Các tin tức tại MEDlatec
Ăn khuya tốt hay hại cho sức khỏe? có bị tăng cân không?
- 03/12/2022 | Những món ăn làm tăng huyết áp nên tránh
- 12/12/2022 | Ăn gì để hết mụn - 8 thực phẩm "đánh bay" mụn bạn nên thử!
- 19/11/2022 | Bà bầu ăn hạt điều có tốt không và những điều cần lưu ý!
1. Ăn khuya là gì và tranh cãi về lợi ích - nguy hại của việc ăn khuya
Ăn khuya là bữa ăn được thực hiện sau bữa ăn tối và trước khi đi ngủ khoảng 2 - 3 giờ. Đến nay, lợi - hại từ việc ăn khuya vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng ăn khuya dễ bị tăng cân vì trong khi ngủ, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại làm calo không được chuyển hóa và dự trữ dưới dạng chất béo.
Ăn khuya lợi hay hại đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc ăn khuya không nguy hại và thậm chí còn rất tốt với cơ thể. Trong trường hợp này thì lợi ích của việc ăn khuya được lý giải rằng nó làm cải thiện chất lượng giấc ngủ và cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể trong khi ngủ.
2. Ăn khuya có hại cho sức khỏe như thế nào, có làm tăng cân không?
2.1. Ăn khuya có hại gì?
Kết quả từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí sức khỏe của Mỹ - Clinical Nutrition cho biết nếu ăn khuya đúng phương pháp có thể kiểm soát cân nặng và ổn định đường huyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ăn khuya như thế nào mới đúng.
Số đông mọi người mắc sai lầm trong khi ăn khuya gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe:
- Bị thừa cân hoặc béo phì
Một trong những nguyên nhân gây tăng cân mất kiểm soát chính là vì thói quen ăn khuya. Vào cuối ngày, quá trình trao đổi chất của cơ thể có xu hướng bị chậm lại nên khi ăn quá muộn sẽ rất khó để tiêu hóa thức ăn. Phần thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ chuyển hóa thành chất béo và dễ tích tụ ở vùng bụng dưới dạng mỡ thừa. Tình trạng này kéo dài chính là nguyên nhân gây béo phì.
- Chất lượng giấc ngủ giảm
Khi ăn khuya thường xuyên sẽ vô tình tạo áp lực khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa được thức ăn. Nếu dạ dày vẫn hoạt động như vậy thì khi ngủ cơ thể sẽ không đạt được trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn nên ngủ không ngon giấc, khó vào giấc hơn bình thường. Đặc biệt, nếu thường xuyên ăn khuya còn làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể nên dễ bị mất ngủ giữa chừng.
Ăn khuya không lành mạnh tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe
Khả năng sản xuất insulin tự nhiên của cơ thể bị giảm xuống khi ăn khuya thường xuyên. Bản thân Insulin có vai trò kiểm soát lượng đường huyết nên Insulin không đủ thì lượng đường huyết tăng cao và mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh dạ dày và vấn đề về tiêu hóa
Sau khi ăn bữa khuya nếu đi nằm ngủ ngay rất dễ bị trào ngược axit dạ dày. Chẳng những thế, việc ăn đêm còn khiến dạ dày phải làm việc nên thời gian nghỉ ngơi bị “đánh cắp”, theo thời gian dạ dày sẽ yếu dần đi. Mặt khác, ban đêm là thời điểm niêm mạc dạ dày được tái tạo, nếu ăn khuya thành thói quen sẽ khiến cho lớp này không có điều kiện được tái tạo nên ngày càng yếu đi và dễ bị viêm loét.
- Bệnh lý tim mạch
Người có thói quen ăn khuya cũng dễ bị tăng huyết áp. Nếu ngủ ngay sau khi ăn xong dễ làm máu lưu thông chậm, mỡ trong máu ngấm vào thành mạch khiến cho động mạch bị xơ vữa. Mặt khác, nếu mắc chứng trào ngược dạ dày mà vẫn ăn khuya thì các triệu chứng của bệnh có thể gây ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, ăn khuya cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2.2. Ăn khuya có làm tăng cân không?
Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn khuya là nguyên nhân sinh lý gây tăng cân. Tuy nhiên, ở một góc độ nhất định, người ăn đêm nhiều vẫn có khả năng bị tăng cân vì họ nạp thêm calo cho cơ thể. Dù ăn vào thời điểm nào thì một trong những nguyên nhân làm tăng cân chính là ăn nhiều calo hơn so với mức cơ thể tiêu hao.
Nếu muốn ăn khuya bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để an toàn cho sức khỏe
Mặt khác, thời điểm trước khi đi ngủ nhiều người cảm thấy đói và ăn khuya nên có nhiều khả năng sẽ nạp dư lượng calo hơn so với nhu cầu cơ thể cần. Có những người thức khuya vì một lý do nào đó và họ thích ăn vặt buổi đêm, thói quen này cũng có thể làm tăng cân.
Có những người thường xuyên bị đói trước khi ngủ vì cả ngày ăn rất ít. Chính vì thế mà họ thường xuyên lặp lại quy trình ăn nhiều vào buổi đêm trước khi ngủ và sáng ngày hôm sau rồi trước khi đi ngủ lại thấy đói và lại ăn nhiều. Trường hợp này ăn khuya cũng chính là nguyên nhân làm tăng cân.
3. Một số biện pháp giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn khuya
Bằng cách thực hiện một vài gợi ý dưới đây, bạn có thể sẽ kiểm soát được cảm giác thèm ăn khuya của mình vào mỗi buổi tối:
- Có một bữa sáng nhiều calo để tạo cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ngọt và ăn nhiều vào buổi đêm.
- Ăn đủ bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng vào ban ngày để không cảm thấy khó ngủ và phải thức dậy vào buổi đêm vì đói
- Chia các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để kiểm soát cảm giác đói và sự thèm ăn, nhất là vào buổi đêm.
- Nếu có cảm giác đói vào buổi tối, hãy ăn một bữa ăn nhẹ bằng những thực phẩm lành mạnh, giàu giá trị dinh dưỡng nhưng vẫn có hàm lượng calo thấp như: hoa quả, sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt,...
Nhìn chung, đại đa số trường hợp bị tăng cân khi ăn khuya không phải xuất phát từ quá trình trao đổi chất bị chậm lại làm tích tụ calo dưới dạng mỡ mà là do thói quen không lành mạnh và ăn vặt vào buổi đêm. Vì thế, tạo cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh, nạp calo cho cơ thể một cách khoa học thì ăn khuya chỉ là bữa ăn nhẹ không hề nguy hại.
Khả năng hấp thu và nhu cầu calo của mỗi người không giống nhau. Không phải mọi trường hợp ăn khuya đều có khả năng gây ra tác động xấu nhưng cũng có những người không nên duy trì thói quen ăn khuya. Nếu bạn có nhu cầu ăn khuya và không muốn bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì bữa ăn này, tốt nhất hãy tham khảo của chuyên gia dinh dưỡng để có được lời khuyên bổ ích.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!