Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh gout và những điều cần biết

Ngày 27/03/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Bệnh gout (hay gút) là một trong những bệnh điển hình của xương khớp liên quan đến sự chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Theo thời gian, người mắc bệnh gút ngày càng có xu hướng tăng lên và trẻ hóa. Vậy bệnh gút nguy hiểm như thế nào và đâu là nguyên nhân gây ra bệnh? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức liên quan đến bệnh cho những ai quan tâm.

1. Tìm hiểu về bệnh gout và mức độ nguy hiểm

Bệnh gout có rất nhiều tên gọi, Việt Nam gọi là gút, Pháp gọi là Goutte còn Trung Quốc gọi là thống phong. Đây là một dạng viêm khớp gây sưng đỏ và những cơn đau dữ dội, đột ngột tại một số vị trí khớp trên cơ thể, đặc biệt là ở ngón chân cái, mắt cá chân, cổ tay, bàn tay, khuỷu tay. Bệnh xảy ra liên quan đến sự chuyển hóa của acid uric trong cơ thể. Không những thế, bệnh gút có khả năng tái phát cao, đặc biệt là khi gặp điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh.

Theo những nghiên cứu cho thấy, nam giới dễ mắc bệnh gút hơn so với nữ giới, đặc biệt là nam giới từ 30 đến 60 tuổi. Với xu hướng phát triển ngày nay, thói quen ăn uống và sinh hoạt thay đổi kéo theo sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh gút và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gout gây ra những cơn đau đớn khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân có thể hoàn toàn được chữa khỏi và ngăn ngừa tái phát nếu có phương pháp điều trị đúng, kịp thời và có một thói quen sống lành mạnh hơn.

bệnh gout liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong máu

2. Nguyên nhân gây nên bệnh gút

Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Ở một cơ thể khỏe mạnh, acid uric chính là sự phân hủy sinh lý của nhân purin có trong DNA và RNA. Sau khi được hình thành, acid uric đi vào máu và được lọc ở thận để thải ra bên ngoài. Nếu vì một lý do nào đó khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao hoặc không thể thải trừ ra bên ngoài, chúng sẽ được tích tụ lại dưới dạng các tinh thể (urat) bên trong các mô của cơ thể, đặc biệt là các xoang khớp. Hậu quả là dẫn đến viêm, đau nhức khớp, đó là bệnh gout.

Bệnh gút có thể là do di truyền hoặc do sự tác động của các yếu tố bên ngoài làm thay đổi sự sản xuất và đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Một số yếu tố dưới đây có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh gút:

  • Các bệnh lý tại thận (suy thận, viêm cầu thận,…) làm giảm chức năng lọc thải acid uric ra khỏi cơ thể khiến sự tích tụ acid uric ngày ngày nhiều.

  • Các bệnh lý về tim mạch: huyết áp cao, bạch cầu cấp,…

  • Dung nạp quá nhiều thực phẩm giàu đạm động vật, các thực phẩm chứa nhiều purin, đặc biệt là hải sản, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, nấm,…

  • Người thường xuyên sử dụng rượu bia và các chất kích thích cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gút.

  • Một số thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ acid uric trong máu: thuốc ức chế tế bào điều trị các bệnh ác tính, Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị cao huyết áp,…

  • Tuổi tác và giới tính cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn nữ giới, đặc biệt là trong độ tuổi 30 - 60.

  • Người thân trong gia đình có tiền sử bị gout.

Ăn nhiều hải sản gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout

3. Triệu chứng bệnh gút

Bệnh gout có thể dễ dàng nhận biết qua các triệu chứng lâm sàng dưới đây:

  • Xuất hiện các cơn đau khớp dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.

  • Khớp có dấu hiệu viêm, sưng đỏ, cảm giác nóng quanh khớp và khi chạm vào rất đau.

  • Đau khớp trong cơn gút cấp thường kéo dài từ 5 - 7 ngày rồi giảm dần. Hết cơn khớp trở lại hoàn toàn bình thường.

  • Bệnh nhân bị giới hạn vận động bởi những cơn đau.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bản thân mắc bệnh gút, bạn cần gặp bác sĩ sớm để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác nhận kết quả. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh gút bao gồm: xét nghiệm máu, chụp X - quang, siêu âm, kiểm tra dịch lỏng khớp. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt với một số biến chứng của bệnh.

Bệnh gout điển hình bởi những cơn đau khớp dữ dội và đột ngột

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh gút bạn nên biết:

  • Bệnh tái phát: Sau khi điều trị khỏi, bệnh gút vẫn có thể tái phát và gây nhiều cơn đau cho bệnh nhân. Nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời có thể gây phá hủy khớp của bạn.

  • Bệnh tiến triển hình thành các cục tophi trong khớp. Nguyên nhân là do bệnh không được điều trị triệt để, có thể thấy các hạt tophi ở sụn vành tai, khủy tay, ngón chân, gót chân, mu bàn chân, gân Achille, có thể xuất hiện cứng khớp, sưng khớp gây biến dạng, hạn chế vận động khớp.

  • Sỏi thận: Nếu các tinh thể urat quá nhiều sẽ gây tổn hại đến thận của bạn, chúng tích tụ tại thận và hình thành nên sỏi đường tiết niệu.

4. Điều trị bệnh gút

Điều trị bằng thuốc

Đây là liệu pháp cần thiết để điều trị dứt điểm bệnh gút. Tùy từng mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Bệnh nhân cần chú ý uống thuốc đều đặn, đúng giờ và uống đúng liều. Nếu gặp vấn đề gì trong sử dụng thuốc thì cần báo ngay với bác sĩ, không nên tự ý thay đổi thuốc điều trị. Thông thường đơn thuốc điều trị bệnh gút sẽ bao gồm:

  • Thuốc giảm đau giúp ngăn ngừa cơn đau gout cấp tính.

  • Thuốc chống viêm như ibuprofen, natri naproxen, indocin, celecoxib,…

  • Thuốc ức chế sản sinh acid uric và thuốc tăng đào thải acid uric.

Chế độ sinh hoạt

Chỉ điều trị bằng thuốc thôi chưa đủ, bệnh nhân cần kết hợp với một lối sống lành mạnh khoa học để đẩy lùi bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát về sau. Dưới đây là các thói quen sống bệnh nhân nên thực hiện.

  • Hạn chế đến mức thấp nhất các thực phẩm chứa nhiều purin và đạm động vật. Bổ sung nhiều rau xanh và uống nhiều nước.

  • Hạn chế sử dụng rượu bia, các thức uống có cồn khác và các chất kích thích.

  • Sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

  • Tập thể dục thường xuyên, ngăn ngừa thừa cân, béo phì.

Người bị gút cần kiêng ăn các thực phẩm giàu đạm như nội tạng động vật

Bệnh gout là một bệnh xương khớp nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cần có một chế độ sinh hoạt khoa học để phòng trị bệnh gút hiệu quả nhất.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.