Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh mộng du là gì, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 19/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mộng du khiến người bệnh có thể di chuyển, nói chuyện hay làm việc giống như khi đang thức nhưng không hề nhận thức được điều này. Mộng du không phải là căn bệnh hiếm gặp song không nhiều người thực sự hiểu rõ về bệnh, khiến người bệnh và những người xung quanh phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn. Vậy cụ thể bệnh mộng du là gì?

1. Chuyên gia tư vấn: bệnh mộng du là gì?

Bệnh mộng du trong khoa học được gọi là somnambulism, được xếp vào nhóm các rối loạn giấc ngủ. Người mắc bệnh có thể làm nhiều việc khi đang ngủ như: mặc quần áo, nói chuyện, lái xe, ăn uống,...

Bệnh mộng du là gì? Mộng du là bệnh rối loạn giấc ngủ gây nhiều phiền toái

Cơn mộng du thường xuất hiện trong khoảng từ 1 - 2 giờ sau khi người bệnh ngủ, trung bình kéo dài khoảng 30 phút mỗi lần. Mặc dù làm việc, hành động giống như lúc tỉnh nhưng người mộng du có nét mặt trống rỗng, đôi mắt mở vô hồn. Người khác khi gặp người đang mộng du sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi.

Khi đang mộng du, rất khó để đánh thức họ, kể cả khi thức giấc, người bệnh thường không nhớ đến điều mà mình làm vào đêm hôm trước. Mộng du sẽ trở thành vấn đề, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu thường xuyên xảy ra với những triệu chứng như:

  • Tần suất bị mộng du của người bệnh cao, nhiều hơn 1 - 2 lần mỗi tuần.

  • Mộng du ảnh hưởng tới giấc ngủ của những người khác trong gia đình hoặc khiến người bệnh lo lắng, xấu hổ.

  • Người bị mộng du gây ra nhiều hành vi nguy hiểm, gây thương tích cho bản thân hoặc những người xung quanh.

  • Tình trạng mộng du kéo dài nhiều năm, không có dấu hiệu suy giảm.

Mộng du khá phổ biến ở trẻ nhỏ

Tỉ lệ mắc bệnh mộng du chiếm khoảng từ 1 - 15% dân số tùy từng quốc gia, phổ biến nhất vẫn là trẻ em có độ tuổi từ 3 đến 7. Ở trẻ em, mộng du thường liên quan đến chứng đái dầm, nhưng khi trẻ lớn hơn triệu chứng sẽ dần biến mất.

2. Nguyên nhân nào khiến cho bạn bị mộng du?

Ở trẻ nhỏ, chứng mộng du có liên quan khiến trẻ bị đái dầm có nguyên nhân là do hệ thần kinh ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khiến trẻ chưa thể duy trì giấc ngủ sâu suốt đêm. Tỉ lệ mắc chứng bệnh này ở trẻ vì vậy khá cao, chiếm khoảng 29% với các trẻ từ 2 - 13 tuổi.

Ở người trưởng thành, tỉ lệ mắc bệnh mộng du thấp hơn, tuy nhiên thường triệu chứng kéo dài và nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau, phổ biến như: môi trường ngủ quá ồn ào, chênh lệch múi giờ do phải di chuyển giữa các quốc gia, tình trạng thiếu ngủ, căng thẳng, mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.

Ngoài ra, chứng mộng du còn liên quan đến các tác nhân khác như: thuốc ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đau nửa đầu, hội chứng chân không yên, tiền sử chấn thương đầu,...

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ phát sinh chứng rối loạn giấc ngủ này như:

  • Nguyên nhân do di truyền: khi cả bố và mẹ hoặc một trong hai người bị mộng du khi còn nhỏ hoặc trưởng thành, trẻ sinh ra có tỉ lệ bị rối loạn giấc ngủ này gấp nhiều lần.

  • Tuổi tác: Trẻ nhỏ là đối tượng thường mắc mộng du nhất, tình trạng sẽ cải thiện dần khi trẻ lớn lên và hệ thống thần kinh phát triển hoàn thiện hơn.

Mộng du là bệnh có liên quan đến di truyền

3. Điều trị và ngăn ngừa mộng du như thế nào?

Để ngăn chặn và điều trị chứng mộng du, cần xác định và điều trị từ nguyên nhân kết hợp với các thói quen ngủ lành mạnh. Cụ thể như sau:

3.1. Điều trị bệnh lý có liên quan đến chứng mộng du

Mộng du có thể xuất phát từ các bệnh lý có trước, khi đó sẽ cần điều trị triệt để những bệnh lý này như: bệnh tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, co giật, hội chứng chân không yên,...

Nếu người bị mộng du có nguy cơ làm ra hành động nguy hiểm, tự làm thương bản thân hoặc những người trong gia đình, gây buồn ngủ, thiếu tỉnh táo vào ban ngày thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc điều trị. Các thuốc thường được kê đơn bao gồm: Clonazepam, Estazolam, Trazodone… Thường có thể ngưng dùng thuốc sau điều trị vài tuần và khi mộng du không còn tái phát.

3.2. Kỹ thuật thư giãn, hình ảnh tinh thần và đánh thức dự đoán

Những phương pháp này được ưu tiên hơn trong điều trị mộng du lâu dài do ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tạo thói quen ngủ tốt.

Phương pháp đánh thức dự đoán bao gồm: đánh thức trẻ hoặc người trưởng thành mắc bệnh trước thời điểm của cơn mộng du thông thường từ 15 - 20 phút. Trong khoảng thời gian của cơn mộng du bình thường, người bệnh được giữ cho tỉnh táo và sau đó có thể ngủ bình thường. Đây cũng là thói quen được nhiều người lựa chọn để giảm tình trạng mộng du.

Mộng du có thể được điều trị bằng kỹ thuật thư giãn

Kỹ thuật thư giãn và hình ảnh tinh thần được thực hiện bởi các nhà trị liệu hành vi hoặc thôi miên, sẽ tác động đến tinh thần của người bệnh để cải thiện bệnh. Trong suốt quá trình điều trị, chuyên gia sẽ theo dõi để thay đổi điều trị nếu không hiệu quả.

3.3. Biện pháp ngăn chặn mộng du

Các thói quen và biện pháp cải thiện giấc ngủ sau có thể giảm chứng mộng du cũng như hậu quả của chứng bệnh này:

  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày, tránh ngủ quá khuya và thời gian ngủ quá ít trong thời gian dài.

  • Thư giãn tinh thần trước khi ngủ bằng cách tắm nước ấm, ngâm chân, massage chân, đọc sách, nghe nhạc hay nói chuyện với mọi người, tránh sử dụng thiết bị điện tử kéo dài.

  • Tạo môi trường an toàn, thoải mái, thoáng mát khi ngủ, loại bỏ những vật dụng xung quanh có thể khiến người mộng du gây tổn thương cho bản thân hay những người xung quanh.

Mộng du kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người bệnh

Khi chứng mộng du gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh và người xung quanh, cần liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ. Khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng, sẽ cần can thiệp y khoa cùng sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa điều trị.

Nếu cần tư vấn chi tiết hơn về bệnh mộng du là gì cũng như cần làm gì khi mắc chứng bệnh này, bạn đọc có thể liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.