Các tin tức tại MEDlatec

Áp xe phần phụ - Biến chứng có thể đe dọa tính mạng người bệnh

Ngày 20/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Áp xe phần phụ là biến chứng nguy hiểm liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm phụ khoa. Nếu không phát hiện và can thiệp điều trị sớm, tính mạng của người bệnh có nguy cơ bị đe dọa.

1. Thế nào là áp xe phần phụ? 

áp xe phần phụ là hiện tượng nhiễm trùng, tạo ra những khối viêm tại phần phụ như ống dẫn trứng, vòi trứng hoặc các cơ quan lân cận. Đây là hệ quả của một số bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa không được điều trị kịp thời và điều trị đúng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng có nguy cơ bị áp xe phần phụ. 

Áp xe phần phụ thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản 

2. Nguyên nhân

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây áp xe phần phụ là do ảnh hưởng của quá trình nhiễm trùng ngược dòng từ vùng âm đạo và cổ tử cung lên một số cơ quan ở đường sinh dục phía trên. Bao gồm buồng tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Trong đó, Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae,... là các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm vùng kín, dễ dẫn đến tình trạng áp xe. 

Ngoài ra, áp xe phần phụ có thể xuất hiện bởi những yếu tố khác như: 

  • Phụ nữ có tiền sử nạo hút thai. 
  • Đời sống tình dục không an toàn: Quan hệ với nhiều bạn tình, không dùng bao cao su
  • Ảnh hưởng của bệnh lý: Nữ giới từng bị viêm vùng chậu dễ tái phát là đối tượng có nguy cơ cao bị áp xe một số phần phụ. 
  • Đặt vòng tránh thai: Thủ thuật này có thể gây một vài biến chứng dẫn đến áp xe. 

Tình trạng viêm nhiễm phụ khoa có thể gây áp xe phần phụ 

3. Triệu chứng 

Người bị áp xe phần phụ thường biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, dễ nhận biết như: 

  • Xuất hiện cơn đau tại vùng chậu, cơn đau thường tập trung vào một bên hoặc cả hai bên và sau ra sau lưng, nhất là vùng thắt lưng.
  • Có thể sốt cao trên 38 độ C. 
  • Dịch tiết ra từ âm đạo chuyển sang màu đục kèm theo mùi hôi. 
  • Có cảm giác đau khi quan hệ. 
  • Tiểu buốt, tiểu rắt và đi tiểu nhiều lần. 
  • Trường hợp khối áp xe lớn, người bệnh có thể sờ thấy khối u mềm ở khu vực bụng dưới, khi ấn vào có thể thấy đau. 

Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, chị em tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. 

Đau vùng chậu là triệu chứng thường gặp ở người bị áp xe phần phụ 

4. Các biến chứng 

Áp xe phần phụ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng. Trong trường hợp này nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong. 

Không những vậy, tình trạng áp xe còn để lại biến chứng ảnh hưởng lâu dài về sau như vô sinh, mang thai ngoài tử cung, viêm vùng chậu thể mạn tính. 

Áp xe phần phụ có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu 

5. Chẩn đoán và điều trị 

Để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân bị áp xe phần phụ cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

5.1. Chẩn đoán 

Bên cạnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể kết hợp những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng chuyên sâu hơn. Cụ thể như: 

  • Siêu âm: Với độ nhạy từ 70% đến 80%. 
  • Soi tươi dịch mủ: Giúp phát hiện bạch cầu (nếu có). 
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính, CRP, PCT thấy tăng cao. 
  • Phân lập lậu cầu: Giúp phát hiện Chlamydia dương tính.
  • Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Áp dụng trong trường hợp khó chẩn đoán, nghi ngờ xuất hiện khối u. 

5.2. Điều trị 

Dựa vào kết quả chẩn đoán, phân loại tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ thích hợp cho người bị áp xe.

5.2.1. Điều trị nội khoa

Bệnh nhân có thể điều trị nội khoa nếu đáp ứng những điều kiện dưới đây: 

  • Huyết học động vẫn ổn định, chưa có nguy cơ bị vỡ khối áp xe. 
  • Dấu hiệu lâm sàng được cải thiện khi áp dụng điều trị kháng sinh. 
  • Đường kính của khối áp xe nhỏ hơn 7 cm. 
  • Thể trạng sức khỏe đáp ứng điều trị kháng sinh theo đường truyền tĩnh mạch.
  • Còn có nhu cầu sinh con. 

Với điều trị nội khoa, người bệnh chủ yếu được cho sử dụng kháng sinh phổ rộng. Sau 24 đến 48 giờ, bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá mức độ tiến triển. 

Trong đó, điều trị áp xe với kháng sinh thất bại là khi:

  • Bệnh nhân tiếp tục lên cơn sốt. 
  • Bệnh nhân vẫn bị đau tại vùng chậu hoặc cơn đau có xu hướng tăng. 
  • Kích thước khối áp xe tăng lên hoặc không giảm. 
  • Chỉ số bạch cầu không giảm hoặc tiếp tục tăng. 
  • Các chỉ số như CRP và PCT đều tăng. 
  • Bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm trùng máu. 

5.2.2. Phẫu thuật

Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật dẫn lưu khối áp xe, phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi. Theo đó, phẫu thuật cấp cứu thường được chỉ định khi:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu bị vỡ khối áp xe, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu. 
  • Đường kính của khối áp xe bằng hoặc lớn hơn 7cm, có dấu hiệu gây đau. 

Trong khi đó, phẫu thuật kế hoạch (hay mổ theo chương trình) sẽ được áp dụng khi:

  • Bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa bằng kháng sinh hoặc đáp ứng kém. 
  • Đường kính của khối áp xe lớn hơn hoặc bằng 7cm, chưa gây đau. 
  • Bệnh nhân không có nhu cầu có con xuất hiện khối áp xe tại phần phụ. 

Các nguyên tắc chung khi phẫu thuật khối áp xe phần phụ là: 

  • Phá bỏ áp xe, đồng thời dẫn lưu ổ bụng. 
  • Kết hợp cấy kháng sinh đồ và gửi GPBL (giải phẫu bệnh lý) mô cắt lọc. 
  • Cắt bỏ hai ống dẫn trứng và tử cung trong trường hợp người bệnh không còn nhu cầu sinh sản. 
  • Duy trì điều trị kháng sinh trước và sau khi phẫu thuật, trong đó, bệnh nhân nên dùng kháng sinh trước thời điểm phẫu thuật khoảng 2 tiếng. 

Bệnh nhân có thể phải phẫu thuật 

5.2.3. Điều trị ngoại trú

Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú nếu đáp ứng những điều kiện cơ bản sau:

  • Hết sốt sau 24 đến 48 giờ. 
  • Các xét nghiệm cho kết quả bình thường. 
  • Không còn đau bụng. 

Dù điều trị ngoại trú, bệnh nhân vẫn cần tái khám theo lịch hẹn, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh sau khi xuất viện, thời gian dùng thuốc kéo dài trong khoảng 2 tuần. Trường hợp nhận thấy bệnh lý diễn biến trầm trọng hơn, chị em phải nhanh chóng nhờ người đưa đến cơ sở y tế. 

Áp xe phần phụ có thể xuất hiện ở bất cứ ai, đặc biệt là chị em trong độ tuổi sinh sản. Do vậy, chị em nên chủ động phòng ngừa và chữa trị bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, thăm khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Nếu phân vân chưa biết nên khám ở đâu, bạn có thể lựa chọn chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Từ khoá: áp xe dùng bao cao su

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.