Các tin tức tại MEDlatec
Cách chữa đau mắt đỏ giúp bệnh mau khỏi, tránh biến chứng
- 23/06/2024 | Điều trị và phòng ngừa mộng thịt ở mắt như thế nào?
- 23/06/2024 | Mắt bị tật viễn thị là như thế nào và cách chăm sóc
- 25/06/2024 | Thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ - những lưu ý cần biết trước khi sử dụng
1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là một bệnh lý về mắt rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ người nào. Tên gọi khác của đau mắt đỏ là viêm kết mạc do có hiện tượng nhiễm trùng tại lớp màng trong suốt của kết mạc (lòng trắng mắt).
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường là do nhiễm virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, những tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, hóa chất, lông thú, phấn hoa, mỹ phẩm,… cũng có thể làm bạn bị đau mắt đỏ. Riêng đối với trẻ sơ sinh, tắc tuyến lệ bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây đau mắt đỏ.
Ngoài xác định được nguyên nhân thì bạn cần nắm bắt các triệu chứng của đau mắt đỏ để có cách chữa đau mắt đỏ phù hợp. Các triệu chứng này bao gồm:
- Lòng trắng mắt hoặc ở mí trên, mí dưới mắt bị đỏ.
- Trên lông mi có dịch đóng vảy, khóe mắt có nhiều ghèn.
- Chảy nước mắt kèm theo chảy dịch màu xanh.
- Cảm giác sưng, đau, ngứa và rát ở mắt.
- Mắt nhạy cảm, khó chịu với ánh sáng.
- Nhìn mờ, giảm thị lực tạm thời.
Đau mắt đỏ hiểu đơn giản là hiện tượng nhiễm trùng tại lòng trắng của mắt
2. Top 5 cách chữa đau mắt đỏ
Để bệnh mau khỏi và tránh lây lan cho người khác, bạn có thể áp dụng 5 cách chữa đau mắt đỏ dưới đây.
Chườm ấm cho mắt
Nếu bị đau mắt đỏ kèm cảm giác sưng nóng rát, bạn hãy chườm ấm cho mắt để giảm nhẹ triệu chứng. Cách làm rất đơn giản, đó là nhúng một chiếc khăn sạch vào chậu nước ấm, vắt ráo rồi đặt lên mắt bị đau. Đến khi khăn nguội thì tiếp tục thực hiện lại cho đến khi thấy mắt dễ chịu. Lưu ý là nếu bị đau mắt đỏ ở cả 2 bên mắt thì bạn cần dùng 2 chiếc khăn khác nhau.
Chườm mát cho mắt
Cách chữa đau mắt đỏ này cũng giống với cách trên và cũng mang lại hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, thay vì dùng nước ấm thì bạn có thể dùng nước đá lạnh, lưu ý là đá lạnh phải sạch và nước không quá lạnh để tránh làm mắt bị kích ứng nặng thêm.
Dùng thuốc nhỏ mắt
Để chữa đau mắt đỏ tại nhà, bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt. Đó có thể là nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo không kê đơn. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng thì có thể dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin. Còn đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn hay có nguy cơ bội nhiễm thì dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh.
Để an toàn thì bạn cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt là tuân thủ liều dùng hướng dẫn để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Khi nhỏ thuốc, nên để miệng chai thuốc cách xa mí mắt. Dùng xong thì đậy kín nắp chai thuốc và bảo quản nơi sạch sẽ, thoáng mát.
Cách chữa đau mắt đỏ hiệu quả là dùng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định bác sĩ
Uống thuốc giảm đau
Cách chữa đau mắt đỏ này được áp dụng trong trường hợp mắt sưng đau nhiều, tiết dịch và ghèn, gây khó chịu khi nhắm mắt, mở mắt. Nhưng thường thì bạn không được tự ý dùng thuốc giảm đau hay thuốc kháng viêm, kháng sinh vì chúng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để có chỉ định phù hợp.
Bảo vệ mắt khi ra ngoài
Nếu bị đau mắt đỏ, bạn cần hạn chế ra ngoài để tránh làm triệu chứng thêm nặng cũng như tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Nhưng nếu phải ra ngoài, hãy bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm, đội mũ rộng vành. Lưu ý là không đeo kính áp tròng khi đang điều trị đau mắt đỏ.
3. Đau mắt đỏ khi nào cần đi khám?
Nếu đau mắt đỏ do dị ứng với mức độ nhẹ, áp dụng các cách chữa đau mắt đỏ nói trên thì bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi sau 12 - 24 giờ. Còn đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn thì bệnh có thể kéo dài 1 tuần, đau mắt đỏ do nhiễm virus thì thời gian lâu hơn, từ 10 - 14 ngày.
Với những trường hợp đau mắt đỏ kéo dài kèm theo các triệu chứng dưới đây thì bạn nên chủ động đi khám:
- Đau mắt đỏ do có dị vật mắc kẹt trong mắt không thể tự lấy ra được.
- Đau mắt đỏ nghi do nhiễm vi khuẩn, virus.
- Sau 24 giờ dùng thuốc nhỏ mắt mà triệu chứng vẫn không cải thiện.
- Ngày càng nhìn mờ dù đã lau sạch nước mắt và dịch ở mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Người mệt mỏi và sốt.
- Trẻ sơ sinh đau mắt đỏ không phải do tắc tuyến lệ bẩm sinh.
Đau mắt đỏ kéo dài kèm nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng thì bạn cần đi khám ngay
4. Biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể phòng ngừa dễ dàng bằng những cách đơn giản sau.
- Rửa tay thường xuyên và hạn chế đưa tay chạm mắt để tránh lây lan bụi bẩn, vi khuẩn từ tay sang mắt.
- Vệ sinh không gian sống, phòng ngủ, chăn ga gối nệm, khăn mặt,… để phòng ngừa các tác nhân gây dị ứng cho mắt.
- Những đồ dùng cá nhân như khăn lau, dụng cụ trang điểm, mỹ phẩm, kính mắt, kính áp tròng,… cần được sử dụng riêng.
- Tránh tập trung nơi đông người hay đi bơi ở hồ bơi công cộng vào mùa cao điểm, đang xảy ra dịch bệnh.
Nếu trong nhà có người thân bị đau mắt đỏ thì nên cách ly người bệnh trong phòng riêng. Các đồ dùng cá nhân của người bệnh cần được làm sạch sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra, không cho người bệnh đeo kính áp tròng trong thời gian điều trị đau mắt đỏ. Đặc biệt, đưa người bệnh đi tái khám theo lịch trình của bác sĩ để đảm bảo công tác điều trị mang lại hiệu quả như mong muốn.
Phòng ngừa đau mắt đỏ và bệnh lý về mắt bằng cách đi thăm khám định kỳ
Cách chữa đau mắt đỏ cũng như cách phòng ngừa là không quá khó. Quan trọng là nhận biết các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng cho người bệnh và lây lan cho người khác.
Mọi thắc mắc về bệnh và có nhu cầu thăm khám, điều trị, bạn có thể đến Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!