Các tin tức tại MEDlatec

3 loại cà phê dành cho người tiểu đường tham khảo và lưu ý khi sử dụng

Ngày 18/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
Cà phê là thức uống được ưa chuộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với bệnh nhân tiểu đường, việc chọn đồ uống ảnh hưởng lớn đến chỉ số đường huyết. Vậy đâu là loại cà phê dành cho người tiểu đường? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc này và cách lựa chọn thức uống an toàn cho sức khỏe bệnh nhân tiểu đường.

1. Cà phê ảnh hưởng thế nào đến chỉ số đường huyết?

1.1. Tác động của cà phê đến đường huyết

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Duke University Medical Center, cà phê có thể làm tăng đường huyết sau ăn và tăng đường huyết trung bình trong ngày lên 8%. Kết quả của tình trạng này là do cà phê kháng lại khả năng làm giảm đường huyết của insulin, khiến đường không thể đi vào tế bào mà dồn ứ lại ở trong máu. 

Ngoài ra, cà phê còn kích thích cơ thể sản sinh nhiều adrenalin, gây tăng đường huyết, hồi hộp, run tay, tăng huyết áp.

1.2. Bệnh nhân tiểu đường uống cà phê có rủi ro nào không?

Bệnh nhân tiểu đường có thể uống cà phê nhưng cần kiểm soát lượng tiêu thụ và cách pha chế. Cà phê nên được uống không đường, không sữa đặc và ưu tiên sử dụng cà phê nguyên chất thay vì các loại pha sẵn chứa đường hoặc hương liệu nhân tạo. Nếu lạm dụng cà phê, người bị tiểu đường có thể gặp các tình trạng như:

  • Đánh trống ngực, tăng nhịp tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Mất ngủ, lo âu.
  • Rối loạn đường huyết sau ăn.

Bệnh nhân tiểu đường nếu lạm dụng cà phê có thể ảnh hưởng đến nhịp tim

2. 3 loại cà phê dành cho người tiểu đường 

2.1. Cà phê đen nguyên chất

Cà phê đen nguyên chất, không đường có thể dùng cho bệnh nhân tiểu đường. Đây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng hỗ trợ chống viêm, tốt cho sức khỏe tim mạch. Cà phê đen nguyên chất không chứa carbohydrate nên nếu uống một cốc nhỏ sau khi ăn no sẽ không lo tăng đường huyết. 

2.2. Cà phê ủ lạnh

Sở dĩ cà phê ủ lạnh có thể được xem là loại cà phê dành cho người tiểu đường vì thức uống này làm từ bột cà phê đen pha nước ở nhiệt độ thường sau đó ủ lạnh trong 12 - 24 giờ. Loại cà phê này không đường, ít calo, nhiều caffein giúp tăng khả năng đốt cháy chất béo, cải thiện trao đổi chất, tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Không những thế, axit chlorogenic trong cà phê ủ lạnh còn có thể làm chậm quá trình hấp thu đường giúp ổn định đường huyết.

2.3. Cà phê latte

Cà phê latte được làm từ cà phê và sữa. Đối với người bị tiểu đường, nếu uống cà phê latte cần chọn loại sữa tách béo, không đường. Người bị tiểu đường có thể uống cà phê latte khi no và có thêm một chút quế để tăng hương vị.

Bệnh nhân tiểu đường có thể dùng cà phê latte chứa sữa không đường 

3. Những lưu ý quan trọng khi người tiểu đường uống cà phê và một số đồ uống thay thế

3.1. Bệnh nhân tiểu đường uống cà phê cần lưu ý

Nếu có ý định sử dụng cà phê cho người tiểu đường, để tránh xảy ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột, bạn cần đặc biệt chú ý các vấn đề sau:

  • Không thêm đường, sữa có đường hay loại chất tạo ngọt nào khác.
  • Không nên uống cà phê khi bụng đói vì dễ gây tăng đường huyết đột ngột và ảnh hưởng đến dạ dày. Nên uống cà phê sau bữa ăn sáng 30 - 60 phút. Người bệnh cần theo dõi đường huyết sau uống để biết phản ứng cơ thể.

3.2. Thức uống thay thế cà phê dành cho bệnh nhân tiểu đường

Thay vì sử dụng cà phê, người bị tiểu đường có thể tham khảo các thức uống lành mạnh như:

  • Trà xanh

Trà xanh chứa chất chống oxy hóa EGCG, có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa glucose, chống viêm và có lợi cho tim mạch. Người bị tiểu đường nên uống trà xanh pha loãng và không thêm đường.

  • Trà gừng

Gừng có thể hỗ trợ ổn định đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin. Trà gừng ấm cũng tốt cho đường tiêu hóa. Người bị tiểu đường uống trà gừng không uống quá đặc và không thêm đường.

  • Trà quế

Quế có thể làm tăng độ nhạy insulin và hỗ trợ giảm đường huyết tự nhiên. Vì thế, người bị tiểu đường có thể đun sôi thanh quế khô với nước trong 5 phút sau đó để nguội và uống như uống trà.

  • Nước đậu đen rang

Đậu đen có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt và cân bằng đường huyết. Người tiểu đường có thể dùng nước đậu đen rang thay cà phê để có thức uống thơm nhẹ mà không lo ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

  • Sữa hạt không đường

Các loại sữa đậu nành, sữa hạt điều, sữa hạnh nhân,... không đường chứa chất béo tốt, giàu dinh dưỡng và rất ít calo. Bệnh nhân tiểu đường có thể uống sữa hạt không đường vào buổi sáng để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về loại cà phê dành cho người tiểu đường để chọn được thức uống phù hợp

4. Một số câu hỏi khác về cà phê được bệnh nhân tiểu đường quan tâm

  • Người tiểu đường có nên uống cà phê vào buổi tối không?

Bệnh nhân tiểu đường không nên uống cà phê buổi tối vì caffeine trong cà phê có thể gây mất ngủ và tăng nhịp tim, ảnh hưởng đến huyết áp và quá trình kiểm soát đường huyết.

  • Cà phê có làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng tiểu đường không?

Nếu uống quá nhiều và dùng cà phê kèm đường, kem béo, thức uống này có thể làm tăng đường huyết, tăng huyết áp, theo thời gian sẽ trở thành nguyên nhân gián tiếp gây biến chứng tiểu đường. Nếu uống cà phê đen không đường điều độ thường sẽ không làm tăng nguy cơ gặp biến chứng.

Các loại cà phê dành cho người tiểu đường trên đây tuy có thể dùng nhưng cần kiểm soát liều lượng và không cho thêm chất tạo ngọt. Để tránh lo lắng về nguy cơ cà phê làm tăng đường huyết, người bệnh có thể chọn thức uống thay thế lành mạnh như trà xanh, sữa hạt không, trà gừng,... Nếu không biết chắc trường hợp bệnh của mình có thể dùng cà phê hay không, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Quý khách hàng nếu xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ tăng đường huyết, cần thăm khám để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.