Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh động mạch chủ - biểu hiện và phương hướng xử trí
- 30/05/2022 | Những lưu ý không nên bỏ qua về bệnh hẹp eo động mạch chủ
- 10/01/2023 | Động mạch cảnh là gì? Các triệu chứng của bệnh động mạch cảnh
- 03/12/2022 | Bụng có nhịp đập - cảnh giác với phình động mạch chủ bụng
1. Động mạch chủ - thuật ngữ và giải phẫu sinh học
1.1. Khái niệm động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch chính lớn nhất của cơ thể, hình dáng giống cây gậy, khởi điểm từ tâm thất trái của tim sau đó chạy một vòng chữ U đi lên ngực trên rồi kết thúc ở quanh vùng rốn và chia ra thành 2 động mạch nhỏ. Nhiệm vụ của động mạch chủ là phân phối máu đến tất cả bộ phận của cơ thể thông qua hệ tuần hoàn.
Động mạch chủ là động mạch chính, đưa máu đi khắp các bộ phận của cơ thể
1.2. Giải phẫu sinh học động mạch chủ
Động mạch chủ được phân thành 2 đoạn:
- Động mạch chủ ngực: tại đây động mạch chủ sẽ chia ra thành quai động mạch chủ, các đoạn động mạch chủ lên và xuống. Đoạn quai động mạch chủ sẽ cho ra các nhánh động mạch ở cánh tay đầu.
- Động mạch chủ bụng: gồm đoạn động mạch chủ phía trên và phía dưới thận.
Động mạch chủ giữ vai trò thiết yếu đối với duy trì vòng tuần hoàn máu trong thời kỳ tâm trương sau khi được đẩy vào động mạch chủ do tâm thất trái ở thời kỳ tâm thu.
2. Các bệnh lý động mạch chủ và biểu hiện
2.1. Bệnh lý động mạch chủ
Những bệnh lý xảy ra ở động mạch chủ gồm:
- Bệnh van động mạch chủ: hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ hai mảnh.
- Bệnh phình động mạch chủ: tại thành động mạch chủ sẽ có một chỗ bị phình ra bất thường. Cũng chính khối phình này được xem là điểm yếu của động mạch chủ, nó có thể vỡ ra gây xuất huyết nội nguy hiểm đến sự sống.
- Bệnh phình bóc tách động mạch chủ: xảy ra khi các lớp tế bào của thành động mạch bị rách khởi đầu ở nội mạc tạo nên “lòng giả” và có thể phát triển to dần sau đó vỡ ra.
- Bệnh xơ vữa động mạch (tắc nghẽn động mạch, xơ cứng động mạch): do chất béo và cholesterol tích tụ trong thành động mạch kết hợp với huyết áp cao gây ra. Nếu bị xơ vữa động mạch nhiều thì thành động mạch rất dễ bị tổn thương.
Xơ vữa động mạch - bệnh lý động mạch chủ hay gặp
- Bệnh viêm động mạch chủ: viêm nhiễm, điển hình như viêm động mạch Takayasu dễ làm chặn dòng chảy của máu đi qua động mạch chủ, kết quả là thành động mạch chủ bị suy yếu.
- Bệnh rối loạn mô liên kết: mắc hội chứng Marfan, Ehler-Danlos, các bệnh rối loạn mô liên kết di truyền có thành động mạch chủ yếu nên dễ bị rách hoặc vỡ.
2.2. Biểu hiện thường gặp ở bệnh lý động mạch chủ
Tùy thuộc vào dạng tổn thương mà biểu hiện của bệnh động mạch chủ ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Nếu bị phình động mạch chủ bụng thì hầu như không có triệu chứng mà thường phát hiện tình cờ qua siêu âm ổ bụng hoặc bỗng nhiên người bệnh thấy có khối đập theo nhịp tim ở vùng quanh rốn.
Bị viêm tắc động mạch chi dễ gây ra cơn đau và khiến cho việc đi lại trở enne khó khăn, một số người đột ngột bị thiếu máu cấp tính ở chân. Những trường hợp này người bệnh hay đi khám xương khớp vì bị đau dọc chân, đau cột sống thắt lưng hoặc có dấu hiệu đi cách hồi. Bác sĩ gọi là đây là đau kiểu giả rễ gốc xuất phát từ mạch máu.
3. Phương pháp điều trị bệnh động mạch chủ và biện pháp phòng ngừa
3.1. Điều trị
Mọi bệnh lý động mạch chủ đều có khả năng đe dọa đến tính mạng của người bệnh nên cần được điều trị sớm. Tùy vào vị trí giải phẫu mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, có 4 hướng điều trị như sau:
- Điều trị nội khoa
Do tính chất phức tạp của bệnh lý động mạch chủ nên việc điều trị nội khoa rất cần thiết với những trường hợp chưa cần mổ, thậm chí dù đã can thiệp mổ thì vẫn cần duy trì điều trị nội khoa. Việc điều trị chủ yếu nhằm làm hạ huyết áp và giảm nguyên nhân gây ra bệnh.
Tùy vào bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị bệnh động mạch chủ phù hợp
- Điều trị phẫu thuật truyền thống
Có thể tiến hành thay đoạn nhân tạo, phẫu thuật cắt đoạn,... đối với các bệnh lý quai động mạch chủ, động mạch chủ bụng phía trên thận.
- Can thiệp nội mạch
Áp dụng với các trường hợp bị chấn thương và phình động mạch chủ.
- Điều trị Hybrid
3.2. Phòng ngừa
Các bệnh lý động mạch chủ có thể được phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ mắc bằng cách:
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhất là những trường hợp có tiền sử bệnh huyết áp.
- Thay đổi lối sống:
+ Dừng hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc, không uống rượu bia và những loại đồ uống chứa cồn.
+ Không ăn hoặc hạn chế tối đa thực phẩm có nhiều muối, dầu mỡ, đường, đồ ăn nhanh.
+ Tăng cường bổ sung trái cây, rau củ quả, thực phẩm giàu chất xơ.
+ Nếu bị thừa cân cần giảm cân khoa học.
+ Tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh và vừa sức.
+ Chủ động kiểm tra, điều trị hiệu quả các bệnh lý mạch vành.
+ Có lối sống khoa học, tránh căng thẳng hay lo âu quá mức.
Hầu hết các bệnh lý động mạch chủ đều diễn biến tương đối nhanh và nguy hiểm nên việc phát hiện để điều trị hiệu quả là cần thiết. Trong số các bệnh lý động mạch chủ thì bóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ bụng là dễ gặp nhất đồng thời cũng có nguy cơ tử vong cao hơn cả vì bị vỡ phình động mạch chủ.
Người có tiền sử bệnh huyết áp, người cao tuổi là những đối tượng nên ưu tiên khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các kiểm tra cần thiết để kịp thời phát hiện các bệnh lý động mạch chủ và có phương án xử lý phù hợp, ngăn chặn nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Để tầm soát bệnh động mạch chủ, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thông qua hotline 1900 56 56 56. Tại đây, quý khách sẽ được các bác sĩ đầu ngành trực tiếp khám, chỉ định những kiểm tra cần thiết và giải đáp chi tiết tình trạng sức khỏe, nếu cần thiết bác sĩ cũng sẽ đưa ra phương án tốt nhất để giúp quý khách được xử trí bệnh một cách hiệu quả.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!