Các tin tức tại MEDlatec
Bướu cổ lành tính: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
- 30/10/2024 | Những cách trị bướu cổ tại nhà và lời khuyên cho bạn
- 05/12/2024 | Bướu cổ ở trẻ em: Những điều cha mẹ nên biết để giúp con phòng ngừa hiệu quả
- 20/03/2025 | Mổ bướu cổ nằm viện bao lâu? Cần lưu ý gì khi phẫu thuật bướu cổ?
1. Nguyên nhân hình thành bướu cổ lành tính
bướu cổ lành tính là tình trạng tuyến giáp – một tuyến nhỏ hình cánh bướm nằm ở vùng cổ trước phát triển to ra nhưng không liên quan đến ung thư hay các tế bào ác tính. Tuyến giáp chịu trách nhiệm tạo ra hormone giúp điều tiết quá trình chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt, nhịp tim và hỗ trợ nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể.
Bướu cổ lành tính là tình trạng tuyến giáp phình to nhưng không phải là ung thư hay tế bào ác tính
Trong trường hợp lành tính, bướu có thể tồn tại dưới dạng:
- Bướu giáp đơn thuần (không có nhân);
- Bướu giáp nhân lành tính (có một hoặc nhiều nhân bên trong);
- Bướu giáp lan tỏa.
Mặc dù không phải là ung thư, nhưng bướu cổ lành tính vẫn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như cảm giác vướng cổ, khó nuốt, khàn tiếng hoặc khó thở nếu bướu lớn chèn ép khí quản hoặc thực quản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành bướu cổ lành tính, trong đó phổ biến nhất bao gồm:
- Thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống: I-ốt là nguyên tố cần thiết cho hoạt động sản xuất các hormon giáp. Khi chế độ ăn thiếu i-ốt, hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm hiệu quả chức năng của tuyến này. Trong tình huống đó, cơ thể sẽ gửi tín hiệu đến tuyến yên để tăng tiết hormone TSH nhằm thúc đẩy tuyến giáp sản sinh thêm hormone, từ đó làm thay đổi cấu trúc của tuyến giáp;
- Rối loạn tự miễn: Bệnh Graves là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tạo ra một loại protein tương tự hormone TSH, kích thích tuyến giáp tiết ra lượng hormone vượt mức bình thường. Hiện tượng này khiến tuyến giáp phát triển to hơn đồng thời hoạt động quá mức (cường giáp), dẫn đến sự xuất hiện của bướu cổ;
- Nhân giáp: Sự phát triển không đồng đều của các tế bào tuyến giáp sẽ tạo thành khối u và hầu hết là bướu lành tính;
- Thai kỳ: Khi mang thai, cơ thể người mẹ tạo ra hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH), có thể làm tuyến giáp hoạt động mạnh hơn, dẫn đến sự phì đại và xuất hiện bướu cổ lành tính;
- Phụ nữ và yếu tố di truyền: Phụ nữ, đặc biệt là trên 40 tuổi hoặc trong thời kỳ mang thai và mãn kinh, dễ bị các vấn đề về tuyến giáp. Nguy cơ này còn tăng lên ở những người có tiền sử gia đình mắc bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp;
- Sử dụng thuốc: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi sử dụng một số loại thuốc như Amiodarone, Pacerone, Lithobid...
2. Chẩn đoán và điều trị bướu cổ lành tính
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bướu cổ lành tính thường bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng cổ để phát hiện sự phình to của tuyến giáp;
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mức độ hormone tuyến giáp trong máu;
- Siêu âm tuyến giáp: Áp dụng sóng siêu âm để hình thành hình ảnh của tuyến giáp, hỗ trợ đánh giá kích thước và tính chất của khối bướu;
Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật quan trọng trong chẩn đoán tình trạng bướu cổ
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ bướu để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Điều trị
Phương pháp điều trị bướu cổ lành tính phụ thuộc vào kích thước bướu, triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp:
- Theo dõi định kỳ: Đối với bướu nhỏ, không gây triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi mà không cần điều trị ngay;
- Điều trị nội khoa: Dùng thuốc điều hòa tuyến giáp nhằm cân bằng lượng hormone trong cơ thể về mức ổn định;
- Đốt sóng cao tần: Sử dụng sóng cao tần để điều trị các khối u - bướu gây triệu chứng khó chịu mà không cần phẫu thuật;
- Phẫu thuật: Khi bướu giáp tăng kích thước đáng kể, gây cản trở việc nuốt, khó thở hoặc ảnh hưởng đến ngoại hình, việc phẫu thuật có thể là lựa chọn phù hợp.
3. Cách phòng ngừa bướu cổ lành tính
Phòng ngừa bướu cổ lành tính là một phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe tuyến giáp. Một số biện pháp hiệu quả bao gồm:
- Bổ sung i-ốt đầy đủ: Sử dụng muối i-ốt trong chế biến món ăn và tiêu thụ các thực phẩm giàu i-ốt như hải sản, sữa và trứng. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có chứa nhiều chất ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp như măng, rau cải.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đặc biệt là đối với phụ nữ sau tuổi 40, để phát hiện sớm các vấn đề về tuyến giáp;
- Giữ tinh thần ổn định, hạn chế căng thẳng: Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng nội tiết, bao gồm cả tuyến giáp. Tập thể dục, thiền và ngủ đủ giấc giúp ổn định hormone và nâng cao sức khỏe tổng thể;
Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng để phòng ngừa bướu cổ
- Duy trì lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và giữ cân nặng hợp lý.
- Tránh sử dụng thuốc không cần thiết: Hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ.
- Tránh tiếp xúc không cần thiết với bức xạ: Nếu bạn phải chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh có sử dụng bức xạ ở vùng cổ, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng tấm chắn bảo vệ tuyến giáp.
Tóm lại, bướu cổ lành tính là một tình trạng phổ biến và thường không nguy hiểm nếu được phát hiện và theo dõi kịp thời. Việc hiểu rõ nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tuyến giáp một cách hiệu quả. Hãy duy trì chế độ ăn uống hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo tuyến giáp luôn hoạt động tốt. Nếu bạn đọc có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc tư vấn, có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!