Các tin tức tại MEDlatec

Guaifenesin - Thuốc long đờm kích thích phản ứng ho, giảm dịch nhờn

Ngày 21/04/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Thuốc long đờm Guaifenesin được bào chế theo nhiều dạng. Thuốc có khả năng kích thích phản ứng ho, hỗ trợ đào thải dịch đờm. Sau đây, MEDLATEC sẽ giới thiệu chi tiết hơn về loại thuốc này để bạn đọc tham khảo.

1. Giới thiệu chung về thuốc Guaifenesin

Guaifenesin thuộc nhóm thuốc long đờm, với dạng bào chế phong phú. Trong đó, phổ biến nhất là một số dạng dưới đây: 

  • Dạng viên nang: Hàm lượng 200 mg. 
  • Dạng viên nang giải phóng kéo dài: Hàm lượng 300 mg. 
  • Dạng viên nén: Hàm lượng 100 mg hoặc 200 mg. 
  • Dạng viên nén giải phóng kéo dài: Hàm lượng 1200 mg. 
  • Dạng dung dịch uống: Hàm lượng 100 mg/5 ml hoặc 200 mg/5ml.

Một số loại thuốc chứa thành phần Guaifenesin

Bên cạnh đó, Guaifenesin còn được bào chế theo dạng phối hợp với nhiều hoạt chất khác như Dextromethorphan, Diaphyllin, Pseudoephedrine, Acetaminophen, Codein, Clorpheniramin,... 

2. Tác dụng chính của thuốc Guaifenesin

Công dụng chính của Guaifenesin là long đờm. Cụ thể, loại thuốc này có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày, giảm lượng dịch tiết tại đường hô hấp. Từ đó, giúp tăng thể tích, đồng thời giảm độ nhớt của lượng dịch tiết tại khí quản cũng như phế quản. 

Tác dụng chính của thuốc long đờm là kích thích phản xạ ho, thải đờm ra bên ngoài

Sau khi dùng thuốc, người bệnh thường sẽ ho nhiều và dễ dàng giải phóng đờm hơn. Trong nhiều trường hợp, Guaifenesin sẽ được chỉ định kết hợp cùng các loại thuốc khác như thuốc kháng histamin, thuốc chống ho Opiate, thuốc giãn phế quản,... tùy tình trạng bệnh lý. 

3. Chỉ định và chống chỉ định

Bên cạnh công dụng và dạng điều chế cơ bản, người dùng cần nắm rõ thông tin về chỉ định và chống chỉ định của thuốc long đờm Guaifenesin. 

3.1. Chỉ định

Những đối tượng có thể dùng thuốc long đờm Guaifenesin bao gồm:

  • Người bị ho kèm tình trạng đờm đặc quánh do bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên mức độ nhẹ. 
  • Người bị viêm phế quản mạn tính cần long đờm, làm loãng dịch tại phế quản. 

3.2. Chống chỉ định

Người bị dị ứng với thành phần trong thuốc long đờm Guaifenesin, trẻ nhỏ dưới 4 tuổi là đối tượng chống chỉ định của loại thuốc này. 

4. Cách dùng và liều dùng 

Tiếp theo là phần tổng hợp về cách dùng và liều lượng áp dụng cho từng nhóm đối tượng. 

4.1. Cách dùng

Thuốc Guaifenesin được sử dụng theo đường uống dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Để thuốc phát huy tốt nhất tác dụng, bạn cần dùng thuốc theo chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ, dược sĩ. Lưu ý: Thuốc cần uống kèm với nhiều nước, đặc biệt là với dạng viên nén giải phóng kéo dài. 

Thuốc Guaifenesin được sử dụng theo đường uống

4.2. Liều dùng

Người trưởng thành và trẻ 4 tuổi có thể dùng thuốc long đờm Guaifenesin. Tùy từng dạng bào chế, liều lượng dùng thuốc sẽ được bác sĩ điều chỉnh sao cho phù hợp với khả năng hấp thụ của mỗi người. 

Nếu dùng Guaifenesin dạng viên tác dụng kéo dài, bạn cần nuốt cả viên thuốc, không nên nhai hay nghiền. Ngoài ra, bạn nên uống thuốc cùng nhiều nước lọc.

4.1.1. Với người trưởng thành, trẻ từ 12 tuổi trở lên

Đối với người lớn và trẻ trên 12 tuổi, liều lượng thuốc thường là từ 200 mg đến 400 mg/lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Trường hợp dùng Guaifenesin tác dụng kéo dài, liều lượng sử dụng có thể tăng lên 600 mg đến 1200 mg, cách 12 tiếng uống một lần. Trong đó, liều dùng tối đa trong ngày không quá 2400 mg. 

4.1.2. Với trẻ nhỏ trên 4 tuổi, dưới 12 tuổi

  • Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Liều lượng vào khoảng 100 mg đến 200mg, cách 4 tiếng lại uống một lần. Nếu dùng Guaifenesin tác dụng kéo dài, liều lượng dùng thuốc có thể điều chỉnh tăng lên 600 mg/lần, hai lần dùng thuốc liên tiếp cách nhau 12 giờ. Liều dùng tối đa không quá 1200 mg/ngày. 
  • Trẻ từ 4 đến dưới 6 tuổi: Liều lượng dùng thuốc vào khoảng 50 mg đến 100 mg, hai lần dùng thuốc liên tiếp cách nhau 4 giờ. Nếu dùng Guaifenesin tác dụng kéo dài, liều dùng được điều chỉnh tăng lên 300 mg/lần, hai lần dùng thuốc liên tiếp cách nhau 12 giờ. Liều dùng tối đa trong ngày không quá 600mg. 

5. Tác dụng phụ khi dùng Guaifenesin

Thuốc long đờm Guaifenesin hiếm khi gây tác dụng phụ. Trong một số trường hợp, loại thuốc này có thể gây ra một vài phản ứng hiếm gặp như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, da nổi mề đay hoặc phát ban, đau bụng. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận nếu dùng dài ngày. 

Guaifenesin có thể gây triệu chứng chóng mặt

Nhìn chung, tác dụng phụ khi dùng loại thuốc này không quá nghiêm trọng, biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên nếu bị đau bụng hoặc buồn nôn nghiêm trọng, bạn hãy ngừng dùng thuốc và thông báo ngay tình hình cho bác sĩ. 

6. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc 

Để giảm thiểu phần nào rủi ro khi dùng Guaifenesin, bạn nên tham khảo một vài lưu ý chung sau đây. 

6.1. Xử lý khi dùng thuốc quá liều hoặc quên liều

Khi dùng quá liều Guaifenesin, cơ thể có xu hướng biểu hiện một vài triệu chứng như buồn nôn, buồn ngủ,... Nếu phát hiện dùng quá liều Guaifenesin, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc tìm đến cơ sở y tế được trợ giúp. 

Trong trường hợp quên không uống một liều thuốc theo chỉ định, bạn có thể bổ sung ngay khi vừa nhớ ra. Thế nhưng nếu nhận thấy sắp đến lúc phải uống liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều thuốc vừa quên, không nên uống gộp cùng lúc 2 liều thuốc. 

6.2. Đối tượng cần thận trọng

Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, người cao tuổi, người bị suy gan hoặc suy thận là đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc long đờm Guaifenesin. Để hạn chế rủi ro, những đối tượng này cần kiểm tra sức khỏe, tham khảo kỹ tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. 

6.3. Tương tác của Guaifenesin với những loại thuốc khác

Guaifenesin có thể tương tác với thuốc ức chế MAO nên dạng phối hợp Guaifenesin và Dextromethorphan thường được dùng cho người đang điều trị bằng thuốc ức chế MAO. 

Thuốc long đờm Guaifenesin dễ phản ứng với thuốc ức chế MAO

Ngoài ra, người bị cao huyết áp, mắc bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt,... cần thận trọng khi sử dụng dạng bào chế phối hợp Guaifenesin và Phenylpropanolamin. 

Nếu phải làm xét nghiệm đo nồng độ axit Vanillylmandelic trong nước tiểu, bạn cần tạm ngừng dùng thuốc long đờm Guaifenesin trước ít nhất 48 tiếng. 

6.4. Một vài lưu ý chung khác

Những lưu ý quan trọng khác bạn nên lưu tâm trước khi điều trị bằng Guaifenesin bao gồm: 

  • Người bị ho kéo dài, mạn tính do lạm dụng thuốc lá hoặc mắc bệnh lý như hen, viêm phế quản không nên dùng Guaifenesin. 
  • Không sử dụng thuốc long đờm Guaifenesin nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn cụ thể. 
  • Không tự ý kết hợp Guaifenesin với bất kỳ loại thuốc trị ho nào. 
  • Thông báo chi tiết tình hình dùng thuốc hoặc điều trị bệnh (nếu có) cho bác sĩ khi được kê đơn sử dụng Guaifenesin. 
  • Cần theo dõi biểu hiện của cơ thể sau khi uống thuốc. Nếu cảm thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, bạn hãy thông báo tình hình cho bác sĩ. 

Lưu ý: Các thông tin hướng dẫn về cách dùng và liều lượng dùng thuốc Guaifenesin tổng hợp trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo. Nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ, bạn tốt nhất không nên tự ý sử dụng. 

Thuốc long đờm Guaifenesin hiếm khi gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu cơ thể biểu hiện triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, bạn hãy tạm dừng dùng thuốc, thông báo triệu chứng cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lý về đường hô hấp, bạn không nên tự ý dùng thuốc tại nhà mà hãy tìm đến địa chỉ y tế uy tín như chuyên khoa Hô hấp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám, tham khảo tư vấn của bác sĩ. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.