Các tin tức tại MEDlatec
Cẩm nang mọi điều cần ghi nhớ về bệnh thủy đậu
- 16/03/2020 | Giá vacxin thủy đậu 2020 cập nhật mới nhất
- 28/03/2020 | Bệnh thủy đậu: triệu chứng, điều trị và cách phòng bệnh
- 18/03/2020 | Thủy đậu có lây không và cách phòng ngừa hiệu quả
1. Nhận diện bệnh Thủy đậu
1.1. Thủy đậu là bệnh gì?
Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên ở da. Bệnh khởi phát với các nốt mụn nước nổi trên da và niêm mạc, khiến người bệnh mệt mỏi và sốt cao. Thủy đậu có thể truyền nhiễm từ người này sang người khác với tốc độ lây lan nhanh chóng. Bệnh phát triển trong khoảng 10 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm và có thể khỏi hoàn toàn sau 1 - 2 tuần nếu được điều trị đúng cách.
Virus Varicella Zoster (VZV) gây bệnh thủy đậu
Người đã từng bị thủy đậu rất hiếm khi tái phát bệnh bởi cơ thể sẽ tự tạo miễn dịch với virus gây bệnh. Tuy nhiên, virus Varicella Zoster (VZV) sẽ vẫn tồn tại ở hệ thống rễ dây thần kinh và chờ hệ miễn dịch suy yếu để tái hoạt động gây nên bệnh zona.
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu tiến triển qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu điển hình dễ nhận biết sau đây:
- Giai đoạn ủ bệnh
+ Thời gian: 10 - 20 ngày.
+ Không có dấu hiệu lâm sàng nào nên rất khó nhận biết.
- Giai đoạn khởi phát
+ Nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, trong khoảng 24 - 48 giờ sẽ nổi ban đỏ có đường kính vài milimet.
+ Có thể nổi hạch sau tai và viêm họng.
Trình tự phát triển nốt thủy đậu qua các giai đoạn bệnh
- Giai đoạn toàn phát
+ Sốt cao, đau cơ, đau đầu, nôn mửa, chán ăn.
+ Ban đỏ chuyển sang dạng mụn nước có đường kính 1 - 3mm, bên trong có dịch.
+ Mụn lan ra toàn thân, nhiều nhất ở tay chân, niêm mạc miệng, lưng, gây khó chịu.
+ Nếu nhiễm trùng, kích thước mụn nước sẽ tăng lên, có màu đục vì chứa mủ bên trong.
- Giai đoạn hồi phục
+ Thời gian: 7 - 10 ngày sau khi phát bệnh.
+ Nếu không nhiễm trùng hay biến chứng, mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại, bong vảy.
+ Tại vị trí có mụn nước, sau khi bong vảy da sẽ thâm sạm.
2. Con đường lây truyền và biến chứng của thủy đậu
2.1. Con đường lây truyền
Thủy đậu có thể lây lan trước khi nổi ban đỏ 1 - 2 ngày đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn. Bệnh lây qua nhiều con đường khác nhau:
- Đường hô hấp: thông qua các giọt nước nhỏ bắn ra không khí từ mũi, miệng của người bệnh.
- Tiếp xúc trực tiếp với vật dụng có chất tiết của người bệnh: chăn ga, gối, quần, áo,...
- Tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của bọng nước bị vỡ.
- Từ mẹ sang con với phụ nữ mang thai.
2.2. Biến chứng nguy hiểm do thủy đậu gây ra
Bản chất thủy đậu tương đối lành tính nhưng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều nguy biến chứng nguy hiểm:
- Bội nhiễm, nhiễm trùng
Tại các nốt mụn nước, khi đã nhiễm trùng hoặc bội nhiễm sẽ xảy ra tình trạng xuất huyết bên trong. Nguyên nhân của tình trạng này là do khi mụn nước vỡ, bong tróc không được giữ gìn vệ sinh nên tạo mủ, lở loét.
Viêm phổi do thủy đậu chủ yếu xảy ra với người lớn vào ngày 3 - 5 của bệnh với các hiện tượng: ho nhiều, thở nhanh, tức ngực, khó thở.
Khi không được điều trị đúng cách thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm
- Viêm gan
Đây là biến chứng hiếm gặp và thường không biểu hiện rõ. Đa phần người bệnh chỉ thấy buồn nôn, khó tiêu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch.
- Viêm não, viêm màng não
Biến chứng này xuất hiện sau khi có mụn nước khoảng 1 tuần, nếu không được điều trị ngay sẽ dẫn đến tử vong. Người bệnh thường có các biểu hiện: hôn mê, sốt cao, co giật, rối loạn tri giác,...
- Viêm cầu thận cấp
Khi trở nặng, thủy đậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thận gây ra tình trạng viêm cầu thận cấp, viêm thận với các dấu hiệu điển hình như: suy thận, tiểu ra máu,...
- Đối với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị thủy đậu có thể gây dị tật thai nhi; trường hợp bị thủy đậu 2 ngày sau sinh hoặc 5 ngày trước sinh thai nhi cũng rất dễ lây nhiễm từ mẹ.
- Viêm tai
Nếu thủy đậu mọc trong tai gây viêm loét, lở ngứa thì có thể tiến triển thành bệnh viêm tai.
- Viêm thanh quản
Trường hợp mụn thủy đậu mọc trong khoang hay niêm mạc miệng gây sưng tấy, nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm thanh quản.
- Viêm võng mạc
Khi virus VZV xâm nhập vào giác mạc nó sẽ làm mắt bị tổn thương và dễ bị viêm võng mạc.
- Hội chứng Reye
Nếu trong thời gian bị thủy đậu người bệnh có sử dụng Aspirin sẽ mắc phải Hội chứng Reye - một căn bệnh liên quan đến não và thoái hóa mỡ gan với các biểu hiện: co giật, hôn mê, vàng da, não phù, gan phình to, xuất huyết nội tạng.
3. Một số điều cần lưu ý
3.1. Kiêng kị khi bị thủy đậu
- Tránh tiếp xúc với nhiều người để hạn chế làm lây lan bệnh ra cộng đồng.
- Không chạm hay làm vỡ nốt thủy đậu vì khi vỡ chúng dễ lây lan nhiều hơn, gây nhiễm trùng.
- Kiêng tiếp xúc trực tiếp với gió và nước trong thời gian mắc bệnh vì khi ấy hệ miễn dịch đang yếu, các loại virus dễ xâm nhập vào cơ thể.
3.2. Biện pháp phòng ngừa bệnh
- Dùng khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Người bệnh cần sử dụng vật dụng cá nhân riêng để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không tiếp xúc với người bị thủy đậu.
- Tiêm vacxin phòng ngừa thủy đậu 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 tuần.
Về cơ bản thủy đậu không phải là bệnh nguy hiểm khi được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bệnh rất dễ lây lan nên cần tránh để người bệnh tiếp xúc với nhiều người để bệnh không bùng phát thành dịch. Nếu không thể tự phát hiện chính xác bệnh, tốt nhất nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và hướng dẫn cách xử trí hiệu quả. Hoặc nếu bạn đang băn khoăn, cần được hỗ trợ y tế đối với căn bệnh này, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng đồng hành cùng bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!