Các tin tức tại MEDlatec

Lý giải 5 nguyên nhân khiến bụng có cục cứng sau sinh mổ và cách xử trí

Ngày 02/02/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bụng có cục cứng sau sinh mổ sẽ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi như: nguyên nhân là gì, có nguy hiểm hay không,... Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu những lý do gây nên tình trạng này và cách xử trí để bảo vệ an toàn sức khỏe sau sinh.

1. Vì sao bụng có cục cứng sau sinh mổ?

Hiện tượng bụng có cục cứng sau sinh mổ thường xuất phát từ một số nguyên nhân liên quan đến quá trình phục hồi và các biến chứng sau phẫu thuật như:

1.1. Sẹo sau phẫu thuật

Sau sinh mổ, cơ thể kích hoạt quá trình làm lành vết thương bằng cách tạo ra mô sẹo ở da, cơ và các mô bên trong. Vùng mô sẹo này thường cứng hơn mô bình thường nên có thể tạo cảm giác có khối cứng ở bụng.

1.2. Tử cung chưa có hồi về trạng thái ban đầu

Sau khi sinh, tử cung sẽ co hồi nhanh để giúp cầm máu. Nếu sau sinh, các bà mẹ sờ thấy có một khối cứng, ngang rốn; đó là tử cung. Đây là sinh lý bình thường, nên các bà mẹ an tâm.

Tử cung chưa co hồi về trạng thái bình thường có thể gây nên tình trạng bụng có cục cứng sau sinh mổ

1.3. Tích tụ mỡ và mô thừa

Trong suốt thai kỳ, phụ nữ thường tăng cân nhanh nên dễ tích tụ mỡ ở vùng bụng. Sau khi sinh, lượng mỡ này không biến mất ngay nên có thể khiến bụng có cục cứng khi sờ vào.

Ngoài ra, phẫu thuật mổ lấy thai khiến cho lớp cơ bụng bị tổn thương. Điều này kết hợp với việc da bụng bị kéo căng trong thời gian mang thai khiến các mô cơ có thể không trở lại trạng thái ban đầu nên đôi khi có cảm giác bụng có khối cứng.

1.4. Dính ruột

Dính ruột là tình trạng các mô và các cơ quan trong ổ bụng bị dính lại với nhau sau mổ đẻ, có thể tạo ra cục cứng ở bụng. Dính ruột khiến sản phụ đau khi duỗi người, khi vận động. Ngoài ra sản phụ bị dính ruột còn có một số triệu chứng khác như chuột rút, nôn mửa, đầy hơi, sưng bụng, táo bón, chán ăn và buồn nôn; rối loạn đường tiểu, thường xuyên tiểu hoặc bí tiểu; thiếu máu và thiếu dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất, chán ăn, trầm cảm.

1.5. Ứ đọng dịch hoặc nhiễm trùng

Sau phẫu thuật, dịch huyết thanh có thể tích tụ tại vết mổ hoặc trong ổ bụng. Dịch này tạo thành các túi nhỏ, khiến vùng bụng cứng và có thể bị đau khi chạm vào.

Mặt khác, nếu vết mổ bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ tạo ra dịch mủ, làm sưng tấy và xuất hiện các khối cứng ở bụng. Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đỏ, đau, nóng ở vết mổ và thường đi kèm sốt.

1.6. Thoát vị

Thoát vị thành bụng là biến chứng thường gặp sau sinh mổ. Thoát vị xảy ra khi một phần ruột thoát ra ngoài thành bụng qua điểm yếu của cơ bụng tại vết mổ. Kết quả của thoát vị là người bệnh sờ thấy bụng có cục cứng sau sinh mổ, có thể đau hoặc không.

Nguy cơ thoát vị tăng ở trường hợp phụ nữ sau sinh mổ dùng đai bụng quá sớm, mang vác vật nặng,...

2. Xử trí thế nào khi bụng có cục cứng sau sinh mổ?

Bụng có cục cứng sau sinh mổ xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau nên việc xử trí cần được thực hiện đúng cách để tránh những vấn đề tiềm ẩn gây nguy hại cho sức khỏe. Khi phát hiện tình trạng này, phụ nữ sau sinh cần:

2.1. Theo dõi cục cứng

Nếu cục cứng không đau, không sưng đỏ hoặc nóng thì có thể đây là hiện tượng bình thường do mô sẹo hình thành hoặc tử cung chưa co hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu xuất hiện thêm các triệu chứng như đau, sốt hoặc vùng cứng ngày càng to thì cần thăm khám ngay lập tức.

2.2. Nghỉ ngơi 

Phụ nữ sau sinh mổ nên tránh các hoạt động như mang vác nặng, cúi gập người quá mức, tập thể dục cường độ cao,... để giảm áp lực lên vùng bụng. Khi đứng hoặc ngồi, phụ nữ sau sinh cần giữ thẳng lưng để giảm căng thẳng lên cơ bụng. Khi nằm, hãy nằm nghiêng hoặc kê gối hỗ trợ vùng bụng để giảm đau.

Bên cạnh đó, sau sinh, phụ nữ cũng cần đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian phục hồi, tránh những biến chứng gây suy giảm sức khỏe. Thực hiện các bài tập thư giãn nhẹ nhàng như hít thở sâu, thiền,... sẽ giúp giảm căng thẳng, tốt cho quá trình hồi phục sau sinh.

Nghỉ ngơi và chăm sóc vết mổ đúng cách giúp tránh các biến chứng sau sinh

2.3. Chăm sóc vết mổ cẩn thận

Vết mổ ở bụng cần được vệ sinh bằng nước ấm hoặc dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ. Cần đảm bảo vùng mổ luôn khô ráo để tránh tình trạng nhiễm trùng. Nếu vùng có cục cứng bị sưng đỏ, chảy dịch hoặc có mùi hôi thì nên khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

2.4. Giảm đau tự nhiên

Nếu bụng có cục cứng sau sinh mổ, hãy dùng tay massage theo chuyển động tròn nhẹ nhàng ở vùng bụng để kích thích tuần hoàn máu, giảm cảm giác căng cứng. Ngoài ra, chườm ấm vùng bụng cũng giúp giãn cơ, giảm đau và cải thiện tuần hoàn máu. Tuy nhiên, hãy nhớ không chườm ấm trực tiếp lên vết mổ.

2.5. Can thiệp y tế

Sau sinh bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để kiểm tra tình trạng sản dịch, vết mổ và độ co hồi tử cung. Phụ nữ sau sinh cần thực hiện đúng lịch hẹn tái khám với bác sĩ sản khoa để đánh giá những vấn đề này, kịp thời phát hiện bất thường ở vùng bụng và xử trí an toàn.

Nếu bụng có cục cứng sau sinh mổ tốt nhất nên khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá đúng

Hiện tượng bụng có cục cứng sau sinh mổ có thể gây lo lắng, nhưng việc xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng nhanh chóng. Nếu bạn có dấu hiệu bất thường, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bất thường sức khỏe sau sinh, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa để thực hiện những kiểm tra cần thiết giúp tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí an toàn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.