Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh tim bẩm sinh - Những điều cha mẹ cần lưu ý
- 24/05/2021 | Tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh nâng cao hiệu quả điều trị
- 02/04/2021 | Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu và chế độ chăm sóc khoa học
- 04/01/2022 | Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh cha mẹ cần biết
1. Như thế nào là bị bệnh tim bẩm sinh?
Bệnh tim bẩm sinh là thuật ngữ dùng để chỉ những dị tật xảy ra ở van tim, cơ tim, buồng tim từ giai đoạn bào thai và tồn tại đến sau sinh. Nó khiến cho một vài cấu trúc tim bị khiếm khuyết nên chức năng và hoạt động của tim không được như bình thường.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị tim bẩm sinh là gì, làm sao để nhận biết?
2.1. Nguyên nhân thai nhi bị tim tim bẩm sinh là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân thai nhi bị tim bẩm sinh, điển hình là:
- Di truyền
Yếu tố này được xem là căn nguyên lớn nhất gây ra bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Nếu trong gia đình của trẻ có bố, mẹ hoặc người thân mắc bệnh tim bẩm sinh thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với trẻ bình thường.
- Nhiễm bệnh và nhiễm độc trong thai kỳ
Trong suốt thai kỳ, nếu người mẹ dùng chất kích thích hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể khiến trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Bên cạnh đó, việc thai phụ thường xuyên tiếp xúc với tia X, chất phóng xạ, sống ở môi trường độc hại,... cũng dễ bị nhiễm độc thai kỳ và kết quả là trẻ sinh ra mắc dị tật tim bẩm sinh.
Ngoài ra, nhiều thai phụ không biết lý do con mắc bệnh tim bẩm sinh là gì trong khi thực tế 3 tháng đầu thai kỳ họ bị nhiễm Cytomegalo, Herpes, Rubella,… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây chính là những tác nhân góp phần gây tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Mặt khác, nếu người mẹ bị lupus ban đỏ hệ thống, tiểu đường,… trong thai kỳ thì trẻ cũng có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh.
2.2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tim bẩm sinh
Dấu hiệu tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh chủ yếu gồm: bú ít, cữ bú kéo dài, bú ngắt quãng, thở nhanh, khó thở,... Khi được vài tháng tuổi, các dấu hiệu của bệnh sẽ trở nên rõ rệt hơn như thở khò khè, ho nhiều và thường xuyên, có dấu hiệu tương đối giống bệnh viêm phổi. Không những thế, quan sát trẻ cha mẹ sẽ thấy quá trình phát triển thể chất chậm, hay đổ mồ hôi, lạnh chân tay, xanh xao, môi và đầu ngón tay ngón chân thâm tím,...
Hầu hết các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh thường đi kèm với bệnh lý có liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể, điển hình như: sứt môi, thừa hoặc thiếu ngón, hội chứng Down,… Những trẻ bị mắc hội chứng này cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh (nếu có).
3. Điều trị và tầm soát tim bẩm sinh bằng cách nào?
3.1. Điều trị bệnh tim bẩm sinh
3.1.1. Chẩn đoán bệnh
Có những trẻ bị tim bẩm sinh nhưng không có triệu chứng rõ ràng nên phát hiện bệnh muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Việc điều trị tim bẩm sinh cho trẻ trong những tháng đầu đời là vô cùng cần thiết. Vì thế, hầu hết các trẻ sơ sinh hiện nay, trước khi xuất viện đều được sàng lọc bệnh bằng cách đo độ bão hòa oxy.
Để chẩn đoán trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, khi thăm khám, nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kiểm tra:
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm tim.
- Chụp X-quang vùng ngực.
- Chụp CT cắt lớp hoặc chụp MRI tim
3.1.2. Phương pháp điều trị bệnh
Việc điều trị tim bẩm sinh cho từng trẻ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra mà bác sĩ nhận được. Thường sẽ áp dụng các biện pháp như:
- Dùng thuốc
Phương pháp này chủ yếu áp dụng với các trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh không triệu chứng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc điều trị loạn nhịp tim, suy tim,... trong thời gian ngắn hoặc dài. Trẻ cần được theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ.
- Can thiệp qua da
Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ và dài qua các mạch máu dẫn đến tim nhằm đo đạc thông số hoặc dùng giá đỡ, nong các van hẹp, bít các luồng thông bất thường, thay van động mạch phổi qua da,... Phương pháp điều trị này không cần mở xương ức, hồi phục nhanh, nguy cơ nhiễm khuẩn thấp, được áp dụng cho các trường hợp hẹp van động mạch phổi, van động mạch chủ; thông liên thất, liên nhĩ;...
- Phẫu thuật tim
Nếu không thể can thiệp qua da, bác sĩ sẽ phẫu thuật với những cấp độ khác nhau để mở rộng phần hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch phổi, đóng các lỗ thông.
- Ghép tim
Với những dị tật tim bẩm sinh quá phức tạp, nếu điều kiện cho phép, bác sĩ sẽ tiến hành ghép tim. Theo đó, tim của trẻ bị bệnh sẽ được thay thế bằng trái tim khỏe mạnh được hiến tặng.
3.2. Tầm soát tim bẩm sinh
Thực tế hiện nay cho thấy đại đa số trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh không có triệu chứng cụ thể và khi mới sinh trẻ vẫn có vẻ khỏe mạnh. Vì thế, việc tầm soát tim bẩm sinh được khuyến cáo nên thực hiện với tất cả trẻ sơ sinh. Như chúng tôi đã nói ở trên, hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện việc tầm soát bằng cách đo độ bão hòa oxy trước khi trẻ xuất viện, sau ít nhất 24 giờ tuổi. Trường hợp trẻ sinh non, việc này nên diễn ra khi tình trạng y khoa cho phép.
Theo đó, một máy đo độ bão hòa oxy có cảm biến sẽ được kẹp ở ngón tay hoặc ngón chân của trẻ. Thao tác này chỉ diễn ra khoảng vài phút và hoàn toàn không gây ra đau đớn. Nếu kết quả thu được ≥ 95% thì không cần đánh giá bổ sung trừ trường hợp trẻ có dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh. Nếu kết quả < 90% thì trẻ cần tiến hành đánh giá bổ sung. Nếu kết quả < 95% hoặc trong 3 lần đo liên tiếp có sự chênh lệch > 3% giữa bàn chân và bàn tay thì trẻ cũng cần được thực hiện đánh giá bổ sung.
Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp cha mẹ có được những thông tin hữu ích về bệnh tim bẩm sinh và biết cách chủ động tầm soát bệnh lý này. Mọi thắc mắc có liên quan đến bệnh, quý khách hàng có thể liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cung cấp những giải đáp xác đáng và cần thiết.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!