Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh phong - những vấn đề ai cũng nên biết
- 29/05/2021 | Bệnh phong cùi có lây không? Phương pháp phòng ngừa bệnh như thế nào?
- 15/08/2020 | Bệnh phong có đáng sợ như bạn nghĩ hay không?
1. Nguyên nhân gây ra và dấu hiệu nhận biết của bệnh phong
1.1. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh phong?
Bệnh phong (bệnh Hansen) là dạng bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium leprae; ảnh hưởng nghiêm trọng mắt, da, niêm mạc mũi và thần kinh. Người phát hiện ra tác nhân gây bệnh là nhà bác học Na Uy mang tên Hansen vào năm 1873.
Vi khuẩn Mycobacterium leprae - tác nhân gây ra bệnh phong
Những đối tượng được xem là có nguy cơ bị bệnh phong cao thường sống ở khu vực có nhiều người mắc phải bệnh lý này. Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học còn nhận thấy rằng khuyết tật di truyền ở hệ miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, cụ thể là ở vùng Q25 của nhiễm sắc thể số 6. Những người tiếp xúc với động vật chứa vi khuẩn phong cũng có nguy cơ lây bệnh nếu không dùng găng tay bảo vệ.
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh phong ra sao?
Như đã nói ở trên, bệnh phong chủ yếu ảnh hưởng đến da, dây thần kinh tủy sống hoặc ngoại vi, niêm mạc mũi và mắt. Vì thế, dấu hiệu đặc trưng của bệnh theo vùng ảnh hưởng như sau:
- Đối với da: các vết loét khiến cho da bị biến dạng, cục hoặc u không mất đi trong suốt thời gian dài và các vết loét da màu nhạt.
- Đối với hệ thần kinh: bệnh có thể làm tổn thương dây thần kinh và gây ra dấu hiệu:
+ Chân và tay mất cảm giác.
+ Cơ bắp bị yếu.
Những dấu hiệu này thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh khoảng 3 - 5 năm, thậm chí có người không hề có biểu hiện gì sau 20 năm. Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đến khi xuất hiện dấu hiệu của bệnh gọi là giai đoạn ủ bệnh. Chính vì thời gian ủ bệnh quá dài nên bác sĩ khó xác định được thời gian và địa điểm người bệnh bị nhiễm bệnh.
2. Cách thức lây truyền và tính chất nguy hiểm của bệnh phong
2.1. Cách thức lây truyền
Chính xác bệnh phong lây truyền từ người sang người như thế nào vẫn chưa thể xác định được. Đến nay, đại đa số nhà nghiên cứu đều cho rằng bệnh bị lây nhiễm khi một người bị bệnh hắt hơi hoặc ho và người bình thường hít phải giọt bắn khi người bị bệnh thực hiện hành động đó. Tuy nhiên, phải gần gũi và tiếp xúc lâu dài với người mắc bệnh phong thì mới có thể bị lây bệnh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh phong lây qua giọt bắn của người bệnh
Bệnh phong không thể lây sang một người bình thường với các cách thức sau:
- Ôm hoặc bắt tay.
- Ngồi cạnh.
Ngoài ra, người mẹ bị phong cũng không làm lây truyền cho thai nhi được và bệnh lý này cũng không phải là bệnh lây qua đường tình dục. Nói tóm lại, vi khuẩn Hansen gây bệnh phong phát triển rất chậm và thời gian để các dấu hiệu của bệnh phát triển cũng rất lâu.
2.2. Mức độ nguy hiểm của bệnh phong
Có thể xem đây là một bệnh lý nguy hiểm bởi nguy cơ biến chứng do nó gây ra khi không được điều trị ngay gồm:
- Tại chân: nhiễm trùng thứ phát khiến cho bàn chân bị loét và người bệnh cảm thấy rất đau đớn khi đi bộ. Càng kéo dài thì tổn thương càng bị hoại tử và khiến cho người bệnh mất hoàn toàn khả năng vận động.
- Tại mắt: viêm mống mắt, giác mạc bị mất cảm giác, dễ bị tăng nhãn áp và nặng nhất là bị mù lòa.
- Tại mũi: niêm mạc mũi bị phá hủy dẫn đến xung huyết và chảy máu mạn tính. Nguy hiểm nhất là khi không được điều trị sớm vi khuẩn sẽ ăn mòn mũi và làm cho vách ngăn cũng như cấu trúc của mũi bị sụp đổ hoàn toàn.
- Tại thận: thoái hóa thận ở dạng bột dẫn đến suy thận.
- Chức năng tình dục: tăng nguy cơ rối loạn cương dương, vô sinh vì vi khuẩn gây nhiễm trùng làm cho hormone testosterone suy giảm, khả năng sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh phong như thế nào?
3.1. Chẩn đoán bệnh phong
Trường hợp nghi ngờ bệnh phong sẽ được bác sĩ lấy một mẫu nhỏ ở vùng da bị tổn thương để đưa đến phòng thí nghiệm sinh thiết tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn Hansen. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm lepromin trên da bằng cách tiêm vào da cẳng tay một lượng nhỏ vi khuẩn gây bệnh (đã bất hoạt) để định dạng bệnh; kết quả là người bị phong lao hoặc lao trung gian sẽ cho thấy dương tính ngay ở vị trí tiêm.
3.2. Điều trị bệnh phong
Trước đây, việc điều trị phong rất khó khăn và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, trải qua hai thập kỷ, bệnh lý này đã có thể chữa khỏi hoàn toàn và tất cả bệnh nhân phong đều được Tổ chức Y tế thế giới điều trị miễn phí.
Sinh thiết da giúp chẩn đoán bệnh phong
Biện pháp điều trị phong tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải ở từng bệnh nhân. Trường hợp nhiễm trùng thường điều trị bằng kháng sinh dài hạn kết hợp 2 hoặc kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh trong thời gian 6 tháng - 1 năm. Bệnh nhân phong có dấu hiệu nặng thì thời gian dùng thuốc kháng sinh sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không có khả năng điều trị dây thần kinh đã bị tổn thương.
Các loại thuốc chống viêm Steroid chủ yếu được dùng với mục đích kiểm soát tổn thương liên quan đến bệnh và đau dây thần kinh. Ngoài ra, thuốc ức chế miễn dịch Thalidomide cũng có thể được dùng để điều trị nốt u trên da nhưng thuốc gây ra các dị tật bẩm sinh đe dọa đến tính mạng nên chống chỉ định tuyệt đối với người sắp mang thai hoặc thai phụ.
Bệnh phong hiện nay đã có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và áp dụng đúng biện pháp. Vì thế, ngay khi nghi ngờ dấu hiệu của bệnh cần đến gặp bác sĩ da liễu ngay để được bảo vệ tốt nhất, tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh. Nếu cần tìm hiểu thêm bất kỳ điều gì về bệnh lý này, bạn đọc có thể gọi đến số điện thoại 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!