Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh đậu mùa khi lây qua đường nào - biết để phòng tránh
Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào - biết để phòng tránh
Bệnh đậu mùa khỉ có tính chất lây truyền nhanh chóng, gây nên các triệu chứng đau đớn, khó chịu và tổn thương da nghiêm trọng. Quan tâm đến vấn đề bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào là cách để mỗi cá nhân biết và chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh lý này.
1. Đôi nét khái quát về bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ là căn bệnh ít gặp trước đây do virus monkeypox gây ra. Loại virus này thường gây bệnh ở các loài gặm nhấm hoặc các loài linh trưởng và có thể lây sang người. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ không diễn tiến nặng nhưng các trường hợp mắc bệnh là người bị suy yếu hệ miễn dịch, trẻ em và người già thì có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
Hình ảnh mô phỏng đặc trưng của nốt mụn đầu khỉ
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường khởi phát bằng tình trạng sổ mũi, ho khan, đau họng và đôi khi có sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, nhưng có thể có những trường hợp nặng nề hơn, đặc biệt là khi bệnh lan đến đường hô hấp dưới.
Khoảng 1 - 4 ngày sau khi sốt, người bệnh sẽ nổi phát ban trên da. Phát ban thường xuất hiện đầu tiên ở mặt, tay hoặc chân, sau đó lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Nốt ban do đậu mùa khỉ gây ra tiến triển qua nhiều giai đoạn. Ban đầu chỉ là ban đỏ phẳng trên da nhưng sau đó chúng biến thành mụn nước và chứa đầy mủ bên trong. Cuối cùng, trong khoảng 2 - 4 tuần, nốt mủ sẽ tự đóng vảy và bong ra để hình thành lớp da mới.
2. Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Biết được đậu mùa khỉ lây qua đường nào có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn hiệu quả sự lây lan bệnh lý này trong cộng đồng. Các con đường lây lan bệnh đậu mùa khỉ gồm:
2.1. Tiếp xúc thân mật giữa người - người
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan sang bất kỳ ai thông qua tiếp xúc gần gũi, thường xuyên qua hình thức da kề da, bao gồm:
+ Tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn đậu khỉ của người bị bệnh.
+ Tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết đường hô hấp trên và các khu vực xung quanh hậu môn, trực tràng hoặc âm đạo của người bệnh. Sự tiếp xúc trực tiếp này có thể xảy ra trong quá trình tiếp xúc thân mật như: quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người mắc bệnh.
+ Tiếp xúc với nước bọt, giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi, ho.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai hoặc lây cho trẻ sơ sinh khi mẹ tiếp xúc gần gũi với con.
Cách thức lây truyền đậu mùa khỉ giữa người với người
2.2. Chạm vào đồ vật
Khi tìm hiểu đậu mùa khỉ lây qua đường nào có thể thấy việc lây lan qua tiếp xúc với bề mặt các đồ vật có chứa virus sẽ có ít khả năng xảy ra hơn so với tiếp xúc người - người nhưng vẫn khó tránh. Đậu mùa khỉ có thể lây lan khi chạm vào các đồ vật, vải và bề mặt mà người bị bệnh đã sử dụng và không được khử trùng.
2.3. Tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh
Một số động vật có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vậy khi người tiếp xúc với động vật thì đậu mùa khỉ lây qua đường nào? Nếu có sự tiếp xúc gần gũi với động vật mang mầm bệnh thì con người có thể bị nhiễm bệnh. Điều này có nhiều khả năng xảy ra với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật gặm nhấm và loài linh trưởng.
Một người có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nếu họ chạm vào vết phát ban, vảy, lớp vỏ, nước bọt hoặc chất lỏng khác từ động vật bị nhiễm bệnh. Ở những vùng có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành, người ta có thể bị nhiễm bệnh sau khi săn bắn, đánh bẫy hoặc chế biến động vật hoang dã bị nhiễm bệnh.
Các hoạt động có thể làm lây lan virus đậu mùa khỉ từ động vật bị nhiễm bệnh sang người gồm:
- Ăn thịt thú rừng nấu chưa chín.
- Săn bắt và chế biến động vật để tiêu thụ.
- Tiếp xúc với chất dịch cơ thể, chẳng hạn như khi dọn dẹp xác chết của động vật.
- Chạm vào hoặc xử lý động vật sống hoặc chết, đặc biệt nếu có vết cắn hoặc vết trầy xước trên da trong khi xử lý chúng.
Ít có khả năng bị nhiễm đậu mùa khỉ từ thú cưng, nhưng thú cưng có thể bị nhiễm bệnh và lây lan sang người khi tiếp xúc gần gũi như vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, liếm và chia sẻ chỗ ngủ hoặc thức ăn.
Hình ảnh giúp trả lời câu hỏi đậu mùa khỉ lây qua đường nào
3. Biện pháp phòng ngừa bị lây nhiễm virus đậu mùa khỉ
Khi đã biết được bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào thì bạn có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh lý này bằng cách:
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị phát ban trông giống như bị đậu mùa khỉ.
- Tránh tiếp xúc với quần áo, ga trải giường, chăn hoặc các vật dụng khác đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Tránh tiếp xúc với người đã được chẩn đoán mắc bệnh hoặc đang nghi ngờ bị bệnh đậu mùa khỉ.
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng có chứa cồn.
- Tránh tiếp xúc với các loài linh trưởng và động vật gặm nhấm hay tiêu thụ thực phẩm từ chúng.
- Để giảm nguy cơ lây nhiễm và lây lan virus đậu khỉ thì việc chung thủy với một bạn tình là điều nên làm. Ngoài ra, trong khi quan hệ tình dục cũng nên dùng bao cao su để đảm bảo an toàn trước nguy cơ lây nhiễm bệnh lý này.
Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn biết được đậu mùa khỉ lây qua đường nào. Nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh được khuyến cáo là giải pháp duy nhất để để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước những con đường lây nhiễm này.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ hay cần đến sự trợ giúp y tế để đối phó với bệnh, quý khách hàng có thể gọi ngay đến hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giúp đỡ nhanh chóng, chính xác.
BS Vân đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!