Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ? Có thể phòng ngừa không?
- 14/04/2022 | So sánh tiểu đường type 1 và type 2 khác nhau ở điểm nào?
- 05/05/2023 | Bệnh tiểu đường type 1: nguyên nhân và biến chứng cần thận trọng
- 17/07/2025 | Hướng dẫn cách tính liều tiêm insulin cho bệnh nhân tiểu đường
1. Bệnh tiểu đường type 1 là gì?
Tiểu đường type 1 là bệnh xảy ra do tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất rất ít insulin nên cơ thể bị thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Insulin có nhiệm vụ đưa glucose trong máu vào trong các tế bào để tạo ra năng lượng cho các hoạt động sống. Thiếu insulin khiến cho glucose trong máu không thể đi vào tế bào được nên tế bào bị bỏ đói, glucose tích tụ lại trong máu. Theo thời gian, đường huyết tăng lên, người bệnh có nguy cơ gặp phải biến chứng của tiểu đường type 1.
Hình ảnh mô phỏng cơ chế bệnh sinh tiểu đường type 1
2. Bệnh tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ? Có thể chữa khỏi không?
2.1. Bệnh tiểu đường type 1 nặng hay nhẹ?
Khi so sánh với Bệnh tiểu đường type 2, nhiều người đặt ra câu hỏi: tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ. Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên bạn cần hiểu bản chất của tiểu đường type 1 là gì.
Ở bệnh lý này, tuyến tụy của bệnh nhân không sản xuất được insulin nên cơ thể không có khả năng điều chỉnh đường huyết. Vì thế, bệnh nhân cần được tiêm insulin hàng ngày kết hợp với duy trì chế độ ăn uống, tập luyện nghiêm ngặt để kiểm soát bệnh. Cũng do bệnh nhân cần tiêm bổ sung insulin hàng ngày nên nhiều người cho rằng bệnh lý này nặng hơn so với tiểu đường type 2.
Thực tế cho thấy, tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ không phải do bệnh lý này mà phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh ở từng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, thời gian mắc bệnh,... Trong điều trị tiểu đường type 1, mục tiêu cần đạt được là ổn định đường huyết và giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh biến chứng. Nghiên cứu được thực hiện tại Bulgaria cho thấy tuổi thọ của người bị tiểu đường type 1 ngắn hơn so với type 2 nhưng tỷ lệ biến chứng ở type 1 lại thấp hơn so với type 2.
Tiểu đường type 1 là nhẹ hay nặng phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân
2.2. Có chữa khỏi được bệnh tiểu đường type 1 không?
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn bệnh tiểu đường type 1 do tuyến tụy đã mất hoàn toàn khả năng sản xuất insulin. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh chế độ ăn, lối sống khoa học kết hợp tiêm insulin đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và kiểm soát được biến chứng.
3. Biến chứng gì có thể xảy ra khi bị tiểu đường type 1?
Đối với mỗi bệnh nhân, tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ phụ thuộc rất nhiều vào biến chứng mà họ có thể gặp phải. Nếu bệnh lý này không được kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như:
3.1. Biến chứng cấp tính
Đây là dạng biến chứng xảy ra đột ngột, nguy hiểm tức thì, bao gồm:
- Nhiễm toan ceton do đái tháo đường:
Biến chứng này xảy ra do thiếu insulin nghiêm trọng, cơ thể không thể sử dụng glucose làm năng lượng nên phá hủy chất béo, tạo ra chất độc ceton. Khi ceton tích tụ nhiều trong máu, cơ thể bị nhiễm toan sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa nặng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị hôn mê, thậm chí có nguy cơ tử vong.
- Hạ đường huyết nghiêm trọng:
Khi người bệnh tiêm liều insulin quá cao so với lượng đường huyết thực tế người bệnh sẽ bị hạ đường huyết nghiêm trọng gây hôn mê, co giật, bất tỉnh,... nếu không xử lý nhanh có thể tổn thương não vĩnh viễn.
- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu: ít gặp hơn người bệnh đái tháo đường type 2.
3.2. Biến chứng mạn tính
Biến chứng mạn tính xảy ra khi bị tiểu đường type 1 trong thời gian dài nhưng không được phát hiện để điều trị. Người bệnh có thể bị:
- Biến chứng võng mạc:
Đường huyết cao trong thời gian dài làm tổn thương mao mạch võng mạc, khiến người bệnh nhìn mờ, bị xuất huyết võng mạc, bong võng mạc,... Nếu không điều trị ngay có thể gây mù lòa vĩnh viễn.
- Biến chứng thận:
Thận phải lọc máu liên tục nên nếu đường huyết tăng cao, các tiểu cầu thận sẽ bị tổn thương. Theo thời gian, thận mất dần khả năng lọc chất thải, dẫn đến protein niệu, phù chân, mệt mỏi, huyết áp cao, suy thận mạn,...
- Biến chứng thần kinh ngoại biên:
Đường huyết cao là nguyên nhân gây tổn thương các dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh ở các chi. Điều này khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác nóng rát hoặc tê bì ở bàn chân, đau hoặc mất cảm giác ở chân, đi lại khó khăn, loét da chân, nhiễm trùng, hoại tử,...
- Biến chứng tim mạch:
Người mắc tiểu đường type 1 có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,... Những biến chứng này xảy ra do tăng đường huyết trong thời gian dài làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, tăng triglycerid, cholesterol xấu, rối loạn mỡ máu,...
Nếu không tuân thủ phác đồ điều trị, người bị tiểu đường type 1 có thể gặp biến chứng tim mạch
4. Có phòng ngừa được bệnh tiểu đường type 1 không?
Tiểu đường type 1 là bệnh lý tự miễn nên hiện chưa có phương pháp nào phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, một số biện pháp sau đây có thể giúp giảm nguy cơ khởi phát bệnh hoặc làm chậm tiến trình tổn thương tế bào tụy:
- Nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu giúp cung cấp kháng thể tự nhiên bảo vệ tuyến tụy, tăng khả năng phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tự miễn ở trẻ sơ sinh, trong đó có tiểu đường type 1.
- Xét nghiệm yếu tố di truyền và kháng thể tự miễn nếu có người thân mắc bệnh tiểu đường type 1 để đánh giá nguy cơ, can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, sinh hoạt điều độ, không lạm dụng kháng sinh,... để bảo vệ hệ miễn dịch trước nguy cơ rối loạn.
Những thông tin được đề cập trên đây cho thấy: tiểu đường type 1 là nặng hay nhẹ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện để điều trị bệnh. Tuy bệnh lý này tiềm ẩn nhiều biến chứng nhưng nếu chủ động điều trị đúng phác đồ, người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống bình thường.
Nếu phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm của tiểu đường type 1 như: tiểu nhiều lần, sụt cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên khát nước, mệt mỏi,... quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!