Từ điển bệnh lý

Vỡ túi ngực : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-05-2025

Tổng quan Vỡ túi ngực

Vỡ túi ngực là một biến chứng muộn có thể gặp sau phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực hay tái tạo tuyến vú sau đoạn nhũ bằng túi silicone. Tình trạng này xảy ra khi lớp vỏ của túi bị hư hỏng, làm chất gel silicone bên trong túi bị rò rỉ ra ngoài. Gel silicone có thể bị giới hạn bởi lớp bao xơ xung quanh (vỡ trong bao) hoặc thoát ra ngoài (vỡ ngoài bao).


Vỡ túi ngực là một biến chứng muộn có thể gặp sau phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực hay tái tạo tuyến vú.

Từ khi được sử dụng vào thập niên 1960, túi ngực silicone đã trải qua nhiều lần cải tiến. Các thế hệ gần đây như thế hệ thứ 4 và 5 có lớp vỏ dày hơn, chất gel đồng nhất hơn, giúp giảm nguy cơ rò rỉ. Dù vậy, tỷ lệ vỡ túi ngực vẫn tăng theo thời gian sử dụng, đặc biệt từ năm thứ 6 trở đi. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ vỡ túi ngực có thể lên đến 15% trong khoảng thời gian từ 3-10 năm sau khi đặt túi.

Hầu hết các trường hợp vỡ túi ngực không có biểu hiện rõ ràng, chỉ phát hiện tình cờ khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, được gọi là “vỡ thầm lặng”. Một số trường hợp có biểu hiện triệu chứng như tuyến vú biến dạng, co thắt, có khối u hay cảm giác khó chịu vùng ngực. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Ngoài ra, siêu âm cũng hữu ích trong tầm soát nhờ chi phí thấp và dễ thực hiện, đặc biệt ở người bệnh không có triệu chứng.

Mặc dù vỡ túi ngực có thể gây lo lắng, nhưng các nghiên cứu dịch tễ không cho thấy mối liên quan giữa vỡ túi ngực và bệnh lý mô liên kết hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Sau khi được chẩn đoán vỡ túi ngực, việc điều trị lúc này phụ thuộc vào triệu chứng lâm sàng và mong muốn của người bệnh. Chẳng hạn như tiếp tục theo dõi định kỳ, phẫu thuật lấy túi và bao xơ, hoặc thay túi ngực nếu cần.



Nguyên nhân Vỡ túi ngực

Vỡ túi ngực có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến cấu tạo của túi, thao tác trong quá trình phẫu thuật và các tác động cơ học sau khi túi đã được đặt vào cơ thể. Các nghiên cứu đã xác định một số nguyên nhân chính sau:

Tổn thương trong quá trình phẫu thuật

  • Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 50% đến 64% các trường hợp. Vỏ túi có thể bị hỏng do va chạm với dụng cụ trong lúc đặt túi vào khoang ngực hoặc trong các lần phẫu thuật chỉnh sửa về sau.

Tổn thương trong quá trình phẫu thuật là nguyên nhân phổ biến nhất gây vỡ túi ngực.

Tổn thương trong quá trình phẫu thuật là nguyên nhân phổ biến nhất gây vỡ túi ngực.

 Hiện tượng “sưng vỏ túi” (shell swell)

  • Gel silicone bên trong có thể thấm dần vào lớp vỏ, khiến cho vỏ túi yếu đi theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy những túi bị vỡ thường có độ bền vỏ túi thấp hơn đáng kể so với túi còn nguyên vẹn.

Nếp gấp túi ngực (fold flaw)

  • Bề mặt túi ngực có thể bị gập lại trong khoang chứa, nhất là khi xảy ra co thắt bao xơ kéo dài. Vị trí các nếp gấp trở thành điểm yếu dễ dẫn đến rách hay vỡ túi theo thời gian.

 Chấn thương cơ học

  • Một số trường hợp ghi nhận vỡ túi ngực xảy ra sau khi va đập mạnh hoặc sau các thao tác ép ngực mạnh không đúng cách, như trong thủ thuật đóng bao xơ kín.

 Thiết kế của từng thế hệ túi

  • Túi thế hệ 2 có vỏ mỏng và gel lỏng nên dễ bị rò rỉ, với tỷ lệ vỡ có thể lên đến 60%. Do đó, các thế hệ túi ngực sau này (thế hệ 3-5) đã được cải tiến rõ rệt với lớp vỏ dày hơn và lớp gel đồng nhất hơn. Tuy vậy, túi ngực vẫn có thể bị vỡ sau 6–8 năm sử dụng do tác động từ nhiều yếu tố.

Tóm lại, vỡ túi ngực là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp, trong đó tổn thương cơ học trong quá trình phẫu thuật và sự lão hóa của vỏ túi theo thời gian là những nguyên nhân chính. Mặc dù các loại túi thế hệ mới có độ bền cao hơn, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ vỡ túi ngực khi sử dụng lâu dài hoặc phải trải qua nhiều lần phẫu thuật.


Các biện pháp chẩn đoán Vỡ túi ngực

Dấu hiệu nhận biết

Phần lớn các trường hợp vỡ túi ngực không có biểu hiện rõ ràng, nên còn được gọi là “vỡ thầm lặng”. Những trường hợp này thường chỉ được phát hiện tình cờ khi người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Khi có triệu chứng, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu như:

  • Thay đổi hình dạng, kích thước hoặc mật độ tuyến vú.
  • Cảm giác đau âm ỉ, căng tức hoặc khó chịu ở ngực.
  • Sờ thấy khối bất thường vùng ngực.
  • Tình trạng tuyến vú bị co kéo, cứng lại do co thắt bao xơ (capsular contracture).
  • Hiếm gặp: Sưng viêm hoặc nổi hạch vùng nách.

 Tiêu chuẩn chẩn đoán

Hiện chưa có một bộ tiêu chuẩn cố định để chẩn đoán vỡ túi ngực. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào:

  • Lâm sàng: Phát hiện bất thường qua thăm khám như xuất hiện khối bất thường, thay đổi hình dáng, cấu trúc tuyến vú.
  • Hình ảnh học: Là phương tiện giúp chẩn đoán xác định, đặc biệt trong các trường hợp người bệnh không có triệu chứng.

Cần lưu ý rằng thăm khám bằng tay chỉ phát hiện được khoảng 30% trường hợp vỡ túi ngực. Đặc biệt, giá trị loại trừ của phương pháp này khá thấp, với khả năng bỏ sót lên tới 51%. Điều này có nghĩa là dù khám thấy tuyến vú bình thường, vẫn không thể loại trừ chắc chắn nguy cơ túi ngực đã bị vỡ.

 Cận lâm sàng cần thiết

Cộng hưởng từ (MRI) – phương pháp chính xác nhất (ưu tiên):
  • Độ nhạy và độ đặc hiệu trên 90%,
  • Phát hiện được cả vỡ trong bao (intracapsular) và vỡ ngoài bao (extracapsular).
  • Dấu hiệu đặc trưng: Dấu hiệu “dải mì sợi” (linguine sign) ở túi thế hệ cũ hoặc dấu “giọt nước” (tear drop sign) ở túi thế hệ mới.
  • Khuyến cáo của FDA: Nên tầm soát vỡ túi ngực bằng MRI bắt đầu từ năm thứ 3 sau phẫu thuật và lặp lại mỗi 2 năm một lần.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán vỡ túi ngực.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán vỡ túi ngực.

Siêu âm vú (ultrasound):
  • Ưu điểm là chi phí thấp, dễ thực hiện, phù hợp để tầm soát ban đầu.
  • Có thể thấy hình ảnh “nấc thang” (stepladder sign) khi vỡ trong bao hoặc hình ảnh “bão tuyết” (snowstorm sign) khi vỡ ngoài bao.
  • Nhược điểm: Kết quả phụ thuộc nhiều vào người thực hiện và giảm độ chính xác nếu có co thắt bao xơ.
Nhũ ảnh (mammography):
  • Chỉ phát hiện được vỡ ngoài bao khi gel đã tràn ra mô vú
  • Không phát hiện được vỡ nội bao do độ cản quang cao của silicon.
Chụp cắt lớp vi tính (CTscan): 
  • Hiếm được sử dụng, không phải lựa chọn thường quy trong chẩn đoán vỡ túi ngực.

Như vậy, MRI vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán vỡ túi ngực, đặc biệt trong các trường hợp không triệu chứng. Siêu âm là công cụ sàng lọc ban đầu hiệu quả, nhất là ở người bệnh không có điều kiện chụp MRI. Việc lựa chọn phương pháp chẩn đoán cần dựa trên tình trạng lâm sàng, khả năng tiếp cận kỹ thuật và mong muốn của người bệnh.


Các biện pháp điều trị Vỡ túi ngực

Biện pháp không dùng thuốc

Hiện chưa có tài liệu nào cho thấy hiệu quả của các phương pháp điều trị không dùng thuốc đối với vỡ túi ngực silicone. Tuy nhiên, với những trường hợp “vỡ thầm lặng”, không có triệu chứng, người bệnh có thể lựa chọn theo dõi định kỳ thay vì phẫu thuật ngay lập tức.

Trong quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ về nguy cơ tiến triển, cũng như lợi ích và giới hạn của việc trì hoãn can thiệp. Việc theo dõi bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc cộng hưởng từ, nhằm đánh giá mức độ tiến triển của tình trạng rò rỉ silicone và phản ứng mô xung quanh.

Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Đây là phương pháp chính thống và được khuyến nghị rộng rãi trong các trường hợp:

  • Người bệnh có triệu chứng như đau, biến dạng vú, co thắt hoặc cứng vú.
  • Người bệnh lo lắng và mong muốn loại bỏ túi đã vỡ.
  • Hình ảnh cho thấy vỡ ngoài bao kèm nốt silicone hoặc phản ứng viêm.

Phẫu thuật bao gồm các bước:

  • Loại bỏ túi ngực (explantation): Lấy toàn bộ túi đã vỡ ra khỏi cơ thể
  • Cắt bỏ bao xơ (capsulectomy): Cắt bỏ mô xơ bao quanh túi để lấy hết phần silicone còn sót hoặc mô viêm.
  • Rửa sạch khoang chứa túi (nếu cần).
  • Đặt túi mới trong cùng cuộc mổ hoặc thực hiện sau tùy theo nguyện vọng và tình trạng lâm sàng của người bệnh.

Tùy vào vị trí rò rỉ, có thể chia thành hai tình huống:

  • Vỡ trong bao: Gel silicone vẫn còn trong lớp bao xơ, có thể lấy túi, cắt bao xơ và đặt lại túi mới ngay.
  • Vỡ ngoài bao: Gel silicone đã tràn ra mô vú, cần phẫu tích rộng hơn, loại bỏ mô viêm hoặc u hạt nếu có.


Phẫu thuật loại bỏ túi ngực là phương pháp chính thống và được khuyến nghị rộng rãi. 

Phương pháp khác

Không có tài liệu nào đề cập đến việc sử dụng thuốc, vật lý trị liệu hay các phương pháp hỗ trợ khác trong điều trị vỡ túi ngực silicone.

Tiên lượng vỡ túi ngực

Khả năng phục hồi

Phần lớn các trường hợp vỡ túi ngực không gây ra biến chứng nghiêm trọng và có thể được xử lý hiệu quả bằng phẫu thuật lấy bỏ túi và bao xơ. Nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, tiên lượng thường rất khả quan. Người bệnh cũng có thể lựa chọn đặt lại túi mới ngay trong cùng cuộc mổ nếu không có chống chỉ định.

Ở những trường hợp không có triệu chứng, theo dõi định kỳ được xem là lựa chọn an toàn khi chưa có dấu hiệu tiến triển. Các nghiên cứu hiện tại cũng chưa ghi nhận vỡ túi ngực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân nếu chưa được can thiệp ngay.

 Biến chứng có thể gặp

Tùy theo mức độ vỡ và phản ứng của cơ thể, người bệnh có thể gặp các biến chứng sau:

  • Co thắt bao xơ gây đau và biến dạng ngực.
  • Hình thành mô viêm và u hạt trong trường hợp gel silicon tràn vào mô tuyến vú (vỡ ngoài bao).
  • Kết quả tái tạo có thể không đạt yêu cầu nếu không loại bỏ triệt để mô viêm hoặc chất silicone còn sót lại.
  • Tăng nguy cơ phải phẫu thuật lại và chi phí điều trị cao hơn nếu để kéo dài mà không xử lý kịp thời

 Tỷ lệ tái phát

Các tài liệu y khoa không đề cập tới tỷ lệ tái phát sau khi thay túi mới. Tuy nhiên, có ghi nhận rằng nguy cơ vỡ tăng đáng kể sau 6 đến 8 năm sử dụng, kể cả với các túi thế hệ mới. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy, với túi từ thế hệ thứ 3 trở đi, tỷ lệ túi còn nguyên sau 5 năm là 98%, và sau 10 năm còn khoảng 83 - 85%.

 Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

  • Thời gian sử dụng: Nguy cơ vỡ túi ngực tăng dần theo năm, đặc biệt sau năm thứ 6.
  • Thế hệ túi: Túi ngực đời cũ có tỷ lệ vỡ và rò rỉ gel cao hơn so với túi đời mới.
  • Kỹ thuật phẫu thuật: Tổn thương vỏ túi trong khi mổ là nguyên nhân chính gây vỡ túi ngực sớm.
  • Mức độ co thắt bao xơ: Tạo áp lực kéo dài, tạo nếp gấp bề mặt túi ngực dẫn đến vỡ túi.


Túi ngực thế hệ cũ có tỷ lệ vỡ và rò rỉ gel cao hơn so với túi đời mới.

Vỡ túi ngực là biến chứng có thể xử trí hiệu quả nếu phát hiện sớm. Hầu hết các trường hợp không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, người bệnh cần được tư vấn rõ ràng về khả năng vỡ túi theo thời gian, đặc biệt sau 6 - 8 năm sử dụng, để chủ động theo dõi và lựa chọn thời điểm can thiệp phù hợp.


Tài liệu tham khảo:

  1. Hillard, C., Fowler, J. D., Barta, R., & Cunningham, B. (2017). Silicone breast implant rupture: A review. Gland Surgery, 6(2), 163. https://doi.org/10.21037/gs.2017.03.01
  2. Nahabedian, M. Complications of reconstructive and aesthetic breast surgery. In: UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on May 3, 2025.)
  3. Swezey, E., Shikhman, R., & Moufarrege, R. (2023). Breast implant rupture. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459308/ (Accessed May 3, 2025)


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ