Từ điển bệnh lý

Viêm tuyến giáp Hashimoto : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm tuyến giáp Hashimoto

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ. Tuyến giáp tiết ra hai hormon chính là T3, T4, hai hormon này tham gia vào điều hòa hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, thần kinh.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng suy giáp dần dần do có sự phá hủy tế bào tuyến giáp qua trung gian miễn dịch liên quan đến quá trình chết theo chu trình (appotisis).

Viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp Lymphocytic đặc trưng bởi sự xâm nhập tế bào bạch cầu lympho trong nhu mô tuyến giáp.


Nguyên nhân Viêm tuyến giáp Hashimoto

Cơ chế chính trong bệnh lý viêm tuyến giáp Hashimoto chính là cơ chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch nhận biết “nhầm” một số thành phần của tuyến giáp thành vật lạ (kháng nguyên) và sinh kháng thể để chống lại những thành phần này. Các kháng nguyên chính thường gặp trong bệnh lý viêm tuyến giáp tự miễn là Thyroglobulin (TG), Thyroperoxidase (TPO) và Thyroid Stimuling Hormon (TSH)  tương ứng với các kháng thể Anti-Thyroglobulin (Anti-TG), Anti-Thyroperoxidase (Anti-TPO) và Trab.

Cơ chế chính trong bệnh lý viêm tuyến giáp Hashimoto chính là cơ chế miễn dịch

Thyroglobulin

 TG được tổng hợp bởi tế bào nang của tuyến giáp và được tiết vào lòng nang, nơi TG được dự trữ dưới dạng chất keo. TG có bản chất là một glycoprotein, có trọng lượng phân tử khoảng 660 kD, trong cấu trúc của nó có chứa nhiều acid amin Tyrosin. Chính thành phần Tyrosin này sẽ kết hợp với Iod để tạo thành tiền thân của hormon tuyến giáp.

Thyroperoxidase

TPO là enzym giúp oxy hóa phân tử Iod hữu cơ rồi gắn vào Tyrosin. TPO được tổng hợp ở lưới nội chất, sau đó được vận chuyển đến màng sinh chất ở vùng đỉnh của tế bào tuyến giáp.

Thyroid Stimuling hormon

TSH là một glycoprotein có trọng lượng phân tử 28000D. TSH được tiết bởi các tế bào thùy trước tuyến yên, có tác dụng kích thích tế bào nang tuyến giáp tăng sinh, tăng quá trình tổng hợp và giải phóng hormon T3 và T4 của tuyến giáp.

Các kháng thể Anti-TG và Anti-TPO được tìm thấy vói nồng độ cao ở hầu hết các bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto. Ngoài ra các kháng thể này còn tìm thấy ở một số bệnh lý tuyến giáp khác (Basedow) hoặc ở một số bệnh nhân khỏe mạnh nhưng thường với nồng độ thấp. Riêng kháng thể kháng TSH thường xuất hiện trong bệnh Basedow. Trong viêm tuyến giáp Hashimoto, kháng thể này chỉ tăng trong thể viêm teo tuyến giáp.


Triệu chứng Viêm tuyến giáp Hashimoto

Bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm. Trong giai đoạn sớm, quá trình viêm có thể gây rối loạn hoạt động của nang giáp gây tình trang cường giáp thoáng qua trong giai đoạn ngắn, sau đó là giai đoạn bình giáp kéo dài và cuối cùng là suy giáp. Đa số các bệnh nhân phát hiện ra bệnh qua kiểm tra sức khỏe định kì hoặc khi đã đến giai đoạn suy giáp.

Biểu hiện toàn thân

- Tăng cân bất thường

Tăng cân bất thường có thể là biểu hiện của viêm tuyến giáp Hashimoto

Tăng cân bất thường có thể là biểu hiện của viêm tuyến giáp Hashimoto

- Sợ lạnh

- Mệt nhiều

- Buồn ngủ

- Chán nản, thờ ơ, làm việc không tập trung, thậm chí trầm cảm

- Táo bón kéo dài

- Da khô

- Kinh nguyệt nhiều, kéo dài, thường gặp rong kinh.

- Biểu hiện thiếu máu: da nhợt nhạt.

- Nói khàn.

- Đau cơ, cứng cơ chủ yếu là cơ vai và cơ đùi. Có thể có yếu cơ, chủ yếu gặp yếu cơ chi dưới.

Biểu hiện tại tuyến giáp

- Giai đoạn đầu: tuyến giáp hầu như không có biểu hiện gì

- Giai đoạn muộn: tuyến giáp to lan tỏa, mật độ chắc. Tuy nhiên trong thể viêm teo tuyến giáp thì tuyến giáp không to lên mà teo nhỏ nên đôi khi khám tuyến giáp không phát hiện triệu chứng bất thường.


Các biến chứng Viêm tuyến giáp Hashimoto

Các biến chứng của viêm tuyến giáp Hashimoto đều liên quan đến tình trạng suy giáp nặng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

- Biến chứng tâm thần kinh: trầm cảm

- Biến chứng phù niêm, thậm chí hôn mê do phù niêm.

- Biến chứng tim mạch: xơ vữa mạch máu liên quan đến tình trạng tăng LDL, suy tim

- Biến chứng vô sinh do nồng độ hormon tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng

- Biến chứng ở phụ nữ có thai: tùy theo mức độ suy giáp của thai phụ trong quá trình mang thai mà có thể có các nguy cơ thai  nhẹ cân, sảy thai, thai lưu, di tật bẩm sinh, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Biến chứng vô sinh do nồng độ hormon tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng ở nữ giới

Biến chứng vô sinh do nồng độ hormon tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng ở nữ giới


Đối tượng nguy cơ Viêm tuyến giáp Hashimoto

- Giới tính: phụ nữ thường mắc viêm tuyến giáp Hashimoto gấp 7 lần so với nam giới. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc thay đổi hormon nội tiết qua các quá trình dậy thì, sinh nở.

- Thai kì: việc thay đổi hormon trong thai kì là một trong những yếu tố khởi phát bệnh lý.

- Stress

Stress có thể dẫn đến viêm tuyến giáp Hashimoto

Stress có thể dẫn đến viêm tuyến giáp Hashimoto

- Yếu tố di truyền: Những đối tượng có người thân mắc các bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là viêm tuyến giáp Hashimoto có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn các đối tượng khác.

- Các bệnh lý tự miễn khác: những người mắc các bệnh lý tự miễn (đái tháo đường type 1, lupus…) dễ mắc bệnh lý viêm tuyến giáp Hashimoto hơn.

- Tiếp xúc với bức xạ.


Các biện pháp chẩn đoán Viêm tuyến giáp Hashimoto

Xét nghiệm máu

- Chức năng tuyến giáp: T3, T4, Ft3, FT4 giảm, TSH tăng. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu các hormon chưa có biến động, hoặc chỉ có TSH tăng nhẹ.

Xét nghiệm máu tại MEDLATEC chẩn đoán bệnh 

Xét nghiệm máu tại MEDLATEC chẩn đoán bệnh 

- Kháng thể: Anti-TG, Anti-TPO tăng, trong đó Anti-TG tăng sớm, có thể giảm hoặc về bình thường sau vài năm, Anti-TPO tăng sau và tăng cao kéo dài.

- Xét nghiệm sinh hóa khác: mỡ máu tăng (chủ yếu tăng cholesterol), thiếu máu.

Chẩn đoán hình ảnh

- Đo độ tập trung Iod: độ tập trung iod giảm.

- Siêu âm tuyến giáp: nhu mô tuyến giáp hồi âm không đều.

- Xạ hình tuyến giáp: hình ảnh tuyến giáp trắng trong đa số trường hợp.


Các biện pháp điều trị Viêm tuyến giáp Hashimoto

Giai đoạn cường giáp

- Giai đoạn cường giáp là giai đoạn các hormon tuyến giáp (T3, T4 hoặc FT3, FT4) tăng và nồng độ TSH giảm. Một số trường hợp chỉ có TSH giảm còn nồng độ các hormon tuyến giáp trong giới hạn bình thường.

- Giai đoạn cường giáp thường ngắn và thoáng qua, hầu hết không có triệu chứng mà chỉ phát hiện tình cờ thông qua kiểm tra sức khỏe. Do đó chỉ cần theo dõi, kiểm tra nồng độ hormon định kì.

Theo dõi, kiểm tra nồng độ hormon định kì

Theo dõi, kiểm tra nồng độ hormon định kì

- Một số trường hợp có thể gặp biểu hiện của hội chứng cường giao cảm như tim đập nhanh, hồi hộp...Những trường hợp này có thể sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm để làm giảm triệu chứng cường giao cảm.

Giai đoạn bình giáp

- Giai đoạn bình giáp là giai đoạn các hormon tuyến giáp và TSH đều trong giá trị bình thường.

- Ở bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto thường có giai đoạn bình giáp kéo dài. Ở giai đoạn này không có chỉ đinh điều trị. Bệnh nhân  chỉ theo dõi nồng độ hormon tuyến giáp định kì để phát hiện sớm giai đoạn chuyển từ bình giáp sang suy giáp.

Giai đoạn suy giáp

- Giai đoạn suy giáp là giai đoạn hormon tuyến giáp sụt giảm, TSH tăng. Giai đoạn này tuyến giáp không sản xuất đủ hormon để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Do đó đến giai đoạn này cần được điều trị thuốc.

- Hai thuốc thường được sử dụng là Levothyroxine (bản chất gần giống T4 trong có thể ) và Liothyronine (bản chất là Triiodothyronine- T3). Liều lượng phụ thuộc vào mức độ suy giáp.

- Một số thực phẩm/thuốc có thể làm ảnh hưởng đến hấp thu thuốc:

+ Liothyronine:

  • Thuốc Colestyramin làm giảm hấp thu Liothyronine tại ống tiêu hoá.
  • Các thuốc Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin, Primidon, Barbituric, Griseofulvin, Rifampicin làm giảm tác dụng của Liothyronine do làm tăng chuyển hóa của thuốc.
  • Các chế phẩm coa chứa estrogen làm tăng nồng độ Globulin gắn với thyroxine trong huyết thanh.

+ Levothyroxine

  • Các thuốc sucralfate, sắt, calci carbonate, kháng acid (nhôm hydroxyt) và một số loại nhựa  gắn kết (Cholestyramine), kháng sinh nhóm Ciprofloxacine, Raloxifene làm giảm hấp thu Levothyrox.
  • Một số thuốc kháng virus như ritonavir, indinavir, lopinavir có thể làm giảm nồng độ Levothyroxine.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.