Từ điển bệnh lý

Viêm vùng chậu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu còn được gọi là viêm sinh dục trên, là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan sinh dục trên của phụ nữ bao gồm viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, abces vòi trứng - buồng trứng và một số trường hợp nghiêm trọng có thể gặp viêm phúc mạc vùng chậu. Bệnh thường xảy ra do sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ đường sinh dục dưới lan ngược dòng lên trên, dẫn đến tổn thương cấu trúc và chức năng của các cơ quan này.

Các cơ quan tổn thương trong viêm vùng chậu

Các cơ quan tổn thương trong viêm vùng chậu



Nguyên nhân Viêm vùng chậu

Tác nhân gây viêm vùng chậu thường bao gồm:

  • Vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục: Chủ yếu là Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn) và Chlamydia trachomatis. Đây là hai nguyên nhân hàng đầu gây viêm nhiễm sinh dục trên, thường liên quan đến các hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
  • Vi sinh vật tại âm đạo: Một số vi sinh vật bình thường cư trú tại âm đạo có thể trở thành tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào đường sinh dục trên, bao gồm:
    • Gardnerella vaginalis
    • Haemophilus influenzae
    • Các loại trực khuẩn gram âm đường ruột
    • Streptococcus agalactiae
  • Các tác nhân khác:
    • Virus như Cytomegalovirus (CMV)
    • Vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma hominis, Mycoplasma genitalium, và Ureaplasma urealyticum.

Nguyên nhân ngoài đường sinh dục:

- Tiêu hóa:
  • Viêm ruột thừa: Đau bụng bắt đầu từ vùng thượng vị hoặc quanh rốn, sau đó khu trú ở hố chậu phải, thường kèm sốt và buồn nôn.
  • Viêm ruột: Đau bụng khắp bụng, có thể kèm tiêu chảy, phân nhầy máu.
  • Viêm túi thừa: Đau bụng dưới, sốt và rối loạn tiêu hóa.
  • Hội chứng ruột kích thích: Đau bụng mạn tính, thường liên quan đến tiêu chảy hoặc táo bón, không kèm triệu chứng viêm toàn thân.
- Tiết niệu:
  • Nhiễm trùng đường tiểu: Đau vùng hạ vị, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu.
  • Sỏi thận: Cơn đau quặn thận, thường lan xuống bẹn hoặc đùi, có thể kèm tiểu máu.

Triệu chứng Viêm vùng chậu

Triệu chứng lâm sàng của viêm vùng chậu rất đa dạng, thay đổi tùy theo tác nhân gây bệnh và mức độ nhiễm trùng. Bệnh có thể biểu hiện từ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không đặc hiệu (xuất huyết âm đạo bất thường, đau khi giao hợp, tiết dịch âm đạo bất thường ) đến các biểu hiện nhiễm trùng nặng, gây khó khăn trong việc phát hiện và chẩn đoán.



Các biến chứng Viêm vùng chậu

  • Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis: Hiện tượng viêm dính bao gan và phúc mạc xuất hiện sau khi bệnh nhân bị viêm vùng chậu.
  • Áp-xe phần phụ : Khối áp-xe có thể vỡ gây ra các triệu chứng đau bụng cấp, phản ứng phúc mạc, nhiễm trùng huyết và có thể sốc. Áp-xe phần phụ vỡ có thể ảnh hưởng tính mạng và cần phẫu thuật gấp.
  • Đau vùng chậu mạn tính: Sau khi bị viêm vùng chậu, nhiều phụ nữ có thể có các cơn đau vùng chậu kéo dài nhiều năm.
  • Vô sinh: Viêm ống dẫn trứng có thể gây sẹo, dính ống dẫn trứng khiến việc mang thai khó khăn hơn.
  • Thai ngoài tử cung: Do sẹo trên ống dẫn trứng khiến phôi gặp khó khăn khi di chuyển vào buồng tử cung.

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis



Đối tượng nguy cơ Viêm vùng chậu

Yếu tố nguy cơ

Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu bao gồm:

  • Tiền sử viêm vùng chậu trước đây làm tăng nguy cơ tái nhiễm bệnh.
  • Hành vi tình dục nguy cơ cao: Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su.
  • Tiền căn nhiễm các tác nhân gây bệnh trước đó: Khoảng 10–40% phụ nữ bị viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis hoặc Neisseria gonorrhoeae không được điều trị sẽ tiến triển thành viêm vùng chậu cấp.
  • Bạn tình có viêm niệu đạo: Bạn tình bị viêm niệu đạo không được điều trị là nguồn lây nhiễm trực tiếp, dẫn đến nguy cơ viêm vùng chậu cao.
  • Độ tuổi: Phụ nữ trẻ từ 15 đến 25 tuổi có nguy cơ cao hơn.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm vùng chậu

Tiêu chuẩn chẩn đoán (theo CDC 2015)

  • Tiêu chuẩn chính là tiêu chuẩn cần thiết để chẩn đoán viêm vùng chậu:

Phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục, có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có biểu hiện đau vùng chậu và đã loại trừ các tình trạng bệnh lý khác, trong quá trình khám vùng chậu ghi nhận ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau khi lắc cổ tử cung: Đây là dấu hiệu thường được phát hiện trong quá trình khám bằng tay.
  • Đau tử cung: Đau ở vị trí tử cung khi thăm khám, gợi ý tình trạng viêm nhiễm tại cơ quan này.
  • Đau phần phụ: Đau nhói hoặc khó chịu khi thăm khám ở vùng hố chậu hai bên.
  • Tiêu chuẩn phụ là các tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng giúp hỗ trợ, củng cố chẩn đoán nếu được ghi nhận:
  • Sốt cao > 38,3 độ C (đo tại miệng)
  • Khí hư nhầy mủ và cổ tử cung bất thường
  • Sự hiện diện của nhiều bạch cầu trong soi tươi dịch âm đạo khi quan sát qua kính hiển vi với dung dịch nước muối sinh lý.
  • Tăng tốc độ lắng máu và C-reactive protein (CRP)
  • Kết quả xét nghiệm phát hiện Neisseria gonorrhoeae hoặc Chlamydia trachomatis

Cận lâm sàng hỗ trợ

Ngoài tiêu chuẩn chính và phụ, các phương pháp cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý khác:

Nhuộm Gram: Giúp xác định sự hiện diện của Neisseria gonorrhoeae.

Test miễn dịch: Phát hiện Chlamydia trachomatis thông qua các phương pháp như ELISA hoặc PCR.

Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng gợi ý tình trạng viêm nhiễm, nhưng không phải tất cả trường hợp viêm vùng chậu đều có chỉ số bất thường ( có tới 56% bệnh nhân viêm vùng chậu có công thức máu bình thường).

CRP và Procalcitonin (PCT): Được sử dụng để đánh giá mức độ viêm nhiễm toàn thân.

Beta hCG: Loại trừ các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ như thai ngoài tử cung nếu kết quả âm tính.

Tổng phân tích nước tiểu: Hỗ trợ phân biệt viêm vùng chậu với viêm nhiễm đường tiết niệu.

Siêu âm: Phát hiện các bất thường vùng chậu như áp-xe vòi trứng – buồng trứng hoặc tình trạng tụ dịch.

Dịch âm đạo bất thường là một trong những triệu chứng của viêm vùng chậu

Chẩn đoán phân biệt

Viêm vùng chậu cần được phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự để tránh nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị. Các nhóm bệnh lý thường liên quan bao gồm:

Liên quan đến thai kỳ:

  • Thai ngoài tử cung: Đau vùng chậu, ra máu âm đạo bất thường, có thể kèm theo dấu hiệu choáng nếu vỡ túi thai.
  • Dọa sẩy thai: Thai trong tử cung có đau bụng dưới và ra máu âm đạo.
  • Sẩy thai tự nhiên: Đau bụng và ra máu âm đạo lượng nhiều, có thể thấy mô thai được tống ra ngoài.
  • Sẩy thai không trọn: Tình trạng sẩy thai nhưng còn mô thai trong buồng tử cung, thường kèm đau bụng và xuất huyết.
  • Thai trong tử cung kèm xuất huyết nang hoàng thể: Thường gặp trong thai kỳ sớm, đau bụng kèm xuất huyết âm đạo.

Liên quan đến bệnh lý phụ khoa:

  • Khối u buồng trứng xoắn: Đau bụng cấp, đau dữ dội một bên, có thể kèm buồn nôn hoặc nôn.
  • U buồng trứng vỡ: Đau bụng đột ngột, có thể kèm theo chảy máu trong ổ bụng và dấu hiệu sốc.
  • Nang buồng trứng xuất huyết: Đau một bên vùng chậu, có thể kèm rối loạn kinh nguyệt.

Lạc nội mạc tử cung: Đau bụng kinh dữ dội hoặc đau vùng chậu mãn tính, thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.


Các biện pháp điều trị Viêm vùng chậu

Nguyên tắc chung:

  • Điều trị nội khoa là phương pháp chính, sử dụng kháng sinh phổ rộng.
  • Phác đồ điều trị phải hiệu quả với hai tác nhân chính: Neisseria gonorrhoeae và Chlamydia trachomatis.
  • Điều trị càng sớm khả năng phòng tránh các di chứng như vô sinh hoặc đau vùng chậu mãn tính càng cao.
  • Trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú, trường hợp nặng yêu cầu nhập viện điều trị nội trú.

Tiêu chuẩn điều trị nội trú:

Điều trị nội trú được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Chưa loại trừ được các bệnh lý ngoại khoa cấp cứu (ví dụ: viêm ruột thừa).
  • Có áp-xe phần phụ.
  • Đang mang thai.
  • Bệnh biểu hiện nặng với các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói hoặc sốt cao.
  • Không tuân thủ hoặc không dung nạp kháng sinh đường uống.
  • Không đáp ứng lâm sàng sau khi điều trị ngoại trú.

Phác đồ điều trị cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, khả năng dung nạp thuốc và đáp ứng điều trị.


Theo dõi lâm sàng sau điều trị:

Bệnh nhân bị viêm vùng chậu thường cải thiện triệu chứng lâm sàng trong vòng 3 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.

Nếu không có cải thiện lâm sàng sau 72 giờ điều trị ngoại trú, cần phải nhập viện để đánh giá lại tình trạng bệnh và xác định nguyên nhân không đáp ứng điều trị, xem xét thay đổi phác đồ kháng sinh phù hợp với tình trạng vi khuẩn kháng thuốc hoặc nguyên nhân khác, tiến hành thêm các xét nghiệm và chẩn đoán bổ sung, chẳng hạn như siêu âm, xét nghiệm vi sinh hoặc nội soi ổ bụng nếu cần thiết.

Xét nghiệm kiểm tra sau điều trị:

Đối với các trường hợp viêm vùng chậu do Chlamydia trachomatis hoặc Neisseria gonorrhoeae, việc xét nghiệm lại sau điều trị là rất quan trọng để phát hiện tình trạng tái nhiễm hoặc thất bại điều trị:

  • 3 tháng sau khi hoàn thành điều trị: Tất cả bệnh nhân cần được xét nghiệm lại để kiểm tra xem còn nhiễm khuẩn hay không.
  • 12 tháng sau điều trị: Nếu kết quả xét nghiệm sau 3 tháng âm tính, bệnh nhân nên kiểm tra lại sau 12 tháng để đảm bảo không có tái nhiễm.

Việc theo dõi và xét nghiệm sau điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm tình trạng tái nhiễm hoặc các biến chứng lâu dài như viêm mãn tính, vô sinh hoặc đau vùng chậu kéo dài.

Ngăn ngừa sự lây lan của bệnh bằng cách khuyến khích bạn tình xét nghiệm và điều trị, từ đó hạn chế nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.

Viêm vùng chậu là một bệnh lý nghiêm trọng với nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời không chỉ giúp giảm nguy cơ biến chứng mà còn bảo vệ khả năng sinh sản trong tương lai. Điều trị đúng phác đồ, theo dõi sát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm là yếu tố then chốt trong quản lý bệnh.

Cần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là trong nhóm phụ nữ trẻ và những người có nguy cơ cao đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc và tái phát viêm vùng chậu.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ