Các tin tức tại MEDlatec
Bàn chân bẹt ở người lớn và phương pháp điều trị
- 06/03/2023 | Chụp X-quang bàn chân bẹt
- 01/03/2024 | Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ: nhận biết bằng cách nào và điều trị ra sao?
- 02/12/2024 | Tác hại của bàn chân bẹt và biện pháp khắc phục
1. Bàn chân bẹt ở người lớn ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe?
1.1. Triệu chứng nhận diện bàn chân bẹt ở người lớn
Bàn chân bẹt là tình trạng khi bàn chân không có vòm cong tự nhiên như bình thường nên khi tiếp xúc với đất, toàn bộ lòng bàn chân sẽ chạm với mặt đất. Điều này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, nhưng ở người lớn thường do yếu tố di truyền, lão hóa hoặc các thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Bàn chân bẹt ở người lớn thường được thể hiện qua các triệu chứng:
- Khi đứng lâu một chỗ hoặc đi bộ lâu, phần lòng bàn chân và gót chân cảm thấy đau nhức.
- Cảm giác mỏi, đau nhức ở chân sau khi vận động.
- Cảm giác căng hoặc đau ở khớp cổ chân, đầu gối hoặc hông do sự thay đổi tư thế đi bộ.
- Dễ bị tổn thương hoặc mỏi chân khi đi giày cao gót hoặc giày có thiết kế không phù hợp với chân.
Hình ảnh mô phỏng sự khác biệt giữa bàn chân bẹt với bàn chân bình thường
1.2. Mức độ ảnh hưởng của bàn chân bẹt đối với người bệnh
Bàn chân bẹt ở người lớn gây ra nhiều rào cản đối với cuộc sống của bệnh nhân:
- Việc đi lại hoặc vận động thể thao gặp nhiều khó khăn.
- Đau nhức kéo dài ở lòng bàn chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như viêm khớp, tổn thương gân hoặc đau thắt lưng,... do bàn chân không thể đảm bảo được độ cân bằng tự nhiên.
- Người bệnh có thể bị nghiêng người về một phía, làm ảnh hưởng đến dáng đi và vẻ đẹp ngoại hình.
2. Phương pháp nào điều trị hiệu quả bàn chân bẹt ở người lớn?
2.1. Điều trị không can thiệp y khoa
2.1.1. Dùng dụng cụ hỗ trợ
Một trong những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để điều trị bàn chân bẹt ở người lớn là sử dụng giày hoặc lót giày hỗ trợ vòm bàn chân.
Các loại giày chỉnh hình có thể giúp hỗ trợ các vùng yếu hoặc bị xẹp của bàn chân, nâng đỡ chân và giảm đau. Đây là loại giày được thiết kế đặc biệt để tạo ra vòm chân và giảm áp lực lên các khớp.
Ngoài giày, lót giày cũng là một giải pháp hiệu quả giúp hỗ trợ vòm bàn chân, giảm đau và tăng cường sự thoải mái ở chân cho người bệnh.
Giày và miếng lót hỗ trợ bàn chân bẹt ở người lớn
2.1.2. Bài tập luyện cơ chân
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp và dây chằng ở chân có thể cải thiện vòm chân và giảm tình trạng bẹt chân như:
- Tập cuộn ngón chân: Trên tư thế ngồi, hãy cúi ngón chân xuống và cuộn các ngón chân lại sau đó thả ra.
- Bài tập nhón gót chân: Đứng thẳng, từ từ nhón gót lên rồi hạ xuống, thực hiện 10 - 15 lần/ngày.
- Đi bộ trên bề mặt không bằng phẳng: Giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bàn chân, tạo sự dẻo dai và linh hoạt cho hoạt động của chân.
2.1.3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị không xâm lấn để cải thiện tình trạng bàn chân bẹt ở người lớn. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập giúp tăng cường cơ bàn chân, hỗ trợ cải thiện độ vòm của chân như:
- Bài tập tăng cường cơ chân: Các bài tập như uốn cong và giãn cơ, đi bộ bằng mũi chân có thể giúp cơ chân khỏe mạnh và giúp khôi phục phần vòm chân.
- Massage chân: Hỗ trợ làm giảm căng thẳng và mỏi cho bàn chân.
2.2. Can thiệp y khoa
- Dùng thuốc
+ Thuốc giảm đau và kháng viêm
Trong trường hợp người bệnh bị đau nhức do bàn chân bẹt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Người bị viêm gân, viêm khớp do bàn chân bẹt có thể sẽ được kê đơn thuốc kháng viêm không steroid.
- Phẫu thuật
Điều trị bàn chân bẹt ở người lớn bằng phẫu thuật thường được cân nhắc khi các triệu chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh hoặc các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật chỉnh hình bàn chân có thể giúp phục hồi lại vòm bàn chân và giảm triệu chứng đau. Phẫu thuật này được thực hiện để cải thiện khả năng nâng đỡ và củng cố các cấu trúc của bàn chân, tạo ra vòm tự nhiên cho bàn chân.
Hướng điều trị bàn chân bẹt ở người lớn được bác sĩ cân nhắc tùy theo mức độ ảnh hưởng của bệnh
3. Phòng ngừa bàn chân bẹt ở người lớn bằng cách nào?
Để phòng ngừa bàn chân bẹt, trước tiên, mỗi cá nhân cần duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách:
- Giữ trọng lượng cơ thể ổn định để không trong tình trạng tăng cân quá mức gây áp lực lên bàn chân, khiến bàn chân dễ bị bẹt dần theo thời giàn.
- Tích cực thực hiện các bài tập tăng cường cơ chân như đi bộ, chạy bộ, yoga,... để duy trì sức khỏe nói chung và bàn chân nói riêng.
- Không giữ tư thế đứng một chỗ quá lâu. Nếu bắt buộc phải đi bộ hay đứng quá lâu thì cần thường xuyên đổi tư thế để không dồn áp lực nhiều cho bàn chân.
- Đi giày đúng kích cỡ, tránh đi giày cao gót quá lâu và không đi giày đế cứng để tránh tăng áp lực cho bàn chân.
- Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của chân, nhất là khi cảm thấy đau nhức, hay có biểu hiện bất thường để dự phòng và điều trị kịp thời các bệnh lý có thể gặp phải.
Bàn chân bẹt ở người lớn cần được điều trị để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cuộc sống và sức khỏe. Khi được can thiệp đúng phương pháp, kịp thời, các hệ lụy của bàn chân bẹt có thể được kiểm soát, chức năng bàn chân dần được khôi phục để người bệnh có cuộc sống thoải mái hơn.
Quý khách hàng đang gặp phải các vấn đề về xương khớp có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!