Các tin tức tại MEDlatec
Áp xe hậu môn: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- 23/10/2020 | Rò hậu môn: Các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- 02/02/2021 | Phẫu thuật rò hậu môn - căn bệnh khó nói gây nhiều phiền toái
- 31/10/2020 | Những nguyên nhân gây ra bệnh Polyp ống hậu môn
1. Áp xe hậu môn là gì và nguyên nhân gây bệnh
Áp xe là kết quả của tình trạng nhiễm trùng kéo dài, khiến dịch mủ tích tụ không thoát ra ngoài được. Áp xe có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận, trong đó có hậu môn, nhất là vùng quanh hậu môn.
Khi bị nhiễm trùng, tế bào bạch cầu được hệ miễn dịch tạo ra nhiều hơn để “chiến đấu” với vi khuẩn. Khi vi khuẩn và tế bào bạch cầu chết sẽ cùng với dịch tạo thành mủ. Mủ này sẽ tích tụ trong các khoang và lỗ nhỏ ở trực tràng. Nhiễm trùng càng nặng, càng kéo dài thì nguy cơ và mức độ áp xe hậu môn càng tăng.
Nguyên nhân chủ yếu gây áp xe hậu môn là vi khuẩn đường ruột gram âm, vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn sống trong lòng ruột già hoặc sống ở ngoài da vùng mông.
Mủ áp xe do nhiễm trùng trực tràng và hậu môn gây ra
Đôi khi, những tổn thương ngoài da, vết nứt hậu môn cũng là nguyên nhân khởi phát nhiễm trùng và áp hậu môn bởi nó tạo điều kiện cho các vi khuẩn lây nhiễm gây bệnh.
2. Những triệu chứng điển hình nhất của áp xe hậu môn
Áp xe hậu môn rất dễ nhận biết, đó là cảm giác đau nhức, khó chịu vùng hậu môn, đặc biệt khi ngồi khiến hậu môn bị đè ép hoặc khi hậu môn cọ sát với quần do mặc chật. Hậu môn là nơi có nhiều dây thần kinh cảm giác, vì thế áp xe hậu môn cũng gây đau đớn rõ rệt hơn nhiều bộ phận khác.
Ngoài ra, tình trạng đau nhói có thể đi kèm với chảy máu, chảy mủ khi đi nặng, nhất là táo bón khiến phân cứng cọ xát vào vùng bị áp xe. Nếu áp xe nằm sâu bên trong, triệu chứng cơ thể sẽ rõ ràng hơn với cảm giác ớn lạnh, sốt, khó chịu, cơ thể mệt mỏi,…
Tuy vậy, vẫn có nhiều trường áp xe hậu môn với triệu chứng vô cùng nghèo nàn, có thể chỉ sốt nhẹ khiến người bệnh không biết mình mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp áp xe hậu môn khi phát hiện và điều trị tích cực, bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng và không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên số ít trường hợp áp xe hậu môn có thể tiến triển thành áp xe nang lông, viêm mủ da cạnh hậu môn, viêm tuyến bã cạnh hậu môn,… gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Áp xe hậu môn có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh
3. Phương pháp điều trị bệnh áp xe hậu môn hiệu quả
Hầu hết các trường hợp bệnh dễ dàng chẩn đoán qua kiểm tra kiểm tra lâm sàng, tuy nhiên 1 số trường hợp vẫn cần chẩn đoán phân biệt và đánh giá bệnh bằng xét nghiệm. Một số phương pháp chẩn đoán hỗ trợ tốt gồm: chụp CT, siêu âm, chụp cộng hưởng từ,… cho phép chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác nhất.
Cách điều trị tốt nhất cho bệnh áp xe hậu môn là cần phẫu thuật tháo mủ cho ổ áp xe, nhất là khi ổ áp xe vỡ. Nhiều trường hợp áp xe nặng, viêm nhiễm sâu và rộng, cần phẫu thuật gây mê để dẫn mủ triệt để.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau. Trong 1 số trường hợp hệ miễn dịch tốt, kháng sinh không cần thiết phải dùng kéo dài. Nếu bệnh nhân bị táo bón hoặc mắc chứng khó đại tiện, bệnh có thể tiến triển lâu hơn, bác sĩ sẽ xem xét cho sử dụng thuốc làm mềm phân.
Cách điều trị tốt nhất cho bệnh áp xe hậu môn là cần phẫu thuật tháo mủ cho ổ áp xe
Sau phẫu thuật, bệnh có thể tái phát, nguyên nhân có thể là do:
Dùng kháng sinh chưa đủ liều
Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng gây bệnh, vì thế nếu dùng kháng sinh chưa đủ liều hoặc không đủ mạnh, chúng sẽ tiếp tục phát triển gây nhiễm trùng và hình thành ổ áp xe mới.
Không kiên trì điều trị
Điều trị bằng thuốc Tây y có tác dụng nhanh, triệu chứng vì thế cũng biến mất nhanh chóng, tuy nhiên điều này không có nghĩa là tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn và ổ áp xe đã hồi phục. Cần điều trị kiên trì theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt nếu điều trị bằng bài thuốc Đông y hoặc dân gian, tác dụng có thể chậm hơn nên cần kiên trì hơn.
Chưa hút hết dịch mủ
Phẫu thuật chưa đúng quy trình hoặc chưa hút hết dịch mủ trong ổ áp xe khiến cho điều trị không thể làm lành tổn thương.
Hệ miễn dịch kém
Người bệnh có hệ miễn dịch kém cần dùng liều kháng sinh kéo dài hơn để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, tránh tái nhiễm trùng trở lại.
Áp xe hậu môn tái phát nhiều lần và kéo dài thường tiến triển nặng và khó điều trị hơn. Vì thế ngay khi phát hiện bệnh, nên điều trị tích cực và dứt điểm.
4. Sinh hoạt lành mạnh để giảm tiến triển và ngăn ngừa áp xe hậu môn tái phát
Áp xe hậu môn hoàn toàn có thể được đẩy lùi nhanh chóng hơn, giảm nguy cơ tái phát với các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:
Nên hạn chế quan hệ tình dục khi điều trị áp xe hậu môn
-
Quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su.
-
Tránh quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
-
Chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhiều rau xanh và hoa quả tránh táo bón.
-
Vệ sinh hậu môn sạch sẽ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tiểu ra quần nên thay tã và thay quần thường xuyên.
Điều trị áp xe hậu môn không quá khó khăn, tuy nhiên bệnh dễ tái phát nếu không chăm sóc tốt. Nếu gặp phải các dấu hiệu bệnh trên, hãy sớm tới cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị, tránh để lâu vừa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống vừa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Nếu cần tư vấn thêm, tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!