Từ điển bệnh lý

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt là một cơ quan thuộc hệ sinh sản của nam giới, có vai trò quan trọng trong việc tạo tinh dịch. Cơ quan này phát triển dưới sự tác động của hormone testosterone. Ở nam giới trưởng thành, tuyến tiền liệt lớn khoảng 3x4cm. Khi ở độ tuổi 50 trở lên, tuyến tiền liệt thường có xu hướng phát triển lớn dần theo thời gian, còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt ở dạng lành tính.

Về vị trí giải phẫu, tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang, phía trước trực tràng và bao quanh niệu đạo.

Vị trí giải phẫu của tuyến liền liệt

Vị trí giải phẫu của tuyến liền liệt 

Định nghĩa viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm nhiễm tại tuyến tiền liệt, xảy ra ở nam giới, nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc không rõ nguyên nhân.

Dựa vào thời gian mắc bệnh, viêm tuyến tiền liệt được chia thành:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Kéo dài dưới 3 tháng.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Kéo dài trên 3 tháng.

Dựa trên nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng, bệnh được phân thành 4 thể:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính có nhiễm khuẩn.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không nhiễm khuẩn.
  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng.



Nguyên nhân Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường do nhiễm khuẩn, chủ yếu là các vi khuẩn Gram âm thuộc họ Enterobacteriaceae. Trong đó, Escherichia coli (E. coli) là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Ngoài ra, các vi khuẩn khác như Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa, và Enterococcus faecalis cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.




Triệu chứng Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Bệnh nhân thường có các biểu hiện cấp tính như:

  • Triệu chứng toàn thân:
    • Sốt cao (thường trên 38,5°C), ớn lạnh.
    • Mệt mỏi.
    • Buồn nôn, nôn, đôi khi kèm theo chán ăn.
  • Triệu chứng tại chỗ:
    • Đau hoặc khó chịu vùng tầng sinh môn, vùng thắt lưng. Cơn đau có thể lan xuống bìu hoặc mặt trong đùi.
    • Rối loạn tiểu tiện: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu gấp, dòng nước tiểu yếu. Một số trường hợp có thể xuất hiện máu trong nước tiểu (tiểu máu) hoặc mủ trong nước tiểu (tiểu mủ).
    • Bí tiểu cấp tính có thể xảy ra do sưng viêm nặng gây chèn ép niệu đạo.

 Đau vùng chậu ở nam giới là một trong các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp

Đau vùng chậu ở nam giới là một trong các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp 



Đối tượng nguy cơ Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

  • Tuổi tác: Nam giới từ 30–50 tuổi có quan hệ tình dục có nguy cơ cao hơn.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát: Vi khuẩn từ đường tiết niệu có thể gây nhiễm trùng ngược dòng lên tuyến tiền liệt.
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh: Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng qua đường tình dục.
  • Rối loạn dòng tiểu: Hẹp niệu đạo hoặc phì đại tuyến tiền liệt làm ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Suy giảm miễn dịch: Người mắc bệnh mạn tính, HIV dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Đặt ống thông tiểu hoặc can thiệp niệu đạo: Tạo đường vào cho vi khuẩn.
  • Thói quen ngồi lâu, ít vận động: Làm giảm tuần hoàn máu vùng chậu, tăng nguy cơ ứ đọng dịch tuyến tiền liệt.
  • Căng thẳng, lo âu kéo dài: Làm suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị viêm nhiễm nặng và kéo dài.



Phòng ngừa Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

  • Duy trì đời sống tình dục điều độ

Quan hệ tình dục đều đặn và an toàn giúp hạn chế tình trạng ứ đọng dịch trong tuyến tiền liệt, từ đó giảm nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, nam giới nên chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục, để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn qua đường sinh dục.

Sinh hoạt tình dục đều đặn và an toàn giúp phòng tránh bệnh lí viêm tuyến tiền liệt

Sinh hoạt tình dục đều đặn và an toàn giúp phòng tránh bệnh lí viêm tuyến tiền liệt 

  • Uống đủ nước, duy trì thói quen đi tiểu đều đặn

Uống nhiều nước (khoảng 2 - 2,5 lít/ngày) giúp tăng cường quá trình đào thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Không nên nhịn tiểu quá lâu vì có thể gây ứ đọng nước tiểu, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào tuyến tiền liệt.

  • Chế độ ăn uống khoa học

Hạn chế các thực phẩm cay nóng (ớt, tiêu), rượu bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác vì chúng có thể kích thích tuyến tiền liệt, làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm.

Bổ sung thực phẩm đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Các thực phẩm giàu omega-3 (có trong cá hồi, hạt lanh) và chất chống oxy hóa (trà xanh, cà chua) có tác dụng giảm viêm và bảo vệ tuyến tiền liệt.

  • Tăng cường vận động, tránh ngồi lâu

Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút mỗi ngày) giúp cải thiện tuần hoàn máu đến vùng chậu, giảm tình trạng sung huyết tuyến tiền liệt. 

Những người làm việc văn phòng hoặc lái xe đường dài nên tránh ngồi lâu, nên đứng dậy vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là một bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, áp xe tuyến tiền liệt hoặc chuyển thành viêm mạn tính.



Các biện pháp chẩn đoán Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt cấp dựa trên đánh giá lâm sàng, xét nghiệm vi sinh, hình ảnh học và các xét nghiệm bổ sung nhằm xác định nguyên nhân, phân biệt giữa các thể bệnh và phát hiện biến chứng nếu có.

  • Lâm sàng

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt khác nhau tùy theo thể bệnh (cấp tính hoặc mạn tính), nhưng thường bao gồm:

  • Triệu chứng tại chỗ:
    • Đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng xương chậu, tầng sinh môn, bẹn hoặc lưng dưới.
    • Triệu chứng đường tiết niệu: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu đêm, cảm giác tiểu không hết.
    • Rối loạn xuất tinh: Đau khi xuất tinh, giảm chất lượng tinh dịch, có thể có máu trong tinh dịch.
  • Triệu chứng toàn thân (đặc biệt trong viêm tuyến tiền liệt cấp tính):
    • Sốt cao, ớn lạnh, vã mồ hôi.
    • Buồn nôn, nôn, mệt mỏi.
    • Trong trường hợp nặng có thể có dấu hiệu nhiễm trùng huyết.

Khám lâm sàng qua thăm trực tràng có thể cho thấy tuyến tiền liệt sưng to, căng cứng, đau khi chạm vào. Nhiều trường hợp có thể phát hiện ổ áp xe tuyến tiền liệt.

Thăm khám tuyến tiền liệt qua đường trực tràng

Thăm khám tuyến tiền liệt qua đường trực tràng 

  • Xét nghiệm vi sinh
  • Cấy nước tiểu giữa dòng: Là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn, giúp phát hiện vi khuẩn gây bệnh và xác định kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc điều trị thích hợp.
  • Cấy dịch tiết tuyến tiền liệt: Thực hiện bằng cách massage tuyến tiền liệt qua đường trực tràng để thu thập dịch tiết, hữu ích trong chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn.
  • Cấy máu: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có sốt cao hoặc nghi ngờ nhiễm trùng huyết để xác định vi khuẩn gây bệnh và đánh giá mức độ nhiễm trùng toàn thân.
  • PCR tìm vi khuẩn không điển hình: Áp dụng trong các trường hợp nghi ngờ viêm tuyến tiền liệt do Chlamydia trachomatis, Mycoplasma hominis, Ureaplasma urealyticum hoặc các tác nhân vi khuẩn không điển hình khác.
  • Chẩn đoán hình ảnh
  • Siêu âm qua trực tràng: Giúp đánh giá kích thước tuyến tiền liệt, phát hiện áp xe tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn đường tiểu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp chẩn đoán xác định áp xe tuyến tiền liệt hoặc biến chứng viêm lan rộng.

Các biện pháp điều trị Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn là một tình trạng nhiễm trùng có thể tiến triển nhanh và gây biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết hoặc áp xe tuyến tiền liệt. Vì vậy, việc điều trị sớm và tích cực là rất quan trọng, trong đó kháng sinh là phương pháp điều trị chính.
  • Kháng sinh

Kháng sinh cần được lựa chọn dựa trên khả năng thâm nhập tốt vào mô tuyến tiền liệt và độ nhạy của vi khuẩn gây bệnh. Điều trị ban đầu thường theo kinh nghiệm, sau đó có thể điều chỉnh dựa trên kết quả cấy nước tiểu hoặc dịch tuyến tiền liệt.

  • Nhóm Fluoroquinolon (thường là lựa chọn hàng đầu do có thể phân bổ tốt vào tuyến tiền liệt).
  • Nhóm Cephalosporin thế hệ 3 (thường dùng trong trường hợp nặng, phải nhập viện).
  • Nhóm Aminoglycoside (thường phối hợp với Cephalosporin hoặc Fluoroquinolon trong trường hợp nặng).

Thời gian điều trị:

  • Thể nhẹ đến trung bình: Điều trị kháng sinh đường uống từ 2-4 tuần.
  • Thể nặng, nhập viện: Điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch trong 2-5 ngày, sau đó chuyển sang đường uống và duy trì tổng cộng 4-6 tuần để ngăn ngừa viêm tuyến tiền liệt mạn tính.
  • Điều trị hỗ trợ

Ngoài kháng sinh, các biện pháp hỗ trợ giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng:

  • Dẫn lưu nước tiểu:
    • Nếu bệnh nhân có bí tiểu cấp tính, có thể cần đặt ống thông tiểu nhỏ hoặc mở bàng quang ra da tạm thời để giải phóng nước tiểu.
    • Không khuyến khích đặt ống thông tiểu niệu đạo nếu viêm nhiễm nặng vì có thể làm tổn thương tuyến tiền liệt và gây nhiễm trùng lan rộng.
  • Điều trị triệu chứng:
    • Hạ sốt, giảm đau, kháng viêm: Sử dụng Paracetamol, Ibuprofen hoặc Diclofenac.
    • Nâng đỡ tổng trạng: Bù dịch bằng đường uống hoặc bằng đường tĩnh mạch khi bệnh nhân có các triệu chứng mất nước nặng.
    • Sử dụng thuốc làm giảm co thắt cơ trơn.

Tiên lượng viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn có thể có tiên lượng xấu nếu tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nặng, nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời theo phác đồ, bệnh có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.

Tuy nhiên, nếu điều trị không kịp thời, không đúng phác đồ hoặc không đủ liệu trình kháng sinh, vi khuẩn có thể kháng thuốc và tiếp tục tồn tại trong tuyến tiền liệt, dẫn đến:

  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, gây tái phát nhiều lần và khó điều trị dứt điểm.
  • Hình thành áp xe tuyến tiền liệt, có thể cần can thiệp phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng tiến triển nặng hơn, gây viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn hoặc nhiễm trùng huyết.

Những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh đái tháo đường hoặc có bệnh lý tiết niệu kèm theo có nguy cơ cao hơn trong việc gặp biến chứng.

Việc sử dụng kháng sinh đúng phác đồ, kết hợp điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát bệnh. Ngoài ra, nam giới cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường như đau vùng chậu, rối loạn tiểu tiện hoặc sốt không rõ nguyên nhân, và đi khám chuyên khoa tiết niệu ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.


Tài liệu tham khảo:

  1. European Association of Urology (EAU). Guidelines on Urological Infections (2023). https://uroweb.org/guidelines/urological-infections
  2. American Urological Association (AUA). Guidelines on Prostatitis (2023).
    https://www.auanet.org/guidelines/prostatitis
  3. Wein, A. J., Kavoussi, L. R., Partin, A. W., Peters, C. A. (2020). Campbell-Walsh Urology (12th Edition). Elsevier.




Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ