So với mức tăng kéo dài của Amylase là 1-2 ngày thì Lipase có thể tăng kéo dài 5-7 ngày.
  2. Đau bụng đặc trưng gặp ở bệnh viêm tụy: Cơn đau xuất hiện đột ngột, xuất phát từ vùng bụng trên có thể lan ra sau lưng. Sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống bia rượu sẽ làm đau bụng tăng lên. 
  3. Chụp bụng (siêu âm ổ bụng, cắt lớp vi tính, hoặc cộng hưởng từ): Phát hiện dấu hiệu viêm tụy, tình trạng hoại tử tụy, từ đó chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh. 

Phân loại Atlanta chia viêm tụy cấp thành 3 nhóm chính là mức độ nhẹ, độ trung bình và độ nặng, từ đó bác sĩ có thể nhận định chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh.

Ngoài ra Balthazar-Ranson dựa vào Scanner chia viêm tụy cấp thành hai thể là thể phù và thể hoại tử.

Chẩn đoán phân biệt

Các trường hợp đau bụng cấp sau đây có thể nhầm lẫn và cẩn chẩn đoán phân biệt với viêm tụy cấp, bao gồm: 

  • Bệnh loét dạ dày tá tràng.
  • Viêm đường mật.
  • Viêm túi mật.
  • Tắc ruột.
  • Thủng ruột.
  • Thiếu máu cục bộ mạc treo.
  • Viêm gan cấp tính.
  • Nhiễm toan ceton do tiểu đường.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Tách thành động mạch chủ.
  • Cơn đau quặn thận.



Các biện pháp điều trị Viêm tụy

Bệnh nhân cần được đặt sonde dạ dày và hút cho đến khi ruột có nhu động trở lại, tình trạng căng trướng bụng cải thiện.

Bệnh nhân nhịn ăn, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, dịch nuôi dưỡng giàu glucid và lipid, nếu tình trạng cải thiện, cho ăn lại bằng cách bơm qua sonde dạ dày các thức ăn dễ hấp thu (acid amin, vitamin, đường) hoặc cho ăn đường miệng nếu bệnh nhân cải thiện nhiều và có thể ăn uống đường miệng.

Đánh giá tình trạng sốc nếu có cần:

  • Truyền dịch.
  • Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, nước tiểu.
  • Các thuốc vận mạch (nếu cần): Adrenalin, noradrenalin, dobutamin.

Nếu có suy hô hấp:

  • Chọc hút dịch màng phổi nếu có tràn dịch.
  • Thở oxy gọng kính hoặc các phương pháp khác tùy từng trường hợp.

Giảm đau: 

  • Morphin hoặc ketorolac.

Kháng sinh chống nhiễm trùng: đặc biệt trong trường viêm tụy cấp thể hoại tử.

Thuốc kháng H2: 

  • Cimetidin.
  • Sandostatin tự nhiên.

Điều trị nguyên nhân:

  • Kiểm soát mỡ máu: Nếu viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu bác sĩ cần điều trị thuốc để giảm mỡ máu xuống dưới 5,7 mmol/l.
  • Viêm tụy cấp do sỏi mật: Nếu bệnh nhân viêm tụy cấp nhẹ do sỏi mật người bệnh cần được lên kế hoạch cắt túi mật sớm trước khi ra viện.

Điều trị các biến chứng:

  • Suy thận: Bù đủ dịch, lợi tiểu quai hoặc chạy thận nhân tạo nếu cần.
  • Ức chế tiêu sợi huyết và truyền tĩnh mạch huyết tương tươi, yếu tố 8, tiểu cầu trong trường hợp có biến chứng đông máu rải rác trong lòng mạch.

Nếu bạn đang có các yếu tố nguy cơ gây viêm tụy cấp hãy chủ động liên hệ với MEDLATEC thông qua tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của hệ thống hỗ trợ tư vấn kịp thời.


Tài liệu tham khảo:

  • Bệnh Lý Viêm Tụy (SĐH) - GS. TS. Hà Văn Quyết
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8103-pancreatitis
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482468/
  • https://www.benhvien108.vn/ky-thuat-chuyen-sau-khoa-a3-c/viem-tuy-cap.htm
  • https://www.nhs.uk/conditions/acute-pancreatitis/#:~:text=Acute%20pancreatitis%20is%20a%20condition,and%20have%20no%20further%20problems.
  • https://emedicine.medscape.com/article/181364-overview


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ