Tin tức

Hướng dẫn cách tính liều tiêm insulin cho bệnh nhân tiểu đường

Ngày 17/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Đối với người mắc tiểu đường, việc nắm vững cách tính liều tiêm insulin là rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh. Vậy cách tính liều tiêm insulin như thế nào cho đúng? Cần lưu ý gì khi thực hiện? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây

1. Vai trò của insulin trong điều trị bệnh tiểu đường

Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò điều chỉnh mức đường huyết trong cơ thể. Khi chúng ta ăn, các thực phẩm chứa carbohydrate sẽ được chuyển hóa thành glucose, làm tăng mức đường huyết. Để duy trì mức đường huyết ổn định, insulin giúp chuyển glucose từ máu vào các tế bào trong cơ thể để sử dụng làm năng lượng.

Ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin (tiểu đường type 1) hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả (tiểu đường type 2). Trong cả hai trường hợp, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.

Insulin là loại hormone quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường

Insulin là loại hormone quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường 

Việc sử dụng insulin trong điều trị tiểu đường giúp bệnh nhân kiểm soát được lượng đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy thận, mù lòa và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, để việc tiêm insulin đạt hiệu quả, bệnh nhân cần biết cách tính liều tiêm insulin chính xác và thực hiện đúng kỹ thuật.

2. Hướng dẫn cách tính liều tiêm insulin cho bệnh nhân tiểu đường

Việc tính chính xác liều tiêm insulin là cực kỳ quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định đường huyết và hiệu quả điều trị. Một liều insulin phù hợp giúp duy trì mức glucose an toàn, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, tổn thương tim mạch, thần kinh hay thị lực. Đồng thời, nó giúp cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện chất lượng sống. Vì mỗi người phản ứng với insulin khác nhau, do đó việc điều chỉnh liều lượng insulin sao cho phù hợp với từng cá nhân là cần thiết để đạt được kết quả điều trị tối ưu.

Theo ADA 2024, thông thường đối với người đái tháo đường type 1, liều lượng insulin ước tính khoảng 0,4 - 1 đơn vị/ kg cân nặng/ ngày. Đối với người bệnh đái tháo đường typ 2, nếu điều trị với insulin nền thì có thể lựa chọn điều ban đầu là 0,1 -0,2 đơn vị/ kg/ ngày. 

Nếu cần tăng cường liều bolus cho các bữa ăn thì tổng liều thường khoảng 0,4 - 0,6 đơn vị/ kg/ ngày. Tuy nhiên, liều này không cố định mà cần điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe, đặc biệt là ở người cao tuổi trên 70 hoặc bệnh nhân có suy thận. 

Sau khi xác định được tổng liều insulin mỗi ngày, liều này sẽ được chia làm hai phần: insulin nền (Basal) và insulin tăng cường (Bolus). Insulin nền chiếm khoảng một nửa TDI, thường tiêm vào buổi tối (khoảng 9h tối) để giữ đường huyết ổn định khi không ăn. Nửa còn lại chia đều thành ba liều insulin tăng cường, tiêm trước ba bữa chính 5-30 phút (tùy loại insulin), nhằm xử lý lượng đường từ thức ăn. Ngoài ra, nếu đường huyết vẫn cao, có thể thêm insulin hiệu chỉnh (Correction Insulin) - thường tăng khoảng 1 đơn vị cho mỗi 2.8 mmol/L vượt ngưỡng mục tiêu (trên 8.3 mmol/L).

Bệnh nhân tiểu đường cần nắm rõ cách tính liều tiêm insulin

Bệnh nhân tiểu đường cần nắm rõ cách tính liều tiêm insulin

Người bệnh cần đo đường huyết lúc đói và sau ăn để kịp thời tăng/giảm liều nền hoặc trước ăn sao cho giữ đường huyết trong khoảng an toàn (4.4 – 10 mmol/L). Khi xuất hiện dấu hiệu hạ đường huyết như run tay, lơ mơ, cần xử lý nhanh để tránh biến chứng nặng. 

3. Những lưu ý quan trọng khi tính và tiêm insulin

Bên cạnh việc hiểu rõ cách tính liều tiêm insulin, để đảm bảo an toàn và hiệu quả người bệnh cần lưu ý những điều quan trọng sau đây

Tham khảo ý kiến bác sĩ

Việc tính toán và điều chỉnh liều insulin cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Mỗi bệnh nhân tiểu đường có nhu cầu khác nhau, vì vậy không có một công thức cố định áp dụng cho tất cả mọi người. Người bệnh cần phải tiêm theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý tính liều và tự tiêm vì có thể gây hạ đường huyết nguy hiểm.

Cách tính liều tiêm insulin và điều chỉnh khi cần thiết cần có sự hướng dẫn của bác sĩ

Cách tính liều tiêm insulin và điều chỉnh khi cần thiết cần có sự hướng dẫn của bác sĩ 

Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Để đảm bảo rằng liều insulin của bạn đang hiệu quả, bạn cần kiểm tra mức đường huyết thường xuyên, ít nhất là 3-4 lần mỗi ngày. Điều này giúp bạn điều chỉnh liều insulin nếu cần thiết và tránh tình trạng đường huyết quá cao hoặc quá thấp.

Kỹ thuật tiêm đúng cách

  • Vị trí tiêm: Insulin thường được tiêm dưới da ở vùng bụng, đùi, cánh tay hoặc mông. Thay đổi vị trí tiêm thường xuyên để tránh xơ hóa mô mỡ;
  • Góc tiêm: Thường là 90 độ. Với những người gầy, có thể tiêm góc 45 độ để tránh tiêm vào cơ;
  • Kiểm tra và bảo quản insulin: Luôn kiểm tra hạn sử dụng và bảo quản insulin đúng cách (trong tủ lạnh, tránh ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ cao);
  • Kim tiêm: Sử dụng kim tiêm mới mỗi lần để đảm bảo vô trùng và giảm đau.

Điều chỉnh liều insulin khi cần thiết

Tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống và mức độ vận động có thể thay đổi theo thời gian, do đó, bạn cần điều chỉnh liều insulin phù hợp. Đặc biệt, khi bị bệnh, căng thẳng, hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều cho phù hợp.

Xử lý với tình trạng hạ đường huyết

Hạ đường huyết là một biến chứng thường gặp khi tiêm insulin quá liều hoặc không phù hợp với chế độ ăn/tập luyện. Các triệu chứng bao gồm đói cồn cào, run rẩy, vã mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, lú lẫn. Nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết sớm và có kế hoạch xử lý kịp thời.

Với những hướng dẫn chi tiết về cách tính liều tiêm insulin nêu trên hy vọng mang đến cho bạn đọc, đặc biệt là người bệnh tiểu đường những thông tin y học bổ ích. Việc sử dụng insulin đúng liều, đúng thời điểm không chỉ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả mà còn hạn chế nguy cơ hạ đường huyết, biến chứng cấp và mạn tính. Tuy nhiên, mỗi cơ địa và tình trạng bệnh lý là khác nhau, vì vậy việc điều chỉnh liều insulin cần có sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay, MEDLATEC đáp ứng việc chẩn đoán, điều trị bệnh lý tiểu đường một cách hiệu quả. Đặc biệt, đơn vị cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi giúp người bệnh theo dõi đường huyết tại nhà tiện lợi, nhanh chóng. Nếu bạn còn băn khoăn về cách sử dụng insulin cần được tư vấn và giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời và chính xác từ đội ngũ chuyên gia nội tiết giàu kinh nghiệm.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ